PV: Không chỉ là một doanh nghiệp tiên phong làm công trình xanh mà Capital House còn có "tham vọng" làm một cuộc cách mạng xanh ở Việt Nam. Khi quyết định tài trợ 1 triệu USD cho Chương trình vận động phát triển Công trình xanh Việt Nam, ông có gặp phải những ý kiến trái chiều của cổ đông hay cán bộ của tập đoàn không?
Ông Đỗ Đức Đạt: Các cổ đông ủng hộ tôi bởi họ có tầm nhìn xa. Tôi có nói với cán bộ nhân viên của mình, nhìn về một khía cạnh, tưởng mình thiệt nhưng thực ra là có lợi. Với chính doanh nghiệp thì đây là một hoạt động marketting lớn, nhìn về mặt xã hội, mình cũng được lợi và cả hai bên cùng được lợi.
Mình lấy một phần cái lợi đó để hỗ trợ các đơn vị cùng phát triển, tôi tin là tự nhiên sẽ khuyến khích được nhiều doanh nghiệp cùng tham gia.
PV: Khi quyết định tài trợ 1 triệu USD cho Chương trình vận động phát triển Công trình xanh Việt Nam để thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp, cùng phát triển bất động sản xanh, ông không ngại cạnh tranh sao?
Ông Đỗ Đức Đạt: Tôi đã làm hết sức những dự án xanh vừa qua. Cổ nhân vẫn nói câu “buôn có bạn, bán có phường”. Tưởng là mình bị cạnh tranh nhưng thực ra nhiều người làm, chính mình lại có lợi nhất. Những câu nói xưa được lưu truyền và tồn tại cho tới ngày nay, hẳn vì nó đã có sự chiêm nghiệm và rất đúng.
PV: Là doanh nghiệp tiên phong phát triển bất động sản xanh, theo ông, những chính sách của Nhà nước đã thực sự tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp chưa? Còn cần phải tháo gỡ vướng mắc gì?
Ông Đỗ Đức Đạt: Trước tiên phải khẳng định, Nhà nước có hỗ trợ hay không, tôi vẫn làm công trình xanh.
Từ xưa, tôi vẫn nói muốn công trình xanh phát triển tốt thì có mấy yếu tố Nhà nước có thể tạo điều kiện thúc đẩy mà không cần phải dùng ngân sách.
Thứ nhất là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản xanh được vay vốn ưu đãi bằng các nguồn huy động quốc tế.
Thứ hai là dùng các nguồn lợi nhìn nhận lâu dài để hỗ trợ ngược lại. Thực ra anh nhìn xa trông rộng thì anh có một phần nguồn lợi. Chúng ta không cần phải xây nhiều nhà máy điện, giảm chi phí đó hay các chi phí môi trường, bớt phải cải tạo để quay ngược lại.
Thứ ba là vấn đề chính sách. Singapore là một đất nước thuộc Đông Nam Á, vị trí địa lý không khác chúng ta nhiều. Đất nước có quy mô rất bé. Hiện tại 100% công trình của Singapore là xanh. Tại sao họ lại làm được điều ấy?
Singapore có chính sách rất hay là khi đạt được chứng chỉ xanh đặc biệt thì họ cho thêm một số diện tích sàn bán cho các đơn vị kinh doanh. Ví dụ như nếu có 100.000 m2 đạt chứng chỉ Green Mark mức cao nhất là Platium thì được cho thêm 10% tức được 110.000 m2 sàn nhưng phải nộp tiền đặt cọc cho nhà nước. Khi công trình xây xong thì kiểm định, nếu đạt thì sẽ trả lại tiền đặt cọc, không thì phạt một số tiền lớn hơn.
Thực ra tôi nghĩ tất cả là chính sách. Chính sách chung khuyến khích, và nhìn dài hạn là cả xã hội có lợi.
PV: Xin cảm ơn ông!
EcoHome là chuỗi sản phẩm đầu tiên ghi dấu ấn Capital House trên thị trường bằng dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại cho người có thu nhập thấp EcoHome 1 và EcoHome 2, với tiêu chí xanh – bền vững, giá thấp nhưng chất lượng không thấp. Tiếp đó là dự án xanh cho người thu nhập trung bình Ecohome Phúc Lợi. Các sản phẩm này đã giúp Capital House trở thành doanh nghiệp tiên phong khởi xướng công trình xanh trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình là xu thế/phong trào mới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, phát triển bền vững trên cơ sở tăng trưởng ổn định và quản lý hiệu quả, Capital House mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực văn phòng cho thuê, xây dựng căn hộ thương mại phục vụ nhu cầu phân khúc khách hàng cao cấp với dòng sản phẩm mang thương hiệu EcoLife, đó là dự án EcoLife Capitol và EcoLife Tây Hồ. Ngoài ra hệ thống trường mầm non TD KIDS là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục cho trẻ theo mô hình đào tạo chất lượng cao. Capital House quyết tâm phát triển tất cả các dự án của mình theo hướng Xanh. |
Phương Linh (thực hiện)