Thách thức lớn nhất mà các kiến trúc sư phải đối mặt hiện nay chính là vấn đề các công trình xây dựng chiếm khoảng 40% năng lượng tiêu thụ. Đặc biệt ở các nước có đông dân số, tốc độ đô thị hoá chóng mặt.
Điển hình ở Trung Quốc, mỗi năm "mọc" cả chục thành phố mới. Và hầu như tất cả các tòa nhà đều được trang bị hệ thống điều hòa không khí hiện đại, được xây dựng để tiêu thụ nhiều năng lượng hơn.
Chính vì vậy, các nước trên thế giới đều đang hướng đến phát triển các công trình xanh, ứng dụng các thiết kế mới để giải đáp những mối quan tâm về hệ thống không khí và nước của tòa nhà sao cho đủ mà vẫn tiết kiệm. Cụ thể, khi tận dụng nước mưa và nước thải từ vòi sen, vòi rửa tay, máy giặt được xử lý và tái sử dụng cũng góp phần tiết kiệm năng lượng.
Sử dụng các thiết bị vệ sinh thế hệ mới có thể tiết kiệm được 20% lượng nước sử dụng. Pin mặt trời giúp giảm chi phí năng lượng và có thời gian hoàn vốn 7-10 năm.
Ngoài ra, ứng dụng các vật liệu xây dựng mới làm giảm nguy cơ, các tác động về sức khoẻ của các chất ô nhiễm trong nhà. Nghiên cứu của Hội đồng Công trình xanh Thế giới cho thấy hiệu quả làm việc trong văn phòng "không xanh" khó thể đạt được kết quả tốt nhất khi tiếng ồn gây nên sự phân tâm không mong muốn.
Mỗi tòa nhà không những phải có chức năng an toàn và hiệu quả mà còn nhằm mục đích thỏa mãn những người ở. Trong văn phòng và khu nhà ở thường có những thay đổi bất thường của luồng không khí trong phòng, một lý do khiến nhiều người hay mở cửa sổ trong thời tiết nóng hoặc đóng cửa sổ khi gió lạnh.
Không những vậy, sự thay đổi của môi trường còn liên quan đến các hoạt động diễn ra trong không gian. Ví dụ, trong các phòng bệnh viện, cần có các mức độ sưởi ấm và thông gió khác nhau cho bệnh nhân ở giường bệnh và nhân viên y tế xung quanh.
Theo dữ liệu báo cáo từ cuộc khảo sát của Đại học Michigan (Mỹ) cho thấy các cán bộ, nhân viên làm việc trong một công trình xanh có năng suất làm việc hiệu quả hơn, ít mắc bệnh strees và các bệnh lây nhiễm khác. Các nhà khoa học đã tiến hành hai nghiên cứu tại Michigan. Họ phát hiện ra rằng những cán bộ, công nhân di chuyển điều kiện làm việc từ tòa nhà thông thường sang làm việc tại tòa nhà có thiết kế năng lượng và môi trường hiệu quả (chuẩn LEED) giảm đáng kể số ngày nghỉ việc vì ốm và căng thẳng.
Số cán bộ, nhân viên này cũng tuyên bố rằng họ làm việc hiệu quả hơn do cải thiện về sức khỏe và cảm thấy phấn khởi hơn. Báo cáo chi tiết về diễn biến và kết quả của cuộc điều tra được đăng công khai trên tạp chí Sức khỏe cộng đồng Mỹ.
Cách thức mà môi trường ngoài trời và trong nhà của các tòa nhà liên quan phụ thuộc vào khu vực đô thị rộng lớn hơn, đặc biệt là sự biến đổi về gió, nhiệt độ và ô nhiễm không khí. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nhiều không gian xanh nhỏ ở các trung tâm thành phố có hiệu ứng làm mát lớn cho các tòa nhà hơn là một vài công viên lớn.
Nhìn chung, cách mạng công trình xanh là tất yếu trong lĩnh vực xây dựng, và là thách thức lớn nhất của toàn thế giới. Giải pháp này không chỉ tập trung vào việc giảm tiêu thụ năng lượng trong điều kiện khí hậu toàn cầu nóng lên mà còn giúp cho những người sống và làm việc hạnh phúc hơn.
KTS. Trần Minh Tùng, giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội là người quan tâm và nghiên cứu về đô thị sinh thái, đô thị xanh cho hay, sự mở rộng đô thị với cơn bão đô thị hoá đi qua những làng quê đã cuốn đi phần nào tính sinh thái truyền thống, đôi khi được thay thế bởi tính sinh thái hiện đại của các khu đô thị sinh thái mới cấy ghép đan xen bên cạnh và không có sự tương tác nào được thiết lập với những ngôi làng sinh thái cũ.
Thay vì yếu tố xanh truyền thống như những khu vườn, những cánh đồng, những mặt nước ao hồ mương rạch…, vừa tô điểm làm đẹp không gian và cảnh quan tự nhiên, vừa có thể khai thác để sản xuất ra các sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày của con người, thì bây giờ người ta sẵn sàng thay thế chúng bằng những yếu tố xanh hiện đại là các thảm cỏ, các bể cảnh, các sân golf, các công viên… chỉ đơn thuần mang tính trang trí, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi giải trí của những thị dân. Và để vận hành, chăm sóc và duy trì chúng, người ta lại phải sử dụng nhiều nguồn lực con người và đôi khi cả những biện pháp tác động gây tổn hại đến môi trường.
KTS. Trần Minh Tùng cho hay: “Công trình xanh trong khu dân cư sinh thái đang dần trở nên phổ biến và được khuyến khích trên thế giới trong sự gắn kết chặt chẽ với xu hướng phát triển bền vững khi các vấn đề môi trường và năng lượng ngày càng trở nên bức thiết, có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng đô thị và chất lượng sống của người dân không chỉ ở cấp độ riêng từng quốc gia mà còn ở toàn cầu”.
An Yên