Hiện nay, Chính phủ đã ban hành một số thể chế cho phát triển công trình xanh, như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010; Quyết định 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh; Thông tư 13/2017/TT-BXD về quy định sử dụng vật liệu xây không nung… Tuy nhiên vẫn còn các rào cản trong xây dựng và phát triển công trình xanh.
Cụ thể là thiếu nguồn nhân lực để thực thi chương trình tiết kiệm năng lượng và phát triển công trình xanh ở các ngành, địa phương; việc áp dụng và phát triển công trình xanh mới chỉ mang tính tự nguyện, dựa trên ý thức của chủ đầu tư công trình; chưa kể sự tham gia của các tổ chức tín dụng, ngân hàng, hỗ trợ từ các quỹ tiết kiệm năng lượng rất hạn chế.
Để thúc đẩy thị trường bất động sản xanh, cần phải thay đổi tư duy từ nhà đầu tư tới người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng phải được tiếp cận với môi trường sống sinh thái, thân thiện với tự nhiên và tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà.
Đầu tư vào xây dựng công trình xanh, nhà đầu tư sẽ làm gia tăng lợi nhuận, kích thích nhu cầu phát triển thị trường bất động sản, giá trị công trình được nâng cao, chi phí được kiểm soát và góp phần xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Xã hội cũng sẽ nhận được các lợi ích về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tuy nhiên hiện nay phần lớn các tòa nhà đã và đang được thiết kế và xây dựng chưa phù hợp với xu hướng xây dựng xanh trên thế giới, còn lãng phí năng lượng và tài nguyên, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu.
Có nhiều lo ngại từ phía các nhà đầu tư do chi phí ban đầu cho dự án phát triển công trình xanh có thể cao, tuy nhiên việc đầu tư vào công trình xanh sẽ đem lại lợi ích lâu dài theo thời gian vì chi phí vận hành thấp.
Để chi phí không là rào cản, thì việc ban hành các ưu đãi về tài chính như giảm trừ thuế, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và đơn giản hóa thủ tục xét duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xanh; huy động sự tham gia của ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho hoạt động xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng, thông qua cơ chế cho vay ưu đãi, bảo lãnh vay, cho vay trung và dài hạn cần được ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, việc cho phép tăng hệ số sử dụng đất bằng cách tăng thêm số tầng cho các công trình – dành diện tích cho không gian công cộng, cây xanh... mà vẫn tuân thủ quy hoạch được duyệt đối với các dự án xây dựng xanh cũng cần được nghiên cứu, nhân rộng. Điều này sẽ thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước về phát triển công trình xanh.
Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, kiến trúc, môi trường và bất động sản để nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ và nâng cao nhận thức về công trình xanh cho các nhà quản lý, nhà đầu tư, người sử dụng và tổ chức, cá nhân làm công tác tư vấn, xây dựng.
Đây chính là tiền đề để các nhà đầu tư tập trung phát triển vào các dự án bất động sản xanh.
Theo KTS. Trần Ngọc Chính/ Báo Diễn đàn Doanh nghiệp