PV: Được biết Singapore là quốc gia rất thành công với những công trình xanh. Tại sao Singapore lại làm tốt việc này đến như vậy, thưa ông?
Ông Harry Yeo: Như các bạn đã biết, ở Singapore, các dự án công trình xanh được quan tâm và đầu tư một cách nghiêm túc. Vì rất chú trọng vào vấn đề môi trường, nên Singapore đề cao những công trình sử dụng năng lượng tái tạo. Thông qua việc tìm hiểu các thiết kế kiến trúc, tận dụng luồng không khí tự nhiên để tiết kiệm năng lượng, Chính phủ Singapore thiết lập Uỷ ban Tái thiết lập Đô thị (URA – Urban Redevelopment Authority). Đây là một tổ chức nhà nước nhằm khuyến khích các nhà phát triển xây dựng các công trình xanh với những thiết kế đặc biệt, giúp bảo tồn và tái tạo năng lượng.
PV: Singapore đã, đang và sẽ làm gì để duy trì việc phát triển bền vững, cũng như có thêm nhiều công trình xanh hơn?
Ông Harry Yeo: Uỷ ban Tái thiệt lập Đô thị của Singapore đã ban hành Hệ thống Thang điểm Xanh (Green Mark Scheme). Hệ thống Thang điểm Xanh được xây dựng dựa trên một loạt tiêu chí từ thiết kế, bố cục, cho đến toàn bộ công trình. Chúng tôi khuyến khích các nhà thầu xây dựng các dự án đạt tiêu chuẩn theo thang điểm này. Các toà nhà khi hoàn thành sẽ được xét và chấm tương ứng với các yêu cầu mà thang điểm đề ra. Những công trình đạt tiêu chuẩn sẽ được chính phủ khuyến khích, trao tặng phần thưởng. Vì vậy, nên rất nhiều toà nhà ở Singapore đã đạt nhãn hiệu Thang điểm Xanh, đồng thời ngày càng có thêm nhiều công trình phấn đấu để đạt được điều đó.
PV: Theo ông, Việt Nam có thể áp dụng những chính sách này cho nền bất động sản quốc gia?
Ông Harry Yeo: Tất nhiên rồi! Tuy vậy, các bạn phải có một ý chí kiên cường. Công trình xanh hay kiến trúc xanh đều cần nhiều vốn để phát triển. Nhưng nhà thầu thường nhìn vào lợi tức đầu tư, nên không tránh khỏi việc nản lòng sớm, hoặc không dám chi tiền để phát triển công trình xanh. Việc Việt Nam áp dụng những gì Singapore đã và đang làm là hoàn toàn có thể, với điều kiện các bạn kiên trì học tập, củng cố trên nền tảng của các quốc gia đi trước. Dù vậy, phải nên nhớ chân lý “hoà nhập mà không hoà tan”. Hãy nhìn vào những ví dụ, kiểu mẫu của các nước tiên phong, phát hiện ra những tinh hoa và khéo léo ứng dụng chúng vào nền tảng riêng của Việt Nam.
PV: Từ những kinh nghiệm của Singapore, Việt Nam có thể học được gì?
Ông Harry Yeo: Tôi gợi ý, Việt Nam có thể thành lập một phái đoàn và cử họ sang Singapore, để tham vấn và học hỏi kinh nghiệm, chuyên môn từ Uỷ ban Tái thiết lập Đô thị. Như vậy, chúng tôi sẽ có thể giới thiệu đến các bạn những ví dụ và biện pháp mà Singapore đã ứng dụng thành công trong xây dựng và phát triển công trình xanh. Từ đó, các bạn sẽ có thể học tập, “nhặt nhạnh” những gì mình cảm thấy thích hợp, và triển khaitrênchính đất nước mình. Tôi nghĩ, đó sẽ là khởi đầu tuyệt vời.
Những công trình xanh nổi tiếng ở Singapore:
- Gardens by the Bay (Những khu vườn bên Vịnh), một quần thể xanh rộng 250ha nhìn ra vịnh Marina. Nơi này thu hút 15 triệu lượt khách du lịch mỗi năm.
- Marina Bay Sands là khu tổ hợp nhà gồm khách sạn, casino và các công trình phức hợp nằm trên khoảng diện tích 15,5ha.
- Khách sạn Pickering là công trình xanh điển hình khác ở Singapore. Kiến trúc sư khéo léo đặt những vườn cây giữa các tầng của tòa nhà, tạo ra cảnh quan độc nhất vô nhị cho khu phố.
- Công viên trên trời (Sky Park) cũng là một trong những nơi không thể bỏ qua khi đến với Singapore.
- Hệ thống khách sạn Parkroyal là biểu tượng xanh nổi tiếng của Singapore với những công trình kiến trúc xanh bao phủ và xen kẽ một cách độc đáo khoa học.
Theo reatimes.vn