Hoa Kỳ là một trong những quốc gia dẫn đầu về phát triển bất động sản du lịch. Dù không phải là một đất nước có nhiều tài nguyên thiên nhiên cùng những cảnh quan đặc sắc, song du lịch nói chung và thị trường bất động sản du lịch tại đây nói riêng lại diễn ra vô cùng sôi động, là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách quốc tế.
Bàn về câu chuyện này, tại Hội thảo khoa học quốc tế: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch – Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” diễn ra ngày 16/11, ông Mark Kitabayashi, Điều phối viên toàn cầu tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội Bất động sản và Môi giới Hoa Kỳ (NAR) đã có những chia sẻ về bất động sản du lịch Hoa Kỳ và kinh nghiệm gợi mở trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam.
Đa dạng hoá xu hướng phát triển bất động sản du lịch Hoa Kỳ
Theo ông Mark Kitabayashi, trong điều kiện kinh tế toàn cầu hiện nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, hoạt động du lịch đang phải chứng kiến sự sụt giảm mạnh và Hoa Kỳ không phải là ngoại lệ.
Phải đến tháng 4/2021, khi chính phủ Hoa Kỳ mở cửa đón khách quốc tế trở lại, du lịch nói chung và thị trường bất động sản du lịch tại đây nói riêng mới có sự phục hồi và dần trỗi dậy. Tuy nhiên, việc mở cửa này vẫn chưa hoàn toàn, do một số địa phương vẫn còn dịch bệnh căng thẳng nên việc hồi phục và phát triển bất động sản du lịch nhìn chung còn cần nhiều thời gian.
Dù vậy, ông Mark Kitabayashi cho rằng, những thiệt hại trước mắt là do ngoại cảnh tác động nên khi nhìn vào bản chất và quá trình phát triển, bất động sản du lịch tại Hoa Kỳ vẫn được đánh giá là một bức tranh sôi động với đa dạng loại hình, đa dạng xu hướng và sở hữu nhiều điểm đến nổi tiếng cho mọi du khách.
Cụ thể, ông Mark Kitabayashi đã nêu ra 2 xu hướng phát triển chính của bất động sản du lịch Hoa Kỳ hiện nay.
Xu hướng thứ nhất là thương mại gồm các loại hình khách sạn và nghỉ dưỡng. Đó có thể là những khách sạn trong thành phố hay những khu nghỉ dưỡng gắn liền với sân golf, bãi biển.
Xu hướng thứ hai là gia đình. Đây là dạng những bất động sản gắn với nhu cầu nghỉ dưỡng gia đình với quy mô vừa và nhỏ như nhà nghỉ hay second home - ngôi nhà thứ hai.
Ngoài hai xu hướng trên, bất động sản du lịch Hoa Kỳ còn có rất nhiều xu hướng đầu tư nhỏ lẻ khác.
“Đơn cử như xu hướng đầu tư cho thuê bất động sản ngắn hạn thông qua hình thức đầu tư trực tuyến trên các nền tảng. Tuy nhiên, ở hình thức đầu tư này, nhiều bang Hoa Kỳ đã đưa ra các chính sách hạn chế phát triển bởi có nhiều lo ngại rằng, sẽ khó kiểm soát lượng người ra vào dễ đem đến nhiều hệ luỵ.
Hay xu hướng đầu tư khách sạn cao cấp. Đây thường là những toà nhà lớn, nhìn từ bên ngoài, chúng có dạng chung cư cao cấp nhưng được quản lý như các khách sạn. Ví dụ trong một toà chung cư, ở những tầng thấp và trung sẽ được dùng để làm khách sạn, ở tầng cao sẽ là chung cư. Nhà đầu tư có thể mua những căn hộ trên đó và cho Ban quản lý thuê lại để phục vụ cho khách du lịch thuê.
Một xu hướng khác mới nổi gần đây là các nhà đầu tư nước ngoài đang có nhu cầu đầu tư vào các bất động sản trung bình và nhỏ - những sản phẩm bất động sản bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc đầu tư bị thua lỗ và được chủ cũ bán lại với giá rẻ”, ông Mark Kitabayashi chia sẻ.
Trước những xu hướng phát triển đầy đa dạng của bất động du lịch Hoa Kỳ, thị trường bất động sản tại đây nói chung đã chứng kiến những cơn tăng giá nhanh chóng với khoảng 20%/năm và dòng tiền mặt chảy vào đây ngày càng nhiều.
Chính sách pháp lý hoàn thiện, bất động sản du lịch Hoa Kỳ thu hút nhà đầu tư
Theo ông Mark Kitabayashi, để có được sự thu hút, giúp thúc đẩy thị trường bất động sản du lịch Hoa Kỳ diễn ra sôi động như trên là nhờ vào nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là hệ thống chính sách pháp lý hoàn thiện, rõ ràng cùng nhiều ưu đãi về thuế, dòng tiền,…
Cụ thể, tại Hoa Kỳ các chính sách liên quan đến phát triển bất động sản du lịch được phân chia rõ và tập trung chủ yếu vào 3 yếu tố sau:
Thứ nhất là việc phân vùng. Mỗi một bang ở Hoa Kỳ đều được phân vùng rõ ràng. Vùng nào xây bất động sản cao cấp, vùng nào xây bất động sản nhà ở đều được quy định rất rõ. Vì vậy, khi nhà đầu tư muốn triển khai đầu tư dự án cũng sẽ hiểu rõ được quyền hạn của mình cũng như những hạn chế không được phép làm.
Thứ hai là chính sách thuế. Tại Hoa Kỳ, có rất nhiều các loại thuế khác nhau như thuế thu nhập, thuế bất động sản,…
Ở những quốc gia khác có thể không có những khoản thuế này nhưng ở Hoa Kỳ đây là những khoản thuế rất quan trọng đánh vào thu nhập của những nhà kinh doanh nhằm đem về nguồn thu lớn cho Nhà nước.
Song bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng có một số chính sách khuyến khích về thuế nhất định để thu hút nhà đầu tư, đẩy nhanh phát triển du lịch tại các địa phương như giảm thuế, miễn thuế...
Thứ ba là chính sách điều hành các dự án bất động sản du lịch. Mua một bất động sản rất dễ dàng nhưng vận hành ra sao để đúng và hợp lý mới là vấn đề khó. Vì vậy rất cần đến một hệ thống quản lý quy củ, có năng lực nhằm đem lại hiệu quả lợi nhuận cao nhất.
Ngoài ra, ở Hoa Kỳ gần như không có hạn chế về sở hữu đất đai. Một số quốc gia khác có thể hạn chế về diện tích đất mà một người dân có thể sở hữu, nhưng ở Hoa Kỳ không có những quy định này, chỉ có phần hạn chế duy nhất với đất nông nghiệp. Chính những điều này đã khiến thị trường bất động sản du lịch tại Hoa Kỳ luôn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Với những chính sách phát triển của thị trường bất động sản du lịch tại Hoa Kỳ, tôi tin tưởng rằng sẽ có thể đem đến cho Việt Nam thêm một số gợi mở. Từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản du lịch tại Việt Nam sôi động và đánh thức mọi tiềm năng”, ông Mark Kitabayashi bày tỏ./.
PV