Chiều ngày 14/7/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu thị trường, Tư vấn và Xúc tiến đầu tư bất động sản VARS tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư “Đô thị mới đang được hình thành phía Đông TP. Hà Nội, có thực sự tạo hấp lực cho thị trường bất động sản?” kết hợp đánh giá thị trường bất động sản quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), đã chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Xây dựng; PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; các Hiệp hội, Hội có liên quan, các cơ quan báo chí, đài truyền hình và các Doanh nghiệp, nhà đầu tư, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh dịch vụ BĐS trên cả nước.
Giới hạn thị trường
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch VARS nhận định, nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực từ nền kinh tế chung và các vướng mắc nội tại thị trường chưa được giải quyết một cách triệt để. Mặc dù Chính phủ đã thể hiện sự đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc thúc đẩy thị trường BĐS phục hồi bằng việc ban hành các cơ chế, chính sách mới.
Tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ khiến toàn bộ các đối tượng tham gia thị trường BĐS điêu đứng, rã rời mà kéo theo sự trì trệ của nhiều ngành nghề liên quan khác. Khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong thị trường đã đến mức giới hạn. Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt các đối tượng.
Dữ liệu nghiên cứu thị trường BĐS Việt Nam quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023 của VARS cho thấy, thị trường địa ốc quý 2/2023 diễn ra như dự đoán, với những diễn tiến tích cực hơn quý 1 nhưng vẫn cần thêm các động lực mạnh mẽ hơn để có thể tạo sức bật, giúp thị trường sớm “đảo chiều”. Nguồn cung ra thị trường trong quý đạt khoảng 20.000 sản phẩm. Hàng loạt dự án được gia hạn tiến độ, kickoff, tái kickoff,....
Lượng giao dịch trong quý ghi nhận phục hồi nhẹ, đạt khoảng 3.704 giao dịch ( xấp xỉ 18% tổng nguồn cung mở bán mới), tăng hơn 30% so với quý trước nhưng vẫn giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm được giao dịch đều là các sản phẩm có chất lượng xây dựng cao, pháp lý minh bạch với giá thành phù hợp.
Trong đó, 80% lượng giao dịch là căn hộ chung cư có pháp lý “sạch”, phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín. Phát sinh từ cả các khách hàng mua phục vụ nhu cầu ở thực và cả nhà đầu tư.
Lượng giao dịch chỉ có thể bật tăng nếu nguồn cung trên thị trường được cải thiện với nhiều sản phẩm đa dạng, với mức giá phù hợp với thu nhập trung bình cũng như tài sản đã tích lũy của đại đa số người dân. Nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính do tình hình kinh tế chung, bị chôn vốn ở các dự án trước đó trong khi điều kiện vay mua ngày càng siết chặt.
Dữ liệu của VARS cũng cho thấy, giá BĐS nhà ở thứ cấp, đặc biệt là sản phẩm đất nền trong dân có sự phân hóa theo phân khúc giá. Dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu thực, có giá dưới 2 tỷ đồng/sản phẩm, ghi nhận mức giá tăng khoảng 5-7% so với quý trước, một số khu vực ghi nhận hàng trăm giao dịch thành công. Phân khúc căn hộ chung cư tiếp tục tăng cao với nhu cầu thuê, mua tăng vọt, nhất là ở phân khúc bình dân và trung cấp. Trong khi các sản phẩm cao cấp, đầu tư giá tiếp tục có sự điều chỉnh giảm, 20-30% so với đỉnh sốt với tốc độ thanh khoản chậm, đây vẫn là mức giá “cắt lãi" khi mua trực tiếp từ chủ đầu tư của các nhà đầu tư trung, dài hạn.
Khu vực phía Đông Hà Nội: Tọa độ mới của BĐS Thủ đô
Bên cạnh tổng kết, đánh giá thị trường bất động sản trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023, tại Hội nghị, các chuyên gia kinh tế, bất động sản cùng nhau đánh giá về các thông tin liên quan đến quy hoạch cũng như hạ tầng giao thông khu vực phía Đông TP Hà Nội. Đồng thời, các cơ chế, chính sách phát triển thị trường BĐS khu vực này cũng được các chuyên gia đặt ra. Trong đó khẳng định khu vực phía Đông Hà Nội đang là điểm sáng của thị trường, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư với nhiều tiềm năng, dư địa phát triển.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, trong vòng 5 năm qua, thị trường BĐS khu vực phía Đông đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, được rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tiếp cận, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Các dự án đại đô thị chú trọng cảnh quan, môi trường sống gắn liền với tiện ích của cư dân cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng góp phần tạo nên một diện mạo mới, tạo ra sự sôi động cho thị trường BĐS khu vực phía Đông Thủ đô. Sở hữu nhiều lợi thế để phát triển BĐS cùng lịch sử tăng giá ấn tượng của các dự án BĐS đang hiện hữu, khu vực phía Đông sẽ là tọa độ mới của thị trường BĐS thủ đô trong tương lai.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, thời điểm mà Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội là lúc khu Tây trở mình phát triển mạnh mẽ. Thời điểm đó, khu vực phía Đông vẫn là vùng “ngăn sông cách trở", đối diện là đồng bằng, chưa được phát lộ.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, khu Đông đang trên hành trình vươn lên trở thành thị trường nhiều tiềm năng, hứa hẹn sẽ là vùng trũng thu hút đông đảo nhà đầu tư đổ về.
Lý giải nguyên nhân, vị chuyên gia cho biết, khu Đông của Hà Nội có tầm nhìn phát triển khác biệt, hướng đến sự phát triển bền vững, đồng bộ chứ không “thời vụ, chộp giật". Đặc biệt, khu Đông đang được ưu ái đẩy mạnh phát triển hạ tầng, huyện Gia Lâm sẽ lên quận vào thời điểm cuối năm.
“Nhận diện một cách thẳng thắn, phía Đông sẽ nhanh chóng tăng tốc trở thành điểm đến lý tưởng trên bản đồ đầu tư tại thị trường BĐS Hà Nội. Tọa độ phía Đông định hình chuẩn mức đô thị hiện đại cho thủ đô, rộng ra là vùng trọng điểm Bắc Bộ và cả nước”, PGS. TS Trần Đình Thiên khẳng định.
Đồng quan điểm, trong phần trình bày về thực trạng và dự báo thị trường bất động sản khu vực phát triển Đô thị phía Đông thành phố Hà Nội, ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và phát triển BĐS SGO Homes, thành viên Tổ công tác thị trường VARS cho biết, trước đây, giai đoạn từ năm 2008-2018, khi nói đến thị trường BĐS Hà Nội, nhà đầu tư chỉ nhắc đến khu vực phía Tây và Bắc thành phố. Trong vòng 5 năm trở lại đây, thị trường BĐS khu vực phía Đông Hà Nội chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ với hàng loạt các dự án đại đô thị “all in one" đẳng cấp cùng với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Trước năm 2020, lực cầu chủ yếu là cầu đầu tư thì từ năm 2020, xuất hiện nhiều hơn đối tượng khách hàng mua để ở. Thời gian tới, đô thị khu vực phía Đông Hà Nội sẽ đón nhận lực cầu mạnh mẽ từ làn sóng dịch chuyển dân cư từ khu vực trung tâm HN, vốn đã bị quá tải với quỹ đất cạn kiệt. Sự lựa chọn ưu tiên của các tầng lớp, chuyên gia trí thức ở các tỉnh thành gắn với phát triển CN xung quanh đáp ứng nhu cầu về nơi ở cao cấp ở khu
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch VARS cũng nhận định: “Không phải Đông hay Tây mà ở đâu có sự đầu tư bài bản về hạ tầng giao thông, tư duy phát triển hiện đại, quỹ đất còn dồi dào thì ở đó sẽ thu hút sự phát triển của các nhà đầu tư. Và khu Đông chính là khu vực có những lợi thế đó.”
Dưới góc độ doanh nghiệp phát triển dịch vụ BĐS, bà Vũ Hà Thu, Phó Tổng giám đốc Newstarland cho biết, hiện nay, người dân không còn quan trọng khoảng cách bao xa mà người dân quan trọng di chuyển bao lâu. Vì vậy, dù là vùng ven Thủ đô nhưng được quy hoạch đồng bộ về hạ tầng, thì người dân vẫn sẽ đổ về sinh sống đơn cử như các quận, huyện phía Đông Thủ đô.
Kết luận tại hội nghị, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS nhận định, dù thị trường BĐS đang còn nhiều khó khăn trong 6 tháng cuối năm nhưng cơ hội và triển vọng hồi phục vẫn còn. Đặc biệt là những khu vực đang còn nhiều dư địa phát triển, có hạ tầng được chú trọng đầu tư, quy hoạch, mặt bằng giá chưa cao như khu vực phía Đông Thủ đô.
Vì vậy, thị trường rất cần sự chung tay của các chủ thể từ Chính phủ đến chủ đầu tư, đến nhà đầu tư để đưa niềm tin của thị trường ngày càng nhiều hơn.
Một số hình ảnh tại hội nghị:
Tùng Dương