Được thành lập vào ngày 13/8/2002, đến nay Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã trải qua 20 năm xây dựng, phát triển và được đánh giá là một trong những hội nghề nghiệp có hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả bậc nhất trong cả nước.
Với vai trò là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam, là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước, là tổ chức tham vấn, phản biện đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hoạch định các chính sách cho thị trường bất động sản… có thể khẳng định, VNREA đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đồng hành cùng thị trường bất động sản và có quyền tự hào với những thành tựu đã đạt được.
Năm 2022 là năm quan trọng đối với ban lãnh đạo của Hiệp hội và hơn 3.000 hội viên trên cả nước. Đây là mốc thời gian để Hiệp hội nhìn lại những thành tựu của chặng đường đã qua và hướng tới những thành quả mới trong tương lai phù hợp với tình hình mới.
Sau 20 năm hình thành và phát triển, từ 80 hội viên ban đầu, bằng uy tín và nỗ lực hoạt động của mình, VNREA đã phát triển được hệ thống Hội viên rộng khắp cả nước với gần 4.000 thành viên là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến bất động sản trong đó có sự tham gia của hầu hết các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản lớn của Việt Nam. Có thể điểm lại tất cả những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất tại Việt Nam hiện nay như Vingroup, Sun Group, CEO Group… đều là hội viên chính thức của Hiệp hội.
Tổ chức của Hiệp hội cũng ngày một phát triển, hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, số lượng các đơn vị cơ sở trực thuộc Hiệp hội là 6 đơn vị và Văn phòng Hiệp hội. Trong đó, đơn vị cơ sở có tư cách pháp nhân gồm 3 tổ chức: Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes); Trung tâm tư vấn và xúc tiến đầu tư Bất động sản Việt Nam (Vicoreal); Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam.
Đơn vị chưa có tư cách pháp nhân gồm 3 tổ chức: Chi hội Môi giới Bất động sản Việt Nam; Chi hội Bất động sản du lịch Việt Nam; Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội.
Số lượng các tổ chức tham gia hoạt động với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là: 11 Hiệp hội gồm: Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng; Hiệp hội Bất động sản Bắc Giang; Hiệp hội Bất động sản Nghệ An; Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng; Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai; Hiệp hội Bất động sản Bình Dương; Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ; Hiệp hội Bất động sản Khánh Hòa; Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk; Hiệp hội Bất động sản Thái Bình; Hiệp hội Bất động sản Thừa Thiên - Huế.
Tổng số hội viên đầu mối của Hiệp hội tính đến thời điểm tháng 3/2022 là 383 hội viên. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đầu tư trong lĩnh vực bất động sản đều là hội viên của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Trong đó, số hội viên kết nạp mới trong nhiệm kỳ IV là 71 hội viên. Hội viên tổ chức: 274 đầu mối, với hơn 3.000 hội viên là các doanh nghiệp trực tiếp sinh hoạt tại Hiệp hội Bất động sản và sinh hoạt tại Câu lạc bộ Bất động sản, Hiệp hội Bất động sản ở địa phương và Chi hội Môi giới tham gia hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Hội viên cá nhân Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là 109 hội viên.
Nhìn chung, hội viên tổ chức chủ động thực hiện công việc đầu tư, kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực bất động sản đạt được nhiều kết quả và hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước. Một số tổ chức doanh nghiệp tham gia tích cực trong việc đóng góp ý kiến về hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách, như: Công ty Cổ phần Tập đoàn CEO, TASECO, Vingroup, FLC, BRG…
Trong 20 năm qua, với chức năng là tổ chức xã hội nghề nghiệp, trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ các hội viên về những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi chính sách pháp luật, Hiệp hội đã thực hiện tốt công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội.
Đây cũng là mục tiêu mà Nhà nước luôn yêu cầu đối với các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội. Với tầm quan trọng đó, VNREA đã tổ chức, tham gia nhiều hội thảo, diễn đàn, đặc biệt tham gia trực tiếp trong ban soạn thảo, tổ biên tập các chính sách do Bộ Xây dựng đứng ra chủ trì. Cũng tham gia cùng các các bộ, ngành khác khi có thông tư về thuế, tài chính, đất đai… Hiệp hội là nhân tố số một đóng góp ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao.
VNREA hiện nay có kết nối chặt chẽ với các hội viên để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, vừa để tiếp cận, tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như phát hiện những bất cập, khó khăn của hội viên đang gặp phải trong quá trình thực thi chính sách. Trong đó tập trung 3 nhóm vấn đề chính:
Tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật đối với lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản.
Hiệp hội đã có hơn 100 văn bản với 36 nhóm vấn đề có nội dung liên quan đến: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, tài chính, thuế… và đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực xã hội, về công khai minh bạch, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, kinh doanh bất động sản. Kết quả Chính phủ đã ban hành 20 văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 30/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2013…
Hiện nay, Hiệp hội đang phối hợp với Tổng cục Quản lý Đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng tổ chức xin ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
Theo dõi diễn biến, thường xuyên cập nhật dữ liệu nhà ở, thông tin về tình hình thị trường bất động sản, đề xuất phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định và báo cáo theo quý.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều đề xuất một số giải pháp quản lý và kiến nghị cần có khung pháp lý về các loại hình bất động sản mới như: Condotel, officetel phục vụ ngành du lịch phát triển kinh tế. Năm 2017, Hiệp hội đã có báo cáo số: 03/2017/BC-VNREA, gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về một số kiến nghị của Hiệp hội liên quan tới sản phẩm condotel bao gồm các nội dung: Về quy chuẩn kỹ thuật và quy chế quản lý vận hành condotel, Về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn hộ khách sạn (Giấy chứng nhận) cho khách hàng mua condotel, Về chuyển nhượng Hợp đồng mua bán condotel, về vấn đề sở hữu condotel ven biển của cá nhân nước ngoài… Tiếp sau đó là hàng loạt các hội thảo, toạ đàm tháo gỡ như: Hội thảo “Toàn cảnh phân khúc BĐS Condotel: Cơ hội và Thách thức” tại Hà Nội và Hội thảo “Thị trường căn hộ - văn phòng (Office–tel)…
Hơn 20 năm qua, hàng trăm sự kiện, hội thảo, chương trình cũng đã được Hiệp hội tổ chức về các chủ đề như: “Nhà ở xã hội - một năm nhìn lại”;“Giải pháp về vốn cho thị trường bất động sản”; “Thu tiền sử dụng đất sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; “Hội nghị tuyên truyền chính sách pháp luật về nhà ở”; “Kinh doanh bất động sản - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phục hồi”; “Phát triển nhà ở xã hội và nhà cho nhu cầu thực”; “Phiên giao dịch bất động sản lần I, lần II”, “Hội chợ Triển lãm Bất động sản Việt Nam lần thứ nhất - năm 2015”; Chính sách về đầu tư, sở hữu bất động sản tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài”; “Hoạt động quản lý vận hành tòa nhà - Thực trạng và giải pháp”; Hội thảo quốc tế “Công trình xanh trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình”; “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay”; Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch – Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”; Tổ chức Hội nghị “Trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư về các chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản Việt Nam nhằm kiến nghị tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định, bền vững”… Sau các Hội thảo, Hội nghị, Hiệp hội đã có các văn bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị gửi tới Chính phủ, Bộ, ngành liên quan.
Hiệp hội cũng tham gia tư vấn về Đề án: "Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh"; kiên trì thực hiện các giải pháp kiểm soát sự phát triển của thị trường bất động sản theo quy hoạch và kế hoạch.
Trước tình hình đại dịch Covid-19, Hiệp hội đã đồng hành cùng các doanh nghiệp, có nhiều văn bản phản ánh những vướng mắc, bất cập cơ chế chính sách và kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, trình các Bộ, ngành liên quan. Kết quả là nhiều kiến nghị đã được đưa vào Nghị quyết của Chính phủ, như: Đưa doanh nghiệp bất động sản vào đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước vì ảnh hưởng đại dịch Covid-19; cho phép giãn, hoãn, chậm, miễn tiền nộp thuế và chậm nộp tiền cho thuê đất…
Hiệp hội hàng tháng thường xuyên tham gia với Đài Truyền hình Việt Nam tuyên truyền, phổ biến giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật theo chủ đề liên quan đến lĩnh vực bất động sản để các tổ chức, đơn vị và nhân dân hiểu và thực hiện.
Có thể nói, Hiệp hội đã có nhiều đóng góp, ý kiến góp phần thiết thực vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và phát triển minh bạch, bền vững thị trường bất động sản.
