Nghiên cứu cho thấy các công trình được cấp chứng nhận đánh giá LEED ở 6 quốc gia (Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ) trong giai đoạn 2000 - 2016 đạt được nhiều thành tựu đáng quan tâm. Các công trình này không chỉ giúp nhà đầu tư tiết kiệm 7.5 tỷ USD chi phí năng lượng, 5.8 tỷ USD về chống biến đổi khí hậu mà còn đem lại nhiều kết quả tốt đẹp trong lĩnh vực trợ cấp y tế.

Những nhà nghiên cứu chia sẻ, có rất nhiều lợi ích về sức khoẻ và năng suất từ ​​việc cải thiện chất lượng môi trường bên trong của các công trình xanh. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ tập trung vào những ảnh hưởng của chất lượng công trình xây dựng đối với sức khoẻ con người và lượng khí thải ra môi trường bên ngoài nhờ sử dụng năng lượng thấp hơn.

Ảnh minh hoạ

Những nhân viên làm việc trong công trình xanh có số ngày nghỉ ít hơn. 

Các tác giả cho biết: "Những tòa nhà xây dựng tác động đến con người trên hai phương diện. Chúng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người qua việc tiếp xúc với không gian trong nhà. Đồng thời, chúng cũng tác động gián tiếp đến sức khoẻ cộng đồng thông qua các vật liệu được sử dụng và góp một phần không nhỏ vào vấn đề ô nhiễm môi trường."

Theo ước tính, các công trình được chứng nhận công trình xanh từ LEED đã mang lại 13,3 tỷ USD tiền tiết kiệm chi phí năng lượng và trợ cấp y tế từ năm 2000 đến năm 2016.

Các tòa nhà đạt chứng nhận LEED được phát hiện có lượng khí thải CO2, SO2 phát ra giảm hơn hẳn so với nhiều công trình xây dựng thông thường khác.

Thống kê trên cũng bao gồm 1.4 tỷ USD tiết kiệm được liên quan đến lợi ích về môi trường và 4.4 tỷ USD cho các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích sức khoẻ cộng đồng.

Đối với Mỹ, xây dựng công trình xanh có những kết quả thực sự nổi bật trong việc đảm bảo sức khoẻ con người. Công trình xanh góp phần tránh được: 172 - 405 ca tử vong sớm, 171 trường hợp nhập viện, 11.000 ca bệnh hen suyễn, 54.000 ca mắc triệu chứng hô hấp. Đồng thời, các tòa nhà đạt chứng nhận xanh còn giúp cho người đi làm và học sinh giảm được tổng số 21.000 ngày nghỉ làm và16.000 ngày nghỉ học.

Các khu vực tập trung mật độ cao tòa nhà xây dựng xanh góp phần tạo ra nhiều lợi ích hơn. Đối với Trung Quốc và Ấn Độ, mỗi USD năng lượng được tận dụng hiệu quả giúp tiết kiệm 10 USD cho môi trường và sức khoẻ. Thực tế cho thấy có một số các không gian thương mại nhận được chứng chỉ LEED mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cộng đồng.

Các tác giả cho biết thêm: Những con số đáng chú ý ở trên chỉ chiếm 3,5% tổng diện tích các công trình xây dựng thương mại tại Hoa Kỳ vào năm 2016. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của các tòa nhà xanh có hiệu quả năng lượng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho môi trường và sức khoẻ.

Thu Hiền (Nguồn: thefifthestate.com.au)

Bạn đang đọc bài viết Đại học Harvard chỉ ra những lí do thích đáng để phát triển công trình xanh tại chuyên mục Nghiên cứu - Tham khảo của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn