Được thành lập vào ngày 13 tháng 8 năm 2002 với tên gọi ban đầu là Hiệp hội Bất động sản Nhà đất Việt Nam, đến nay, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã trải qua gần 20 năm xây dựng, trưởng thành với 4 kỳ đại hội và được đánh giá là một trong những hiệp hội nghề nghiệp có hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả bậc nhất trong cả nước.

Với vai trò là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam, là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước; là tổ chức tham vấn, phản biện đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hoạch định các chính sách cho thị trường bất động sản... trong những năm vừa qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động tích cực để đóng góp cho sự phát triển của thị trường. Vai trò của Hiệp hội đối với các cơ quan quản lý ngày một nâng cao, vị thế của Hiệp hội trong cộng đồng ngày một được khẳng định vững chắc.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ IV (2016 - 2022), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có hàng loạt hoạt động sôi nổi, hiệu quả với nhiều dấu ấn. Hiệp hội bám sát tôn chỉ và mục đích đề ra; từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết và thu hút được nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản; là cầu nối tin cậy của các doanh nghiệp hội viên với Nhà nước, phản ánh và đề xuất kịp thời các giải pháp với Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương để góp phần tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp cũng như phát triển thị trường bất động sản. Tổ chức của Hiệp hội ngày càng lớn mạnh, cùng sự phát triển của các doanh nghiệp hội viên đóng góp lớn vào chương trình phát triển nhà ở và thị trường bất động sản Việt Nam.

Dưới đây là các hoạt động nổi bật nhất của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2022.

Thường xuyên tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp hội viên, lắng nghe những khó khăn, bất cập, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của các nhà đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư bất động sản, trong nhiệm kỳ 2016 - 2022, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tiếp tục tiến hành các nghiên cứu, phân tích, tổ chức các chương trình như Hội thảo, Tọa đàm, Diễn đàn… để tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời phản ánh với chính quyền địa phương, các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hội viên, góp phần giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Về các hội thảo, tọa đàm:

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã bảo trợ và tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo như: Diễn đàn bất động sản công nghiệp; Phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025: Phân khúc nào phù hợp?; Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ...

Các hội thảo, tọa đàm đều quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, bất động sản, pháp lý như: TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng; Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam; GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; các chuyên gia kinh tế: TS. Vũ Đình Ánh, TS. Nguyễn Minh Phong, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, PGS.TS. Ngô Trí Long; PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội…

Riêng trong năm 2021, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức hội thảo tầm cỡ quốc tế với chủ đề: Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam. Hội thảo đưa ra góc nhìn toàn cảnh về thực trạng phát triển, các nút thắt cần tháo gỡ và cùng các chuyên gia tìm giải pháp phù hợp để hoàn thiện chính sách, pháp luật cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam.

Hội thảo tạo lập diễn đàn khoa học để lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, hiệp hội, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, giới chuyên gia, học giả trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách, giới báo chí - truyền thông, các nhà tư vấn quốc tế, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch…, trao đổi, phân tích, bình luận, đánh giá về cơ hội, tiềm năng và khung chính sách, pháp luật của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách; đưa ra sáng kiến lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam trước thềm sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật có liên quan, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19.

Tiếp đó, Hội thảo “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay" cũng tạo được tiếng vang lớn và thu hút sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp, giới chuyên gia.

Với 2 phiên thảo luận, tại Hội thảo, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đã cùng phân tích, mổ xẻ về tổng quan thị trường bất động sản Việt Nam năm 2021 và dự báo xu hướng năm 2022; những nút thắt về chính sách pháp lý của thị trường bất động sản và định hướng điều chỉnh trong giai đoạn tới. Điển hình là: Tháo gỡ các chồng chéo trong thủ tục đầu tư, ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường; tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng; những kiến nghị về sửa Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản; những chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp bất động sản...

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hội viên vượt qua khó khăn để phát triển và đưa ra đề xuất kiến nghị sát với thực tế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị trao đổi những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư về chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản Việt Nam; kiến nghị tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho thị trường bất động sản Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.

Đầu năm 2022, Hiệp hội tổ chức 2 Hội nghị Góp ý sửa đổi Luật Đất đai - Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh bất động sản, để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, góp phần thiết thực vào việc sửa đổi luật và tạo thuận lợi, hiệu quả trong việc tham gia vào thị trường bất động sản của các tổ chức, đơn vị.

Hội nghị có sự góp mặt của lãnh đạo VNREA, lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính, pháp lý,... cùng đại diện các doanh nghiệp thành viên, mang lại nhiều ý kiến đa chiều để gửi tới các cơ quan thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi triệt để, bảo đảm sự thống nhất, tương thích, đồng bộ, góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư thông suốt, cạnh tranh lành mạnh, công khai minh bạch và bình đẳng giữa các chủ thể tham gia các phân khúc thị trường.

Về các văn bản kiến nghị, đề xuất:

Trong nhiệm kỳ IV, Hiệp hội đã có hơn 100 văn bản với 36 nhóm vấn đề có nội dung liên quan đến: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, tài chính, thuế… và đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực xã hội, về công khai minh bạch, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Trong đó nêu lên các vấn đề khó khăn vướng mắc trong tiếp cận đất đai; trong thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng, quản lý sau đầu tư đối với các dự án kinh doanh bất động sản; các khó khăn vướng mắc làm hạn chế sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, trong đó là các bất cập cụ thể ảnh hướng tới sự phát triển của phân khúc căn hộ du lịch (condotel); các vướng mắc trong việc phát triển dự án nhà ở xã hội; khó khăn trong lĩnh vực tiếp cận tín dụng, thuế liên quan đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà lớn nhất là vấn đề vướng mắc tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Về việc sửa đổi Nghị định 20, VNREA đã nhiều lần lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học và có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng, Bộ Tài chính và các cấp có thẩm quyền kiến nghị sửa đổi những bất cập liên quan đến Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20.

Theo đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị bỏ Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20; hoãn, lùi thời gian thực hiện điều khoản nói trên; cho phép hồi tố đối với các doanh nghiệp đã thực hiện Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 từ năm 2017 để đảm bảo công bằng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Sau các kiến nghị của VNREA và các doanh nghiệp, đến tháng 6/2020, Nghị định 20 chính thức được sửa, đồng ý hồi tố gần 5.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn chung bởi tình hình dịch bệnh Covid-19, VNREA đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất nhằm "giải cứu" các doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn bởi dịch Covid-19.

VNREA đề xuất bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn nộp thuế của dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cụ thể các doanh nghiệp bất động sản được giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất; bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vào các sắc thuế được xem xét gia hạn nộp thuế của dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản; xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế của các sắc thuế nêu trên cho các doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch dự kiến sẽ kéo dài.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đã phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị của Bộ đề xuất các giải pháp để thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và xây dựng Chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm đổi mới, mang tính đột phá. Tham gia ý kiến về ban hành chính sách nhà ở xã hội ở đô thị, nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn, nhà ở công nhân khu công nghiệp góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Hiệp hội đã tư vấn, tham mưu, ban hành quy định về giám sát việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển nhà ở trọng điểm, đó là: (1) Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; (2) Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp tập trung; (3) Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề…

Trong quá trình hoạt động, Hiệp hội đã đề xuất các giải pháp thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản, gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở Quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu, phát triển đa dạng các loại hàng hóa bất động sản nhà ở; đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân.

Hiệp hội đã có kiến nghị về đối tượng được vay vốn mua nhà ở xã hội và những bất cập trong việc sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, về việc cung cấp tín dụng phát triển nhà ở xã hội, hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách.

Ngoài ra, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng thường xuyên có các văn bản lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, luật sư, tập hợp kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho thị trường bất động sản. Gần đây nhất là các góp ý về sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Đây là hoạt động được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thực hiện thường xuyên để nắm bắt những thành công cũng như những khó khăn, bất cập, vướng mắc và tâm tư, nguyện vọng của các nhà đầu tư trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản với chính quyền địa phương, các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ, nhằm tháo gỡ kịp thời cho các doanh nghiệp hội viên.

Tại các cuộc làm việc, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã cùng với lãnh đạo các doanh nghiệp trao đổi nhận định, đánh giá về thị trường bất động sản hiện nay, tiếp nhận các vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải để phối hợp cùng giải quyết.

Với các hoạt động thường xuyên này, sự gắn kết giữa hoạt động của Hiệp hội với các hội viên được tăng cường, chất lượng hoạt động của Hiệp hội được nâng lên và kịp thời tiếp nhận, giải quyết, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh của hội viên hướng đến phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, hiệu quả và bền vững, phát triển hệ thống.

Theo đó, trong nhiệm kỳ qua, Hiệp hội tích cực tổ chức các cuộc khảo sát công trường dự án và làm việc với các hội viên, doanh nghiệp, Hiệp hội bất động sản tại các địa phương và chính quyền tỉnh. Nổi bật là các chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương…, khảo sát các dự án Mon Bay Hạ Long (CTCP Xây dựng Hải Đăng), Khu Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (Tập đoàn CEO), Toà nhà hỗn hợp TMDV và căn hộ chung cư AlaCarte Hạ Long (CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco), khu công nghiệp Đại An…

Tháng 3/2022, Hiệp hội thăm và làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) tại Hà Nội. Trong khuôn khổ buổi thăm và làm việc, lãnh đạo GP.Invest cũng đã dẫn đoàn Hiệp hội thăm một số dự án nổi bật của doanh nghiệp như The Nine, Tràng An Complex...

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, Hiệp hội sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp hội viên, trong đó có GP.Invest để cùng ghi nhận và chia sẻ những vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó có thể kiến nghị tới các Bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước để có thể nhanh chóng tháo gỡ không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển bền vững hơn.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam làm việc với doanh nghiệp GP. Invest.

Trước đó, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tới thăm và làm việc với tỉnh Hà Nam nhằm trao đổi các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, phát triển các KCN và kết nối doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư tại tỉnh này.

VNREA vui mừng khi Hà Nam triển khai chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh 2021 - 2025 và nội dung 10 cam kết của tỉnh với nhà đầu tư, đồng thời rà soát quy hoạch khu, cụm công nghiệp, nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ khu, cụm công nghiệp.

“Hà Nam là địa bàn đầy tiềm năng để phát triển đầu tư về bất động sản công nghiệp, hạ tầng phục vụ du lịch, thương mại dịch vụ”, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch thường trực phụ trách Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thăm và làm việc với tỉnh Hà Nam.

Tổng số hội viên đầu mối của Hiệp hội tính đến thời điểm tháng 3/2022 là 383 hội viên. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đầu tư trong lĩnh vực bất động sản đều là hội viên của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Trong đó, số hội viên kết nạp mới trong nhiệm kỳ IV là 71 hội viên. Hội viên tổ chức là 274 đầu mối, với hơn 3.000 hội viên là các doanh nghiệp trực tiếp sinh hoạt tại Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và sinh hoạt tại Câu lạc bộ Bất động sản, Hiệp hội Bất động sản ở địa phương và Chi hội Môi giới tham gia hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Hội viên cá nhân Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là 109 hội viên.

Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam bảo trợ và chỉ đạo Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes), Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) tổ chức.

Diễn đàn ghi nhận và tôn vinh tinh thần kiên định, chiến lược phát triển thích ứng với hoàn cảnh mới của các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam. Đó cũng là những thương hiệu xuất sắc có nhiều đóng góp, được ví như những “cánh chim đầu đàn” dẫn dắt thị trường bất động sản phát triển ngày càng minh bạch, lành mạnh, ổn định và đạt những đỉnh cao mới. Đồng thời, Lễ Vinh danh cũng truyền cảm hứng để các doanh nghiệp bất động sản nỗ lực xây dựng, kiến tạo nên những không gian sống hiện đại, văn minh tại mỗi đô thị Việt Nam.

Các thương hiệu bất động sản dẫn đầu được bình chọn bởi 500.000 độc giả trên hệ thống Reatimes.vn và Hội đồng bình chọn trực tiếp, độc lập, khách quan, bao gồm các nhà báo, các chuyên gia kinh tế - luật - quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - bất động sản hàng đầu của Việt Nam.

Đến nay, Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu và Tọa đàm Bất động sản Mùa Xuân đã được tổ chức 2 mùa với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư và lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hàng đầu Việt Nam.

Hàng năm, Hiệp hội tham gia vào một số đề tài nghiên cứu khoa học do Bộ Xây dựng giao. Hiệp hội đã cung cấp số liệu về thị trường, các luận cứ khoa học và thực tiễn, từ đó nâng cao chất lượng công tác, tham mưu cho Bộ Xây dựng và các ngành trong quá trình hoạch định chính sách, pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, báo cáo tổng quan thị trường bất động sản hàng tháng, hàng quý do Hiệp hội phát hành là nguồn thông tin tin cậy được các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông báo chí sử dụng thường xuyên và góp phần định hướng thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả và bền vững.

Trong nhiệm kỳ IV, Hiệp hội chỉ đạo Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam nghiên cứu đề tài “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách” từ nguồn kinh phí xã hội hóa, do hội viên Hiệp hội tài trợ; tập hợp được đông đảo đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế và phát triển bất động sản. Kết quả, đề tài đã được đánh giá cao, có cơ sở khoa học và thực tiễn về vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam, trở thành kênh tham khảo hữu hiệu cho công tác hoạch định chính sách của Nhà nước về phát triển lành mạnh thị trường bất động sản cũng như kênh tham khảo cho các doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam.

Với vai trò là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam, cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước, là tổ chức tham vấn, phản biện đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hoạch định các chính sách cho thị trường bất động sản, sau khi hoàn thành và tổ chức Tọa đàm Công bố Đề tài Khoa học, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban, ngành một số nội dung và kiến nghị cụ thể nhằm xây dựng, phát triển thị trường bất động sản Việt Nam tầm nhìn năm 2030.

Chương trình phát triển Công trình xanh và bền vững tại Việt Nam là một hoạt động lớn nhiều ý nghĩa, từng bước thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1393/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thường trực Hiệp hội đã thống nhất chủ trương và thông qua kế hoạch chương trình hành động 2016 - 2021 do Capital House tài trợ. Hiệp hội đã thành lập ban điều phối phát triển công trình xanh gồm 27 đồng chí đại diện cho các lĩnh vực: Quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học, cơ quan báo chí…, vận động doanh nghiệp tham gia.

Các doanh nghiệp lớn như Capital House, Tổng công ty Viglacera, CEO Group, Phương Nam, Phúc Khang, Công ty TNHH Cao ốc quốc tế Hồ Tây... đã tham gia Lễ ký giao ước hưởng ứng chương trình.

Năm 2017, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khởi động chương trình phát triển công trình xanh và bền vững.

Hiệp hội đã tổ chức tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công trình xanh. Nhiều cuộc hội thảo lớn đã được tổ chức, tập huấn cho gần 100 phóng viên, báo đài về nhận thức, vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, Hiệp hội tổ chức chuỗi chương trình Tọa đàm hàng tháng mang tên Café Xanh, tạo kết nối giữa các chuyên gia và báo chí để bàn về các chủ đề cụ thể, thiết thực, như: Đô thị Xanh, Trường học Xanh, Văn hóa Xanh… Ngoài ra, Hiệp hội đã giao cho Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam xuất bản ấn phẩm đặc san Công trình Xanh Việt Nam với số lượng ấn bản hàng vạn cuốn, trở thành tài liệu, cẩm nang hữu ích cho cư dân và giới nghiên cứu, cũng như làm tài liệu tham khảo bổ ích cho công tác quản lý Nhà nước.

Sau thành công của Đại hội Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ IV (2016 - 2022), Hội nghị gặp mặt hội viên lần đầu tiên của nhiệm kỳ được tổ chức tại Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhơn (Bình Định) với gần 500 hội viên là đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia bất động sản và đặc biệt là đại diện các doanh nghiệp trên cả nước tham dự.

Hội nghị thường niên gặp mặt hội viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam năm 2017.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã tuyên dương vai trò của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - tổ chức xã hội nghề nghiệp có nhiều đóng góp trong phản biện chính sách, phổ biến triển khai các luật quan trọng trong lĩnh vực bất động sản, làm tốt công tác kết nối các thành viên của Hiệp hội với các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan nghiên cứu; tổ chức các hội nghị, hội thảo - kênh thông tin quan trọng để cơ quan Nhà nước lắng nghe, nắm bắt các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó điều chỉnh, bổ sung các chính sách phát triển thị trường bất động sản.

Đặc biệt, do những đóng góp của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam, tại Hội nghị, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vinh dự đón nhận cờ thi đua của Chính phủ.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vinh dự đón nhận cờ thi đua của Chính phủ.

Hội nghị Gặp mặt hội viên thường niên lần 2 được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức vào năm 2019 với các nội dung: Giao lưu Gặp mặt Hội viên VNREA năm 2019; Vinh danh các tổ chức - cá nhân Hội viên, các nhà tài trợ, phóng viên báo chí đã có nhiều đóng góp cho các hoạt động của Hiệp hội trong thời gian qua.

Mục đích của hội nghị gặp mặt là đánh giá lại hoạt động của nửa nhiệm kỳ trong quá trình thực hiện Nghị quyết của Đại hội Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ IV (2016 - 2022). Bên cạnh đó, tổ chức gặp mặt hội viên vì đây là một sân chơi lớn của các doanh nghiệp bất động sản. Mỗi lần giao lưu là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi những mô hình hay và tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới, doanh nghiệp còn có thể chia sẻ kinh nghiệm và những tính toán trong việc tìm cơ hội đầu tư bất động sản tại nước ngoài.

Hội nghị Gặp mặt hội viên thường niên lần 2 vào năm 2019.

Diễn đàn Bất động sản Việt Nam là hoạt động do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng Kênh truyền hình Kinh tế - Tài chính VITV tổ chức.

Mục tiêu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là tạo một sân chơi lớn, nơi giao lưu học hỏi và trao đổi kinh nghiệm cho các doanh nghiệp. Diễn đàn bao gồm các nội dung gắn với tình hình thực tiễn, xoay quanh hoạt động của doanh nghiệp bất động sản. Bởi thực chất, thị trường bất động sản thời gian qua gặp phải nhiều vướng mắc, từ cơ chế chính sách đến thủ tục hành chính.

Diễn đàn mở ra cơ hội đánh giá thị trường bất động sản một cách tổng quát, toàn diện từ các mặt hàng, phân khúc đến vấn đề đất đai, tài chính, tín dụng, thuế. Bên cạnh đó, có những chuyên đề chuyên sâu, từ đó đưa ra những kiến nghị với Chính phủ, định hướng doanh nghiệp đầu tư vào những phân khúc có tính thanh khoản tốt và đáp ứng được nhu cầu của đại bộ phận người dân.

Diễn đàn lần 1 diễn ra vào tháng 11/2017 với sự tham gia của 600 - 800 khách mời trong nước và quốc tế. Thành phần tham dự ngoài các cơ quan ban ngành, còn có các Đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp, đại biểu của các Hiệp hội bất động sản khu vực Đông Nam Á. Ngoài Bộ Xây dựng là đơn vị bảo trợ còn có Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản hàng đầu.

Tại Diễn đàn lần 1, Bộ Xây dựng có tham luận tổng quan tình hình bất động sản Việt Nam; Bộ Tài chính có tham luận cải cách thuế cho thị trường bất động sản; Bộ Tài nguyên và Môi trường có bài phát biểu chính sách và thủ tục đất đai - định hướng và sửa đổi; Ngân hàng Nhà nước có tham luận chính sách tín dụng cho thị trường bất động sản và cuối cùng là đề xuất, kiến nghị từ phía doanh nghiệp do ông Đoàn Văn Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị CEO Group trình bày.

Bên cạnh đó là các chuyên đề được các chuyên gia thảo luận chuyên sâu bao gồm: Nhà ở thương mại giá rẻ và Nhà ở xã hội; Cải tạo chung cư cũ; Công trình xanh; Bất động sản nghỉ dưỡng.

Diễn đàn lần 2 diễn ra vào tháng 11/2019, phác họa bức tranh toàn cảnh thị trường năm 2019. Đồng thời, cũng đưa ra những dự báo, định hướng mô hình phát triển mới (xanh, thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu…) cho thị trường tiếp tục phát triển bền vững.

Điểm nhấn của Diễn đàn là phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, với góc nhìn toàn cảnh về thị trường bất động sản Việt Nam và công tác quản lý Nhà nước về thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng. Tiếp đó, là bài phát biểu tổng quan về thị trường bất động sản Việt Nam của ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã phân tích bối cảnh, những cơ hội, thách thức và định hướng tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản Việt Nam.

Tại Diễn đàn, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan đến đất đai, thuế, thủ tục hành chính; các chuyên gia, nhà khoa học nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, bất động sản, xây dựng; cộng đồng doanh nghiệp tập trung bàn thảo và làm rõ nhiều khía cạnh liên quan đến thị trường bất động sản Việt Nam năm 2019, những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ và phân tích các xu hướng mới của thị trường.

Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam được phát động ngày 12/12/2017, là Giải thưởng đặc biệt quan trọng, mang tầm quốc gia, do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, phối hợp với Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản - Bộ Xây dựng và Trung tâm tin tức VTV24 - Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, dưới sự chỉ đạo, bảo trợ của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản cùng Bộ Xây dựng.

Giải thưởng nhằm tôn vinh các doanh nghiệp và dự án hoặc dự án, công trình tiêu biểu có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển nhanh, bền vững và minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập. Qua đó, khuyến khích, động viên và định hướng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng, phát triển thương hiệu theo các chuẩn mực quốc tế; tạo ra xu hướng “xanh - sạch - đẹp” trong đầu tư phát triển các dự án bất động sản, đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao; tạo kênh tham khảo trong việc phân cấp thứ hạng thương hiệu/sản phẩm trên thị trường, giúp doanh nghiệp khẳng định được vị thế và uy tín với khách hàng...

Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam đã được tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp, minh bạch, thực sự là một Giải thưởng danh giá của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản Việt Nam.

Thông qua một hệ thống tiêu chí xét giải khắt khe với quy trình từ thẩm định hồ sơ, khảo sát thực tế tại các dự án, bỏ phiếu kín, kiểm toán và “hiệp y” với các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương…, trong lần tổ chức đầu tiên của Giải thưởng này, Hội đồng Giám khảo đã chọn ra được 53 đơn vị và dự án để tôn vinh trong 8 hạng mục cụ thể của Giải thưởng.

Cụ thể số lượng Giải thưởng ở các hạng mục như sau: Nhà phát triển bất động sản uy tín nhất (11 giải); Khu đô thị tốt nhất (6 giải); Dự án bất động sản nghỉ dưỡng tốt nhất (5 giải); Tòa nhà văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại tốt nhất (3 giải); Dự án khu nhà ở đáng sống nhất (10 giải); Dự án công trình xanh tốt nhất (6 giải); Sàn giao dịch bất động sản xuất sắc nhất (7 giải) và Dự án nhà ở xã hội tốt nhất (6 giải). Trong đó, hạng mục Nhà phát triển bất động sản uy tín nhất là giải thưởng uy tín nhất.

Giải thưởng Quốc gia Bất động sản 2018 là cơ hội tốt để doanh nghiệp khẳng định vị thế trên thị trường, khích lệ và định hướng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh hơn, bền vững hơn, đóng góp xứng đáng hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hội nghị Bất động sản Quốc tế thường niên (IREC) là một sự kiện quan trọng trong lĩnh vực bất động sản trên thế giới. Sau 3 lần tổ chức thành công tại Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan, Hội nghị đã ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo các hiệp hội, các nhà phát triển bất động sản trên thế giới.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam rất vinh dự khi được lựa chọn đăng cai tổ chức Hội nghị Bất động sản Quốc tế - IREC 2018 với khẩu hiệu “Việt Nam - Thế giới của cơ hội”. Ngay từ khi được lựa chọn, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã nỗ lực hết mình để chuẩn bị tổ chức sự kiện một cách chu đáo và trang trọng nhất.

IREC 2018 diễn ra trong 3 ngày (từ 5 đến 7/9/2018) tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia và Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc Gia. Đây là sự kiện tầm vóc, ấn tượng, sáng tạo, thúc đẩy tinh thần giao lưu, kết nối cộng đồng các hiệp hội và doanh nghiệp bất động sản hàng đầu thế giới với sự tham dự của 500 khách mời quốc tế đến từ gần 30 quốc gia gồm Mỹ, Hàn Quốc, các quốc gia Đông Nam Á…, các nhà lãnh đạo hiệp hội bất động sản, các nhà phát triển bất động sản thế giới… Bên cạnh đó, Hội nghị có sự tham dự của hàng nghìn đại biểu trong nước là đại diện lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản Việt Nam.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp đã đưa ra các ý kiến bàn thảo, góp phần giải quyết những hạn chế, khơi dậy tiềm năng và thúc đẩy các thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn, bền vững hơn, đóng góp xứng đáng hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Đồng thời, qua các cơ hội kết nối đầu tư, sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

IREC 2018 cũng mang đến những bài tham luận chuyên sâu về Trí tuệ nhân tạo (AI), khái niệm Big Data và sự ảnh hưởng của công nghệ đến ngành bất động sản; vấn đề dòng tiền trong đầu tư dự án; câu chuyện về Smart City và Happy City sẽ thay đổi ngành bất động sản như thế nào; đầu tư tư nhân vào nhà ở giá rẻ... và nhiều vấn đề nóng khác về ngành bất động sản ở Việt Nam, khu vực và trên toàn thế giới.

Với những nội dung mang tính toàn cầu và tập trung vào cơ hội của Việt Nam cùng đội ngũ diễn giả uy tín, có tiếng nói trên thế giới, IREC 2018 đã mở ra cơ hội cho các đơn vị đầu tư, kinh doanh bất động sản trong nước và quốc tế gặp gỡ học hỏi trao đổi kinh nghiệm, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư và tư duy mới trong phát triển bất động sản.

Là tổ chức quy tụ rất nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã phát huy vai trò cầu nối cho các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2022, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam không ngừng tổ chức các hoạt động ngoại giao, tiếp xúc, làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp hiệp hội quốc tế, nhằm tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư cho các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam…

Có thể kể đến các sự kiện nổi bật là: Tham dự Diễn đàn Bất động sản Việt Nam - Dubai 2016; Ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Quản lý xây dựng Hàn Quốc, Hiệp hội Môi giới Bất động sản Hàn Quốc, Hiệp hội Định giá và Môi giới Campuchia, Hiệp hội Phát triển bất động sản Myanmar, Hiệp hội Bất động sản Bắc Virginia - Hoa Kỳ…; tiếp đại diện các tập đoàn Nhật Bản, Hàn Quốc; làm việc với Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, Hiệp hội Bất động sản Trung Quốc, Hội đồng Phát triển Bất động sản Ấn Độ; thăm Hiệp hội chuyên gia Bất động sản Người Việt Nam tại Hoa Kỳ; làm việc với Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)…

Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam còn tích cực tham dự các sự kiện quốc tế theo hình thức trực tiếp và online để nắm bắt những thông tin mới của thị trường nước sở tại đăng cai tổ chức và tình hình chung cũng như xu hướng bất động sản thế giới trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, đưa ra dự báo xu hướng về thị trường bất động sản trong tương lai và vận dụng những kinh nghiệm để tìm kiếm cơ hội, thu hút đầu tư phát triển.

Cụ thể, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tham dự Hội nghị Liên hiệp hội Bất động sản các quốc gia thuộc khối ASEAN 2017; tham gia Hội nghị Chủ tịch Liên minh các Hiệp hội Bất động sản Asean; tham dự Hội nghị Bất động sản thường niên thế giới lần thứ 70; dự Hội nghị Bất động sản Malaysia 2018; tham dự cuộc họp ARENA COP online với bài phát biểu về thị trường bất động sản Việt Nam; họp online với đại diện Hội Môi giới Bất động sản Hoa Kỳ (NAR) và Hiệp hội Bất động sản các nước châu Á; Hội nghị Singapore BCA (Building & Construction Authority) 2020 với chủ đề: Mô thức phát triển bất động sản hậu Covid-19, cơ hội và thách thức tại châu Á…

Thực hiện trách nhiệm với cộng đồng và hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động và triển khai, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyến đi đến các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa như tại tỉnh Yên Bái, Quảng Ninh…, phối hợp cùng lãnh đạo địa phương, tổ chức lễ trao tiền hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo với số tiền lên đến hàng tỷ đồng do doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội tài trợ.

VNREA đã và đang trở thành đầu mối nhận đóng góp từ các hội viên cho hoạt động vì người nghèo. Hiệp hội gắn bó và đồng hành lâu với các địa phương khó khăn, tiếp tục vận động các thành viên trong Hiệp hội để năm sau trở lại Yên Bái, với tinh thần "tương thân tương ái", tiếp tục công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế để góp phần đưa nước ta giàu lên nhưng không ai bị bỏ lại phía sau.

***

HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC

Trong nhiệm kỳ qua, các đơn vị, tổ chức trực thuộc Hiệp hội đã từng bước hoạt động có hiệu quả, đóng góp vào thành tích chung của Hiệp hội.

Những tổ chức trực thuộc Hiệp hội như: Ban Pháp chế, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Chi hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội… đã có kết quả nổi bật như: Tư vấn hỗ trợ pháp lý cho người dân, doanh nghiệp hội viên bất động sản, phổ biến hướng dẫn pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp; Truyền thông thông tin thị trường bất động sản; Thu hút các doanh nghiệp góp phần tích cực vào thị trường bất động sản, gắn kết hoạt động chuỗi đầu tư với quản lý dịch vụ...

Trung tâm tư vấn và xúc tiến đầu tư Bất động sản Việt Nam

Trung tâm tư vấn và xúc tiến đầu tư Bất động sản Việt Nam - là đơn vị cơ sở có pháp nhân trực thuộc Hiệp hội, hoạt động theo giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian qua đã tham gia tích cực và có hiệu quả một số hoạt động sự kiện của Hiệp hội, như: Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam, Giải Golf Doanh nhân Bất động sản Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thành công một số hội thảo, sự kiện có tác động tích cực đến thị trường bất động sản.

Giải Golf Doanh nhân Bất động sản Việt Nam

Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam

Hoạt động theo giấy phép của Bộ Khoa học và Công nghệ, đã mời các nhà khoa học để cộng tác, phối hợp nghiên cứu, tư vấn, xây dựng hệ thống thông tin trong lĩnh vực bất động sản phục vụ nhu cầu và nhiệm vụ của Hiệp hội; Nghiên cứu, tư vấn, phản biện và thực hiện các chương trình đề tài, dự án trong lĩnh vực bất động sản; Tổ chức thực hiện và xuất bản các ấn phẩm thông tin – truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học – kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; Hợp tác với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các nhiệm vụ của Viện…

Viện đã tổ chức công bố đề tài nghiên cứu khoa học: Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam – Vai trò và khuyến nghị chính sách và đã tiến hành gửi kiến nghị đến các cơ quan có liên quan. Viện đã triển khai xây dựng đề cương đề tài nghiên cứu khoa học: Phát triển bất động sản du lịch gắn với chiến lược quốc gia về du lịch đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Hiện đề cương đề tài đang được lấy ý kiến các chuyên gia và sẽ triển khai trong năm 2022.

Ngoài ra, Viện cũng đã phối hợp với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo chuyên đề, với sự đầu tư về nội dung và sự chuyên nghiệp về hình thức thể hiện, như: Lễ vinh danh Thương hiệu Bất động sản dẫn đầu; Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân diễn ra vào tháng 3/2021. Tuy nhiên, để chủ động đề xuất đề tài nghiên cứu cần kiện toàn tổ chức và bổ sung nhân sự đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ.

Ban Pháp chế của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Ban Pháp chế được thành lập theo Quyết định số 56/2015/QĐ - HHBĐSVN.BCH, ngày 28/12/2015 nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động, đặc biệt trong công tác phản biện xã hội và hỗ trợ hội viên phát triển trong lĩnh vực bất động sản. Ban Pháp chế đã chủ động cũng như đóng góp ý kiến vào quá trình dự thảo văn bản pháp lý của Nhà nước có liên quan tới Hiệp hội, lĩnh vực bất động sản và một số lĩnh vực có liên quan; Tham mưu cho lãnh đạo Hiệp hội để tổ chức, điều hành Hiệp hội phù hợp với quy định của pháp luật; Tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp hội viên, các doanh nghiệp bất động sản, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế khi tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam; Hướng dẫn, phổ biến thực hiện pháp luật về thị trường bất động sản, thực hiện hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên theo chức năng nhiệm vụ của Hiệp hội. Tuy nhiên, việc tổ chức phổ biến pháp luật, cơ chế, chính sách vẫn chưa được chủ động, thường xuyên.

Chi hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Chi hội đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ 2 (nhiệm kỳ 2021 – 2026) và bầu ra Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra, Ban Thường vụ, Ban Thường trực và các chức danh lãnh đạo mới của Chi hội, thành lập các ban chuyên môn và ban điều hành chi hội tại một số tỉnh. Hoàn thành đề án quản lý và phát triển hội viên ứng dụng công nghệ số.

Một số hoạt động nổi bật của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, chi hội cũng tổ chức thành công một số sự kiện như: Lễ vinh danh sàn giao dịch - công nghệ - dự án bất động sản; Tọa đàm: “Sàn giao dịch và môi giới bất động sản vượt khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 - Giải pháp và kiến nghị”.

Chi hội Bất động sản du lịch Việt Nam

Là đơn vị trực thuộc Hiệp hội, được thành lập theo Quyết định số 23/QĐ-BCH, ngày 14/8/2009 của Ban Chấp hành Hiệp hội. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên công tác chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội vào cuối năm 2021 phải hoãn lại, chỉ tổ chức được một số hội nghị cho doanh nghiệp tham gia các seminar online và truyền thông trên báo chí. Tuy nhiên, lãnh đạo chi hội chưa được kiện toàn, tính chủ động còn hạn chế, ít hoạt động, không hiệu quả.

Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội

Câu lạc bộ đã thu hút hàng ngàn hội viên các lĩnh vực liên quan tham gia hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm thực tế đầu tư, kinh doanh bất động sản ở một số địa phương. Câu lạc bộ thường xuyên cung cấp thông tin và thúc đẩy khôi phục niềm tin vào thị trường. Câu lạc bộ cũng là nhà bảo trợ cho các câu lạc bộ bất động sản trong các trường đại học như: Xây dựng, Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân…

Reatimes

Bạn đang đọc bài viết Các hoạt động nổi bật của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong nhiệm kỳ IV tại chuyên mục Hoạt động hiệp hội của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn