Dự Hội nghị, về phía lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) có TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chủ trì. Cùng dự có ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực thứ hai Hiệp hội Bất động sản Việt Nam,... Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, có ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên và đại diện các doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên.

Các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án bất động sản chia sẻ về khó khăn trong tỉnh hiện nay. (Ảnh: Tùng Dương)

Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Văn Khôi chia sẻ, Hiệp hội sẽ lắng nghe những khó khăn, vướng mắc từ các dự án của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên. Dựa trên những điều "mắt thấy tai nghe" từ những kiến nghị, đề xuất này sẽ ghi nhận và kiến nghị một cách xác đáng, mạnh mẽ với Chính phủ, Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh bất động sản.

Cũng như các đô thị khác, Thái Nguyên hiện nay có các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản do nhà đầu tư tư nhân thực hiện, với sản phẩm là: căn hộ chung cư, shophouse, nhà phố, biệt thự liền kề và một số dự án được phân lô bán nền. Bất động sản khu công nghiệp ở Thái Nguyên cũng có nguồn cung khá. Bất động sản nghỉ dưỡng tập trung các dự án lớn ở khu vực Hồ Núi Cốc với các nhà đầu tư lớn, có tên tuổi nhưng đa phần chưa triển khai.

Ngoài ra, còn có bất động sản là quyền sử dụng đất do Nhà nước đấu giá tại các dự án khu dân cư, bất động sản là nhà, đất do người dân tự giao dịch hoặc thông qua môi giới. Thái Nguyên cũng có 3 sàn giao dịch bất động sản nhưng hầu như không hoạt động trong thời gian gần đây.

Về chủ đầu tư dự án bất động sản, Thái Nguyên chỉ có trên 10 doanh nghiệp địa phương làm chủ đầu tư (dự án khu công nghiệp, khu dân cư), còn lại các dự án lớn ở Thái Nguyên đa phần do các chủ đầu tư tỉnh ngoài thực hiện. Thái Nguyên có Câu lạc bộ Bất động sản trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, tập trung hội viên là các doanh nghiệp, cá nhân môi giới bất động sản.

Từ cuối năm 2022 đến nay, tình hình kinh doanh bất động sản ở Thái Nguyên rất khó khăn, phản ánh tình trạng chung của ngành hiện nay. Thị trường đóng băng, khó tiếp cận đòn bẩy tài chính, nếu tiếp cận được thì lãi suất cao. Đa số dự án đang triển khai đều ở tình trạng "chờ đợi" để tháo gỡ vướng mắc về pháp lý dự án.

TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tại buổi làm việc.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án bất động sản chia sẻ về khó khăn trong tỉnh hiện nay:

Một là, vướng mắc pháp lý: Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2018, các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án khu dân cư/chủ đầu tư hạ tầng khu dân cư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đã hoàn thành một số hạng mục của dự án, có nơi đã bàn giao đất cho người mua; nhưng từ năm 2018 đến nay, các dự án này ách tắc không thể tiếp tục triển khai.

Lý do: Mặc dù đã được các sở ban ngành, cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh tham mưu, nhiều lần rà soát, thẩm định pháp lý các dự án nhưng đến nay vẫn chưa quyết định được cơ sở pháp lý để nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án và giao đất cho nhà đầu tư.

Hai là, khó khăn về tài chính. Do dự án không bán được, dòng tiền không có. Bên cạnh đó, 2 kênh dẫn vốn quan trọng nhất của dự án bất động sản là trái phiếu doanh nghiệp và vốn vay ngân hàng, đều rất khó tiếp cận. Lãi suất ngân hàng tăng cao, khiến doanh nghiệp "cầm cự" rất khó khăn, có nguy cơ thua lỗ (đa phần các chủ đầu tư còn cầm cự được là nhận hỗ trợ từ các hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp).

Ba là, khó khăn về thị trường, đây là khó khăn chung của ngành kinh doanh bất động sản cả nước thời gian này.

Tiếp thu kiến nghị của HHDN tỉnh đề nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, thực hiện các công điện, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã lập các đoàn công tác để rà soát, phân loại các dự án nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về việc từng dự án được tháo gỡ như thế nào. Gần đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Quyết định 1021/QĐ-UBND ngày 11/5/2023).

Sau khi lắng nghe những ý kiến về khó khăn của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang vướng mắc, TS. Nguyễn Văn Khôi cũng đã nêu ra các vấn đề:

Thứ nhất, đối với các dự án nói chung, đặc biệt 50 dự án đang vướng mắc. Trước hết, các doanh nghiệp và Ban pháp chế của Hiệp hội cần tổng hợp để nắm thực trạng, phân theo từng bất cập về pháp lý, quy trình,... đồng thời có ý kiến cụ thể của đại diện các doanh nghiệp, chủ đầu tư theo từng dự án. Sau đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên sẽ trình lên UBND tỉnh Thái Nguyên và gửi cho VNREA. Từ đó, VNREA sẽ giao cho Ban pháp chế phối hợp với Ban pháp chế của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên có kiến nghị lên các Bộ ngành, Chính phủ để tháo gỡ, giải quyết.

Thứ hai, sau khi tổng hợp, có những bất cập từ doanh nghiệp cũng như các ngành cần có kiến nghị với tỉnh để thanh kiểm tra từng dự án, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, trong việc này quan trọng vẫn là ý kiến từ các doanh nghiệp và Ban pháp chế của hiệp hội kiến nghị cụ thể, thực tế.

Thứ ba, những dự án cụ thể trước mắt, doanh nghiệp gửi văn bản tóm tắt dự án để Hiệp hội nghiên cứu. Gần đây, Chính phủ đã có những nghị định, nghị quyết và công điện chỉ đạo tháo gỡ từng phần một. Chúng ta hãy bám sát từng nghị định, công điện đó để vận dụng vào dự án.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên chia sẻ về khó khăn trong tỉnh hiện nay.

Thứ tư, hiện có rất nhiều phân khúc bất động sản khác như: bất động sản công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, du lịch,… Do vậy, hầu hết bất động sản đều liên quan tất cả các ngành. Trong bối cảnh hiện tại, ý kiến của các doanh nghiệp đề xuất và góc độ của VNREA thấy rằng lợi thế của Thái Nguyên ngoài việc khai thác bất động sản nhà ở thì cần đồng hành cùng Chính phủ phục vụ nhu cầu của người lao động cũng như nhân dân, đó là lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Chúng ta cần kiến nghị thành phố, tỉnh nghiên cứu đề xuất hoặc nhận đấu thầu dự án nhà ở xã hội để triển khai. Trong thời gian vừa qua, có quá nhiều ưu đãi nhà ở xã hội, VNREA thay mặt cho các doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục kiến nghị để nhanh chóng bắt tay cùng địa phương phát triển nhà ở xã hội phù hợp nhu cầu thiết yếu của đại đa số người dân.

Tiếp đến là phát triển phân khúc bất động sản du lịch nông nghiệp, vì đây là phân khúc tiềm năng mới trong thời điểm hiện nay. Mở ra phân khúc bất động sản này chính là thực hiện du lịch và cũng chính là thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 tại Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định rất rõ.

Thứ năm, thống nhất chủ trương sẽ thành lập Hội Bất động sản của Thái Nguyên, để có những thông tin đồng nhất vào tháo gỡ kịp thời.

Thứ sáu, vấn đề môi giới. Tháng 12 và tháng 2/2023, Chính phủ đã ra 2 nghị định là Nghị định 16 và Nghị định 02, trong đó điều 49, 50 xử phạt vi phạm với môi giới theo mẫu quy chuẩn, tiêu chuẩn cho sàn. Như vậy, vấn đề còn lại là địa phương phân cho ngành vào thanh kiểm tra để giải quyết tình trạng thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin đối với thị trường bất động sản.

Thứ bảy, nội dung hợp tác giữa 2 Hiệp hội.Thống nhất giao cho bộ phận giúp việc sẽ lên nội dung hợp tác giữa 2 bên trong thời gian tới, đồng hành cùng nhau nhằm thúc đẩy tháo gỡ những khó khăn để phát triển thị trường bất động sản.

Thứ tám, kiến nghị 2 Hiệp hội cần phối hợp để báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tổ chức sự kiện, xúc tiến đầu tư kêu gọi các dự án trên địa bàn, trong đó sẽ có Hội nghị chuyên đề về biện pháp, giải pháp tháo gỡ,…nhưng kêu gọi và xúc tiến đầu tư các dự án mới là cần thiết. Vì trong kế hoạch của VNREA và chương trình của nhiệm kỳ 5 sau Đại hội cũng đã có báo cáo vấn đề này tại 2 tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc.

Thứ chín, vấn đề giải cứu, đứng về góc độ Chính phủ cũng đã có những giải pháp và chỉ đạo, Nghị quyết, công điện cùng với các ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những thông tư để góp phần phục hồi thị trường. Nhưng muốn phục hồi hay giải cứu thì về phía các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cũng cần quản trị lại, xác định mục tiêu, tính toán lại giá thành, cơ cấu lại sản phẩm sau đó giảm giá để có giao dịch,... như vậy, ngoài giải pháp của Chính phủ thì phía doanh nghiệp bất động sản cũng cần có giải pháp chủ động để đồng hành một cách đồng bộ, hi vọng thời gian tới sẽ từng bước phục hồi.

Một số hình ảnh của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và đoàn công tác tại tỉnh Thái Nguyên:

TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) giải đáp những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đang quan tâm.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị.
Ông Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch Thường trực thứ hai Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Nhiều doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên phát biểu chia sẻ những thuận lợi, khó khăn đang vướng mắc.
TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phát biểu tổng kết Hội nghị.
Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên.
Cùng ngày, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã đến thăm và làm việc với Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng.
Bà Nguyễn Thị Vinh - Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Thái Hưng (ngoài cùng bên phải ảnh) đang giới thiệu về dự án của công ty với lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA). Dự án Crown Villas của Công ty CP Thương Mại Thái Hưng có tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng trên diện tích hơn 350.000m2 tại đường Cách mạng Tháng 8 (Phường Gia Sàng - TP. Thái Nguyên). Dự án được quy hoạch đồng bộ với 4 tiểu khu được thiết kế tạo đẳng cấp khác biệt cùng hơn 40 tiện ích đa dạng, hiện đại và độc đáo đảm bảo cuộc sống tiện nghi "một bước tới muôn nơi" cho cư dân. Các tiện ích phong phú như khu vui chơi trẻ em, vườn nướng BBQ, đường dạo bộ, bể bơi vô cực, sân tennis, phòng tập Gym, phòng cộng đồng, spa, thư viện, và đặc biệt là quảng trường xanh bên hồ nước lớn tạo nên không gian sống như nghỉ dưỡng, lần đầu tiên có tại Thái Nguyên.


Nguyễn Lạc - Tùng Dương

Bạn đang đọc bài viết Lãnh đạo VNREA làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh bất động sản tại chuyên mục Hoạt động hiệp hội của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn