Đến năm 2500, chúng ta sẽ di chuyển với những chiếc ô tô tự lái, sao Hỏa trở thành điểm du lịch ưa thích của nhiều khách du lịch và các robot sẽ có "sự sống" và có địa vị ngang bằng với con người.

Khi thời điểm đó diễn ra thì có lẽ tất cả chúng ta đã chìm trong nước bởi mực nước biển đã dâng cao hơn 6m và còn tiếp tục tăng. Đây là những viễn cảnh dựa theo những nghiên cứu của một số nhà khoa học.

Mái nhà xanh của Singapore

Mái nhà xanh của Singapore

Quay trở lại thời điểm hiện tại, Singapore đã bắt đầu cuộc chiến thay đổi tương lai không mấy sáng sủa và có lẽ chúng ta cũng nên bắt đầu nghĩ về cách để tránh khỏi “định mệnh” đó.

Với sự đẩy mạnh phát triển thương mại đã trải qua nhiều thập kỉ, những tòa tháp chọc trời mọc lên nhanh chóng nhờ vào các chính sách kinh tế của quốc đảo này. Các công trình trên phát thải ra khoảng gần 1/4 lượng khí nhà kính mà Singapore thải ra môi trường. Những văn phòng, trung tâm mua sắm, khách sạn, trung tâm giáo dục và hạ tầng chăm sóc sức khỏe tiêu thụ tới 1/3 lượng điện của Singapore.

Khí nhà kính, sự phát thải carbon được tạo ra từ những công trình và nguồn năng lượng tiêu thụ của chúng đang khiến cho biến đổi khí hậu và thay đổi quá trình tự nhiên của hệ sinh thái tại Singapore tăng lên đến đáng báo động.

Cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu là có thật và Singapore hay Garden City đã sẵn sàng cho cuộc chiến nhờ vào những công nghệ và thiết kế Công trình Xanh trong lĩnh vực bất động sản.

Môi trường xanh và trong sạch chính là những gì Singapore yêu quý và họ tự hào bởi nó cũng là một phần tài sản đã gìn giữ được từ thuở sơ khai của đất nước.

Và để làm được điều đó, Singapore - một trong những nước tham gia Hiệp định Biến đổi khí hậu Paris và cũng là người ủng hộ tích cực cho việc bảo vệ môi trường, coi thiết kế công trình chính là chìa khóa cơ hội.

“Cuộc cách mạng” Garden City 2.0

Singapore tiêu thụ một lượng điện rất đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, điều này sẽ không còn xảy ra nữa bởi Ủy ban Công trình xây dựng của Singapore đang hướng đến mục tiêu 80% công trình trên cả nước phải đạt được Chứng chỉ Công trình Xanh Green Mark trước năm 2030 và nâng cao ý thức về sự gia tăng của biến đổi khí hậu để cả nước cùng hợp lực đưa sự biến đổi về với điểm gốc 0.

“Những Công trình Xanh, thứ được thiết kế sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả hơn và giảm tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên, chính là cách để chúng ta đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và giảm ảnh hưởng đến môi trường của cuộc sống đô thị.”

Năng lượng, nước, chất lượng môi trường bên trong công trình, nguyên vật liệu và nhiều yếu tố khác nữa đều được đặt vào trong quá trình quy hoạch, thiết kế và xây dựng của công trình.

Số ít những công trình thương mại ở Singapore đã bắt đầu tiến vào “dòng chảy” xanh này. Nhiều nhà quy hoạch đô thị hiện nay đang tạo ra màu xanh thông qua việc phát triển thành phố từ những mái nhà xanh, những khu vườn thẳng đứng và các bức tường xanh. Điều này có thể thấy rõ nếu như bạn nhìn vào kiến trúc của Parkroyal trên Pckering hay nội thất của Food Garden ở Quảng trường Châu Á (Asia Square).

Tháp hiện đại là tháp sử dụng ít nước và điện

Asia Square khai thác tối đa ánh nắng là một ví dụ. Nơi này được lắp đặt với tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất ở Singapore và nó cũng có cả trạm diesel sinh học đầu tiên ở khu phát triển thương mại tại trung tâm thành phố.

Thậm chí không gian thưởng thức ẩm thực ở Food Garden (nằm trong Asia Square) cũng có một bức tường xanh – một trong những điều kiện giúp cho công trình này đạt được chứng chỉ LEED và Green Mark bạch kim.

Bức tường được thiết kế hoàn toàn từ những nguyên liệu tái chế và việc sử dụng điện, nước của nó cũng vô cùng hiệu quả bởi khả năng tự duy trì.

Ngay cả những giọt nước từ hệ thống máy xử lý không khí cũng được giữ lại và sử dụng cho việc tưới nước cho cây và dùng làm nước cho hệ thống vệ sinh cho tòa nhà. Điều này giúp tiết kiệm đáng kể những hóa đơn.

Thành quả đạt được của việc thiết kế Công trình Xanh đang ngày một thể hiện rõ ràng. Thực tế, Asia Square đã lọt top 10 trong tổng 100 công trình sử dụng nước hiệu quả nhất của Singapore, theo Public Utilities Board. So sánh với những chỉ số của các công trình thương mại khác. Asia Square tiêu thụ năng lượng ít hơn 35%.

Có một hiểu nhầm rất phổ biến rằng làm Công trình Xanh rất tốn kém bởi vì vật liệu xanh và những sản phẩm tương tự như vậy rất đắt.

Tuy nhiên, không cần phải đắt mới xanh được. Thậm chí ngay cả khi chi phí ban đầu có cao nhưng qua quá trình vận hành thì đó lại là lợi nhuận lâu dài.

Việc thiết kế Công trình Xanh phải được hiểu là một khoản đầu tư cho tương lai. Mọi yếu tố thiết kế đều có vai trò lớn trong việc giảm ảnh hưởng đến môi trường của công trình.

Phan Minh (Nguồn: Channel NewsAsia)

Bạn đang đọc bài viết "Con át chủ bài” của Singapore để có tương lai xanh hơn tại chuyên mục Nghiên cứu - Tham khảo của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn