Năm 2024, bức tranh kinh tế - chính trị thế giới vẫn hiện lên với gam màu chưa thực sự sáng sủa cùng những biến động nhanh, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp ở nhiều nơi gây thiệt hại nặng nề. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia làm chao đảo nền hòa bình và sự ổn định toàn cầu. Hệ lụy là sự suy giảm của hệ thống thương mại, đầu tư, sản xuất và tiêu dùng trên diện rộng.
Thị trường bất động sản Việt Nam theo đó cũng khó tránh khỏi những cơn sóng gió. Có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân nên để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển, tăng nguồn cung, đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường một cách hợp lý, Chính phủ đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở và nhà ở cho các đối tượng chính sách, xây dựng các dự án bất động sản để tăng nguồn cung cho thị trường. Đồng thời, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân, đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.
Với 3 bộ luật mới: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ 1/8/2024, thị trường đã bắt đầu ghi nhận những tín hiệu phục hồi trở lại sau thời gian dài trầm lắng. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp để các luật thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực, doanh nghiệp địa ốc vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, từ khâu xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất đến những thách thức hiện hữu trong tiếp cận nguồn vốn…
Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tiếp tục thể hiện vai trò vững chắc, là một điểm tựa đáng tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp. Với sứ mệnh đồng hành, lắng nghe và sẻ chia, VNREA không ngừng nỗ lực tìm kiếm giải pháp, kiến nghị tháo gỡ những nút thắt, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững.
Trên cơ sở những kết quả đạt được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ lần thứ 5 nhiệm kỳ V (2022 - 2027) với sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội cùng toàn thể các Ủy viên Ban Thường vụ.
Hội nghị sẽ lắng nghe báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; trao đổi, thảo luận, góp ý kiến vào các nội dung báo cáo và thông qua dự thảo Nghị quyết Ban Thường vụ Hiệp hội.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, TS.LS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại của Hiệp hội, Chủ tịch Tập đoàn CEO ra mắt cuốn sách: “Bất động sản Việt Nam với người nước ngoài - Vietnam Real Estate For Foreigners” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Khách mời:
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)
Đại diện các Hiệp hội địa phương: Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Bình Dương.
Về phía Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có:
TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội
Cùng các đồng chí trong Thường trực Hiệp hội nhiệm kỳ V:
- Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng
- Ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Tập đoàn CEO
- Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam
- Ông Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam
- Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân
- Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup
- Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Phó Chủ tịch Tập đoàn FPT
Và các thành viên trong Ban Thường vụ.
Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội tuyên bố lý do, giới thiệu chương trình
Hôm nay, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (mở rộng) lần thứ 5 nhiệm kỳ V (2022- 2027) tại Hà Nội. Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Hiệp hội lần thứ 3 năm 2024, các hoạt động chính của Hiệp hội năm 2024 - những kết quả và khó khăn; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Hiệp hội.
Hội nghị tiếp tục tập trung vào mục tiêu trao đổi tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của thị trường bất động sản Việt Nam nhằm từng bước phục hồi, phát triển ổn định, bền vững cho thị trường bất động sản trong giai đoạn tới.
TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu khai mạc, chỉ đạo Hội nghị
Trước tiên, tôi xin chân thành cảm ơn các khách mời và đại biểu có mặt tham dự Hội nghị Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (mở rộng) lần thứ 5 nhiệm kỳ V (2022 - 2027) ngày hôm nay. Rất mong các đồng chí sẽ đóng góp nhiều ý kiến xây dựng quý báu, hiệu quả cho Hội nghị.
Có thể thấy, giai đoạn từ nửa cuối năm 2022 đến năm 2024, tình hình thị trường bất động sản trầm lắng khiến các doanh nghiệp, chủ đầu tư gặp không ít khó khăn. Cùng với đó, những vướng mắc về pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, quy trình thủ tục triển khai dự án… trong thời gian qua khiến thị trường đối diện với những thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, từ giữa năm 2024 đến nay, thị trường bất động sản bắt đầu khởi động có những tín hiệu tích cực.
Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình sửa đổi 4 luật là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng, được các ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành đánh giá cao.
Hiện tại, Hiệp hội cũng đang tổ chức tham gia ý kiến sửa đổi Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Đầu tư PPP,… có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản Việt Nam.
Các luật sửa đổi liên quan đến thị trường bất động sản đã được thông qua và có hiệu lực sớm. Kết quả này có ghi nhận nỗ lực, đóng góp của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong đó, các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội, thành viên Ban Pháp chế đã tích cực tham gia góp ý, phản biện chính sách một cách hiệu quả. Hiệp hội đã tổ chức nhiều cuộc họp để rà soát các điều khoản của luật, tìm ra những điểm còn bất hợp lý, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và thị trường để có kiến nghị, đề xuất sửa đổi, tháo gỡ phù hợp.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hiệp hội tiếp tục tham gia vào công tác hoàn thiện hệ thống các nghị định, văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; thường xuyên họp với các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan soạn thảo.
Tham gia công tác hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản là nhiệm vụ trọng tâm nhất của Hiệp hội trong 3 năm qua, đặc biệt là năm 2023 và 2024. Xin cảm ơn sự tâm huyết, trách nhiệm và sự tham gia hiệu quả của các đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội trong thời gian qua đối với công tác góp ý xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, 9 tháng đầu năm 2024, công tác đối ngoại của Hiệp hội tiếp tục được mở rộng, chuyên sâu. Theo đó, vị thế, vai trò của Hiệp hội, trong đó có các tổ chức thành viên trên trường quốc tế, đã được nâng cao.
