Ô nhiễm "bức tử" đô thị

Những năm gần đây, Hà Nội, TP.HCM luôn nằm trong danh sách khu vực báo động về chỉ số chất lượng ô nhiễm không khí trên thế giới.

Theo báo cáo mới nhất về chất lượng không khí cả nước của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tuần từ 13 - 19/4, Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất cả nước. Ngay cả trong khoảng thời gian cách ly xã hội, tuy chất lượng không khí ở cả 3 miền đều được cải thiện đáng kể nhưng riêng Hà Nội vẫn có những ngày ở mức kém.

Bên cạnh đó, cuộc sống của người dân không chỉ dừng lại ở việc phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng mà theo thông tin đăng tải mới đây trên báo The Guardian, Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ còn nhận định, năm 2020 có khả năng cao lên đến 75% sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử khí tượng, nếu không thì cũng đến 99,9% là sẽ nằm trong top 5 các năm nóng nhất. 

Tại Việt Nam, dù chưa có kết luận liệu đây có phải là năm nóng nhất hay không nhưng đại diện Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc từ đầu năm đến nay đều cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1,0 - 2,5 độ C, có nơi cao hơn đến 3 độ C.

Năm 2019, Hà Nội đã trải qua những đợt ô nhiễm không khí đáng báo động

Mức nhiệt độ này sẽ ngày càng gia tăng, cùng với vấn đề bê tông hoá tại các khu chung cư tạo nên sự bức bối trong không gian sống chật chội.

Trong bối cảnh ô nhiễm không khí chưa có dấu hiệu giảm, nhiệt độ gia tăng cùng khí hậu khắc nghiệt, nhu cầu tìm kiếm không gian sống xanh của người dân ngày càng lớn hơn.

Nhà giờ đây không chỉ dừng lại ở định nghĩa là nơi để “che mưa, che nắng” với những bức tường bê tông mà đã trở thành nơi đáng để sống với không gian xanh thực sự, là nơi để về, để cân bằng và tái tạo cuộc sống.

Sống Xanh giữa "cơn bão" bê tông hóa

Trước xu hướng kiếm tìm không gian sống thực sự gia tăng, những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã bắt đúng thị hiếu, thay đổi chiến lược triển khai dự án xanh.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định: “Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng những mảng xanh trong chính môi trường sống ảnh hưởng rất tích cực đến tâm trạng, giúp giảm căng thẳng và nâng cao năng suất làm việc. Tuy nhiên, với đa số người dân ở các đô thị lớn, ước mơ tránh xa ồn ào, bụi bặm của đường phố, cùng gia đình nghỉ ngơi, thư giãn trong một không gian trong lành, hài hòa với thiên nhiên tưởng bình dị nhưng lại rất khó trở thành hiện thực. Bởi không phải chủ đầu tư nào cũng sẵn sàng bỏ thêm tiền để kiến tạo nên môi trường sống xanh theo đúng nghĩa cho cư dân tại dự án của mình. Nhất là tại các tổ hợp chung cư, số dự án được phủ xanh đúng nghĩa tại Hà Nội chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay”.

Trước xu hướng kiếm tìm không gian sống thực sự gia tăng, những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã bắt đúng thị hiếu, thay đổi chiến lược triển khai dự án xanh

Đánh giá về xu hướng hình thành không gian sống xanh trong dự án bất động sản, đại diện CBRE Việt Nam cũng cho biết: “Đây là một xu hướng đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Tại Việt Nam, thời gian qua đã có khá nhiều chủ đầu tư hướng tới việc phát triển các dự án bất động sản của mình theo các tiêu chí “xanh”, điều này không chỉ đánh dấu bước tiến mới về thiết kế kiến trúc mà còn là tiêu chí quan trọng thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng”.

Theo KTS. Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hiện nay các chủ đầu tư đều chú trọng đến không gian sống xanh, bởi họ hiểu rằng, việc này sẽ mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, đồng thời cũng giúp khẳng định chất lượng uy tín và thương hiệu của mình.

"Xanh ở đây không đơn thuần là trồng cây xanh mà một số dự án nhà ở chú trọng đến thiết kế xanh, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Mục đích cuối cùng là giảm thiểu sử dụng năng lượng và nước, từ đó không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn tốt cho sức khoẻ và thể hiện trách nhiệm xã hội. Một số dự án nỗ lực đi theo xu hướng này đã chinh phục được khách mua nhà", ông Vạn nhấn mạnh.

Theo Hải Nam/reatimes.vn

Bạn đang đọc bài viết Tạo lập không gian sống xanh: Nhu cầu "sống còn" của đô thị tại chuyên mục Trải nghiệm cộng đồng của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn