Cả 2 dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi đang được Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, địa phương và các bộ, ngành trong vòng 2 tháng, dự kiến sẽ được báo cáo tại kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Trên tinh thần xây dựng, đóng góp ý những ý kiến thiết thực nhất vào công tác xây dựng dự thảo sửa đổi luật, VNREA tiếp tục tổ chức Hội nghị Góp ý sửa đổi dự thảo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản.
Hội nghị có sự góp mặt của lãnh đạo VNREA, đại diện Bộ Tư pháp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tòa án Nhân dân tối cao, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực pháp lý, bất động sản, tài chính,... cùng đại diện các doanh nghiệp thành viên, sẽ mang lại nhiều ý kiến đa chiều để gửi tới các cơ quan thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi triệt để, bảo đảm yêu cầu giải quyết những vướng mắc, bất cập của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, đồng bộ với các luật khác có liên quan, đồng thời cắt giảm các thủ tục hành chính, luật hóa một số quy định trong nghị định, các văn bản dưới luật. Từ đó bảo đảm sự thống nhất, tương thích, đồng bộ, góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư thông suốt, cạnh tranh lành mạnh, công khai minh bạch và bình đẳng giữa các chủ thể tham gia các phân khúc thị trường.
Trước đó, vào ngày 28/4/2022, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị lấy ý kiến góp ý sửa Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, tổng hợp ý kiến từ nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, góp phần thiết thực cho công tác sửa đổi luật.
Sau Hội nghị ngày hôm nay, trên cơ sở các tham luận của chuyên gia và ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, VNREA sẽ tiếp tục tổng hợp, gửi kiến nghị tới Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng có liên quan, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản đạt được kết quả tốt nhất trình ra Quốc hội vào kỳ họp tới.
Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng; bà Phan Thị Hà - Vụ Pháp chế và quản lý xã hội, đại diện của Vụ Dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp; TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV.
Về phía VNREA có ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; ông Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Bất động sản Việt Nam; ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội kiêm Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam; Luật sư Trương Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Tới dự hội nghị còn có các chuyên gia pháp lý, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị của Hiệp hội, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế đã đến tham dự, đóng góp ý kiến, hội viên các hiệp hội, đại diện lãnh đạo các công ty, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch thường trực VNREA cho biết, thời gian qua Bộ Xây dựng đã đưa ra hai dự thảo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản để lấy ý kiến công khai, rộng rãi.
“Với tinh thần góp ý cho hai dự thảo đã công khai trên cổng thông tin của Bộ Xây dựng, tôi đề nghị các đại biểu góp ý trực tiếp vào các vấn đề, nhất là các vấn đề mới”, ông Hà nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch thường trực VNREA nêu một số vấn đề cần được tiếp tục quan tâm thảo luận như là vấn đề nhà ở thương mại, vấn đề thời hạn sở hữu nhà chung cư, vấn đề cải tạo nhà chung cư cũ, cũng như quy trình, vốn đầu tư nhà ở xã hội. Bên cạnh đó là các loại hình kinh doanh bất động sản mới như căn hộ biệt thự nghỉ dưỡng, lưu trú. Vấn đề về giao dịch bất động sản thông qua sàn, vấn đề đào tạo cấp chứng chỉ giao dịch bất động sản.
Việc phát triển nhà ở nói riêng, thị trường bất động sản nói chung đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành bất động sản phát triển kéo theo hàng chục ngành nghề thiết kế, hàng trăm ngành nghề khác phát triển. Nhà ở là sản phẩm tiêu dùng, các công trình xây dựng trở thành sản phẩm thương mại thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Không chỉ thu hút đầu tư trong nước, lĩnh vực bất động sản còn thu hút rất lớn sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Đứng thứ hai trong tổng số 17 lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, sau công nghiệp và chế tạo. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, ngành bất động sản đóng góp 4,21% GDP, năm 2020 đóng góp 4,42%, bình quân trong 10 năm, đóng góp 4,5 – 4,7% GDP. Theo phương pháp tính toán của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bao gồm cả đóng góp trực tiếp và gián tiếp, ngành bất động sản đóng góp nhiều hơn con số thống kê. Cụ thể, năm 2019 là 7,62% GDP. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư 1 mét vuông nhà ở cần 17 – 25 công lao động, đầu tư 1 USD vào bất động sản thì thu hút được 1,5 – 2 USD vốn xã hội tham gia khoảng 200%. Chính vì vậy, để củng cố để nền kinh tế phát triển bền vững, mục tiêu cải cách thể chế, chính sách pháp luật cần được đưa lên hàng đầu, giải phóng nguồn lực, huy động sức sáng tạo, động lực phát triển mọi ngành nghề, mọi cá nhân, tổ chức xã hội. Đảng và Nhà nước đã đặt kế hoạch thông qua Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào cuối năm 2023. Tiến trình góp ý, sửa đổi các luật này đang rất sôi động, thu hút nhiều thành phần kinh tế, nhiều tầng lớp xã hội. Đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, hội viên của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
"Sửa thế nào để tăng tính thống nhất, giảm rủi ro pháp lý cho các dự án bất động sản?"
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Phạm Duy Nghĩa – Trọng tài viên VIAC, giảng viên ĐH Fullbright nêu quan điểm: “Chúng ta nên sửa thế nào để tăng tính thống nhất, giảm rủi ro pháp lý cho các dự án bất động sản? Ưu tiên sửa những luật gì, sửa để đạt mục đích gì, về lâu dài nên làm như thế nào? Ngoài ra, hôm nay, tôi xin gợi ý tham khảo kinh nghiệm hiện đại hóa luật của Trung Quốc cho hoàn cảnh nước ta. Bây giờ mình sửa nhiều luật quá, làm như thế nào để ổn định. Liên quan tới thị trường bất động sản, chúng ta có hàng loạt luật: Luật Đất đai; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá; Quy hoạch chi tiết Luật Quy hoạch; Luật Xây dựng và các Luật liên quan; Luật Nhà ở (khoảng 230 điều); Luật Kinh doanh Bất động sản (khoảng 100 điều); Pháp luật thuế và các loại phí; Luật Thanh tra, Kiểm toán, trách nhiệm hành chính – chính trị… Hôm nay, trong khuôn khổ hội nghị này, chúng ta thảo luận về khoảng 330 điều luật. Còn tổng thể, liên quan đến kinh doanh bất động sản, sẽ thảo luận khoảng 1000 điều luật cùng lúc. Làm thế nào để trong quá trình sửa luật thống nhất, tránh luật này chéo luật kia, chúng ta phải làm sao để các điều luật không mâu thuẫn lẫn nhau, làm thế nào để sửa các luật mà vẫn thống nhất, ổn định”.
Theo TS. Phạm Duy Nghĩa: “Miếng đất, căn hộ là tài sản. Luật can thiệp đến tài sản nên người dân, doanh nghiệp đang rất quan tâm. Nếu đi vào càng chi tiết, càng sâu… chúng ta sẽ càng gặp rất nhiều vấn đề. Nếu đi vào từng luật, chăm chú sửa từng luật thì nguy cơ không nhất quán, không hệ thống. Trên một lô đất xuất hiện nhiều tài sản, quyền tài sản khác nhau, nếu ta đăng kí riêng rẽ, sau này chùm tài sản đưa ra tranh chấp, tài sản phái sinh sẽ gây ra rủi ro vì sở hữu đa tầng không được quản lý nhất quán. Tôi mong muốn, ở đây có chuyên gia bất động sản, Luật Dân sự, Luật Nhà ở… chúng ta đưa ra ý kiến thống nhất. Sở hữu chung cư 50 hay 70 năm, như vậy là can thiệp vào quyền tài sản. Vậy mục đích cuối cùng là gì, có phải an toàn hay khả năng lưu thông?”.
TS. Phạm Duy Nghĩa đề nghị phải quan tâm đến gốc của nó là “quyền tài sản”, “quyền tự do giao dịch”… và ví von “Đừng làm nhiều cành xum xuê mà không để ý gốc, chi bằng tỉa bớt cho nhẹ càng”. Quyền của người dân nên quy định trong luật dân sự và không nên thay đổi.
“Chúng ta đừng nên vì mỗi luật riêng mà nên tổng thể, đi từ gốc, tỉa bớt cành… trong quy trình này, cố gắng tham vấn ý kiến đa chiều khác quyền tài sản của dân, quyền giao dịch của doanh nghiệp, không nên nay sửa, mai sửa”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
TS. Cấn Văn Lực: Cần định nghĩa rõ hơn vào luật căn hộ, biệt thự du lịch
Phát biểu tại hội nghị, TS. Cấn Văn Lực cho ý kiến về Luật Kinh doanh Bất động sản: “Lần này tuyệt vời là Bộ Xây dựng đưa vào căn hộ du lịch, biệt thự du lịch vào luật, tuy nhiên cần định nghĩa rõ hơn. Hai là, làm rõ định nghĩa tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Ba là định nghĩa các loại hình BĐS được đưa vào đầu tư kinh doanh, tôi đề nghị bổ sung thêm các loại hình khác. Bốn là quan tâm BĐS công nghiệp, nghĩa trang, bất động sản số. Năm là quy định rõ liên quan phí bảo lãnh gắn với nhà ở hình thành trong tương lai, ngân hàng cũng mong muốn chủ đầu tư đứng ra trả. Sáu là, vấn đề mua bán giao dịch BĐS qua sàn hay không qua sàn. Theo tôi, thứ cấp thì nên thông qua sàn. Và nên cho phép bán thông tin dữ liệu BĐS. Cuối cùng là nên có một chương riêng về vấn đề tài chính bất động sản”.
Đối với dự án sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản, TS. Cấn Văn Lực nêu 10 vấn đề cần lưu ý:
Một là, định nghĩa nhà ở hình thành trong tương lai không cần có giấy chứng nhận cần rõ ràng hơn, bởi khi ngân hàng làm hồ sơ, liên quan tài sản đảm bảo thì cần công nhận.
Hai là, không nên mở nhà hàng karaoke, kinh doanh quán bar ở chung cư vì dễ mất an toàn, trừ nhà hàng, quán cafe.
Ba là, về sở hữu nhà ở cho người nước ngoài, chúng ta đang lưỡng lự, theo tôi nên cho người nước ngoài có quyền sở hữu, nhưng nên phân vùng nhạy cảm An ninh quốc phòng và vùng kinh tế, xã hội nói chung.
Bốn là, nên có niên hạn sử dụng căn hộ chung cư, nhưng cần phân định rõ ràng hơn quy định 50 - 70 năm.
Năm là, vấn đề chung cư mini, buộc phải quản lý vận hành như chung cư bình thường.
Sáu là, khống chế giá đền bù khi tịch thu, thu hồi.
Bảy là, nên mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, không nên quy định cứng 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.
Tám là, làm rõ thêm một dạng nhà ở phù hợp với nhu cầu của người dân.
Chín là, cho phép huy động vốn dể đặt cọc, 10-30% cũng là một khoản lớn với người mua.
Mười là, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà ở.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Trưởng phòng Ban Pháp Chế VCCI: Một số quy định đang chồng chéo
Đại diện của VCCI đánh giá, thời gian qua trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp thấy có nhiều vấn đề xuất phát từ sự chồng chéo của các luật này. Dường như các dự thảo luật chưa có sự nhất quán trong một số quy định, chẳng hạn Luật Nhà ở và Luật Đất đai hiện đang có quy định khác nhau về cấp giấy chứng nhận cho người nước ngoài sở hữu nhà ở.
Doanh nghiệp đã từng có ý kiến về Luật Đất đai và Luật Nhà ở cho người nước ngoài. Luật Đất đai và dự thảo không quy định người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài. Luật Nhà ở thì quy định người nước ngoài được cấp giấy chứng nhận. Vậy quy định như này vướng trong triển khai thực tế.
Về thời hạn có hiệu lực, Luật Đất đai và Luật Nhà ở cũng quy định không giống nhau. Việc chuyển quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai có hiệu lực từ thời điểm đăng ký địa chính nhưng theo Luật Nhà ở, thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là thời điểm bên mua thanh toán nghĩa vụ tài chính.
“Khi đọc dự thảo Luật Nhà ở, tôi nhận thấy nếu áp dụng thì doanh nghiệp sẽ không biết trình tự, thủ tục, phương thức chọn nhà đầu tư như thế nào? Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, doanh nghiệp sẽ không biết trình tự thủ tục như thế nào, phương thức chọn nhà đầu tư như thế nào. Điều 46 dự thảo Luật Nhà ở đưa ra phương thức quy định lựa chọn nhà đầu tư khác với Luật Đầu tư về quy trình chọn nhà đầu tư, đấu giá, đấu thầu, chấp nhận chủ trương nhà đầu tư… Luật Nhà ở áp dụng cho nhà đầu tư xong nhưng căn cứ luật Đất đai lại không có. Hiện tại quy định chọn nhà đầu tư và một số vấn đề khác liên quan đang chồng chéo và gây mâu thuẫn. Vì vậy, cần có sự thống nhất giữa các luật để quy trình đầu tư được thông suốt”, bà Hồng chỉ rõ.
Ông Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6: Cần tách thời hạn sử dụng chung cư với thời hạn sử dụng đất
Ông Nguyễn Anh Quê ủng hộ quy định sở hữu chung cư có thời hạn và nêu thí dụ: "Khi chúng tôi thực hiện cải tạo chung cư cũ ở quận Hai Bà Trưng, việc có sự đồng ý của 100% hộ gia đình là rất khó khăn nên việc thống nhất sửa rất khó. Ngoài ra, tòa chung cư từ bê tông cốt thép thì không thể bền mãi theo thời gian”.
Đồng thời, ông Nguyễn Anh Quê nêu cụ thể một số góp ý như sau:
Một là, việc thiết kế chung cư đã xác định được luôn thời hạn sử dụng, 50-70 năm tùy chất lượng công trình. Việc xác định mức độ xuống cấp sẽ theo đánh giá của cơ quan Nhà nước.
Hai là, tách thời hạn sử dụng chung cư với thời hạn sử dụng đất. Thời hạn chung cư có thời hạn còn thời hạn sử dụng đất vẫn lâu dài, Khi chung cư xuống cấp thì cưỡng chế sửa chữa.
Còn cơ quan nào đánh giá về niên hạn, việc xuống cấp, thời hạn bao lâu thì trách nhiệm thuộc Bộ Xây dựng.
Trong thời hạn sử dụng có hai thời điểm đánh giá: Thời điểm giao đất và trong quá trình sử dụng có vấn đề phát sinh như thiên tai động đất sóng thần… sẽ giảm tuổi thọ công trình sớm hơn so với quy định.
“Chúng ta đang có 1557 chung cư cũ và hàng triệu tòa nhà sắp tới cần giải quyết, vậy nên việc quy định rõ ràng và hài hòa lợi ích trong vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn là rất quan trọng”, ông Quê phát biểu.
Luật sư Nguyễn Hồng Chung - Chủ tịch HĐQT DVL Venture, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội
Thứ nhất, quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư là một vấn đề cần thiết phải xem xét và đặt trong tổng thể các quyền đối với tài sản, bảo đảm phù hợp với pháp luật về xây dựng, nhà ở, đất đai, dân sự.
Các vấn đề cần xác định rõ, một là thời hạn sử dụng đất đối với chung cư cao tầng, hai là thời hạn sử dụng nhà chung cư.
Việc xác định thời hạn sở hữu này có một số điểm cần xác định:
- Đất cho xây dựng nhà chung cư cũng không thể cấp vô thời hạn.
- Từ góc độ quản lý và quy định của pháp luật về xây dựng quy định về thời hạn sử dụng của công trình: Mọi công trình đều có khấu hao nhất định, hết thời hạn thì phải đập đi xây lại để bảo đảm an toàn;
- Về quyền sở hữu: Nên chăng không dùng từ thời hạn sở hữu nhà chung cư và thay bằng thời hạn sử dụng nhà chung cư. Khách hàng bỏ tiền ra mua nhà chung cư nên họ có quyền sở hữu tài sản. Quyền này được pháp luật dân sự bảo vệ, chỉ khi tài sản không còn mới mất quyền sở hữu.
Thứ hai, về chỉ định nhà đầu tư và hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Theo quy định, tất cả các dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không có một phần diện tích đất ở, mặc dù phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì cũng không được chấp thuận là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại. Quy định này chưa thống nhất với Luật đất đai nên ở giai đoạn chủ trương thì chưa biết đất đó có được phép chuyển mục đích hay không để chấp thuận đồng thời.
Ngoài ra, Luật Đất đai 2013 chỉ có một hình thức giao đất, cho thuê đất là thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Kể từ ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành đến nay, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không có một phần diện tích đất ở không thực hiện được.
Do đó chúng tôi kiến nghị thực hiện giữ nguyên Phương án 1 tại Điều 48 Sửa đổi Điều 22 và Điều 49 Sửa đổi điều 23 Luật là phù hợp và Bổ sung thêm trường hợp Nhận chuyển quyền sử dụng đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại vào Điều 49.
Một vấn đề nữa là nếu công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai không được kiểm soát chặt chẽ, việc tính giá đất không bảo đảm phù hợp với giá thị trường thì rất dễ lạm dụng và gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Do đó cần sửa đổi quy định của Luật đất đai liên quan đến các phương pháp xác định giá đất khi Nhà nước giao đất cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư.
Về Luật Kinh Doanh Bất động sản, ông Nguyễn Hồng Chung nêu quan điểm: “Thứ nhất là việc quản lý dịch vụ sàn và dịch vụ môi giới. Tuy nhiên 2014 - 2015 thị trường BĐS sôi động và bộc lộ những yếu kém trong quản lý, các sàn thao túng thị trường. Hoạt động của môi giới và cá nhân hành nghề cũng có những tiêu cực nhất định. Dự thảo đưa vào là đúng nhưng việc lấy lại luật 2017 đưa vào là chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.
Hai là tôi đồng ý rằng người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS phải thông qua cơ chế đào tạo, có chứng nhận xong mới cấp chứng chỉ hành nghề. Muốn vậy, vấn đề tổ chức đào tạo phải được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, việc đào tạo vẫn đang lấy lại nnững quy định của từ năm 2017 nên cũng không phù hợp với thời điểm hiện tại. Đề nghị Bộ Xây dựng phải có khung đào tạo, điều kiện đăng ký đào tạo, cơ chế học và thi chặt chẽ”.
Luật sư Nguyễn Hồng Chung - Chủ tịch HĐQT DVL Venture, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội
Thứ nhất, quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư là một vấn đề cần thiết phải xem xét và đặt trong tổng thể các quyền đối với tài sản, bảo đảm phù hợp với pháp luật về xây dựng, nhà ở, đất đai, dân sự.
Các vấn đề cần xác định rõ, một là thời hạn sử dụng đất đối với chung cư cao tầng, hai là thời hạn sử dụng nhà chung cư.
Việc xác định thời hạn sở hữu này có một số điểm cần xác định:
- Đất cho xây dựng nhà chung cư cũng không thể cấp vô thời hạn.
- Từ góc độ quản lý và quy định của pháp luật về xây dựng quy định về thời hạn sử dụng của công trình: Mọi công trình đều có khấu hao nhất định, hết thời hạn thì phải đập đi xây lại để bảo đảm an toàn;
- Về quyền sở hữu: Nên chăng không dùng từ thời hạn sở hữu nhà chung cư và thay bằng thời hạn sử dụng nhà chung cư. Khách hàng bỏ tiền ra mua nhà chung cư nên họ có quyền sở hữu tài sản. Quyền này được pháp luật dân sự bảo vệ, chỉ khi tài sản không còn mới mất quyền sở hữu.
Thứ hai, về chỉ định nhà đầu tư và hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Theo quy định, tất cả các dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không có một phần diện tích đất ở, mặc dù phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì cũng không được chấp thuận là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại. Quy định này chưa thống nhất với Luật đất đai nên ở giai đoạn chủ trương thì chưa biết đất đó có được phép chuyển mục đích hay không để chấp thuận đồng thời.
Ngoài ra, Luật Đất đai 2013 chỉ có một hình thức giao đất, cho thuê đất là thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Kể từ ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành đến nay, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không có một phần diện tích đất ở không thực hiện được.
Do đó chúng tôi kiến nghị thực hiện giữ nguyên Phương án 1 tại Điều 48 Sửa đổi Điều 22 và Điều 49 Sửa đổi điều 23 Luật là phù hợp và Bổ sung thêm trường hợp Nhận chuyển quyền sử dụng đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại vào Điều 49.
Một vấn đề nữa là nếu công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai không được kiểm soát chặt chẽ, việc tính giá đất không bảo đảm phù hợp với giá thị trường thì rất dễ lạm dụng và gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Do đó cần sửa đổi quy định của Luật đất đai liên quan đến các phương pháp xác định giá đất khi Nhà nước giao đất cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư.
Về Luật Kinh Doanh Bất động sản, ông Nguyễn Hồng Chung nêu quan điểm: “Thứ nhất là việc quản lý dịch vụ sàn và dịch vụ môi giới. Tuy nhiên 2014-2015 thị trường BĐS sôi động và bộc lộ những yếu kém trong quản lý, các sàn thao túng thị trường. Hoạt động của môi giới và cá nhân hành nghề cũng có những tiêu cực nhất định. Dự thảo đưa vào là đúng nhưng việc lấy lại luật 2017 đưa vào là chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.
Hai là tôi đồng ý rằng người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS phải thông qua cơ chế đào tạo, có chứng nhận xong mới cấp chứng chỉ hành nghề. Muốn vậy, vấn đề tổ chức đào tạo phải được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, việc đào tạo vẫn đang lấy lại nnững quy định của từ năm 2017 nên cũng không phù hợp với thời điểm hiện tại. Đề nghị Bộ Xây dựng phải có khung đào tạo, điều kiện đăng ký đào tạo, cơ chế học và thi chặt chẽ”.
Ông Trần Kim Chung, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Vị thế của hai luật Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản hoàn toàn khác nhau. Luật Nhà ở, tính Bộ Xây dựng rất rõ, vì Bộ là cơ quan chủ quản nhưng Luật Kinh doanh bất động sản, dự thảo hiện đang thể hiện rất rõ tính chủ quản nhưng bản chất lại không phải như thế. Yêu cầu của Luật Kinh doanh bất động sản phải tách ra khỏi Bộ Xây dựng. Kinh doanh bất động sản được chế tài bằng ngần này luật: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, các luật thuế, Bộ Luật dân sự, Luật Phát triển đô thị, Luật hợp đồng. Nay tôi không góp ý Luật Nhà ở mà lấy một số ý kiến góp ý Luật Kinh doanh Bất động sản để hình dung rõ, tách biệt ra. Bất động sản là đất, nhà và những cái gắn liền với đất đai.
Thị trường bất động sản có 2 loại cơ bản, thị trường bất động sản không gian xây dựng, thị trường tài sản (không có mét vuông nào nhưng vô cùng bất động sản). Phân loại theo nhóm có 5 nhóm (nhà, bất động sản khu công nghiệp, bất động sản tài chính, bất động sản dịch vụ và các công trình tiện ích, bất động sản nông nghiệp) phân rõ như vậy để thấy cần phải có chế tài từng nội dung. Đối tượng quản lý khác nhau nên nội dung phải khác nhau. Một trong những cái căn bản nhất của Luật Kinh doanh Bất động sản đó là cái gì được đem vào trong kinh doanh bất động sản. Riêng chữ “đất khác” là thế giới khác nhau, không thể nói phàm là bất động sản được đưa vào kinh doanh, bởi chỉ có cái nào đủ điều kiện mới được kinh doanh, phải ghi rất rõ.
Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty CP tư vấn dịch vụ thương mại địa ốc Hoàng Quân: Cần xem xét tỷ lệ người nước ngoài sở hữu chung cư
Chủ tịch Công ty Hoàng Quân nêu hai vấn đề cần được nghiên cứu sửa đổi:
Thứ nhất, là đối với sở hữu nhà ở của người nước ngoài. Ở Việt Nam hiện nay, 63 tỉnh thành trên cả nước đều quy định người nước ngoài không được sở hữu quá 30% tổng số căn hộ của một tòa nhà chung cư. Tôi thấy vấn đề này cần xem xét lại, ví dụ ở hải đảo, biên giới thì có thể hạn chế để đảm bảo an ninh quốc phòng nhưng còn ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng thì có nên quy định như vậy hay không?
Tại sao một khu công nghiệp lớn như vậy, rộng từ hàng trăm đến hàng nghìn héc-ta, người nước ngoài có quyền sở hữu 50 năm mà nhà ở thì lại không? Nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ bất động sản là một nguồn thu vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp bất động sản nên xem đó là hoạt động tốt và hiệu quả, ví dụ khu Phú Mỹ Hưng ở TP. HCM. Do đó, tôi nghĩ nên phân lại ở một số thành phố lớn, có thể phân cho người nước ngoài, cho Việt kiều sở hữu lên tới 100%.
Thứ hai, về nhà ở xã hội, tôi thấy hiện nay có nhiều thay đổi trong luật nhà ở, hướng tới nhà ở xã hội. Điều đó là tốt nhưng tôi nghĩ còn có thể tốt hơn nữa và những ý kiến gì quan trọng chúng ta nên trình lên quốc hội lần này luôn.
Một trong những điều các doanh nghiệp bất động sản cần lưu ý là liên quan đến doanh thu, chi phí. Thế nào là chi phí hợp lệ, bao nhiêu % là phù hợp? Chúng ta nên chi tiết trong quy định. Tôi nghĩ những cái nào cần rõ thì nên quy định trong luật, còn văn bản, thủ tục thì để chính phủ quy định sau.
Tôi thấy đối với nhà ở xã hội thì nên bao gồm cả nhà ở công nhân. Như vậy trong 11 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo dự thảo, công nhân cũng được mua trong những trường hợp này. Đối với nhà ở công nhân, trong luật hiện nay cũng không quy định rõ. Về chính sách, chế độ đều giống nhau thì có nên để nhà ở công nhân cho 11 đối tượng này đều được mua, chứ không phải chỉ cho mỗi công nhân mua? Ví dụ như người nghèo, lực lượng vũ trang, giáo viên...
Đề xuất của tôi là, NOXH về tính chất đều giống nhau thì nên cho tất cả 11 đối tượng đó được mua trong tất cả các dự án NOXH và nhà ở công nhân. Thêm vào đó, nhà ở lưu trú công nhân là loại hình rất đặc biệt, cần làm rõ hơn, Trong đại dịch vừa qua, đây là nơi bị tác động lớn nhất nhưng dự thảo luật lại chưa quy định rõ.
Thứ nhất, nếu công nhân muốn mua nhà thì phải thường trú ở đó 1 năm mới được mua. Tôi nghĩ miễn có nguyện vọng lưu trú là được. Một nhà máy phải mở ra thì công nhân họ mới về, họ đã đăng ký lưu trú thì họ có quyền thuê, mua mà không cần phải đợi tới một năm.
Thứ hai, nên khuyến khích các chủ đầu tư được đưa vào giá thành khu công nghiệp. Giả sử tòa nhà đó 50 tỷ thì họ được quyền đưa vào hết. Công nhân sẽ gần như được miễn phí hoặc ở với chi phí rẻ thì mới chịu được. Chứ nếu không thì thời gian hoàn vốn không thể nào trong 20 năm được. Tôi nghĩ cần có chính sách đặc biệt hơn để chủ đầu tư bỏ tiền vốn đầu tư và được bỏ 100% vào.
Thứ ba, về đất nên chắc chắn 100% phải là đất sạch. Đó là nhu cầu của địa phương, nhà nước lẫn người dân mà trong đó, nhà nước và tỉnh là được lợi nhiều nhất.
Cuối cùng là về thiết kế quy hoạch, theo tôi hiệp hội cần làm việc với bộ quy hoạch nhiều hơn nữa để làm ra thiết kế một cách rõ ràng thực sự.
Đối với luật kinh doanh bất động sản, ông Trương Anh Tuấn đề nghị VNREA tiếp tục có ý kiến mạnh mẽ: “Thứ nhất, nên nhìn vào thế giới, không nước phát triển nào xem bất động sản là thị trường mà lại không bán hàng thông qua môi giới. Hơn nữa, họ còn phải có bằng cấp, phải được chứng thực. Bắt buộc người bán phải thông qua hệ thống bán hàng với đầy đủ công chứng, bảo lãnh và pháp lý. Do đó quan điểm của tôi là nên bán hàng qua cá nhân hoặc sàn giao dịch, môi giới mà có chứng chỉ môi giới bất động sản. Môi giới phải có bằng cấp, công ty phải có chứng chỉ. Nhưng có một vấn đề quan trọng hơn, đó là ai sẽ là người cấp cái đó.
Hiện nay, chúng ta cũng đang có tổ chức đào tạo chứng chỉ nhưng có chăng nên giám sát chứng chỉ mà có thời gian quy định? Ví dụ sau 2-3 năm, thực hiện kiểm tra lại kiến thức, trình độ theo chứng chỉ. Vai trò của hiệp hội bất động sản Việt Nam và các hiệp hội địa phương trong việc này là phải làm sao để có quyền cấp chứng chỉ và theo dõi các hội viên của mình”.
Ông Vương Quốc Toàn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lan Hưng: Còn quá nhiều các thủ tục hành chính vướng gây khó khăn cho doanh nghiệp
Ông Vương Quốc Toàn nêu tám vấn đề: Một là nên gọi chung là nhà ở xã hội không nên phân là nhà ở công nhân. Bỏ hoặc ghi rõ ràng không nên ghi mập mờ. Hiện nay các doanh nghiệp làm hàng nghìn căn nhà, mục đích chỉ là nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, nhưng bán nhà lại bán cho tất cả các đối tượng theo Nghị định 100. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan chức năng từ địa phương tới trung ương nhưng tới nay chưa được giải quyết.
Hai là nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội được lợi nhuận 10% nhưng lại bắt bỏ 20 % để cho thuê là bất hợp lý, quá lãng phí và làm khó cho doanh nghiệp. Tôi đề nghị nên sửa đổi điều kiện này chỉ khoảng 3-5 %.
Ba là thủ tục mua bán nhà ở xã hội. Theo khoản 17 điều 23 ghi là khi Doanh nghiệp muốn bán nhà ở xã hội phải gửi danh sách về sở Xây dựng kiểm tra và phản hồi lại thì Doanh nghiệp mới được ký hợp đồng mua bán. Như vậy sẽ rất mất thời gian, vào không biết bao giờ Doanh nghiệp mới được bán nhà. Chúng tôi đề nghị phải sửa quy định này lại, tức là cho Doanh nghiệp ký hợp đồng và gửi danh sách hợp đồng lên sở Xây dựng hậu kiểm tra.
“Hiện nay, tôi được biết là đang có khoảng 1800 hồ sơ thì kiểm tra đến bao giờ xong. Doanh nghiệp của chúng tôi sẽ chậm thu hồi vốn, có khi đến 2-3 năm cũng không xong, tôi đề nghị để các doanh nghiệp được ký hợp đồng và tự chịu trách nhiệm”, ông Toàn nêu quan điểm.
Bốn là chính sách vay vốn cho người mua nhà: Luật nhà ở ghi là các đối tượng 1-4-5-6-7 được vay vốn, còn đối tượng 2-3 là đối tượng nghèo, lao động tư do ở nông thôn không được vay vốn thì mất công bằng, chính sách không đồng đều. Đề nghị sửa phải cho tất cả các đối tượng đều được vay.
Năm là miễn tiền sử dụng đất và cắt miễn cho nhà ở xã hội. Miễn là miễn chứ không bắt Doanh nghiệp phải đi làm thủ tục để được miễn. Một hồ sơ làm 2 năm đưa vào không miễn được. Hồ sơ đưa về cục thuế không được ký. Tôi đề nghị sửa là miễn thuế là miễn chứ không bắt Doanh nghiệp làm thủ tục.
Sáu là quy định bỏ 20% quỹ đất cho nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội. Bởi có những dự án nhà ở thương mại phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án; nhưng có nhiều dự án nhà ở thương mại không phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án.
Bảy là quy định về phí bảo lãnh nhà ở xã hội, tôi đề nghị hợp đồng nên miễn cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội.
Tám là làm thế nào để quy trình phê duyệt nhà ở xã hội được đẩy nhanh vì thực tế có những trường hợp nhiều năm không xong, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi nhiều người có nhu cầu tìm chỗ ở thì vẫn không mua được nhà.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật Hà Nội: Quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư thay quyền sở hữu
Ông Nguyễn Quang Tuyến nêu vấn đề tranh luận có nên áp dụng thời gian sở hữu nhà chung cư 50 - 70 năm hay không và nhấn mạnh chỉ nên quy định thời hạn sử dụng thay vì đi vào tranh luận quyền sở hữu.
“Tất cả các tài sản thì nó đều có thời hạn sử dụng và nhà chung cư cũng vậy, do đó khi tới thời hạn quy định thì các tổ chức có trách nhiệm sẽ đánh giá là nhà đó còn tiếp tục ở được không. Nếu cần phải sửa chữa, thậm chí xây dựng lại thì người dân phải được đảm bảo quyền sở hữu tài sản, quyền được ở ngay tại chính chỗ đó, còn nếu có chính sách di dời thì phải đền bù thỏa đáng, đảm bảo chỗ ở của người dân”, ông Tuyến nêu quan điểm.
Về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư: Theo quy định của pháp luật hiện hành, thực tiễn triển khai các dự án BĐS đang phải đối mặt với những vướng mắc như: khu đất để thực hiện dự án BĐS chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng thuộc trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Trong trường hợp này, nếu xét theo quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/03/2015 thì “cơ chế” đấu thầu để thực hiện dự án được áp dụng. Thế nhưng, sau khi các nhà đầu tư đầu tư rất nhiều kinh phí tham gia đấu thầu để được lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, với những cam kết đóng góp cho ngân sách nhà nước “nhiều tỷ đồng”, thì theo Luật Đất đai năm 2013, nhà đầu tư trúng đấu thầu dự án không thuộc trường hợp “Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá”.
Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể giao đất cho chủ đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án luôn không hay tiếp tục thực hiện đấu giá thì chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, gây lúng túng cho cơ quan nhà nước và chủ đầu tư dự án. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành chỉ quy định về việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất tại các khu đất có giá trị lợi thế thương mại cao. Với những khu đất không có giá trị lợi thế thương mại cao có phải thực hiện thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay không thì đến nay, vẫn chưa có quy định rõ ràng. Điều này làm giảm sức hút đầu tư của địa phương và mất đi cơ hội nâng cao giá trị sử dụng đất. Hệ quả là năng lực cạnh trạnh quốc gia bị hạn chế.
Về thời điểm có hiệu lực đối với giao dịch quyền sử dụng đất, giao dịch về nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Không có sự không thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.
Một là, về yêu cầu công chứng, chứng thực các giao dịch đối với quyền sử dụng đất, nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất.
Hai là, Luật Đất đai năm 2013 chưa quy định cụ thể tách bạch giữa thời điểm giao kết hợp đồng/công chứng, chứng thực; thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Về phạm vi quyền chuyển nhượng dự án bất động sản: không thống nhất trong các quy định về phạm vi quyền chuyển nhượng dự án BĐS nhà, đất… Bởi theo điều 25 của Luật Nhà ở năm 2014, Điều 45 của Luật Đầu tư năm 2020, điều 51 của Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 quy định quyền chuyển nhượng dự án được thực hiện đối với tất cả các loại dự án. Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 lại quy định phạm vi chuyển nhượng dự án theo từng loại dự án đầu tư cụ thể. Theo đó, Luật Đất đai năm 2013 chỉ cho phép chuyển nhượng các dự án gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở và các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê. Đối với các dự án khác thì Luật Đất đai năm 2013 chưa quy định cụ thể.
Một số giải pháp góp phần đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ giữa Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.
Một là, rà soát sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đất đai năm 2013 về việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 nhằm đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ giữa các Đạo luật này về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Hai là, bổ sung quy định thống nhất thời điểm có hiệu lực đối với giao dịch về quyền sử dụng đất và tài sản, quyền tài sản gắn liền với đất giữa Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 là thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Ba là, Luật Đất đai năm 2013 cần bổ sung quy định: “Trường hợp giao dịch về quyền sử dụng đất và các tài sản, quyền tài sản gắn liền với đất được đăng ký theo quy định của pháp luật thì giao dịch đó có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký” và “từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết”.
Bốn là, rà soát, sửa đổi bổ sung quy định về phạm vi quyền chuyển nhượng dự án BĐS nhà, đất đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ giữa Luật Đất đai năm 2013, Luật Đấu thầu năm 2013 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020, năm 2022), Luật Kinh doanh BĐS năm 2014.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng.
Đây là lần thứ hai tính từ khi Chính phủ, Quốc hội giao Bộ Xây dựng chủ trì 2 Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, tôi được ngồi ở đây với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Lần trước là góp ý đề xuất chính sách để trình Quốc hội. Sau khi nghe góp ý, chúng tôi có trình Quốc hội. Còn lần này là thể chế chính sách để đưa vào điều khoản.
Trước đây, khi sửa Luật Nhà ở thì Luật Đất đai đã thông qua rồi. Sau này, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cùng với Bộ Luật dân sự được thông qua cùng thời điểm. Nhưng vẫn tồn tại sự chồng chéo dù thời điểm thông qua cùng lúc. Ở góc độ Bộ Xây dựng, chúng tôi coi hai luật này có tầm quan trọng, vừa là đầu kéo và đầu đẩy. Luật Nhà ở trước đây trình Quốc hội, 500 đại biểu cùng tham gia sôi nổi, riêng khái niệm nhà ở đã tranh luận nửa ngày vì vấn đề nhà ở ai cũng quan tâm.
Hôm nay, tôi ghi nhận được gần 20 ý kiến, có nhiều ý kiến cần phải về xem xét lại. Chúng ta có 2 tháng lấy ý kiến công khai (từ đầu tháng 9 đến hết tháng 10), sau đó tổng hợp gửi Bộ Tư pháp, trình Quốc hội góp ý tiếp.
Về câu chuyện đất đai, một số trường hợp chúng tôi đưa ra 2 phương án vì còn nhiều băn khoăn như vấn đề sở hữu chung cư, đất ở, đất khác, quyền mua nhà ở xã hội, giá bán nhà ở xã hội… Chúng tôi đưa nhiều cái từ thông tư, nghị định lên để luật hóa, để tính pháp lý nó cao. Tuy nhiên, cũng có một số anh chị ý kiến không nên đưa lên luật, mà giữ nguyên. Chúng tôi bổ sung để lấy ý kiến, người quyết định là cơ quan có thẩm quyền, Quốc hội. Chúng tôi hy vọng ngoài ý kiến về Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, chúng ta cần có thêm ý kiến về Luật Đất đai. Nên đưa ý kiến để có sự thống nhất. Chúng tôi sẽ tiếp thu, giải trình. Xin chân thành cảm ơn!
Phát biểu kết thúc Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch thường trực VNREA cho biết: "Góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, có tổng cộng 16 ý kiến được đưa ra. Trong đó, có nhiều ý kiến được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, có văn bản gửi cho hội thảo và được đánh giá cao. Các ý kiến góp ý đều chất lượng và cụ thể, tập trung vào nội dung mà hiệp hội đã gợi ý. Một số vấn đề điển hình được nêu ra như thời hạn sở hữu nhà chung, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở, nhà ở cho người nước ngoài, quỹ đất cho nhà ở xã hội… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chi tiết chưa được nghe hết, nhiều gợi ý đưa ra bị trùng lặp.
Thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc, các doanh nghiệp bất động sản rất mong chờ những luật này được ban hành, sửa đổi hợp lý để làm sao tháo gỡ được khó khăn, bất cập. Hiệp hội với trách nhiệm tập hợp sẽ đưa ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp tới ban soạn thảo một cách trung thực. Còn nhiều vấn đề nữa nhưng chúng tôi đã cố gắng để truyền tải đầy đủ nhất"./.
Bình Nguyên