Cụ thể về kết quả hoạt động của Hiệp hội trong năm 2024 và định hướng hoạt động năm 2025 sẽ được báo cáo tại Hội nghị.
Sau khi nghe báo cáo, Hiệp hội sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp, thảo luận của Ban Thường vụ và các đại biểu tham dự hôm nay về các hoạt động, đóng góp của Hiệp hội. Cùng với đó, chúng ta sẽ thảo luận về các vấn đề còn vướng mắc của thị trường bất động sản, nâng cao vai trò của Hiệp hội trong thời gian tới.
Tuy các luật đã ra đời, các thông tư hướng dẫn đã được các Bộ ban hành tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn những khó khăn trong thời gian đầu thực thi, áp dụng luật, đặc biệt là ở các địa phương. Vì vậy, cần có những ý kiến đóng góp để các doanh nghiệp, chủ đầu tư, môi giới được hoạt động hiệu quả trong môi trường pháp lý mới.
Chính những ý kiến đóng góp, trí tuệ của các đồng chí là nền tảng quan trọng để Hiệp hội có căn cứ tổng hợp, báo cáo kiến nghị gửi đến các cơ quan Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trong thời gian tới.
Hội nghị sẽ ghi nhận, tiếp thu toàn bộ các ý kiến và làm thành văn bản kiến nghị.
Một lần nữa, cho phép tôi thay mặt Hiệp hội Bất động sản Việt Nam xin chân thành cảm ơn tất cả các đồng chí, quý vị; chúc các đồng chí mạnh khỏe, thành công!
Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội báo cáo tình hình hoạt động của Hiệp hội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Kết quả hoạt động năm 2024
Về tổ chức bộ máy và công tác phát triển hội viên
Trong quá trình hoạt động, Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khóa V (2022 - 2027) đã có một số ủy viên dừng tham gia do bận công việc chuyển công tác ở đơn vị, đồng thời có một số đồng chí là hội viên Hiệp hội đề cử tham gia vào Ban Chấp hành Hiệp hội.
Hiện tại Ban Chấp hành Hiệp hội có 105 ủy viên. Trong đó, có 12 ủy viên Thường trực, 36 ủy viên Thường vụ và 5 ủy viên Ban Kiểm tra.
Bên cạnh đó, do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản thời gian qua, số hội viên trực tiếp đăng ký tham gia Hiệp hội giảm từ 365 xuống còn là 350 hội viên. Trong đó, Hội viên tổ chức (267 hội viên) và Hội viên cá nhân (83 hội viên).
Về công tác tư vấn, giám định và phản biện xã hội
Thực hiện chức năng phản biện xã hội, Hiệp hội đã tiếp cận hệ thống pháp luật về bất động sản ngay từ bước soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, phối hợp với các hoạt động thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, cùng với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các cơ quan của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để tham mưu với Chính phủ về các chính sách cho thị trường bất động sản một cách đúng đắn, hợp lý, hiệu quả nhất.
Hiệp hội thường xuyên được Chính phủ, Quốc hội, các Bộ ban ngành Trung ương và địa phương gửi Công văn đề nghị cử đại diện tham gia Ban soạn thảo, Tổ công tác xây dựng chính sách, pháp luật.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng được mời tham dự các cuộc họp trực tiếp và trực tuyến, hay đề nghị đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng, điều chỉnh sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực xây dựng, bất động sản, quy hoạch, đấu thầu, thủ tục hành chính.
Hiện, Hiệp hội đang tham gia tích cực vào xây dựng dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và dự thảo Luật Quy hoạch phát triển đô thị; Tiếp tục tham gia ý kiến vào Nghị định, Thông tư của các Bộ ban ngành để hướng dẫn thi hành một số điều chi tiết của Luật Đất Đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đấu thầu…
Kết quả cụ thể nhiều nội dung kiến nghị của Hiệp hội đã được tiếp thu sửa đổi trong các luật, văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản. Đồng thời tiếp tục tìm kiếm các giải pháp về cơ chế chính sách nhằm giải quyết bất cập cho thị trường bất động sản. Nhiệm vụ trọng tâm này luôn được Hiệp hội, các hội viên doanh nghiệp bất động sản tâm huyết thực hiện tích cực có hiệu quả.
Về tổ chức các chương trình, sự kiện
Bên cạnh việc góp ý sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đã tổ chức và chỉ đạo các đơn vị cơ sở Hiệp hội cùng tổ chức các hoạt động, sự kiện khác liên quan đến hoạt động hội viên, đến cơ chế chính sách hay những vấn đề nóng mà cộng đồng bất động sản đang quan tâm nhằm tổng hợp ý kiến được trực quan và sâu rộng hơn như: Cuộc họp Thường trực Hiệp hội để thống nhất kế hoạch triển khai hoạt động năm 2024; Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên năm 2024.
Đặc biệt, thực hiện Công điện số 79/CĐ-TTg ngày 13/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có kế hoạch triển khai Đề án truyền thông “Tuyên truyền, phổ biến, thực thi có hiệu quả chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản” gồm các nội dung chính như: Tổ chức Hội nghị đối thoại giữa cơ quan soạn thảo luật, các chuyên gia, doanh nghiệp và báo chí về cách hiểu và vận dụng 3 Luật; Tổ chức chuỗi 3 chương trình giao lưu trực tuyến giải đáp, trả lời trực tiếp các câu hỏi của người dân, doanh nghiệp về 3 Luật; Tuyên truyền, phổ biến về cách hiểu và vận dụng 3 Luật trên báo chí; Tuyên truyền, phổ biến thông qua ấn phẩm cẩm nang hỏi đáp về 3 Luật.
Mở đầu Đề án truyền thông, ngày 15/10/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra thành công Hội nghị đối thoại giữa cơ quan soạn thảo luật, các chuyên gia, doanh nghiệp và báo chí về cách hiểu và vận dụng Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản.
Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử bất động sản Việt Nam, CLB bất động sản Hà Nội, Chi hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Chi hội bất động sản du lịch, Liên chi hội đào tạo bất động sản Việt Nam, Liên chi hội bất động sản công nghiệp Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện nhằm tham gia vào cơ chế, chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản Việt Nam.
Về công tác đối ngoại và các hoạt động quan hệ hợp tác quốc tế
Công tác đối ngoại của Hiệp hội với các tổ chức Quốc tế được phát triển ngày càng chủ động, sâu rộng, mạnh mẽ, thực chất.
Đến nay, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã là thành viên chính thức của Liên đoàn Bất động sản Thế giới (FIABCI - the International Real Estate Federation), thành viên của Liên minh mạng lưới Bất động sản khu vực ASEAN (ARENA - Asean Real Estate Network Alliance) và là đối tác quan trọng của Hiệp hội các nhà môi giới bất động sản Hoa Kỳ (NAR - National Association of Realtors), Nhật Bản, Hàn Quốc… Qua đó, khẳng định vị thế của cộng đồng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, mở ra các cơ hội để Hội viên phát triển, nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội bán sản phẩm, dịch vụ, hợp tác, đầu tư bất động sản trong nước, ở khu vực và trên thế giới.
Năm 2024, nhằm thực hiện Chiến lược mở rộng quan hệ quốc tế và Kế hoạch năm 2024 của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ngày 23/4/2024, TS.LS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội đã có buổi làm việc trực tuyến với ông Jonathan Vydt, Giám đốc Chính sách EU của Hiệp hội Bất động sản Niêm yết Châu Âu (EPRA);
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Đoàn Văn Bình, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cùng với Hiệp hội Bất động sản các tỉnh, thành phố như Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng, CLB Bất động sản Hà Nội, Chi hội Môi giới Bất động sản và cộng đồng doanh nghiệp hội viên tích cực tham gia các sự kiện quốc tế tại nhiều nước.
Đặc biệt, với vai trò phụ trách công tác đối ngoại của Hiệp hội, tháng 11/2024, LS.TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội đã xuất bản cuốn sách song ngữ: Bất động sản Việt Nam với người nước ngoài (Vietnam Real Estate For Foreigners), do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản. Cuốn sách ra đời đảm bảo tính thời sự (kịp thời ngay sau khi 3 luật có hiệu lực); nội dung cập nhật nhất về các quy định có liên quan với người nước ngoài trong các Luật Đất đai, Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, các Nghị định, Thông tư và các văn bản có liên quan khác; quy trình hóa các thủ tục mua, thuê, đầu tư…
Dự kiến phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2025
Về công tác phát triển hội viên và kiện toàn tổ chức, cán bộ
Tiếp tục kiện toàn nhân sự khối Văn phòng Hiệp hội theo Nghị quyết Đại hội Nhiệm kỳ V. Bên cạnh đó rà soát sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức hoạt động của các đơn vị thuộc, trực thuộc Hiệp hội phù hợp với quy định mới tại Nghị định 126/2024/NĐ-CP. Cùng với đó tiếp tục phát triển hội viên theo hướng áp dụng công nghệ 4.0 nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng số lượng hội viên.
Đẩy mạnh hoạt động của Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam nhằm kết nối các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp với doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nâng cao tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững, giúp thu hẹp và giảm nhu cầu về tài nguyên, giảm chất thải và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Triển khai hoạt động của Văn phòng Đại diện Hiệp hội tại Khánh Hòa và TP.HCM, kết nối khu vực Miền Trung và Nam Bộ cùng hoạt động, tập trung phát triển hội viên trong năm 2025, dự kiến tăng 50 hội viên.
Chủ động phối hợp với chính quyền một số địa phương, Hiệp hội bất động sản và doanh nghiệp bất động sản trong khu vực để bàn tháo gỡ khó khăn trong quản lý đầu tư các dự án dở dang hiện nay và triển khai các dự án mới, đặc biệt là thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.
Về công tác tư vấn giám định và phản biện xã hội
Hiệp hội sẽ tiếp tục tham gia tích cực, chất lượng, hiệu quả trong việc tham gia sửa đổi bổ sung các luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản một cách đồng bộ giữa các luật và văn bản dưới luật như Luật Đầu tư, Luật Du lịch, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị…
Đồng thời, Hiệp hội chủ động phối hợp các cơ quan Nhà nước kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án bất động sản tại các địa phương và thực hiện 3 Luật mới được ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản)…
Bên cạnh đó, Hiệp hội tiếp tục tổ chức các chuyên đề, đề xuất cơ chế chính sách cho phục hồi và phát triển thị trường bất động sản; Tổ chức xây dựng đề án và thực hiện chương trình trong các lĩnh vực như: Hợp tác quốc tế và xúc tiến đầu tư, huy động nguồn vốn nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam; Giải pháp đẩy mạnh đầu tư phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ; Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng thị trường bất động sản công nghiệp và nhà ở công nhân, thu nhập thấp; Ứng dụng công nghệ số trong quản lý phát triển ngành xây dựng và bất động sản Việt Nam; Đề xuất cơ chế, mô hình quản lý và kiểm soát các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam…
Về hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư
Hiệp hội dự kiến tham dự các sự kiện đối ngoại năm 2025, trong đó các sự kiện quốc tế nổi bật bao gồm: Sự kiện do NAR tổ chức trên toàn cầu như IREC2025 với chủ đề Hội nghị năng lượng tái tạo quốc tế (The International Renewable Energy Congress) từ ngày 2 - 4/2/2025 tại Tunisia và sự kiện thường niên NAR NEXT từ 14-16 tháng 11, 2025 tại Houston, Texas, Hoa Kỳ; Hiệp hội cũng dự kiến tổ chức các đoàn thăm quan, học hỏi kết hợp xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE, EU, Úc, Canada, Mỹ… hoặc thị trường mà các hội viên Hiệp hội quan tâm.
Với các sự kiện trong nước, Hiệp hội dự kiến tổ chức một sự kiện đủ lớn với nhiều mục tiêu như Diễn đàn Bất động sản Việt Nam 2025 kết hợp triển lãm, hội thảo quốc tế, xúc tiến đầu tư… Ngoài ra sẽ ổ chức các sự kiện chuyên đề và mời các đối tác quốc tế tham dự.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận, góp ý kiến các nội dung trong báo cáo
Ông Phạm Lâm Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, CEO DKRA Group phát biểu:
Kính thưa hội nghị, thị trường bất động sản TP.HCM đang có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với quý III/2024. Một số dự án đã mở bán thành công, tạo ra sự lan tỏa tích cực cho thị trường. Trên cơ sở này, tôi xin đề xuất một số ý kiến cụ thể như sau:
Thứ nhất, về công tác Hiệp hội, trong thời gian tới, tôi cho rằng cần phát triển thêm hội viên để tăng cường sự hiện diện của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tại TP.HCM, đồng thời thắt chặt sự gắn kết giữa các doanh nghiệp. Qua đó, chúng ta có thể ghi nhận và tôn vinh các thành tích nổi bật theo vùng miền.
Thứ hai, về vai trò của Hiệp hội, tôi đề xuất có thể nghiên cứu tham gia thêm một mảng về quản lý vận hành tòa nhà và khu đô thị.
Hỗ trợ cho hoạt động quản lý vận hành tòa nhà và các khu đô thị là một phần quan trọng trong chuỗi các hoạt động của quá trình phát triển, bàn giao nhà ở và đảm bảo sự bền vững. Như tại TP.HCM, sau khi các dự án đi vào hoạt động, thường xuyên xuất hiện các tranh chấp giữa ban quản trị và cư dân, dù luật đã có những quy định cụ thể. Rất cần có đơn vị chuyên môn của Hiệp hội hỗ trợ cho vấn đề này.
Thứ ba, công tác ứng dụng công nghệ trong hoạt động của Hiệp hội cũng cần được chú trọng hơn. Hiện nay, thị trường bất động sản đang phát triển nhiều mô hình đầu tư mới, do đó, chúng ta nên tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý và đầu tư bất động sản để nâng cao hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành.
Về công tác của Chi hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện tại cộng đồng môi giới ở TP.HCM đã tham gia hoạt động bán hàng khá sôi nổi. Tuy nhiên, tôi kiến nghị Hiệp hội nói chung và Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nói riêng quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề đào tạo môi giới. Bởi thực tế hiện nay các đơn vị kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản đang được thành lập rất nhiều với quy mô nhỏ lẻ. Điều này sẽ gây ra ảnh hưởng nhất định cho thị trường bất động sản.
Ông Trần Đình Quý, Chủ Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa phát biểu:
Vừa qua, Ban lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã cho phép thành lập văn phòng đại diện Hiệp hội tại Khánh Hòa và TP.HCM.
Để các văn phòng đại diện phát huy được hiệu quả, tôi mong rằng, trong thời gian sắp tới, văn phòng đại diện sẽ có sự kết nối thường xuyên, liên tục hơn với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội cùng với chính quyền địa phương Khánh Hòa, TP.HCM để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản nói chung, bất động sản địa phương nói riêng và cả các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Nói riêng về thị trường bất động sản tại Khánh Hòa, vừa qua các quy hoạch chung của tỉnh, của các khu vực trên địa bàn như Nha Trang cũng đã được phê duyệt. Đây là những quy hoạch bài bản, hoàn thiện nhất, là bệ đỡ vững chắc và hứa hẹn sắp tới sẽ đem lại nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản Khánh Hoà.
Đặc biệt, thị trường bất động sản Khánh Hoà vốn rất sôi động với các sản phẩm nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, có một điều vẫn còn vướng mắc, đó là trong các quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản đã có quy định mới, chi tiết về loại sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai là nhà ở nhưng lại chưa có quy định với sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng hình thành trong tương lai. Do đó, tôi mong rằng, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ xem xét và có hướng dẫn chi tiết hơn để sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có thể phục hồi và phát triển bền vững, hiệu quả.
Ngoài ra, thị trường bất động sản Khánh Hòa thời gian qua cũng vẫn ghi nhận tồn tại, bất cập về việc chiếm dụng phần quỹ bảo trì tòa nhà 2%. Trong thời gian tới, tôi hy vọng sẽ có những quy định chặt chẽ hơn để giải quyết được vấn đề này.
Ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển nhà Constrexim phát biểu:
Đầu tiên, tôi rất vui mừng vì Hội nghị đã có sự tham gia của đầy đủ các thành viên Ban Thường vụ Hiệp hội và đặc biệt đã dành thời gian ưu tiên cho phần thảo luận để lắng nghe nhiều ý kiến, tìm kiếm được tiếng nói chung, đưa ra được những đề xuất phù hợp để tháo gỡ những vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp và thị trường.
Về hoạt động của Hiệp hội trong năm 2024, tôi nhận thấy rằng, VNREA đã hoạt động "đều tay" và gặt hái được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là công tác thông tin tuyên truyền. Năm nay, cơ quan báo chí của Hiệp hội là Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã hoạt động tốt, phổ biến thông tin nhanh chóng, chuyên sâu, kịp thời.
Trong năm nay, Hiệp hội cũng đã mở rộng sức ảnh hưởng đến các địa phương và cả các hiệp hội quốc tế về lĩnh vực bất động sản. Đây là hoạt động tốt để chúng ta có thể học hỏi các kinh nghiệm và nâng cao vị thế, lan tỏa sức ảnh hưởng.
Một điểm đáng ghi nhận khác trong thời gian qua là tiếng nói của Hiệp hội đã đến được với các cơ quan soạn thảo Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023. Nhiều ý kiến đóng góp của chúng ta đã được ghi nhận vào các luật mới. Đây là một điều rất phấn khởi.
Về tình hình thị trường bất động sản hiện nay, là một người có 40 năm làm trong nghề, tôi nhận thấy tình trạng nhiều địa phương không dám ký văn bản chấp thuận đầu tư khiến các doanh nghiệp phải chờ đợi vẫn diễn ra rất phổ biến khiến. Dẫn đến, nhiều dự án bị kéo dài thời gian triển khai và doanh nghiệp đầu tư rất mệt mỏi
Ở các nước, các nhà phát triển bất động sản rất dễ tính toán lợi nhuận đầu tư do giá đất được xác định rõ ngay từ đầu khi chấp thuận đầu tư. Còn tại Việt Nam, nhà đầu tư rất khó dự toán bởi có nhiều chi phí phát sinh và thời gian chấp thuận đầu tư dự án thường kéo dài hàng năm trời.
Như vậy thì giá bất động sản sẽ bị đẩy lên ngày càng cao để bù đắp chi phí, nên nếu chúng ta không có giải pháp can thiệp kịp thời để giải quyết vấn đề thì người dân sẽ là đối tượng phải gánh chịu nhiều nhất. Vì vậy, tôi kiến nghị Hiệp hội nên tiếp tục có ý kiến về vấn đề này để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và thị trường bất động sản nói chung.
Thực tế, tôi chưa từng chứng kiến giá bất động sản tăng đột biến đến 10, 20 lần như hiện nay. Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại, bởi đó hoàn toàn là giá ảo, do một số đối tượng đầu cơ thổi giá lên. Điều này khiến thị trường méo mó và về lâu dài sẽ gây thiệt hại lớn cho người dân.
Ông Trương Gia Bảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam phát biểu:
Dù mới thành lập nhưng Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp đã phối hợp với nhiều đơn vị để tổ chức các sự kiện về tài chính xanh, hạ tầng, khu công nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi đã chủ động các hoạt động xúc tiến, đón các đoàn khách quốc tế tới thăm. Ngoài ra chúng tôi cũng hợp tác với các đại sứ quán, và các tổ chức quốc tế WB, IFC… để gia tăng xúc tiến đầu tư.
Trong quá trình làm việc làm việc với các UBND tỉnh thì vấn đề lớn nhất mà chúng tôi nhận thấy đó là trong quy hoạch mới, kế hoạch giao đất rất lớn nhưng bị vướng chỉ tiêu sử dụng đất và quy định về hiệu quả sử dụng đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Có nghĩa là, trước đây làm dự án nhưng giao đất chưa hiệu quả, đến nay có nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư vào thì lại không được giao sử dụng đất.
Hiện nay tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp như vết dầu loang, thị trường cấp 1 như TP.HCM, cấp 2 như Hải Phòng tỷ lệ lấp đầy cao nhưng thị trường cấp 3,4 như khu vực miền Trung thì tỷ lệ lấp đầy vẫn thấp.
Đáng chú ý, tại các địa phương, hiện có nhiều dự án bất động sản mang tính chất đầu cơ cao. Theo đó, có nhiều dự án đang trong diện thu hồi nhưng vẫn chậm trễ. Điều đó cho thấy rằng, có nhà đầu tư “ăn dầm nằm dề” nhưng địa phương không “đuổi” được trong khi đó có những chủ đầu tư mong muốn có đất để phát triển dự án ngay nhưng lại chưa được cấp. Đây là vấn đề nhức nhối đang còn tồn tại ở nhiều địa phương.
Một vấn đề khác nữa là các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại đựa phương thì rất dễ nhưng nhà đầu tư Việt Nam thì vẫn còn gặp khó khăn trong thủ tục hành chính.
Cuối cùng, cần quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng của các kho xưởng gắn với yếu tố xanh, công nghệ cao. Bởi thực tế đã có một số đối tác nước ngoài đến Việt Nam nhưng sau khi khảo sát họ lại không chọn Việt Nam vì các yếu tố công nghệ cao, xanh sinh thái chưa đáp ứng yêu cầu.
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex phát biểu
Tôi nhận thấy vai trò của Hiệp hội ngày càng được nâng cao và đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội, điều này khiến tôi rất vui mừng. Và để Hiệp hội ngày càng lớn mạnh hơn, tôi cho rằng việc hướng dẫn hội viên và tăng cường hợp tác giữa các thành viên là rất quan trọng.
Hiện nay, Hiệp hội đã tạo được tiếng vang lớn trong lĩnh vực bất động sản cũng như trong xã hội. Vì vậy, cá nhân tôi mong muốn Hiệp hội thận trọng hơn trong công tác truyền thông.
Là một tổ chức hoạt động vì sự phát triển của xã hội, hướng tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp bất động sản, Hiệp hội cần đảm bảo thông tin được truyền tải chính xác và tích cực hơn. Đôi khi các cơ quan báo chí có thể đưa những thông tin thiếu chính xác hoặc sai lệch, ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Hiệp hội và hoạt động của thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, tôi mong muốn các doanh nghiệp và chủ thể khác trong ngành bất động sản hãy hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển bền vững. Sự đoàn kết và tinh thần chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau sẽ là nền tảng vững chắc giúp chúng ta tiến xa hơn, xây dựng một cộng đồng bất động sản ngày càng mạnh mẽ, gắn kết và phát triển bền vững.
Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Phó Chủ tịch Tập đoàn FPT phát biểu:
Nói về giá bất động sản, ai là người điều tiết? Tôi cho rằng, không phải chủ đầu tư, không phải là môi giới bất động sản mà đó là vai trò của Nhà nước, bởi không ai khác ngoài Nhà nước có quyền điều chỉnh giá đất. Muốn điều tiết giá bất động sản hợp lý, Nhà nước cần có chính sách hợp lý, bởi nếu giá đất cao thì tất cả những loại hình sản phẩm bất động sản liên quan trên thị trường sẽ tăng theo.
Thực tế, việc xây dựng chung cư cao tầng sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên đất đai, đồng thời đảm bảo được nguồn cung nhà ở cho phần đông người dân. Nhưng tiền sử dụng đất hiện nay đối với những dự án cao tầng tương đối cao. Tôi cho rằng, nếu xây dưới 5 tầng thì nên thu tiền sử dụng đất cao, còn trên 5 tầng thì cần ưu đãi hơn.
Việc gì thuộc về chính sách công, lợi nhuận không lớn thì buộc Nhà nước cần có trách nhiệm, ví dụ như hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục cho người dân và đặc biệt là nhà ở xã hội. Với nhà ở xã hội, tôi cho rằng nên tập trung vào cho thuê và không nên phân biệt đối tượng được thuê.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang:
Thứ nhất, tôi cho rằng chúng ta nên kích hoạt một chương trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trong các công trình bất động sản. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã có lợi thế trong lĩnh vực này và cơ quan báo chí của Hiệp hội là Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã có rất nhiều bài viết ủng hộ xu hướng chuyển đổi xanh, công trình xanh.
Vậy tại sao chúng ta không khởi động ngay chương trình chuyển đổi xanh cho các chung cư cũ, thay vì chờ đợi một luật về công trình xanh ra đời. Theo tôi, sứ mệnh của Hiệp hội nên đặt trọng tâm vào thúc đẩy chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nhà ở, góp phần xây dựng một môi trường sống bền vững, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng.
Thứ hai, về vấn đề nhà ở xã hội, đây là lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị phát triển nhà ở xã hội đang đối mặt với những thách thức lớn. Tôi cho rằng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng nên đặt trọng tâm hơn vào việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Chúng ta cần tách bạch từng hạng mục, nắm rõ các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để áp dụng hiệu quả vào phát triển loại hình nhà ở này. Nếu có những yêu cầu quá cao gây khó khăn cho tiến độ thì nên có đề xuất điều chỉnh, giảm bớt các yêu cầu phù hợp hơn để đảm bảo dự án được triển khai nhanh chóng, tránh tình trạng kéo dài làm gia tăng chi phí đầu tư, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Là những người trong ngành, tôi tin rằng chúng ta cần mạnh dạn lên tiếng và đóng góp vào quá trình phát triển này.
Thứ ba, chính sách hiện nay đang tập trung nhiều vào nhà ở thương mại, nhưng tôi cho rằng chúng ta nên tận dụng lợi thế về du lịch của Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản trong lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Lợi thế của chúng ta là có bản sắc văn hóa độc đáo. Phát triển bất động sản đô thị du lịch không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là yếu tố giúp nâng cao thẩm mỹ và bản sắc quốc gia, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển du lịch. Tuy nhiên, kịch bản phát triển đô thị du lịch của chúng ta hiện chưa hoàn chỉnh, là một nguyên nhân khiến tần suất du khách quay trở lại thấp. Chúng ta cần xây dựng một chương trình cụ thể nhằm “cứu” bất động sản du lịch, giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và thúc đẩy phát triển bền vững.
Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân phát biểu:
Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 là một chương trình gắn với thị trường bất động sản được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, đồng lòng triển khai. Điều đó cho thấy đây là chính sách rất đúng đắn, đi vào lòng dân.
Thời gian qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam với vai trò là đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đã có nhiều kiến nghị, góp ý với Chính phủ trong việc sửa đổi 3 bộ Luật liên quan đến thị trường bất động sản. Trong đó, Luật được ban hành đã có nhiều quy định mới về nhà ở xã hội, cởi mở hơn so với quy định cũ.
Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng Hiệp hội sẽ tiếp tục tham gia góp ý sâu hơn nữa để các quy định, chính sách phát huy hiệu quả thực chất khi đi vào cuộc sống trong các vấn đề về nguồn vốn, chính sách, đối tượng được mua nhà ở. Bên cạnh đó, kỳ vọng Hiệp hội sẽ đồng hành tốt hơn nữa cùng với các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội.
Để tham vấn chính sách phát triển nhà ở xã hội, Tập đoàn Hoàng Quân đã có rất nhiều các văn bản gửi tới UBND TP.HCM và các Hiệp hội về bất động sản. Theo đó để phát triển các dự án nhà ở xã hội, đầu tiên chúng tôi cho rằng cần phải cách mạng về công nghệ nhà ở xã hội.
Hơn 20 năm qua, Hoàng Quân phát triển được 24 dự án nhà ở xã hội. Vừa qua, Hoàng Quân đăng ký với Chính phủ xây dựng 50.000 căn nhà ở xã hội, tương đương với 50 dự án và chỉ còn khoảng 6 năm để thực hiện. Như vậy, bình quân mỗi năm chúng tôi phải hoàn thiện được 6 dự án. Có nghĩa rằng, trước đây làm nhà ở xã hội 24 tầng mất 2 năm thì chúng tôi cần có giải pháp công nghệ để làm chỉ trong 1 năm. Tương tự, trước đây, làm nhà ở công nhân 5 tầng cũng mất 1 năm thì hiện tại cần có giải pháp để làm dự án chỉ trong vòng 4 tháng. Có nhiều quốc gia đã áp dụng được công nghệ như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. Tôi mong rằng, Bộ Xây dựng, Hiệp hội sẽ đồng hành cùng chúng tôi tìm hiểu và áp dụng các công nghệ để làm nhà ở nhanh, gọn, chất lượng và giá rẻ hơn.
Về tài chính, quốc tế có nhiều quỹ phục vụ an sinh xã hội, do đó chúng ta có thể tận dụng để huy động được nguồn vốn rẻ và bền vững.
Cuối cùng, tôi mong rằng, thời gian tới các hội viên, thành viên Hiệp hội sẽ có sự kết nối tích cực hơn nữa để các doanh nghiệp hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau nhiều hơn. Chỉ khi đó thì đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội mới có thể nhanh chóng được thực hiện thành công.
Bên cạnh đó, thời gian tới chúng tôi cũng mong Hiệp hội sẽ tổ chức hội thảo chuyên sâu về nhà ở xã hội để các cơ quan quản lý và doanh nghiệp có một diễn đàn trao đổi về các vướng mắc và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển loại hình nhà ở này, đưa chính sách vào áp dụng trong thực tiễn một cách tốt nhất.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng phát biểu:
Trước tiên, tôi xin chúc mừng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có một năm hoạt động tích cực, ghi nhận nhiều kết quả tốt đẹp, nhất là trong công tác góp ý phản biện xây dựng chính sách pháp luật, góp phần giúp 3 luật quan trọng của thị trường bất động sản được Quốc hội thông qua.
Về tình hình chung, thị trường bất động sản hiện nay tuy còn khó khăn nhưng đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực hơn. Chưa bao giờ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm đến thị trường bất động sản như hiện nay. Đây là một điều rất thuận lợi.
Cụ thể, Quốc hội hiện nay đang xem xét các nghị quyết quan trọng liên quan đến thị trường bất động sản như: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (gọi tắt là dự thảo Nghị quyết mở rộng đất cho dự án nhà ở thương mại); Nghị quyết về xử lý các dự án vướng mắc như tại TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang…
Hiện nay, chúng ta đã có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Đây là gói do 4 ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện, có nghĩa là các ngân hàng đang trích lợi nhuận để hỗ trợ cùng Chính phủ làm nhà ở xã hội. Vì vậy, nhìn chung gói 120.000 tỷ đồng sẽ có những hạn chế nhất định. Bộ Xây dựng đang tham mưu đề xuất gói tín dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, tôi xin trả lời kiến nghị của đại biểu về bất động sản hình thành trong tương lai. Phải khẳng định, các sản phẩm hình thành trong tương lai đều đã có quy định chi tiết trong Luật Kinh doanh bất động sản như điều kiện sử dụng đất, điều kiện chuyển nhượng…, trong đó bao gồm cả condotel.
Ngoài ra, Chương IV về nhà ở xã hội tại Luật Nhà ở đã có nhiều quy định rất tiến bộ về phát triển nhà ở xã hội, trên tinh thần cởi mở tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội và người dân được tiếp cận nhà ở tốt nhất.
Với những vướng mắc còn tồn tại, đề nghị doanh nghiệp gửi kiến nghị tới Hiệp Hội và chuyển tới Bộ Xây dựng để chúng tôi có ý kiến hướng dẫn các địa phương.
Trình bày Dự thảo Nghị quyết BTV lần 5 nhiệm kỳ V (2022 - 2027)
Kết luận Hội nghị
Thông qua các ý kiến đóng góp của các đồng chí, tôi xin nhấn mạnh thêm một vài điểm.
Thứ nhất, trong năm 2024, mặc dù các doanh nghiệp, đơn vị Hiệp hội và Thường vụ thường trực Hiệp hội vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn đầu, nhưng đã nỗ lực vượt qua khó khăn. Điều đáng mừng là thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở xã hội và bất động sản công nghiệp. Đây là bước tiến đáng ghi nhận, mở ra những triển vọng mới cho ngành trong thời gian tới.
Thứ hai, tôi xin biểu dương các đơn vị đã rất tích cực trong hoạt động của Hiệp hội, bao gồm Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, Chi hội Môi giới, Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp và các đơn vị trực thuộc khác. Đặc biệt, tôi xin ghi nhận và biểu dương Ban Pháp chế, đã hoạt động hết mình trong năm qua để hỗ trợ công tác góp ý, phản biện chính sách của Hiệp hội. Những nỗ lực của các đơn vị đã góp phần quan trọng vào kết quả hoạt động chung của Hiệp hội.
Ra mắt sách: “Bất động sản Việt Nam với người nước ngoài - Vietnam Real Estate For Foreigners” của TS.LS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Đây là cuốn sách mới nhất của tác giả TS. LS. Đoàn Văn Bình vừa được xuất bản đầu tháng 11/2024. Nội dung cuốn sách bao gồm Thông tin chung về Việt Nam (20 đầu mục) và hệ thống hóa, phân tích, cập nhật các quy định mới nhất của Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023, các Nghị định, Thông tư có liên quan đến 3 Luật này, các văn bản mới nhất liên quan đến lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Cuốn sách quy trình hóa một cách dễ hiểu các thủ tục mua, thuê, đầu tư bất động sản tại Việt Nam với người nước ngoài qua 4 sản phẩm chính trên thị trường là nhà ở, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê và bất động sản du lịch.
Cuốn sách được xuất bản song ngữ Việt - Anh nên hữu ích không chỉ đối với người nước ngoài, mà còn là tài liệu đáng tham khảo cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam mong muốn tìm hiểu, đầu tư, muốn tìm kiếm đối tác nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản…
TS. LS. Đoàn Văn Bình chia sẻ lý do xuất bản cuốn sách:
Làm một dự án sách là bao công sức. Nhưng, chúng tôi luôn nghĩ: Đất nước mình vô cùng đẹp và có nhiều tiềm năng phát triển trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Về đối ngoại, từ chỗ bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, đã ký Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 32 nước, trong đó có 5 nước là Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nền kinh tế của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7).
Về nền kinh tế mở, đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 220 nước, vùng lãnh thổ, kim ngạch thương mại năm 2023 đạt 683 tỷ USD (thặng dư 28 tỷ USD); 10 tháng đầu năm 2024 đạt 647,87 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 335,59 tỷ USD, nhập khẩu đạt 312,28 tỷ USD (thặng dư 23,31 tỷ USD) và kim ngạch thương mại có thể đạt con số kỷ lục gần 800 tỷ USD trong năm nay (tiến sát con số gấp gần 2 lần GDP); Với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 450 tỷ USD, với hơn 41.000 dự án đến từ hơn 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.
Về bà con Việt kiều trên thế giới, Việt Nam đang có trên 6 triệu Việt kiều tại 130 quốc gia. Nhiều bà con luôn hướng về quê hương và mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Chúng ta cần khai thác mọi tiềm năng từ những lợi thế, thành quả trên để phát triển đất nước. Nếu thêm một cá nhân nước ngoài, một tổ chức nước ngoài biết, tìm hiểu và đầu tư một sản phẩm bất động sản, một dự án bất động sản thôi, Việt Nam sẽ có thêm một người bạn, một "đại sứ", có thêm dòng tiền, việc làm, kích hoạt chuỗi sản xuất, xuất khẩu tại chỗ... Ngành bất động sản cần đóng góp nhiều hơn và thiết thực trong Kỷ nguyên mới.
Thêm nữa, tôi phụ trách công tác đối ngoại của Hiệp hội, nên luôn muốn làm gì đó kịp thời, hiệu quả để bạn bè, đối tác quốc tế biết nhiều nhất về Hiệp hội mình, về bất động sản Việt Nam. Vì thế, tuy vất vả, tốn kém, nhưng có động lực để cố gắng. Cuốn sách về bất động sản, nhưng chúng tôi muốn gửi 1 thông điệp chào đón với bạn bè, đối tác quốc tế của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Hãy đến đất nước tươi đẹp của chúng tôi, du lịch, nghỉ dưỡng, học tập, làm việc, đầu tư! (Welcome to our beautiful Vietnam!).
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật phát biểu giới thiệu cuốn sách:
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, nhu cầu sở hữu tài sản ở nước ngoài tăng cao, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế. Thể chế chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, kết cấu hạ tầng hiện đại đang được đầu tư mạnh mẽ và dân số trẻ năng động cùng với chính sách pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản theo hướng cởi mở với các nhà đầu tư nước ngoài là cơ sở để thu hút nguồn vốn ngoại hối đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, để thành công trong lĩnh vực đầu tư bất động sản tại một thị trường mới, các nhà đầu tư nước ngoài cần nắm vững những kiến thức chuyên sâu, hiểu rõ các quy định pháp lý và nắm bắt cơ hội đầu tư tiềm năng tại Việt Nam.
Cuốn sách ra mắt ngày hôm nay, là công trình nhằm cung cấp thông tin chuyên sâu, cập nhật thông tin, những quy định pháp luật của Việt Nam hiện có hiệu lực về thị trường bất động sản dành cho người nước ngoài. Cuốn sách được biên soạn dựa trên nhiều năm nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế của tác giả - một chuyên gia am hiểu sâu về lĩnh vực bất động sản và đầu tư tại Việt Nam. Với sự trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học của tác giả, việc tỉ mỉ trong công đoạn biên tập, cuốn sách "Bất động sản Việt Nam với người nước ngoài" sẽ là một tài liệu có giá trị cao, không chỉ giúp người nước ngoài hiểu rõ hơn về thị trường bất động sản ở Việt Nam mà còn hỗ trợ họ đưa ra quyết định đầu tư một cách an toàn và hiệu quả.
Đại diện Quỹ Ngày mai tươi sáng, GS. TS. Lê Văn Quảng, Phó Chủ tịch Quỹ, Giám đốc Bệnh viện K phát biểu:
Thay mặt Quỹ, tôi xin gửi lời cảm ơn tới tác giả, TS. LS. Đoàn Văn Bình đã tiếp tục có hành động nhân ái và thiết thực thông qua việc xuất bản cuốn sách và dành toàn bộ thu nhập ủng hộ Quỹ. Trong những năm qua, Quỹ Ngày mai tươi sáng đã tặng quà hơn 34.500 bệnh nhân ung thư, khám sàng lọc ung thư cho 79.000 người, hỗ trợ thuốc cho trên 1.400 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có nhiều bệnh nhi. Hoạt động đóng góp của tác giả, TS. LS. Đoàn Văn Bình nói riêng cũng như các nhà hảo tâm nói chung có ý nghĩa lớn, truyền cảm hứng, giúp Quỹ ngày càng giúp đỡ được nhiều người bệnh hơn.
Một số hình ảnh khác tại Lễ ra mắt sách:
Tùng Dương