Đoàn công tác Nhật Bản gồm có: Lãnh đạo của Bộ Đất đai, Bộ Hạ tầng và Giao thông Nhật Bản (MLIT); lãnh đạo Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng đại diện của 30 công ty trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản tại Nhật Bản.
Đón tiếp và làm việc với đoàn, về phía Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng); ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng); TS. Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO cùng đại diện Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư bất động sản Việt Nam (VICOREAL) và một số thành viên khác.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện đoàn công tác Nhật Bản bày tỏ niềm vinh dự khi được đến thăm và làm việc với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
“Sau 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, chúng tôi đã bị trì hoãn nhiều hoạt động, nhiều chuyến công tác, trong đó có việc đến thăm và làm việc trực tiếp tại Việt Nam với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, dù không được gặp mặt thường xuyên, chúng tôi vẫn luôn theo dõi các hoạt động của Hiệp hội và không ngừng tìm hiểu về thị trường bất động sản tại đây nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư”, đại diện đoàn công tác Nhật Bản chia sẻ.
Ngoài ra, đại diện đoàn công tác Nhật Bản cũng nhấn mạnh, do tình hình kinh tế Nhật Bản ở thời điểm hiện tại không tốt, lạm phát tăng cao nên rất nhiều các doanh nghiệp tại Nhật Bản đang có dự định tìm kiếm cơ hội đầu tư ở thị trường Việt Nam. Và để làm được điều này, đòi hỏi doanh nghiệp Nhật Bản phải thông qua, nhờ sự giúp đỡ rất lớn từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi làm việc, đại diện 6 công ty đầu tư và phát triển trong lĩnh vực bất động sản Nhật Bản cũng giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của công ty, lợi nhuận đạt được trong những năm gần đây, các công trình bất động sản tiêu biểu. Đặc biệt là quá trình tham gia vào phát triển bất động sản tại thị trường Việt Nam.
Theo đại diện doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là một thị trường nhiều tiềm năng, có nhiều cơ hội và dư địa để các doanh nghiệp nước ngoài tham gia phát triển. Nổi bật là thị trường tại TP. Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng. Các phân khúc bất động sản phát triển tại Việt Nam cũng rất đa dạng từ căn hộ chung cư, khối văn phòng, trung tâm thương mại, bất động sản khu công nghiệp hay các dự án du lịch - nghỉ dưỡng. Vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng không ngừng nắm bắt cơ hội để nhanh chóng tham gia vào thị trường này.
“Tại Việt Nam, chúng tôi đã bắt đầu tham gia từ năm 1993 với việc trực tiếp xây dựng các nhà máy. Sau gần 30 năm gia nhập, chúng tôi đã phát triển hơn 200 dự án. Văn phòng đại diện cũng có mặt tại 3 thành phố lớn gồm: TP. Hà Nội, TP.HCM, TP. Hải Phòng cùng với hơn 200 kỹ sư Nhật Bản đang làm việc tại đây.
Chúng tôi nhận thấy rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Thời gian tới, thị trường này sẽ không ngừng mở rộng khi nhu cầu đầu tư và sở hữu bất động sản tại đây tăng cao. Vì vậy, chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm các quỹ đất, tìm kiếm các cơ hội hợp tác để đầu tư tại thị trường tiềm năng này”, lãnh đạo một doanh nghiệp Nhật Bản nhìn nhận.
Bên cạnh đánh giá những tiềm năng của thị trường Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản cũng chia sẻ những khó khăn gặp phải khi đầu tư tại đây. Cụ thể như vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý phức tạp, việc thanh toán chậm sau khi cung cấp các nguyên vật liệu, dịch vụ…
Tổng kết những ý kiến từ đoàn công tác Nhật Bản, đại diện phía Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã nêu ra 5 vấn đề chính, bao gồm:
Thứ nhất là vấn đề tìm kiếm các dự án đầu tư tại Việt Nam. Từ những năm 90 trở lại đây, Nhật Bản luôn là một trong những nước đứng đầu về nguồn vốn ODA đổ vào Việt Nam. Cũng từ khoảng thời gian này, các tổ chức tài chính Nhật Bản đã đi sâu vào đầu tư các vấn đề về môi trường, hạ tầng, cấp thoát nước trong các dự án tại Việt Nam, hỗ trợ rất lớn cho Việt Nam giải quyết các vấn đề hạ tầng giao thông, ô nhiễm rác thải, tình trạng ngập lụt.
Giai đoạn sau năm 2000, các nguồn vốn tài chính của Nhật Bản bắt đầu chuyển hướng sang bất động sản. Hàng loạt các doanh nghiệp xây dựng Nhật Bản gia nhập vào thị trường Việt Nam nhằm tạo ra nhiều dự án bất động sản hoành tráng, chất lượng.
“Vì vậy, với kiến nghị mong muốn tìm kiếm các dự án đầu tư tại Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẵn sàng là cầu nối để các doanh nghiệp Nhật Bản dễ dàng tìm kiếm các cơ hội, hợp tác đầu tư”, TS. Nguyễn Văn Khôi khẳng định.
Thứ hai là liên doanh, liên kết đầu tư giữa các thành viên. Hiện nay, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có tới 3.000 doanh nghiệp bất động sản hội viên. Việc nâng cao mối quan hệ giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam phải xuất phát từ hai phía. Về phía nước bạn, cần phải chủ động kết nối còn về phía Việt Nam, Hiệp hội sẵn sàng thông tin tới các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội nếu cần.
Thứ ba là việc tham gia vào các sự kiện liên quan đến lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. TS. Nguyễn Văn Khôi cho biết, vào tháng 11/2022 tới đây, Hiệp hội sẽ tổ chức Lễ hội Bất động sản Quốc tế thường niên. Ngoài ra còn có Diễn đàn xúc tiến đầu tư. Đây là những sự kiện tạo cơ hội rất lớn để cộng đồng các doanh nghiệp thế giới biết về thị trường Việt Nam cũng như tìm kiếm những cơ hội phát triển tại đây. Vì vậy, Nhật Bản có thể tham gia và Hiệp hội sẵn sàng đón tiếp.
Ngoài ra, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo, toạ đàm nhằm góp ý hoàn thiện các chính sách liên quan đến thị trường bất động sản. Là một nước phát triển mạnh về lĩnh vực này, Nhật Bản có thể tham gia đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm. Việc hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật tại Việt Nam cũng là điều kiện rất lớn cho các doanh nghiệp Nhật dễ dàng hoạt động tại đây.
Thứ tư là về quy trình, thủ tục giải quyết công việc. Việc phê duyệt các dự án khá khó khăn và diễn ra trong thời gian dài với nhiều thủ tục phức tạp không chỉ là vấn đề của các doanh nghiệp Nhật Bản mà cả doanh nghiệp Việt Nam cũng đang gặp phải. Vì vậy mà hiện tại, Việt Nam đang tập trung lấy ý kiến nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và một số luật khác như Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch.
“Trong thời gian đang góp ý sửa luật, cũng mong phía Nhật Bản bằng những kinh nghiệm của mình có những kiến nghị, đóng góp cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.
Thứ năm là vấn đề thanh toán chậm. Về phía Nhật bản, cũng cần xem xét lại các thủ tục thanh toán đã thực hiện đầy đủ hay chưa cùng với đó là tập hợp lại những vướng mắc liên quan đến vấn đề thanh toán chậm và có thể gửi đến Hiệp hội. Trên cơ sở đó, Hiệp hội sẽ tìm hiểu để kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm giúp hai bên nhanh chóng giải quyết vấn đề.
Nguyễn Thương - Tùng Dương