10h45:Hội thảo diễn ra phiên thảo luận trực tiếp về chủ đề: Các công cụ chính sách và tài chính thúc đẩy sự phát triển xanh tại phân khúc nhà ở bình dân và nhà ở xã hội để giải quyết những câu hỏi đã đặt ra trước đó.

Thảo luận có sự tham gia của: Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; ông Vũ Hồng Phong, chuyên gia công trình xanh của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC); ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Capital House và ông Nguyễn Thế Phương, Quản lý Chứng nhận EDGE tại Việt Nam, Công ty TNHH SGS Việt Nam, đối tác chứng nhận địa phương công trình EDGE.

Điều phối phiên thảo luận là ông Vũ Hồng Phong, chuyên gia công trình xanh của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

Ông Vũ Hồng Phong: Thưa ông Chiến, ông đánh giá thế nào về tiềm năng của nhà ở xã hội ở Việt Nam? Vai trò của Hiệp Hội Bất động sản cố vấn cho nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển nhà ở xanh ở thời điểm hiện tại và sắp tới như nào?

Ông Đỗ Viết Chiến: Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là đại diện cho các doanh nghiệp hội viên, là sân chơi, tổ chức xã hội nghề nghiệp của các doanh nghiệp. Hiệp hội có vai trò tư vấn và phản biện xã hội cũng như phản ánh những vấn đề đã nảy sinh nhưng pháp luật chưa kịp thay đổi.

Về vấn đề tăng trưởng xanh, công trình xanh thì từ năm 2013 Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết định về phát triển xanh, trong đó vấn đề bất động sản xanh gần như là chủ yếu. Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu. Việt Nam đã bắt đầu hình thành công trình xanh, đô thị xanh nhưng chưa có hệ thống, vẫn nhỏ lẻ, dù nhà nước đã có định hướng sớm. Hôm nay đáng tiếc là không có đại diện của khối nhà nước tới dự và đưa ý kiến.

Trong khi rõ ràng cần có cơ chế nhà nước, dựa trên những quy chuẩn, pháp luật rõ ràng để định hướng cho nhà đầu tư. Khi đạt được chứng nhận công trình xanh thì cơ sở nào đánh giá công trình đó, đô thị đó là xanh? Dù là EDGE hay LEED thì vẫn là mô hình của nước ngoài. Trong khi rõ ràng, nhà nước phải là tiên phong.

Ông Vũ Hồng Phong: Chúng tôi rất tiếc hôm nay đại diện Bộ Xây dựng không tham dự được, hi vọng trong thời gian tới đại diện Bộ Xây dựng sẽ tham gia các sự kiện để góp chung tiếng nói với cộng đồng doanh nghiệp làm công trình xanh. Như anh Chiến nói, vai trò của nhà nước rất quan trọng. Ví như ở Singapore, vai trò của chính phủ rất quan trọng, hỗ trợ phát triển công trình xanh. Cảm ơn ông Bách vừa có bài tham luận hay. Xin ông chia sẻ với mọi người về cách thức làm công trình xanh, bán hàng của đơn vị.

Ông Trịnh Tùng Bách: Xanh hóa nói chung đi từ thiết kế, thiết kế xanh là sự tích hợp cả kiến trúc, cơ điện, xây dựng, vận hành cho đến người sử dụng, chúng tôi thiết kế tích hợp cũng vậy, các bộ môn đều tham gia, xanh thì xanh ở đâu, xanh như thế nào, từ những điều đó, các bộ phận liên quan như marketing lấy làm "key" để làm marketing. Ví dụ như dự án Ecohome3 có lượng đơn mua lớn chứng tỏ sức hút của công trình xanh, dự án xanh ở phân khúc này rất lớn, tôi tin rằng các dự án tương tự sẽ đạt hiệu quả tương tự.

Có thể thấy khi nhìn vào cả quá trình thì chi phí phụ trợ tăng nhưng quan trọng là thương hiệu của tập đoàn gắn với chữ xanh - đây là điều mà tiền không mua được.

Ông Vũ Hồng Phong: Như ông Bách nói thì chủ đầu tư đừng nhìn nhận dự án đó bán bao tiền. Một nghiên cứu của tổ chức thế giới đã cho rằng, hiệu quả lâu dài của công trình xanh là không thể tính toán, quy đổi thành tiền được. Lợi ích cần nhìn ra là con người của chúng ta không bị ảnh hưởng bởi thảm họa ô nhiễm.

Ông Hoàng Mạnh Nguyên: Như anh Bách trình bày, thì dự án đó là một sản phẩm tuyệt vời. Nhưng nhìn trên bản quy hoạch, có nhiều căn hộ mặt hướng tây, đơn vị đã có nghiên cứu nào để giải quyết?

Ông Trịnh Tùng Bách: Đúng là không chủ động được vị trí, hướng của dự án khi xây dựng, nhưng chúng tôi đã cố gắng sử dụng vật liệu kính tiết kiệm low-e để hạn chế tác động nhiệt.

Ông Vũ Hồng Phong: IFC làm việc với các tổ chức để cố gắng các chứng nhận cho công trình xanh đều là đúng hiệu quả. Vậy theo ông Phương, việc lấy chứng nhận công trình xanh là như nào?

Ông Nguyễn Thế Phương:Rất nhiều chủ đầu tư đã nói rằng họ có thể làm xanh nhưng có nhất định phải lấy chứng nhận hay không. Tuy nhiên, chứng nhận chính là 1 bản đại diện của bên thứ 3 chứng minh cho họ. Nếu không có gì để chứng minh thì có thể nói đó không phải là xác thực, tính xác thực không cao. Chúng tôi đề cao sự chính xác, minh bạch đối với mỗi công trình.

Ông Vũ Hồng Phong: Khi dự án chứng minh có được chứng chỉ xanh, không chỉ người dân biết đến mà đối tác nước ngoài sẽ đánh giá cao hơn. Hiện nay trên thị trường có nhiều dự án đặt tên GREEN, GREN ECO… xin hỏi các chuyên gia nhìn nhận thế nào?

Ông Nguyễn Thế Phương: Tên gọi có thể làm mọi người hiểu xanh về công trình, một dự án đặt là ECO, nhưng lại không áp dụng bất cứ tiêu chuẩn xanh nào. Với những khách hàng có nhiều hiểu biết thì họ sẽ nắm được còn những ai không hiểu biết thì dường như họ sẽ chịu thiệt.

Ông Đỗ Viết Chiến: Việc đặt tên như vậy làm nhiễu thị trường, làm thị trường cũng không hình dung được thế nào là công trình xanh. Theo đó rất cần 1 bộ tiêu chuẩn, tiêu chí cho công trình xanh, nhà nước cần phải công bố va fkhi người dân đến ở họ sẽ căn cứ vào đó để đánh giá, khiếu nại với chủ đầu tư.

Nói chung công trình xanh vẫn đang phát triển nhỏ lẻ, ít điểm sáng. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của chuyên gia trong Toạ đàm Cà phê xanh trước đó là khi làm công trình xanh, nhà xanh hay đô thị xanh cuối cùng vẫn căn cứ vào giải pháp tự nhiên.

Do đó, là đô thị xanh thì vẫn căn cứ và yếu tố tự nhiên, dù áp dụng công nghệ thông minh ra sao cũng phải căn cứ vào yếu tố khí hậu nhiệt đới của chúng ta. Không thể đi ngược lại tự nhiên rồi lại lấy công nghệ thông minh để sửa lại tự nhiên, đó là cưỡng bức tự nhiên và công nghệ. Để xây dựng các công trình xanh một cách có hệ thống thì quy hoạch vẫn là yếu tố cần đầu tiên.

Ông Trịnh Tùng Bách:Đúng như anh Chiến nói, yếu tố đầu tiên vẫn là quy hoạch, rồi mới đến các yếu tố kiến trúc xây dựng, quy hoạch thành công sẽ giải quyết được nhiều yếu tố tự nhiên của công trình. Đối với Capital House, tốn chi phí để mời chuyên gia thẩm định, nhưng đó chính là yếu tố khách quan để chứng minh cho người mua nhà đó là công trình xanh.

10h00:Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Ngài Jonas Grunder, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), Chính phủ Thụy Sĩ tại Việt Nam lên trao chứng nhận EDGE cho đại diện Capital House Group và vinh danh các dự án có đóng góp xã hội và môi trường, chứng kiến bởi các chủ đầu tư cho Dự án.

9h45:Ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Capital House tham luận về chủ đề: Dự án EcoHome 3, chia sẻ kinh nghiệm triển khai, chi phí, lợi ích từ việc Xanh hóa nhà ở Xã hội.

Khi tiếp cận công trình xanh, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội chúng tôi cũng gặp rât nhiều khó khăn. Nhắc đến xanh mọi người đều nghĩ rất đắc hoặc nhiều cây xanh. Do đó, khi mới bắt đầu tiếp cận, chúng tôi cũng gặp nhiều rào cản về suy nghĩ của mọi người. Đôi khi chúng ta chỉ nghĩ về CTX với những giải pháp cao cấp, công nghệ, nguyên vật liệu đắt đỏ… mà quên mất việc áp dụng những giải pháp thiết kế thụ động, những ứng dụng thiết kế thông minh.

Ông Trịnh Tùng Bách

Ông Trịnh Tùng Bách

Trong quá trình học hỏi áp dụng thực tế chúng tôi có thể rút ra nhiều bài học: Với thách thức, thứ nhất là chi phí phụ trội cho áp dụng các tiêu chí xanh, thứ hai là chi phí phụ trội và hiệu quả kinh tế, thứ ba là không có hướng dẫn từ cơ quan nhà nước, thứ tư là quy trình thủ tục phức tạp, tốn kém và thứ năm là nhiều bộ tiêu chí chưa thống nhất áp dụng. Trên thị trường hiện nay, phổ biến 2 chứng chỉ LEED và EDGE.

Thứ hai là thách thức từ người mua căn hộ. Bạn bè đồng trang lứa với tôi, khi tiêu chí chọn mua căn hộ của họ cũng hoàn toàn không có yếu tố xanh. Họ chủ quan tâm vị trí đẹp hay không, giao thông thế nào nhưng không quan tâm chủ đầu tư dùng đèn gì, nước tiết kiệm ra sao…

Nhận thức từ công trình xanh còn hạn chế, lợi ích không rõ ràng, thị trường có quá nhiều dự án gắn mác CTX không rõ ràng. Nhiều nhân viên của chúng tôi bản thân làm trong ngành xây dựng nhưng hỏi về yếu tố xanh cũng rất “lơ mơ”. Thị trường quá nhiều công trình gắn mác GREEN nhưng không rõ ràng như thế nào nên người dùng cũng gặp khó.

Những dự án đầu tiên của Capital House: Ecohome 1, Ecohome 2 2 dự án này có các yếu tố xanh gồm: Cảnh quan - cây xanh, gạch không nung, đèn LED cho không gian nội - ngoại thất, năng lượng mặt trời Kết quả nghiên cứu từ USA chúng tôi nhận thấy, Chi phí phát sinh dao động từ -18% tới 9%; +2,42% so với dự án thông thường. Kết quả nghiên cứu từ 16 dự án cho thấy, chi phí vận hành giảm đối với chủ đầu tư và cư dân, lợi ích trong cả vòng đời dự án, nhưng nhiều hơnlà lợi ích mang tới cho cư dân.

Chính sách hỗ trợ tài chính Nhà ở giá rẻ không tạo điều kiện cho việc triển khai các chi tiết Xanh do quá tập trung vào chi phí phát triển ban đầu (initial cost) hơn vào chi phí cả vòng đời dự án (life-cyle cost) Những lợi ích khác như cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cư dân, điều này không nằm trong hạng mục nào của phân tích tài chính tiêu chuẩn. Hầu như không có phân tích nào của chủ đầu tư cho thấy tiêu chuẩn sức khoẻ là bao nhiêu.

Chúng tôi ứng dụng EDGE bởi nó đúng vào 3 yếu tố phù hợp với Việt Nam: Một công trình tiết kiệm được 20% tiêu thụ năng lượng, nước và vật liệu so với chuẩn tiêu thụ tương ứng tại địa phương.

Chúng tôi làm công trình không phải vì chứng chỉ nào cả mà chỉ mong muốn công trình phù hợp với thị trường, với người dân. Với những gì học từ thực tế, chúng tôi đã có các dự án đã áp dụng: Ecolife Capitol, Capital House Office, Ecohome Phúc Lợi, Sales Center, Ecohome 3 và Genesis School.

Trong đó: Ecohome 3 có mức giá bán NƠXH từ 16,5 triệu/m2; giá bán NƠTM từ 21 triệu/m2. Công trình này đạt chứng chỉ Xanh EDGE; Tiết kiệm khoảng 25% năng lượng; 36% nước và gần 32% năng lượng hàm chứa trong vật liệu. Ecohome 3 đã được thẩm định và cấp chứng chỉ. Hơn nữa, với 4.300m2 cây xanh ngoài quy hoạch, 800 cây xanh, cảnh quan, đài phun nước giúp tăng chất lượng không khí, giảm hiệu ứng đảo nhiệt thì nhiệt độ tại đây có thể giảm 1 - 2 độ so với môi trường xung quanh, đặc biệt gần khu vực vòi phun nước.

Chúng tôi cũng chọn màu sơn cho toà nhà với màu sơn trắng sáng với hệ số phản xạ hơn 80% cùng với 400 tấm pin mặt trời phục vụ chiếu sáng công cộng; kính low-e cho các căn hướng Tây. Đặc biệt, với chất lượng nước rất nhiều vấn đề, chúng tôi đã chọn lắp hệ thống lọc nước với màng lọc 5 micron để có thể uống nước tại vòi. Chi phí phụ trội từ 1% - 1,5% nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Vì hiệu quả mô hình này đem lại, chỉ có hơn 1.600 căn nhưng có hơn 2.000 đơn đặt mua.

Chúng tôi muốn xây dựng Ecohome là dự án kiểu mẫu nhà ở xanh giá rẻ cho thị trường. Bỏ từng đó tiền, lợi ích của chủ đầu tư chính là giá bán và tiêu thụ tốt hơn, chi phí vận hành giảm, đặc biệt là trường học và văn phòng, khách hàng hài lòng hơn về môi trường sống, sức khoẻ, giữ giá khi giao dịch, góp phần bảo vệ tài nguyên, phát triển bền vững…

Công trình xanh là tất yếu nhưng công trình xanh cho nhà ở giá rẻ bình dân thì it nhiều người quan tâm. Tóm lại làm công trình xanh là cho thế hệ tương lai của chúng ta.

9h30:Ông Vũ Hồng Phong, chuyên gia công trình xanh của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tham luận về chủ đề: Giải pháp thiết kế xanh cho nhà ở giá bình dân, kinh nghiệm từ các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, IFC hỗ trợ kiến tạo thị trường, hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân. Năm 2018, chúng tôi có 23 tỷ USD đầu tư toàn cầu, trong đó 4,5 tỷ USD đầu tư xanh. Mục tiêu của chúng tôi, là hỗ trợ Chương trình Công trình Xanh Việt Nam; Thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng; Xây dựng Hệ thống chứng nhận công trình xanh EDGE và thay đổi thị trường xây dựng; Nâng cao kỹ năng và kiến thức cho sinh viên ngành kiến trúc và xây dựng. 6 tháng vừa qua, IFC đã đào tạo cho 100 sinh viên về công trình xanh.

Ông Vũ Hồng Phong

Ông Vũ Hồng Phong

Khi mọi người nhắc đến xanh thường nghĩ là rất đắt với những giải pháp đắt đỏ như dùng pin năng lượng mặt trời, trồng cây trên mái. Tuy nhiên, có dự án mà chúng tôi thấy một dự án tại Hoa Kỳ đạt chứng nhận LEED PLATINUM… Công trình xanh theo chứng nhận EDGE là công trình hiệu quả về năng lượng, nước, năng lượng hàm chứa trong vật liệu xây dựng.

Đặc biệt, tại thị trường Việt Nam đây là 3 yếu tố mà doanh nghiệp và ngành xây dựng quan tâm. Rất nhiều công trình xây dựng dùng kính có đắt không? Chắc chắn đắt nhưng lại không tiết kiệm nhiều năng lượng, rất chói. Vừa hấp thụ nhiều nhiệt lại bỏ ra nhiều năng lượng để làm mát.

Một người kiến trúc giỏi là một người hiểu được khu đất đó cần phát triển như nào. Nguyên tắc thiết kế: Giảm nhu cầu sử dụng - Thiết kế thụ động/Kiến trúc; Sử dụng hiệu quả - Hệ thống công trình; nguồn năng lượng tái tạo phi tập trung - Tái tạo tại chỗ; nguồn năng lượng tái tạo tập trung - Ngoài phạm vi công trường; nguồn năng lượng truyền thống - điện lưới, khí,... Những giải pháp này không hề tăng chi phí.

Thực tiễn trên thế giới cho các công trình nhà ở xã hội, tại dự án Bangalore, Ấn Độ, Năng lượng: Sơn trắng phản xạ - Tỷ lệ kính thấp - Tận dụng chắn nắng ngoài - Đèn LED 33%. Nước: Vòi lavabo low flow - Vòi tắm flow flow - Toilet 02 chế độ xả. Năng lượng hàm chứa trong vật liệu xây dựng: Tường bao ngoài bê tông - Tường bao trong bê tông.

Tại dự án Santo, Haiti là một dự án thấp tầng, ở phân khúc nhà ở xã hội. Ở đây, đất họ không thiếu nhưng công nghệ không cao và tốn kém nên họ không thể xây được cao tầng. Do đó, để tiết kiệm năng lượng, họ dùng tỷ lệ kính/tường thấp - Tối đa chắn nắng ngoài - Đèn LED 56%. Nước: Vòi lavabo low flow - Vòi tắm flow flow - Toilet 1 chế độ xả thấp . Năng lượng hàm chứa trong vật liệu xây dựng: Giảm lượng bê tông sử dụng trong kết cấu - Tường gạch bê tông cho tường trong và tường ngoài.

Việt Nam hoàn toàn có thể ứng dụng những giải pháp trên thế giới mà không hề tốn nhiều chi phí. Với các quốc gia đang phát triển tỷ lệ xây dựng rất nhanh thì áp dụng chứng nhận EDGF là rất phù hợp, để khắc phục toàn bộ những yếu tố yếu kém của thị trường, đặc biệt là tiến độ bán dự án của thị trường bất động sản thì chứng nhận này ứng dụng rộng rãi, phù hợp với tiến độ phát triển.

Có những công trình đắt mà không xanh và có những công trình xanh mà không đắt. Công trình nào cũng là bê tông giống nhau, sự khác biệt nằm ở cách tiếp cận và tận dụng tối đa các lợi ích mang lại.

9h20:Ngài Jonas Grunder, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), Chính phủ Thụy Sĩ tại Việt Nam chia sẻ về định hướng phát triển toàn cầu về phát triển bền vững và các chương trình quốc tế của Chính phủ Thụy Sĩ.

Xây dựng công trình xanh, đây là vấn đề chúng tôi cũng đang phải đối mặt tại Thuỵ Sĩ và gia tăng hiệu quả năng lượng là cách giảm tải năng lượng, tiêu thụ ít năng lượng mà vẫn đảm bảo các tiện ích của người dùng. Cải thiện hiệu quả năng lượng dẫn 3 lợi ích: Hiệu quả kinh tế; Giảm năng lượng; Giảm hiệu ứng nhà kính do vấn đề năng lượng.

Công trình xanh là một giải pháp thông minh để giải quyết các bài toán Việt Nam đang gặp phải trong vấn đề ô nhiễm môi trường. Một số thách thức liên quan đến năng lượng: Do quá trình đô thị hoá, ô nhiễm và giải pháp chính là xây dựng xanh. Thuỵ Sĩ rất tự hào tài trợ chương trình này, kết quả của nó sẽ đóng góp vào mục tiêu xanh hoá kinh tế và ngành xây dựng của Việt Nam.

Ngài Jonas Grunder

Ngài Jonas Grunder

Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để chứng kiến công trình xanh Ecohome đạt chứng chỉ xanh. Sau khi hoàn thành hiệu quả năng lượng và hiệu quả sử dụng nước đều giảm so với công trình thông thường. Những kết quả ấn tượng này không chỉ là cột mốc đánh dấu sự hình thành các công trình xanh mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành xây dựng.

Chúng tôi vui mừng hỗ trợ IFC trong việc chứng chỉ xanh để ứng dụng công trình xanh tại Việt Nam trong bối cảnh đô thị hoá. Cam kết mạnh mẽ của Thuỵ Sĩ là phát triển bền vững công trình xanh tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng những đối tác, thành viên sẽ cùng đạt được hiệu quả thông qua các chương trình hợp tác.

9h05:Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu:

Ông Chiến nhận định: Nhà ở đại chúng, nhà ở bình dân hay nhà ở giá rẻ là phân khúc được nhắc đến nhiều trong khoảng 3 năm trở lại đây, bởi nhu cầu ở thực của khách hàng luôn chiếm trên 80%.

Theo khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm từ 20 - 30% nhu cầu thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Trong khi đó, nhu cầu về Nhà ở xã hội, nhà ở bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70 - 80% nhưng nguồn cung lại đang rất thiếu.

Chú trọng đầu tư, phát triển phân khúc nhà ở bình dân sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Trước hết, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là người dân nghèo thành thị; đảm bảo cơ cấu về phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân hợp lý, hiệu quả bên cạnh việc phát triển nhà ở cho các phân khúc và đối tượng khác; đảm bảo phát triển thị trường bất động sản một cách bền vững.

Ông Đỗ Viết Chiến.

Ông Đỗ Viết Chiến.

Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, triển vọng thị trường nhà giá thấp về dài hạn có khả năng diễn biến tốt, xuất phát từ những lý do sau:

Thứ nhất, nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng bức thiết bởi cơ cấu dân số đang bước vào thời kỳ dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động, sự phát triển của các gia đình trẻ, nhu cầu tách hộ của các gia đình lớn.... Việt Nam có mức độ đô thị hoá nhanh với ước tính khoảng một triệu dân cư đô thị mới tăng lên mỗi năm. Dự báo đến năm 2020, 40% dân số Việt Nam trên tổng số khoảng 100 triệu dân sẽ sống ở khu vực đô thị/thành phố.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở này, cần phải xây dựng khoảng 700 nghìn căn hộ.

Thứ hai, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, việc phát triển NƠXH đến thời điểm này mới chỉ đạt khoảng 33% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 cần có 12,5 triệu m2 NƠXH. Còn CBRE Việt Nam cho rằng 8 - 9 năm tới (tức đến năm 2027) vẫn thiếu nhà giá rẻ.

Thứ ba, Nhà nước đã thực sự quan tâm đến thị trường nhà giá thấp; một số rào cản đã được gỡ bỏ, các ưu đãi đã được ban hành. Ngoài ra, nhiều địa phương khuyến khích việc phát triển nhà giá thấp; một số dự án lớn chuyển hướng từ nhà ở thương mại sang nhà giá thấp…

Trong thời gian qua, nhận biết được những diễn biến của thị trường, khá nhiều đơn vị phát triển bất động sản đã chủ động thay đổi hoặc điều chỉnh chiến lược kinh doanh bằng cách đầu tư sang loại hình căn hộ bình dân. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thị trường cũng như những người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, những vướng mắc, khó khăn cả về thể chế và năng lực, chiến lược của các chủ đầu tư, cũng như sự kiểm soát nguồn tài chính bất động sản… vẫn là những rào cản khiến phân khúc nhà ở này chưa đáp ứng được kỳ vọng. Riêng phân khúc NƠXH chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

Về phía các doanh nghiệp: Các doanh nghiệp bất động sản không mấy mặn mà đầu tư vào loại hình nhà ở này, xuất phát từ một số nguyên nhân: Lợi nhuận thấp và giá bán phải theo mức giá trần, khống chế ở mức không vượt quá 10%, con số này quá thấp so với việc đầu tư vào các dự án thương mại.

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước: Sự thiếu đồng bộ các văn bản pháp luật gây nên tình trạng thiếu quỹ đất; Chưa tạo được nguồn vốn mới hỗ trợ.

Để phát triển phân khúc nhà ở xã hội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, về nguồn vốn hỗ trợ phát triển NƠXH và nhà ở thương mại giá rẻ: Động lực để các doanh nghiệp đầu tư vào loại hình nhà ở này là được Nhà nước hỗ trợ về vốn thông qua gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, nhưng đã kết thúc vào cuối tháng 3/2016, đến nay vẫn chưa triển khai gói tín dụng hỗ trợ tiếp theo.

Do vậy, Nhà nước cần nhanh chóng đưa ra hỗ trợ về mặt tài chính, có thể thông qua một gói tín dụng hỗ trợ khác, hoặc thành lập quỹ đầu tư riêng cho phát triển NƠXH... tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cũng như người mua.

Thứ hai, về quỹ đất để phát triển NƠXH, pháp luật về nhà ở đã quy định cụ thể việc dành 20% quỹ đất đã đầu tư hạ tầng (hoặc bằng quỹ nhà ở, hoặc tiền với giá trị tương đương) để đầu tư xây dựng NƠXH. Nếu thực hiện nghiêm túc sẽ tạo được quỹ đất sạch/quỹ nhà ở lớn mà ngân sách Nhà nước không mất nhiều chi phí. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thực hiện dành quỹ đất/quỹ NƠXH 20% này còn hạn chế và chưa triệt để, chưa đáp ứng nhu cầu.

Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng chỉ đạo các địa phương triển khai rà soát quy hoạch đô thị để xác định cụ thể vị trí, diện tích đất để phát triển từng loại nhà ở, đặc biệt là NƠXH, nhà ở thương mại với tỷ lệ hợp lý theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Thứ ba, về cải cách thủ tục hành chính: Cần rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, quy hoạch kiến trúc, quản lý đất đai, cấp giấy phép xây dựng, tạo điều kiện giúp đỡ cho các chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian đưa dự án vào đầu tư xây dựng kinh doanh.

Thứ tư, đầu tư, phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống hạ tầng. Cần chú trọng phát triển hệ thống giao thông kết nối các khu vực ngoại thành với nhau và với trung tâm thành phố. Thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng đô thị và dịch vụ tại các khu vực này để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sống tại các dự án nhà ở xa trung tâm.

9h00:Hội thảo bắt đầu

Tham dự Hội thảo có ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; ông Jonas Grunder, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ, Chính phủ Thụy Sĩ tại Việt Nam; bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình Công trình Xanh Việt Nam, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC, thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới và ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển Tập đoàn Capital House.

Đặc biệt, Hội thảo có sự góp mặt của trên 70 nhà báo, đại diện cho các cơ quan báo chí - truyền hình.

Nằm trong chuỗi các sự kiện của Chương trình vận động phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam từ 2017 - 2022, do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam triển khai dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội của Quốc hội; Hiệp hội đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế và doanh nghiệp tổ chức nhiều Hội thảo, Tọa đàm, chương trình giao lưu, xúc tiến… nhằm tạo ra những góc nhìn đa chiều, những sáng kiến giải mới cho việc liên kết và thúc đẩy phát triển Công trình Xanh; hướng tới hình thành một thị trường bất động sản Việt Nam Xanh và bền vững.

Tiếp nối chuỗi các chương trình vận động phát triển Công trình Xanh, ngày 26/7/2019, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới và Tập đoàn Capital House tổ chức Hội thảo "Xanh hóa phân khúc nhà ở bình dân: Chi phí và lợi ích", với sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ.

Hội thảo sẽ tập trung làm rõ nhu cầu và sự quan trọng trong phát triển nhà ở bình dân, nhà ở xã hội tại Việt Nam; tiềm năng thị trường và lợi ích từ việc xanh hóa nhà ở bình dân, nhà ở xã hội; kinh nghiệm và kiến nghị giải pháp triển khai từ những mô hình thực tế…

Hội thảo diễn ra từ 8h30 - 11h30, tại Khách sạn Sheraton Hà Nội, K5 Nghi Tàm, số 11 đường Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội.

 

 

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết "Hội thảo Xanh hóa phân khúc nhà ở bình dân: Chi phí và lợi ích" tại chuyên mục Hoạt động hiệp hội của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn