Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra Việt Nam có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo – năng lượng xanh. Cụ thể, bức xạ mặt trời chiếm khoảng 2.000 - 5.000 giờ/năm đem lại nguồn năng lượng với tiềm năng tương đương 43,9 tỷ TOE (tấn dầu quy đổi). Trong khi đó 8,6% tổng diện tích lãnh thổ nước ta có tiềm năng gió ở mức cao đến rất cao, đứng đầu khu vực Đông Nam Á và phù hợp triển khai các tua bin gió lớn. Nhờ những cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào NLTT những năm gần đây, dự kiến công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió sẽ vào vận hành cuối năm 2019 này sẽ đạt 2.000 MW, vượt kế hoạch đặt ra trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.

Hơn nữa, Việt Nam cũng đang đón “làn sóng” đầu tư vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo. Đến cuối năm 2018, cả nước đã đưa vào vận hành phát điện 285 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 3.322 MW; 8 nhà máy điện gió với tổng công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW. 

Về điện mặt trời, đến cuối năm 2018 có khoảng 10.000 MW được đăng ký; trong đó, có 8.100 MW được bổ sung quy hoạch, khoảng hơn 100 dự án đã ký PPA, 2 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86 MW. Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (không kể các nhà máy thủy điện cỡ vừa và lớn) đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống. 

Năng lượng xanh - Hướng đi mới của doanh nghiệp trong nước.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đã tiến dần tới sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã có những đầu tư, cải tiến để tiết giảm điện năng và nâng cao hiệu quả sản xuất. Cũng không ít doanh nghiệp lựa chọn phát triển ngành công nghệ, năng lượng xanh sạch là ngành kinh doanh lâu dài. Trong số đó phải kể đến Tập đoàn GFS khi đã có nhiều nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng để hỗ trợ khắc phục tình trạng thiếu hụt điện hiện tại của Việt Nam, đem đến nguồn năng lượng xanh cho cộng đồng, đồng thời tạo ra những giá trị tăng trưởng kinh tế cao cho Tập đoàn.

Nổi bật là Công trình thủy điện Sông Âm với công suất 12MW và mức điện năng trung bình năm 42.8.106 kWh tại xã Tam Văn huyện Lang Chánh, Thanh Hóa là một trong các dự án Năng lượng được Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Việt Nam (CIE) - Công ty thành viên thuộc tập đoàn GFS đang cùng các đối tác hàng đầu trên thế giới triển khai thực hiện.

Theo giới phân tích, Việt Nam được đánh giá có nguồn năng lượng đa dạng, từ các nguồn như than đá, dầu, khí tự nhiên, thủy điện cho đến những nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió và sinh khối). Phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo hiện chỉ mới khởi động. Mặc dù vậy, với những dự án của các doanh nghiệp nội địa cho thấy tín hiệu tích cực cũng như nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp trong nước trong việc bảo vệ môi trường tương lai.

Thời gian tới, nếu muốn khai thác tiềm năng năng lượng tại Việt Nam cần phải có giải pháp mới thu hút đầu tư, cải thiện hiệu suất năng lượng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, cũng như có khả năng xuất khẩu năng lượng và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Song song đó, thu hút đầu tư vào thị trường năng lượng Việt Nam cần tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

Theo An Yên/reatimes.vn

Bạn đang đọc bài viết Năng lượng xanh - Hướng đi mới của doanh nghiệp trong nước tại chuyên mục Nghiên cứu - Tham khảo của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn