Nếu bạn là người làm việc tại nhà và đang ấp ủ ý định xây thêm một phòng làm việc riêng tư, kín đáo, hãy ghi nhớ những mẹo sau đây để vừa tiết kiệm tiền vừa thân thiện với môi trường.  Một số mẹo này cũng có thể được áp dụng để có một “văn phòng xanh” bảo vệ môi trường.

1. Chọn bàn phù hợp

Trước khi đặt mua một chiếc bàn mới, hãy xem bạn có thể sử dụng bàn ăn cũ hay bàn trang điểm để làm việc không, hoặc thử tìm mua những chiếc bàn cũ nhưng còn tốt.

Nếu bạn vẫn quyết định mua mới, nhớ tìm những loại bàn có chất liệu ít gây hại tới môi trường, bao gồm cả gỗ tái chế hay gỗ của những cây phát triển nhanh như tre, trúc. Lưu ý rằng bạn mua chúng để dùng lâu dài, do đó hãy chọn những loại bàn mà bạn thật sự yêu thích.

2. Không sử dụng giấy

Lưu trữ các tệp của bạn trên máy tính thay vì in chúng ra. Ngày nay, việc tìm kiếm thông tin và tài liệu cần thiết trên mạng dễ dàng hơn bao giờ hết, đặc biệt là nếu bạn lưu chúng vào máy tính hay USB. Lần tới khi bạn đứng trước máy in và chuẩn bị in tài liệu, hãy tự hỏi: “Liệu mình có thật sự cần bản cứng của tài liệu này không?” Bên cạnh đó, tiết kiệm chi phí đặt báo bằng cách đọc tạp chí, đọc báo và các bài viết trên mạng.

3. Nghĩ kĩ trước khi in

Kiểm tra hộp mực trong máy in, mua những hộp mực đã được tái sản xuất và tìm cách tái chế chúng khi không còn sử dụng được nữa.

Ngoài ra, hãy tìm hiểu thêm về cài đặt của máy in tại nhà. Bạn hoàn toàn có thể lập trình trước các bản in của mình. Hãy thử cài đặt chúng thành in hai mặt, in đen trắng, điều chỉnh chất lượng in và để chúng mặc định ngoại trừ lúc in những thư từ quan trọng.

4. Ghi nhớ quy tắc tái chế

Hãy để một thùng rác dành riêng cho giấy tại văn phòng của bạn. Điều này sẽ khiến bạn làm quen với việc tái chế và giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian phân loại rác khi cần đem đổ chúng.

5. Dùng cho phân bón

Những mảnh giấy vụn thường không dễ dàng tái chế, nhưng nó lại rất tốt cho phân bón hữu cơ. Hãy rải nó lên trên những chất thải xanh và ẩm như là cỏ dại đã bị cắt bỏ.

6. Trồng thêm một số cây

Cây cỏ thường làm con người ta vui vẻ và thoải mái hơn, một số cây thậm chí còn có khả năng thanh lọc và loại bỏ một lượng nhỏ VOC (những hợp chất hữu cơ dễ bay hơi). Bất kỳ loại cây nào cũng sẽ hút sạch khí CO2 và nhả khí oxy trở lại không khí, điều này sẽ giúp căn phòng có độ ẩm dễ chịu hơn vào những ngày hanh khô.

7. Tắt nguồn thiết bị điện khi không sử dụng

Luôn luôn tắt những thiết bị điện khi không sử dụng, và hãy tắt nguồn chúng. Khi bạn để chúng chạy cả ngày, bạn vừa lãng phí rất nhiều năng lượng quý giá, vừa phải chi trả tiền điện cho máy tính của bạn trong khi không hề sử dụng nó.

Tắt băng thông rộng khi bạn không cần dùng chúng để kết nối với cả thế giới, đặc biệt là khi bạn kết thúc giờ làm việc. Tắt máy in khi không sử dụng, đừng để chúng trong trạng thái chờ.

8. Giảm “chất thải” điện tử

Tuổi thọ trung bình của máy tính ở các nước phát triển là khoảng 2 năm. Trên thế giới, có khoảng 20 đến 50 triệu tấn chất thải điện tử hoặc thiết bị điện thải mỗi năm. Để có thể làm giảm con số này, hãy tập trung chăm sóc các thiết bị điện tử mà bạn sở hữu, chẳng hạn như máy tính và điện thoại di động. Thỉnh thoảng hãy đưa máy tính của bạn đi bảo hành và làm sạch chúng, xóa bớt đi những tệp không dùng đang lưu trên máy và cài những phần mềm bảo vệ tin cậy để tránh virut.

9. Để ý khi sử dụng wifi

Wifi rất tiện, chúng giúp bạn có thể truy cập vào internet dù có ngồi ở bất cứ đâu trong nhà. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đang chỉ ra rằng wifi có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn do bức xạ tần số vô tuyến (RFR). Hãy tắt chúng khi không sử dụng, đặc biết nếu nhà bạn có nhiều trẻ nhỏ.

10. Đừng dùng những đồ chỉ dùng một lần

Hãy chọn mua những chiếc kẹp ghim có thể cắt và gấp giữ giấy từ khoảng 5 trang trở lên. Trong trường hợp này, ghim kẹp giấy là lựa chọn tốt hơn bới chúng có thể sử dụng nhiều lần. Mua những chiếc bút chì, bút mực bơm hoặc những loại bút làm từ vật liệu tái chế.

Chi Nguyễn (Nguồn: houzz.com.au)

Bạn đang đọc bài viết 10 mẹo để có phòng làm việc thân thiện với môi trường tại chuyên mục Trải nghiệm cộng đồng của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn