Theo đó, VNREA cho biết, Hiệp hội tiếp tục nhận được nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp Hội viên đề nghị giải quyết một số vấn đề cấp bách liên quan đến Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 (quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết có hiệu lực từ ngày 1/5/2017) không phù hợp với thực tế và gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp Hội viên VNREA, quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do, kinh doanh đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và Luật Doanh nghiệp 2014, không phù hợp với thực tế và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, triệt tiêu động lực phát triển của các doanh nghiệp.
Cụ thể, Nghị định 20 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có liên kết bắt đầu hiệu lực từ ngày 1/5/2017. Mục tiêu là để ngăn ngừa, phòng chống chuyển giá, đặc biệt là với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Trong đó, nội dung quan trọng là khống chế “tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Điều này có thể hiểu, phần chi phí lãi vay của doanh nghiệp vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn, Nghị định 20 lại có ảnh hưởng "ngoài ý muốn" lên khối doanh nghiệp Việt, đặc biệt các tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ - con, trong đó ngành bất động sản với đặc trưng là phải có nhiều công ty con để đứng ra đấu thầu và triển khai nên việc vay càng nhiều càng thiệt là điều khó tránh khỏi. Với những nhóm ngành cần vốn để tạo lợi nhuận và mở rộng quy mô, thì Nghị định 20 được ví như một "đòn" hạ gục quyết tâm của doanh nghiệp.
Sau những kiến nghị của doanh nghiệp, giới chuyên gia và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cùng hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những động thái đầu tiên khi công bố nghiên cứu nâng mức khống chế chi phí lãi vay được trừ lên 30%, thay vì 20% như quy định tại Nghị định 20.
Tuy nhiên, vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay là có “hồi tố” lại các kỳ tính thuế mà doanh nghiệp đã nộp trước đó hay không thì hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ câu trả lời.
Từ những lý do đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 theo hướng:
Thứ nhất, bỏ Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20.
Thứ hai, kiến nghị hoãn, lùi thời gian thực hiện điều khoản nói trên.
Thứ ba, cho phép hồi tố đối với các doanh nghiệp đã thực hiện Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 từ năm 2017 đến nay để đảm bảo công bằng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
VNREA kiến nghị cho phép hồi tố đối với các doanh nghiệp đã thực hiện Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 từ năm 2017 đến nay để đảm bảo công bằng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các cấp có thẩm quyền kiến nghị sửa đổi những bất cập liên quan đến Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20. Theo đó, Nghị định 20 nên được sửa đổi theo các hướng:
Thứ nhất, tăng mức trần chặn chi phí lãi vay từ 20% lên 30%, phù hợp với khung khuyến nghị của BEPS và tình hình thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam (như Dự thảo Nghị định sửa đổi gần đây nhất).
Thứ hai, cho tính chặn theo lãi vay thuần (chi phí lãi vay - doanh thu lãi tiền gửi cho vay) vì phù hợp với bản chất của chi phí lãi vay và theo đúng hướng dẫn của OECD; cho phép chuyển tiếp chi phí lãi vay chưa được trừ (do vượt CAP hoặc do công ty chưa có/chưa đủ EBITDA) sang khấu trừ tiếp trong 5 năm. Việc chuyển tiếp Chi phí lãi vay là phù hợp với nguyên tắc của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Doanh thu phù hợp với chi phí và được chuyển lỗ), hướng dẫn của OECD và thực sự là biện pháp tháo gỡ cho các kiến nghị của các doanh nghiệp trong suốt thời gian ban hành Nghị định 20 đến nay.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp được xác định lại chi phí lãi vay được trừ phát sinh các năm 2017, 2018, 2019 theo các nguyên tắc trên.
Ngoài ra, ngày 25/2/2020, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đã có công văn số 14/2020/VNREA.VP gửi tới Thủ tướng Chính phủ một số kiến nghị đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.
Ngày 29/11, sau hơn 2 năm từ khi Nghị định 20 bắt đầu có hiệu lực, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp về việc sửa đổi quy định áp mức chi phí lãi vay vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp để nộp thuế theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính có nghiên cứu, khảo sát, đánh giá những bất cập phải sửa và quá trình này cần làm khẩn trương nhưng phải thận trọng. Nội dung sửa Nghị định 20 sẽ tập trung vào các bất cập hiện nay như quy định khống chế mức chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, phạm vi áp dụng, đối tượng đặc thù...
Phó Thủ tướng khẳng định: “Sửa Nghị định 20, tập trung vào khoản 3, Điều 8 là cấp thiết và phải theo nguyên tắc công khai, minh mạch, không phân biệt đối xử, bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo thuận lợi về chính sách thuế cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu chống chuyển giá”.
Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi theo quy trình rút gọn, không chờ Chính phủ ban hành Nghị định thực hiện toàn diện Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, đồng thời bảo đảm kịp thời gian quyết toán thuế năm 2019.
Mai Lâm