Tích cực tham gia xây dựng những kế hoạch và giải pháp thực hiện Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia
Suốt thời gian qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị của Bộ đề xuất các giải pháp để thực hiện Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và xây dựng Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm đổi mới, mang tính đột phá. Tham gia ý kiến về ban hành chính sách nhà ở xã hội ở đô thị, nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn, nhà ở công nhân khu công nghiệp góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
Hiệp hội đã tư vấn, tham mưu, ban hành quy định về giám sát việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển nhà ở trọng điểm, đó là: (1) Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; (2) Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp tập trung (3) Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề…
Trong quá trình hoạt động, Hiệp hội đã đề xuất các giải pháp thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản, gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội; khắc phục tình trạng lệch pha cung – cầu, phát triển đa dạng các loại hàng hóa bất động sản nhà ở; đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân.
Hiệp hội đã có kiến nghị về đối tượng được vay vốn mua nhà ở xã hội và những bất cập trong việc sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, về việc cung cấp tín dụng phát triển nhà ở xã hội hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách.
Tích cực kiến nghị về các chính sách thuế - tài chính
Trong các giai đoạn khó khăn của thị trường, VNREA cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gồm các giải pháp về tài chính tín dụng, giải pháp về cơ chế chính sách và các giải pháp về thuế.
Nổi bật là kiến nghị Chính phủ về nội dung khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Đây là nội dung quy định chưa phù hợp với Luật Thuế và Luật Doanh nghiệp đã ban hành, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn và phân bổ nguồn lực của mô hình công ty “Mẹ - Con” và không phản ánh đúng kết quả sản xuất của doanh nghiệp.
Với chủ đề: “Nghị định 20/2017/CP – Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ”, Hiệp hội đã tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, các doanh nghiệp – hội viên làm cơ sở để làm việc trực tiếp với các cơ quan của Bộ Tài chính và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Kết quả, ngày 24/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chính thức hồi tố gần 5.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Hàng năm, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tham gia vào một số đề tài nghiên cứu khoa học do Bộ Xây dựng giao. Hiệp hội đã cung cấp số liệu về thị trường, các luận cứ khoa học và thực tiễn, từ đó nâng cao chất lượng công tác, tham mưu cho Bộ Xây dựng và các ngành trong quá trình hoạch định chính sách, pháp luật có liên quan.
Báo cáo tổng quan thị trường bất động sản hàng tháng, hàng quý do Hiệp hội phát hành là nguồn thông tin tin cậy được các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông báo chí sử dụng thường xuyên và góp phần định hướng thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả và bền vững.
Hiệp hội chỉ đạo Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam nghiên cứu đề tài“Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam – Vai trò và khuyến nghị chính sách” từ nguồn kinh phí xã hội hóa, do hội viên Hiệp hội tài trợ; đã tập hợp được đông đảo đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế và phát triển bất động sản. Kết quả, đề tài đã được đánh giá cao, có cơ sở khoa học và thực tiễn về vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam. Hiệp hội đã tổng hợp các kiến nghị chính sách gửi tới Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan để nghiên cứu, góp phần xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thị trường bất động sản Việt Nam bền vững.
Với tiêu chí thiết thực và hiệu quả, hàng năm VNREA còn triển khai sâu rộng, mạnh mẽ các hoạt động kết nối và xúc tiến đầu tư để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường.
Hiệp hội đã bước đầu tổ chức được một số buổi gặp gỡ hội viên, nắm thông tin thực tiễn, tiếp thu ý kiến và tư vấn cho hội viên bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hiệp hội tổ chức, bảo trợ, phối hợp tổ chức nhiều hội chợ triển lãm bất động sản lớn ở Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố lớn, với quy mô hàng vạn gian hàng, hoạt động này đã thu hút được sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản trên cả nước, tạo sân chơi và cơ hội để hợp tác phát triển kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các sản phẩm bất động sản một cách minh bạch.
Hiệp hội cũng tăng cường kết nối, tạo môi trường gặp gỡ giao lưu giữa các doanh nghiệp - hội viên Hiệp hội với các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia…, lồng ghép trong các sự kiện Diễn đàn Bất động sản quốc tế IREC 2018 và Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam năm 2019 – 2020. Đây là Giải thưởng uy tín, vinh danh các đơn vị, công trình tiêu biểu, và khuyến khích, động viên đơn vị cống hiến nhiều hơn cho thị trường, tạo ra xu hướng “xanh – sạch – đẹp” trong đầu tư phát triển các dự án.
Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên được tổ chức liên tục từ năm 2017 đến nay, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng và sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp lớn trong ngành, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước… Diễn đàn đã phân tích thị trường; dự báo xu hướng và định hướng thị trường theo thực tế trong nước và quốc tế…
Trong xu thế hội nhập quốc tế, VNREA cũng luôn quan tâm tăng cường công tác hợp tác trong nước và quốc tế. Theo đó, các hoạt động hợp tác quốc tế của Hiệp hội với các tổ chức quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đến nay, Hiệp hội đã là thành viên chính thức của Liên đoàn Bất động sản Thế giới (FIABCI), thành viên của Hiệp hội Bất động sản Đông Nam Á (ARENA), thành viên của Hội Môi giới Bất động sản Hoa Kỳ (NAR). Qua đó, vị thế của cộng đồng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam trong khu vực và trên thế giới được khẳng định và tạo ra các cơ hội để hội viên phát triển, mở rộng quan hệ, nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản trong nước, ở khu vực và trên thế giới.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vẫn duy trì các mối quan hệ song phương với Hiệp hội: Hiệp hội Bất động sản Á Mỹ (AREAA), Hiệp hội Nhà ở Hàn Quốc (KHA), Hiệp hội Bất động sản Singapore (REDAS), Hiệp hội Quy hoạch và Nhà ở các nước Đông Nam Á (AAPH); Auscharm…
Hiệp hội đã ký kết biên bản hợp tác với Hiệp hội Định giá và Môi giới bất động sản Campuchia (CVEA); Hiệp hội Phát triển bất động sản Myanmar; Hiệp hội Kinh doanh dịch vụ bất động sản Myanmar; Viện Bất động sản Mông Cổ; Hội Bất động sản và Môi giới Tây San Gabriel; Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam nhằm cung cấp cho thị trường Việt Nam những sản phẩm công nghệ mới, đảm bảo chất lượng trong việc tạo lập môi trường sống xanh, thông minh, phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Hiệp hội duy trì chế độ làm việc thường xuyên, nghiên cứu học tập, tiếp xúc và thúc đẩy hợp tác với các cơ quan, tổ chức, như: Ngân hàng Thế giới (WB); Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản; Trung tâm Hợp tác phát triển Đô thị quốc tế thuộc Tổng Công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc… về các vấn đề chỉnh trang, tái thiết đô thị; hợp tác thông tin trong lĩnh vực bất động sản với Tạp chí The Edge Property Singapore.
Đặc biệt Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Hoa Kỳ (NAR) đã tổ chức Hội nghị Bất động sản Quốc tế - IREC 2018 từ ngày 5 - 7/9/2018 tại Hà Nội. Hội nghị đã đón tiếp hơn 1.000 đại biểu, trong đó có gần 300 đại biểu đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hiệp hội cũng đã tổ chức các đoàn công tác tham dự các sự kiện, chương trình quốc tế, và xúc tiến đầu tư như tại: Australia học hỏi kinh nghiệm về phát triển công trình xanh, vấn đề nhà ở xã hội và môi giới bất động sản. Hiệp hội phối hợp với Hội chuyên ngành bất động sản của người Việt Nam tại Hoa Kỳ (VNARP) và website batdongsan.com.vn tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ. Hội nghị đã tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, kết nối với các nhà đầu tư bất động sản Mỹ trao đổi về cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 6 của Myanmar Real Estate Services Association (gọi tắt là MRESA) tại Myanmar; Hội nghị Liên đoàn bất động sản Thế giới – FIABCI World Congress 2018 tại Dubai với chủ đề “Các thành phố hạnh phúc”...
Đồng thời tham gia tích cực và đóng góp ý kiến tại các Hội nghị quốc tế theo hình thức trực tuyến trong giai đoạn đại dịch Covid-19 nhằm thông tin và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản Việt Nam từ kinh nghiệm quốc tế.
Chương trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam là một hoạt động lớn nhiều ý nghĩa, từng bước thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1393/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã thống nhất chủ trương và thông qua kế hoạch chương trình hành động 2016 – 2021. Hiệp hội đã thành lập ban điều phối phát triển công trình xanh gồm 27 đồng chí đại diện cho các lĩnh vực: Quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học, cơ quan báo chí…, vận động doanh nghiệp tham gia.
Các doanh nghiệp lớn như Capital House, Tổng công ty Viglacera, CEO Group, Phương Nam, Phúc Khang, Công Ty TNHH Cao ốc quốc tế Hồ Tây... đã tham gia Lễ ký giao ước hưởng ứng chương trình trong giai đoạn 2016 - 2021.
Trong khuôn khổ Chương trình, Hiệp hội đã tổ chức tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công trình xanh. Nhiều cuộc hội thảo lớn đã được tổ chức, có thể kể đến các chương trình tập huấn cho gần 100 phóng viên, báo đài về nhận thức, vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh; Chương trình Tọa đàm hàng tháng mang tên Café Xanh mang tính kết nối giữa các chuyên gia và báo chí để bàn về các chủ đề cụ thể, thiết thực, như: Đô thị Xanh, Trường học Xanh, Văn hoá Xanh… Bên cạnh đó, Hiệp hội đã giao cho Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam xuất bản ấn phẩm đặc san Công trình Xanh Việt Nam với số lượng ấn bản hàng vạn cuốn, trở thành tài liệu cẩm nang hữu ích cho cư dân và giới nghiên cứu, cũng như làm tài liệu tham khảo bổ ích cho công tác quản lý nhà nước.
Hiệp hội cũng tổ chức Diễn đàn Bất động sản công nghiệp với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp nhà đầu tư, khu cụm công nghiệp. Đã giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ bất động sản công nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.
Hiệp hội đã phối hợp rộng rãi, chặt chẽ với các cơ quan báo chí truyền thông như Báo Xây dựng, Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp…; các kênh truyền hình, đài phát thanh như VTV, VOV, TTXVN...
Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tạo ra diễn đàn truyền thông hiệu quả góp phần định hướng thị trường bất động sản phát triển mạnh, bền vững.
Với vai trò là Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, là đơn vị cơ sở có pháp nhân trực thuộc Hiệp hội, Tạp chí đã hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích được quy định theo giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, theo quy định của Luật Báo chí và thực hiện các nhiệm vụ của Hiệp hội giao.
Được thành lập từ năm 2016, trước những khó khăn, thách thức của cả nền kinh tế, với sự nỗ lực của toàn thể CBNV của Tạp chí, cùng sự ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo Hiệp hội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã vươn lên trở thành một kênh truyền thông hàng đầu, chuyên biệt, chuyên nghiệp về thị trường bất động sản.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Tạp chí đã chủ động xây dựng, thực hiện đăng tải nhiều tuyến bài về chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và một số chuyên đề truyền thông tiêu biểu, cùng một số hoạt động sự kiện, như: Lễ vinh danh Thương hiệu Bất động sản dẫn đầu; Tọa đàm Doanh nhân, Hội thảo khoa học quốc tế, Hội thảo chuyên đề; Dữ liệu Báo chí và các đặc san chuyên sâu. Tạp chí đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cờ thi đua của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Hiệp hội Bất động sản ở các địa phương và đơn vị của Hiệp hội kết hợp chính quyền địa phương đã đào tạo hàng nghìn học viên trong các lớp về phổ biến chính sách, đào tạo môi giới, đào tạo quản lý vận hành nhà chung cư, đào tạo hướng dẫn thực hiện chính sách thuế đối với các doanh nghiệp bất động sản, phối hợp với các Sở Xây dựng địa phương tổ chức sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Các đơn vị doanh nghiệp hội viên chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên đơn vị. Hiệp hội đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Cán bộ Quản lý Xây dựng, Trung tâm Nghiên cứu nhà ở và thị trường bất động sản thuộc Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản để phối hợp nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực bất động sản.
Phối hợp với Tập đoàn bất động sản quốc tế Keller Williams và Batdongsan.com.vn tổ chức các chương trình đào tạo về môi giới bất động sản theo chuẩn mực quốc tế tại Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM. Phối hợp với chính quyền địa phương phổ biến, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bất động sản, phối hợp với các Hiệp hội quốc tế, nghiên cứu đưa ra các chương trình để nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân lực bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản ngang tầm khu vực và thế giới.
PV