Anh Minh Hùng (38 tuổi) là giám đốc một công ty xuất khẩu tại TP.HCM. Lấy nhau 10 năm, tích cóp được số tiền hơn 4 tỷ đồng, vợ chồng anh quyết định đổi nhà. Từ một căn nhà có diện tích 68m2 ở chung cư nhỏ quận 9, anh đổi sang dự án có căn 135m2 ở quận 2.
Giới thiệu về căn hộ mới mua, anh khoe lợi thế lớn nhất là có 3 phòng ngủ, lại có ban công trồng cây xanh, bên dưới dự án là sông, cây, khu vui chơi giải trí. Anh kể, mình lớn lên ở quê nên từ lâu hai vợ chồng đã mơ ước một căn nhà với nhiều cây xanh, thân thiện môi trường. Với không gian sống xanh thế này, anh và gia đình sẽ có những giờ phút thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng.
Chủ đầu tư cũng quảng cáo đây là một dự án bất động sản xanh với nhiều tiện ích. Nhưng tìm hiểu trong danh sách dự án được cấp chứng chỉ công nhận Công trình Xanh lại không có tên dự án của vợ chồng anh Hùng mua.
Giấc mơ sống trong căn nhà xanh thực sự không chỉ của vợ chồng anh Hùng, mà là mong ước của hàng triệu người dân sinh sống tại TP.HCM. Nhưng không phải ai cũng thỏa nguyện giấc mơ ấy, kể cả khi có tiền cũng khó vì hiện nay TP.HCM vẫn được cho là thiếu dự án bất động sản xanh.
Nói như ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc HimLam Land, dự án xanh tại TP.HCM chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nắm bắt nhu cầu của nhiều khách hàng về căn hộ xanh, nhiều chủ đầu tư bất động sản bắt đầu dành ra những khoảng sân để làm công viên, hồ bơi, những khu vực cây xanh tại đây để bán cho khách hàng. Hiện nay không ít chủ đầu tư quảng bá dự án bất động sản xanh chỉ là một công trình được trồng nhiều cây xanh, hay được sơn màu xanh mát mắt,…
Tuy nhiên để được gọi là một Công trình Xanh thì không chỉ là dự án xanh lá, xanh cây, xanh mặt nước. Một công trình được gọi là xanh phải được đạt chứng chỉ Công trình Xanh. Tại Việt Nam hiện nay có 4 chứng chỉ Công trình Xanh phổ biến, đó là EDGE (IFC, Ngân hàng thế giới), LEED (Mỹ), Green Mark (Singapore) và LOTUS (Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam). Trong đó, mỗi hệ thống Công trình Xanh đều có những yêu cầu khác nhau phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, tựu chung lại, có 5 nhóm yêu cầu, bao gồm năng lượng, nước, vật liệu, chất lượng không khí trong nhà và vị trí bền vững.
Việc đáp ứng cả 5 nhóm tiêu chí này khiến Công trình Xanh không chỉ tốt cho môi trường mà còn rất có lợi cho nhà đầu tư và người sử dụng. Về môi trường, việc tiết kiệm điện nước cũng như vật liệu giúp giảm đáng kể nguồn ô nhiễm và giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn đã cạn kiệt.
Còn chủ đầu tư và người sử dụng sẽ hưởng lợi từ việc giảm chi phí vận hành. Ngoài ra, chất lượng không khí trong nhà còn đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng và tăng năng suất làm việc.
Đặc biệt, để được công nhận Công trình Xanh cũng phải có những trình tự nhất định. Đó là, trước hết quá trình thiết kế phải đảm bảo các tiêu chí của hệ thống Công trình Xanh được lựa chọn.
Sau đó, trong quá trình thi công, nhà thầu cần phải thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình xây dựng. Đồng thời, việc mua sắm vật liệu thiết bị cũng phải đảm bảo các tiêu chí xanh.
Cuối cùng, Công trình Xanh cần phải tuân theo những nguyên tắc nhất định trong quá trình vận hành nhằm đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước và giảm thiểu rác thải vốn đã được thiết kế và xây dựng trước đó.
Đặc biệt, Công trình Xanh có thể tiết kiệm 50% năng lượng tiêu thụ so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí, tuổi thọ công trình dài hơn. Trong khi đó, chi phí vận hành giảm rất nhiều so với các dự án thông thường.
Hiện nay, tại Việt Nam và TP.HCM nói riêng cũng có nhiều dự án bất động sản được chủ đầu tư giới thiệu là Công trình Xanh. Tuy nhiên đánh giá về điều này, ông Trần Khánh Trung, CEO Công ty Kiến trúc TTT cho rằng, ở Việt Nam còn một vấn đề là nhiều công trình đăng ký chứng nhận Công trình Xanh nhưng khi thi công thì lại không triển khai vì nhiều lý do khác nhau. Nhiều công trình chủ đầu tư đăng ký chỉ để phục vụ mục đích quảng cáo, sau đó bỏ giữa chừng.
"Vấn đề nằm ở ý thức của cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà. Chủ đầu tư vì thấy tính thanh khoản của Công trình Xanh tốt nên vội đưa vào, nhưng khi thấy phát sinh chi phí thì dừng lại. Còn người mua nhà nghe thấy xanh nhưng cũng không hiểu xanh không chỉ là nhiều cây xanh, mà phải là tiết kiệm năng lượng và hướng tới bảo vệ môi trường. Sự lệch pha này khiến cho quá trình xanh hóa mới chỉ thực hiện một phần và không thực sự mang lại hiệu quả trong thực tế" - ông Trung cho biết thêm.
Giấc mơ được sống trong ngôi nhà xanh của người Việt vẫn sẽ xa vời nếu khái niệm “bất động sản xanh” bị lợi dụng để trục lợi…
Nhã Đan