Phong cách thiết kế Nhật Bản hướng đến sự thư thái và đề cao yếu tố con người lần đầu tiên được giới thiệu trong các căn hộ của tháp Tokyo Touch.

Người Nhật vốn nổi tiếng với kiến trúc mộc mạc, tiện dụng và tràn đầy hơi hướng thiền tịnh. Nhưng trong số đó còn nhiều người đi xa hơn nữa: Danshari – hay là tiến tới lối sống tối giản với mục đích cuối cùng là giải phóng bản thân khỏi sự lệ thuộc vào đồ vật. Chữ Danshari bắt nguồn từ ba ký tự kanji – Dan (từ chối), Sha (vứt bỏ), và Ri (tránh xa).

Phong cách này bắt đầu được nói nhiều đến vào khoảng năm 2010-2011 ở Nhật, đặc biệt sau khi thảm hoạ động đất sóng thần đột ngột cướp đi hàng ngàn sinh mạng, khiến nhiều người đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống.

Gần đây hãng Reuters có bài cập nhật về phong trào đang ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong xã hội Nhật Bản. “Ít hơn tức là nhiều hơn” giúp cuộc sống trở nên đơn giản, bớt phiền hà khi không phải mất nhiều thời gian cho việc chăm sóc nhà cửa, lau dọn đồ đạc, mua sắm.

Căn hộ với phong cách ‘danshari’ chỉ có những vật dụng thật thiết yếu.

Căn hộ với phong cách ‘danshari’ chỉ có những vật dụng thật thiết yếu.

Một số người chọn Danshari để, sau khi rũ bỏ vật chất, những điều họ thật sự thích và trân trọng sẽ có cơ hội “hiện lên” trong cuộc đời, chẳng hạn như gặp gỡ giao du với bạn bè hay đi du lịch thay vì mua sắm liên miên và mang về nhà cả những thứ mình không thật sự cần hay thích.

… và “Sống đơn giản cho đời thanh thản” ở Việt Nam

Đến cuối 2015, người đọc Việt Nam mới được tiếp cận Danshari qua một số bài báo giới thiệu. Nhưng lối sống đơn giản, khiêm tốn, thân thiện với thiên nhiên này đang dần định hình trong một bộ phận các bạn trẻ.

Monkey Minh, một con người luôn quay cuồng với công việc (cũng là đam mê) chụp ảnh, chọn cho mình một không gian sống thoáng đãng, không vướng víu bộn bề đồ đạc.

Khi ở trong không gian này, mình có cảm giác như đang đứng trước biển, sự trống trải giúp mình thư thái hơn.

Minh nhấn mạnh rằng việc gọn gàng còn giúp anh giải quyết các công việc một cách hiệu quả nhất.

Monkey Minh là một trong những người tiên phong với lối sống tối giản tại Việt Nam

Monkey Minh là một trong những người tiên phong với lối sống tối giản tại Việt Nam

Thanh Trúc ở Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN kêu gọi bạn bè chuyển số tiền mà họ định dùng để mua quà tặng Trúc nhân dịp sinh nhật sang việc làm từ thiện. Trúc cũng chuyển sang đi làm bằng xe buýt từ cả năm nay. Còn Mai Hằng – CEO không đi xe hơi mà là xe bơm hơi (tức xe đạp!) của Xanh Shop – thì bỏ việc nghìn đô đi bán rau sạch online và rất…dị ứng với việc nylon bị lạm dụng thái quá vào việc gói đồ ở khắp nơi.

Không chỉ Hằng, phần lớn đội ngũ của Xanh Shop đã chuyển sang đi xe đạp thay vì xe máy.

Không nên đến với Danshari vì trào lưu.” – Hằng suy tư – “Mà cần ý thức rõ tác động của mỗi hành vi tiêu dùng lên hệ sinh thái.

Không chỉ là câu chuyện mua sắm, Danshari chính là cách giải thoát những áp lực vô hình của cuộc sống vật chất hiện đại lên tinh thần và sức sáng tạo của những người trẻ. Danshari, nói khác đi, là cách nói không với sự sùng bái vật chất thái quá đến mức bỏ qua các giá trị sống bền vững.

Những người theo lối sống danshari không sùng bái của cải, vật chất

Những người theo lối sống danshari không sùng bái của cải, vật chất

Làm thế nào để Danshari?

Francine Jay, một người thực hành chủ nghĩa tối giản và là tác giả cuốn Niềm vui ít đồ: Hướng dẫn phong cách tối giản để giảm bừa bộn, giúp tổ chức, và đơn giản hoá cuộc sống đã thu thập một số cách thực hiện Danshari trong hoạt động hàng ngày như sau:

Dan-Từ chối

Jay ví phần này như công việc của một người gác cổng sao cho đồ đạc không được chui vào trong nhà mình, bằng cách:

  • Giảm thiểu mua sắm: chỉ mua những gì thật sự cần thiết, giảm thiểu tác động tới môi trường từ những hành vi tiêu thụ của mình, và giảm thiểu ảnh hưởng lên cuộc sống của những người khác
  • Tìm các món quà thay thế thay vì đi mua quà: trao đổi quà từ những đồ có sẵn, thay vì tặng quà thì tặng một buổi dạo bộ trò chuyện với nhau, yêu cầu tặng đồ từ thiện cho một ai/tổ chức nào đó thay vì nhận quà.
  • Xoá bỏ thư từ rác: Không tuỳ tiện cung cấp thông tin cho các cửa hàng, không đăng ký nhận thư từ các tạp chí online, thanh toán qua mạng càng nhiều càng tốt để tiết kiệm thời gian và giấy tờ, v.v…
  • Từ chối hàng miễn phí nếu mình không thật sự cần đến: một cái bút chỗ này, một gói xà phòng chỗ kia, … nhiều khi tiếc “của” cứ nhặt về rồi lại vứt xó!

Sha-Vứt bỏ

Dưới đây là một số cách Jay chia sẻ để làm sao rũ bỏ được những vật dụng không cần thiết ra khỏi cuộc sống:

  • Mỗi ngày trừ khử ít nhất một đồ vật: một đôi tất lâu lắm rồi không dùng đến, một cuốn sách mua về chẳng buồn mở ra đọc lần nào, một cái áo không vừa nữa,… Thiếu gì thứ để thanh trừng! Vừa có ích cho người khác, vừa đỡ phải dọn dẹp. (Mà rất nhiều món hoàn toàn có thể dùng làm quà tặng được!)
  • Giải phóng tủ quần áo: giữ lại những món đồ bạn hay dùng đến nhất và cho/bỏ đi những món cả năm không sờ đến.
  • Điều chỉnh lại dụng cụ bếp: tương tự như tủ quần áo, hãy xem lại những dụng cụ bếp bạn gần như không dùng đến để cho đi.
Bàn làm việc gọn gàng vì không có những vật dụng thừa

Bàn làm việc gọn gàng vì không có những vật dụng thừa

Ri-Tránh xa

Phần này liên quan đến việc nuôi dưỡng cảm xúc “thờ ơ” với các vật dụng của mình. Có thể thử những cách sau:

  • Nói lời tạm biệt với chúng (Jay còn viết hẳn lá thư chia tay đẫm nước mắt, bắt đầu bằng: “Đồ vật yêu quý,….”)
  • Nâng niu quan điểm “vừa đủ”
  • Trân trọng không gian hơn đồ vật

Nguồn Ecopark

Bạn đang đọc bài viết Sống tối giản để hạnh phúc hơn tại chuyên mục Trải nghiệm cộng đồng của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn