Gia đình tôi từ nhiều đời đã sinh sống tại quận Thủ Đức. Từ lúc cả ông nội, bố và các chú công tác tại Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức, chúng tôi dọn về Cư xá Điện Lực gần đấy, trên một gò đất khá cao so với địa hình xung quanh. Những căn biệt thự mini theo kiến trúc Pháp nhỏ nhắn và xinh xắn nép mình dưới những tán cây trồng lâu năm khiến cả khu dân cư trông thật duyên dáng.

Khu chung cư trong Cư xá Điện Lực, Thủ Đức.

Khu chung cư trong Cư xá Điện Lực, Thủ Đức.

Rồi các chú lấy vợ phải dọn ra riêng, mỗi gia đình nhỏ như thế được cấp một căn hộ ở chung cư thấp tầng xây ở cuối cư xá. Chú Út của tôi được cấp một căn chính hướng Tây, chẳng phải lý do phong thủy gì nhưng mọi người trong khu này đều không thích nhà hướng ấy vì nắng chiều rất gắt và nóng hanh.

Ở tầng ba là tầng cao nhất của chung cư thì xung quanh chẳng có nhà hay cây nào phủ bóng. Ấy vậy mà tôi rất thích sang chơi nhà chú, đứng ở ban công là trông thẳng sang đình Trường Thọ.

Đình Trường Thọ năm 2018.

Đình Trường Thọ.

Ngôi đình này đã phải hơn 200 tuổi có lẽ. Không đồ sộ như đình làng Bắc Bộ, đình Trường Thọ là một quần thể kiến trúc gỗ gồm nhiều nhà sát liền nhau theo dáng trùng thềm điệp ốc núp mình dưới những chòm cây sao.

Đình đã được công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia nên dặm nghĩ, giá trị kiến trúc - nghệ thuật là không có gì để bàn cãi. Giá trị tinh thần mà Đình mang lại cho cư dân còn lớn hơn nhiều.

Tôi nhớ ngày mình còn bé, trung thu chẳng khiến mình nô nức bằng Đại lễ Kỳ Yên ở Đình. Các cụ cao tuổi trong phường vận áo dài xanh lam thi hành lễ cầu an và bày tỏ lòng tôn kính đến Thần Thành hoàng và các vị tiền hiền, hậu hiền.

Chúng tôi ngồi ở sân đình chuẩn bị nấu ăn, cắm hoa và bày cỗ. Lúc là trẻ con thì chỉ mong được dịp vui chơi và ăn uống thỏa thích. Giờ đã trưởng thành, trong nhịp sống đô thị hối hả, có được một khoảng lặng dù chỉ là hai ngày thôi quây quần cùng láng giềng chuẩn bị mâm cỗ và hỏi chuyện nhau mang lại cảm giác bình yên mà vui vẻ đến lạ.

Đình Trường Thọ.

Đình Trường Thọ.

Mẹ tôi hàng tháng vẫn hỗ trợ ban phụng sự đình dọn dẹp và chăm cây. Khi cùng nhau hướng về một mục tiêu cộng đồng, người ta cảm thấy gắn bó với chính nơi mình đang sống. Tôi biết không chỉ riêng tôi hay gia đình tôi mà những người hàng xóm cũng cảm chung nỗi niềm đó.

Đình hơn cả một di chỉ tôn giáo hay tín ngưỡng. Đó là không gian sinh hoạt văn hóa và công cộng của chúng tôi trong mọi ngày thường nhật. Buổi sáng các cụ đều đặn đến sân đình tập dưỡng sinh, chiều tối bọn trẻ đến luyện võ cổ truyền. Dạo mát ở đình những ngày oi nồng thì thấy tiết trời dịu hẳn, có quên giờ về cũng thấy an lòng vì ngỡ như thần đình vẫn dõi theo bảo vệ. Mọi người dẫu có chuyện bực dọc đi ngang đình cũng ghé vào để lòng an yên.

Giữa lòng một đô thị gần chục triệu dân như Sài Gòn, ngẫm lại không nhiều những không gian cộng đồng khiến người ta khuây khỏa hay cảm nhận được sự gắn kết, dù được đầu tư và tân trang hơn hẳn mái đình trăm tuổi này. Phố đi bộ Nguyễn Huệ có thể khang trang hơn, hào nhoáng hơn, nhưng chắc chắn cảm giác chen chật trong dòng người mỗi dịp ngắm hoa hay nhọc nhằn tìm một bóng râm để nghỉ chân lại chỉ càng khiến ta thêm khao khát sự tĩnh tại dưới bóng cây rợp mát thinh lặng chốn này.

Đình Trường Thọ

Đình Trường Thọ

Ông bà tôi mỗi lần lên thăm vẫn thở dài, bảo bọn trẻ thời nay thiệt thòi chẳng có tuổi thơ. Tôi nghĩ mình may mắn vì lớn lên trong một cộng đồng kết nối và chúng tôi cùng nhau giữ gìn ký ức của mình qua nhiều thế hệ. Tiếng mõ vang xa hàng dặm, mỗi dịp Lễ Kỳ Yên chưa bao giờ thôi làm tim tôi thổn thức. Chúng tôi ghi nhớ vị trí từng gian thờ và biết rõ về từng phù điêu hay họa tiết trang trí trong đình. Câu chuyện về vị trấn thủ tên Đức khai ấp lập làng và được ghi công lấy tên đặt cho quận Thủ Đức vẫn sẽ luôn được chúng tôi kể lại khi thắp hương bên mộ phần của ông.

Không phải tự nhiên mà chúng ta luôn ra sức giữ gìn những di sản văn hóa - kiến trúc - nghệ thuật, ấy là vì trong từng công trình cổ là hoài niệm và ký ức giúp ta thực sự sống và gắn kết chứ không đơn thuần chỉ là tồn tại qua ngày. Một công trình cổ sống cùng cộng đồng lại càng đáng trân trọng bởi nó là một tác phẩm nghệ thuật vị nhân sinh.

Cộng đồng nơi tôi sống không hề giới hạn sau cánh cổng của Cư xá Điện Lực. Sự tôn kính và tình yêu chúng tôi dành cho Đình lan tỏa rộng khắp cả những khu tạm trú và những phường lân cận. Tôi nhớ trong lần làm dự án Southeast Asian Network Neighborhood ở quận Phú Nhuận, tôi có trò chuyện với những cư dân khu vực phường 13 và 14. Một trong những kết luận sau đợt khảo sát khiến tôi chú ý và nhớ mãi. Đó là những người cảm thấy họ yêu mến khu vực họ đang ở và muốn định cư lâu dài sẽ đầu tư thực sự vào nơi họ sống, họ chỉnh trang nhà cửa kiên cố, họ làm quen và thăm hỏi hàng xóm thân tình, họ tham gia nhiệt tình vào các công tác của khu vực như quét dọn đường phố, phân loại rác, trồng cây xanh…

Khu tạm trú ngoài Cư xá Điện Lực, Thủ Đức.

Khu tạm trú ngoài Cư xá Điện Lực, Thủ Đức.

Họ bảo vệ nơi họ sống như một phần thiết thân trong huyết mạch của chính họ. Tôi cảm nhận được tình yêu dành cho mái đình này từ những cư dân ở khu tạm trú bên ngoài cư xá của chúng tôi và tôi biết là nó rồi sẽ trở thành tình yêu dành cho nơi họ đang sống. Cảm giác muốn gắn bó sẽ ươm mầm trong tim họ và tất cả chúng tôi sẽ luôn cùng nhau bảo vệ những gì mình yêu quý.

Nguyễn Thị Ngọc Hương

Bạn đang đọc bài viết Sợi chỉ đỏ gắn kết cộng đồng giữa đời sống đô thị tại chuyên mục Bài thi viết của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn