Theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, Việt Nam hiện chỉ có hơn 100 công trình xanh đạt chuẩn đang phát triển ở các giai đoạn khác nhau, con số này quá thấp so với hơn 2.100 dự án tại Singapore và gần 800 dự án tại Úc.
Theo nhiều chuyên gia, chi phí đầu tư vào công trình xanh chỉ cao hơn chi phí cho công trình thông thường ở các khoản ban đầu. Theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh Thế giới, mức chênh lệch này chỉ nằm ở 0,4 - 7%. Xét về lâu dài, công trình xanh sẽ giải được bài toán về kinh tế khi nó được thiết kế để sử dụng hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên, tiết kiệm năng lượng trong suốt quá trình vận hành.
Về cơ bản hai chủ đề bền vững môi trường và hiệu quả năng lượng khi được nghiên cứu sâu sẽ có nhiều tính toán phức tạp về khoa học kỹ thuật nhưng kết quả cuối cùng lại đơn giản và liên quan trực tiếp đến vấn đề tài chính. Kết quả cần thiết của một nghiên cứu sâu trong thiết kế kiến trúc và năng lượng chính là chi phí đầu tư và chi phí vận hành, bảo dưỡng công trình, kết hợp với doanh thu dự kiến sẽ tính ra được hiệu quả kinh doanh dài hạn.
Bên cạnh đó, hiện nay các công ty tư vấn thường xuyên phải làm việc gấp rút để đáp ứng yêu cầu tiến độ đưa ra công trường của chủ đầu tư. Dù tư vấn thiết kế có năng lực cũng không đủ thời gian để nghiên cứu cộng với việc chủ đầu tư không yêu cầu đưa ra những số liệu tính toán cụ thể cho những giải pháp tiết kiệm khác nhau. Từ đó, đơn vị thiết kế sẽ không thực hiện bước tính toán những số liệu về môi trường và năng lượng, không cần nghiên cứu các giải pháp cắt giảm chi phí thiết bị và chi phí hoạt động.
Đây là thiếu sót lớn trong công tác quản lý và giám sát thiết kế. Các chuyên gia cho rằng, ban quản lý dự án và chủ đầu tư nên kiểm soát để tránh chi phí đầu tư thiết bị, chi phí vận hành công trình xanh bị đẩy lên cao.
Theo ThS. KTS Trần Thành Vũ, Chủ tịch Hội mô phỏng hiệu năng công trình xây dựng Việt Nam (IBPSA-Vietnam) cho hay, khi khảo sát 2 công trình văn phòng ở Hà Nội, trong đó một công trình mua thừa 20 tỷ đồng, một công trình 50 tỷ đồng do tính thừa, tính ẩu riêng cho phần thiết bị điều hòa.
Nếu tính bài toán lợi ích, chúng ta nên bỏ ra thêm 4 tỷ hay 10 tỷ đồng tiền thiết kế phí, có thể giảm được 20 tỷ, hay 50 tỷ đồng tiền thiết bị điều hòa. Chưa tính tới phần chi phí giảm được do tối ưu hóa kết cấu và giảm được một lượng lớn chi phí phải trả cho tiêu thụ năng lượng trong suốt vòng đời công trình.
ThS. KTS Trần Thành Vũ đưa ví dụ trong một công trình, kiến trúc sư đã thiết kế nhiều chi tiết che nắng để đảm bảo công trình không bị nhận quá nhiều nhiệt từ mặt trời. Nhưng khi tính toán, 99% kỹ sư điều hòa tại Việt Nam bỏ qua phần che nắng. Theo đó, chủ đầu tư vừa phải đầu tư các hệ thống che nắng vừa phải đầu tư hệ thống điều hòa lớn hơn nhiều so với cần thiết.
Kết quả, sự lãng phí đã xảy ra mà không ai biết, công trình được xây lên và vận hành với các thành phần không khớp nhau làm chi phí đầu tư tăng lên và chi phí vận hành cũng tăng lên theo. Câu hỏi cũng đặt ra là bỏ chi phí để cho đội ngũ chuyên gia trong nước lớn mạnh có lợi hơn hay để cho tiền chảy vào túi các nhà sản xuất thiết bị điều hòa tốt hơn?
Theo chuyên gia công trình xanh TS. KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó Tổng thư ký, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, để xây dựng công trình xanh với chi phí hợp lý, có lẽ cần xây dựng một khái niệm các giải pháp cụ thể. Trong đó phải có những định nghĩa về công trình xanh; cách thức thiết kế; giải pháp mái xanh, sử dụng thủ pháp chắn nắng mặt đứng công trình; hay giải pháp dùng tấm pin mặt trời trên mái, trên mặt đứng để tạo năng lượng sử dụng cho tòa nhà… Quy trình càng cụ thể chi tiết thì sẽ rõ ràng mọi chi phí.
KTS Lê Thị Bích Thuận nhấn mạnh: “Đối với một công trình xanh, chi phí thành phần lớn nhất chính là chi phí tư vấn hoặc quản lý dự án. Theo đó, để có được một công trình với chi phí hợp lý lại có hiệu quả cao phải có sự hợp tác hiệu quả giữa chủ đầu tư, kiến trúc sư, nhà thầu, thiết kế."
An Vũ