Quy chuẩn này do Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam soạn thảo, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt, được sự tham gia nghiên cứu và góp ý của các chuyên gia quốc tế do các tổ chức quốc tế tài trợ, bao gồm: Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC ), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cục Năng lượng Đan Mạch (Vương Quốc Đan Mạch).  

Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” quy định những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình dân dụng (văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, thương mại, dịch vụ, chung cư) có tổng diện tích sàn từ  2500 m2 trở lên.

Hiện Việt Nam có 3 công trình sử dụng năng lượng hiệu quả đánh giá theo quy chuẩn này gồm: khách sạn La Thành (Hà Nội), toà nhà văn phòng FPT (Đà Nẵng) và chung cư Ehome5 – The Bridgeview (TP.HCM) .

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thu Nhàn, Quản lý Chương trình Công trình xanh Việt Nam - Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), các công trình này được thiết kế với giải pháp năng lượng hiệu quả như sử dụng vật liệu ít tiêu tốn năng lượng cho lớp vỏ công trình, hệ thống đèn hiệu suất cao và vòi tiết kiệm nước, sử dụng thiết bị đun nước nóng tận dụng năng lượng mặt trời và bơm nhiệt…, góp phần tiết kiệm từ 20 - 30% năng lượng, nước và vật liệu sử dụng.

Khách sạn La Thành (Hà Nội)

Khách sạn La Thành (Hà Nội) là một trong những công trình áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả QCVN 09:2013/BXD.

Với 15 tầng nhà và gần 15 ngàn m2 diện tích sàn, khách sạn La Thành là một trong những công trình sử dụng nhiều năng lượng, đặc biệt là nước nóng. Buổi sáng và buổi tối là khoảng thời gian cao điểm sử dụng nước nóng với mức tiêu thụ 2 ngàn lít/giờ vào buổi sáng và 1 ngàn lít/giờ vào buổi tối. Mỗi năm, ước tính hệ thống đun nước nóng của khách sạn sử dụng hơn 50 ngàn kWh điện với mức công suất 50 kW.

Khách sạn La Thành

Khách sạn La Thành

Nhằm tiết kiện điện năng, khách sạn đã lựa chọn giải pháp sử dụng nước nóng năng lượng mặt trời, kết hợp với bơm nhiệt. Bơm nhiệt được nối với phần trên của bình chứa, để luôn duy trì nhiệt độ ở mức 45oC. Trong khi đó, tấm thu năng lượng mặt trời được nối với phần dưới của bình chứa và sử dụng nhiệt thu được để làm nóng nước ở phần này. Khi có nắng, nước trong toàn bình sẽ được làm nóng và bơm nhiệt sẽ ngừng hoạt động.

Do tận dụng ánh sáng mặt trời, nên bơm nhiệt thường chỉ hoạt động khi không đủ nhiệt ánh nắng, thường vào buổi tối hoặc ban đêm. Tại thời điểm này, chi phí sử dụng điện cũng thấp hơn do vào giờ thấp điểm. Ước tính, nếu đun nước trực tiếp bằng điện sẽ tiêu tốn 280 MWh/năm. Khi kết hợp với tấm thu năng lượng mặt trời có diện tích 150 m2 và bơm nhiệt thì mức tiêu thụ giảm xuống chỉ còn 50 MWh/năm, tương đương với giảm 80% lượng điện tiêu thụ.

Toà nhà văn phòng FPT (Đà Nẵng)

FPT Complex được xây dựng tại Khu đô thị FPT Đà Nẵng là một trong những công trình đầu tiên được Bộ Xây dựng lựa chọn áp dụng các tiêu chuẩn Công trình Xanh - Tiết kiệm Năng lượng. Vật liệu xây dựng sử dụng cho công trình đều thân thiện cao với môi trường, được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến. Thiết kế tối ưu của tòa nhà cho phép tận dụng năng lượng tự nhiên. Toàn bộ phần mái của FPT Complex Đà Nẵng là hệ thống pin mặt trời cực lớn, còn bên dưới, như đã nói, trong khuôn viên tòa nhà lại có công viên, đồi cỏ... 

Tòa nhà FPT Đà Nẵng

Tòa nhà FPT Đà Nẵng

FPT Complex Đà Nẵng được thiết kế với hình một chiếc nhẫn 2 lớp, phần lõi mô phỏng hình chiếc trống đồng lớn nhất có đường kính hơn 25m. Tòa nhà, cao 6 tầng, tổng diện tích 5,9ha (trong đó, quy mô tổng diện tích sàn xây dựng khu văn phòng, nhà ăn và nhà để xe lến đến 30.950 m2) và có sức chứa lên đến gần 10.000 người.

Đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam được thiết kế theo Quy chuẩn 2013 của Bộ Xây dựng, công trình xây dựng sử dụng hiệu quả năng lượng. Các thiết kế về hệ thống kỹ thuật mới nhất trong điều hòa cũng như thu gom hệ thống nước thải của Nhật. Nước thải sau khi xử lý có thể sử dụng để tưới cỏ và vệ sinh sân vườn. Hệ thống vật liệu xây dựng được thiết kế theo xu hướng kiến trúc xanh.

Chung cư Ehome5 – The Bridgeview

Tọa lạc tại quận 7, EHome 5-The Bridgeview có quy mô 2,2 héc ta, mật độ xây dựng chỉ 19%, gồm hai khối nhà cao 11-17 tầng với tổng cộng 592 căn hộ diện tích 50-82 mét vuông.EHome 5 được thiết kế với các giải pháp năng lượng hiệu quả như sử dụng vật liệu ít tiêu tốn năng lượng cho lớp vỏ công trình, hệ thống đèn hiệu suất cao và vòi tiết kiệm nước. Công trình đạt mức tiết kiệm 20,02% đối với năng lượng, 21,7% đối với nước và 26,8% đối với vật liệu.

Chung cư Ehome 5

Chung cư Ehome 5

 Dự án này giúp Nam Long là công ty bất động sản đầu tiên tại Việt Nam nhận được chứng chỉ EDGE.

Lam Anh

Bạn đang đọc bài viết Ba công trình thí điểm đạt quy chuẩn sử dụng năng lượng hiệu quả tại chuyên mục Nghiên cứu - Tham khảo của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn