- PV: Thưa GS, ông đánh giá thế nào về thực trạng sử dụng điện ở Việt Nam hiện nay?

- GS.  Trần Đình Long: Hiện nay, nhu cầu sử dụng điện đang tăng trưởng rất nhanh. Nguyên nhân đầu tiên là do sự phát triển kinh tế của đất nước. Với mục tiêu phấn đấu tăng GDP để cải thiện đời sống nhân dân nên nhu cầu điện cũng tăng theo. Cụ thể, nếu tăng 1% GDP thì nhu cầu điện năng cũng phải tăng từ 1,5 – 2%.

Thứ hai, trong điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, kéo theo nhu cầu điện biến động theo thời tiết. Điển hình là trong những ngày nắng nóng vừa qua, hầu hết các thiết bị làm mát như điều hòa, tủ lạnh, quạt đều hoạt động hết công suất khiến nhu cầu điện cũng tăng cao.

GS. Trần Đình Long

GS. Trần Đình Long

- PV: Theo ông, giải pháp nào để tiết kiệm năng lượng điện trong bối cảnh quá tải, nhiều nơi cắt điện luân phiên những đợt cao điểm?

- GS. Trần Đình Long: Để đáp ứng cung cầu cần bằng về điện, các nước trên thế giới đều quản lý rất chặt chẽ nhu cầu dùng điện, khống chế nhu cầu làm sao để đảm bảo tiện nghi của gia đình nhưng không làm khó các nhà sản xuất. Cụ thể, là không dùng quá nhiều thiết bị điện trong cùng một thời điểm để tránh quá tải.

Còn tại Việt Nam, để sử dụng năng lượng điện một cách hợp lý thì có rất nhiều giải pháp giúp tiết kiệm.

Thứ nhất, nhà cung cấp năng lượng ngoài sử dụng mạng lưới điện quốc gia, thì có thể thay bằng phương án sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp nhu cầu năng lượng cho nhà ở, nhà công cộng.

Hiện nay, Hội Điện lực Việt Nam đang thực hiện một đề án hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về sử dụng các công trình điện mặt trời lắp mái. Đặc biệt, ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những công trình, biệt thự sang trọng. Sau khi ứng dụng tại Miền Trung và Miền Nam đều cho thấy kết quả rất tốt, bởi công trình điện mặt trời lắp mái không quá tốn kém, phù hợp với mọi quy mô. Cụ thể, một biệt thự chỉ cần đầu tư 300 – 500 triệu là có thể đảm bảo nguồn năng lượng bền vững và tin cậy.

Việc lắp điện mặt trời cho nhà ở công cộng, cho cơ quan, trường học, trạm y tế, các tòa nhà thương mại lớn thì có quy mô khác nhau. Nhà ở tư nhân chỉ cần vài KW hoặc vài chục KW, tương xứng với quy mô sở dụng trong nhà. Với nhà công cộng thì diện tích rộng hơn sẽ cần đến vài trăm KW hoặc vài ngàn KW thậm chí cả chục nghìn KW.

Theo đó, một gia đình khi sử dụng biểu giá điện bậc thang 6 bậc, nếu sử dụng điện lắp mái thì mỗi tháng có thể tách thêm vài trăm KW/h, nhằm tiết kiệm được giá điện. Tương tự, một cơ quan, giờ làm việc thường trong ngày và cũng là khoảng thời gian điện mặt trời hoạt động tốt nhất. Nhờ đó, toàn bộ nhu cầu điện năng của cơ quan phần lớn là do mặt trời cung cấp.

Điện mặt trời là một giải pháp năng lượng tối ưu.

Điện mặt trời là một giải pháp năng lượng tối ưu.

- PV: Chương trình tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng điện trong thời gian tới sẽ có những giải pháp gì cụ thể, thưa ông? Đặc biệt, giải pháp nào giúp các tòa nhà chung cư, tòa nhà thương mại, biệt thự lớn tiết kiệm điện?

- - GS. Trần Đình Long: Thường thì vào đầu tháng 4 hoặc tháng 5 sẽ có những đột biến về điện, sau khi vào hè nắng nóng, người dân quen với nắng nóng thì khả năng xảy ra đột biến không cao. Sự cố về điện, không chỉ xảy ra riêng ở Việt Nam mà các nước khác như Ấn độ, Mỹ, Singapore cũng có tình trạng này.

Giải pháp cụ thể đối với từng gia đình, cá nhân có thể tiết kiệm tiền điện cho gia đình mình là tránh sử dụng điện vào những lúc cao điểm để làm cho biểu đồ sử dụng điện được hài hòa. Trong sinh hoạt thì chiếu sáng rất quan trọng, như hiện nay, công nghệ đèn Led đang được cả thế giới chú trọng lựa chọn bởi tiết kiệm điện, ánh sáng vẫn đảm bảo. Ngoài ra, thay vì dùng đun nước nóng bằng điện, chúng ta có thể đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Trong tiết kiệm năng lượng sản xuất cũng cần có giải pháp nâng cao hiệu suất của các máy chạy, mô tơ…

Đặc biệt, xu thế mới hiện nay là sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giải quyết nhu cầu năng lượng của nhà ở xã hội, nhà ở công cộng. Việc xây dựng các tòa nhà thông minh, sử dụng năng lượng "xanh" là rất cần thiết. Nếu một tòa nhà biệt thự dùng mái, dùng tường bao quanh bằng pin mặt trời thì người sử dụng lâu dài luôn có nguồn năng lượng đảm bảo.

Bộ Công Thương cũng có các chương trình sử dụng điện, tiết kiệm điện và hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần phải có những cơ chế để khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, như giá điện bậc thang, giá điện theo thời điểm sử dụng.

- PV: Nhà nước cũng đã có chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng điện tái tạo khác như điện mặt trời, phong điện. Tuy nhiên, tại sao các dạng năng lượng này ở Việt Nam vẫn chưa được phát triển tương xứng với tiềm năng, thưa ông?

- - GS. Trần Đình Long: Các nước trên thế giới rất quan tâm đến năng lượng tái tạo để thay thế các ngồn điện hiện có như: điện hạt nhân, nhiệt điện than… Ở Việt Nam cũng đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề này bởi có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào. Trung bình mỗi năm có thể sản xuất được lượng điện năng khoảng 60-100 tỷ KWh/năm theo công nghệ nhiệt điện ngưng hơi và khoảng 1,2 tỷ KWh/năm theo công nghệ pin quang điện. Tuy nhiên, việc phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trong khi đó, nhiệt điện than chiếm tỷ lệ quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng ở Việt Nam.

Tôi cho rằng, trước mắt chúng ta không thể tránh được việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than bởi điện mặt trời đưa vào hàng nghìn công suất lớn không phải dễ. Gần đây, việc dừng dự án điện hạt nhân buộc chúng ta phải có phương án để thay thế nguồn thiếu hụt đó. Theo tôi, nhiệt điện than là nguồn năng lượng quan trọng để thay thế vì nguồn năng lượng tái tạo chưa phát triển. Mặc dù việc phát triển sẽ còn ảnh hưởng đến yếu tố môi trường, vốn đầu tư phù hợp tránh ảnh hưởng tới giá điện.

Tuy nhiên, hiện nay chi phí đầu tư lắp đặt điện mặt trời trên mái đã giảm rất nhiều. Theo đó, giá điện năng lượng tái tạo nói chung hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các nguồn điện khác.

- Trân trọng cảm ơn GS!

Hồng Vũ (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Điện mặt trời - giải pháp năng lượng "xanh" cho mùa cao điểm tại chuyên mục Nghiên cứu - Tham khảo của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn