Kiến trúc sư Hans sẽ có bài trình bày tại hội thảo về chủ đề Kiến trúc đô thị xanh và bền vững – Kinh nghiệm, thách thức và các bài học từ Đan Mạch. Ông cũng sẽ giảng dạy lớp Masterclass dành cho sinh viên trường Đại học Xây dựng (Hà Nội) và Đại học Kiến trúc TP.HCM về chủ đề này.
Hans Peter là tác giả của nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng, một trong những công trình ấn tượng là Chợ thực phẩm Copenhagen - một dự án vừa mang tính cộng đồng, thân thiện với môi trường, vừa giữ được cái hồn của chợ truyền thống, song lại rất hiện đại trong việc sử dụng công nghệ. Trên tất cả, công trình là một điểm hấp dẫn du khách cũng như người dân địa phương, đem lại giá trị kinh tế cho thành phố.
Bài phỏng vấn làm rõ quan điểm thiết kế của anh về Chợ, cũng như về Thiết kế bền vững.
- PV: Nhìn từ quan điểm của người Việt Nam, chúng tôi đánh giá rất cao thiết kế chợ thực phẩm Copenhagen của ông vì nó mang tính cộng đồng, hiện đại mà vẫn giữ được những nét văn hóa của một chợ thực phẩm truyền thống, điều mà chúng tôi không muốn đánh đổi với các trung tâm mua sắm thương mại. Liệu ông có thể mô tả/ giới thiệu cho chúng tôi về dự án này?
KTS Hans: Mô hình Chợ thực phẩm Copenhagen của tôi được xây dựng dựa trên các nguyên tắc thương mại phổ biến được áp dụng ở cả Châu Á, Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ…- và dĩ nhiên trong đó có cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…
Chợ thực phẩm Copenhagen gồm hai nhà lồng chợ có kết cấu nhẹ với các cột trụ, một khu dành cho rau củ quả và khu còn lại dành cho thịt, cá, pho mai và bánh mì. Giữa hai khu chợ là một plaza hay không gian xanh, rộng được trồng 41 cây xanh, với các băng ghế và hai dãy quầy hàng ngoài trời dành cho các tiểu thương đến từ khắp nơi trên đất nước Đan Mạch để bán các loại hàng hóa đặc sản. Bạn có thể tìm thấy trong không gian chợ mở này nhiều loại sản phẩm đa dạng, từ thực phẩm theo mùa đến các đặc sản của địa phương và các nơi khác. Nguyên tắc nền tảng của tôi khi thiết kế là thể hiện sự tôn trọng đối với sản phẩm, món ăn và văn hóa ẩm thực. Các thương nhân ở đây đặc biệt chú trọng đến chất lượng, sự tươi mới của sản phẩm, mối liên hệ trực tiếp với người sản xuất, tất cả nhằm mang lại lợi ích cho chính khu chợ và thỏa mãn nhu cầu của người dân Copenhagen và khách ghé thăm.
Toàn bộ rác thải và chất thải được chuyển đến các khu xử lý ngầm dưới mặt đất. Hai máng vận chuyển rác thải xuống trạm xử lý tập trung dưới mặt đất, cung cấp cho các chủ sạp phương tiện xử lý rác thải hợp vệ sinh và thuận tiện. Thủy tinh, bìa cứng, nhựa và rác thải hữu cơ được phân loại để tái chế và giải pháp này giúp khách thuê của chúng tôi tiết kiệm khoảng 1 triệu krone Đan Mạch mỗi năm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang hướng đến các giải pháp xanh khác như lắp pin mặt trời trên mái chợ và tái sử dụng nước mưa.
- PV: Ở Việt Nam, chúng tôi đang lo ngại rằng chợ truyền thống đang dần biến thành các trung tâm thương mại. Về khía cạnh này ông có nhận xét gì? Kinh nghiệm của Đan Mạch là gì?
KTS Hans: Khi chúng tôi bắt đầu dự án Chợ thực phẩm Copenhagen ở Đan Mạch, rất nhiều người nghĩ rằng khả năng cho thuê là rất thấp. Đến nay, dự án là sự thành công lớn về mặt kinh tế. Người dân Copenhagen cũng như các du khách đều rất yêu thích khu chợ do vị trí nằm ngay trung tâm của Copenhagen và một lý do quan trọng khác theo tôi là do không gian xanh công cộng nằm trong khu chợ. Chợ thực phẩm Copenhagen đã trở thành một địa điểm gặp gỡ yêu thích, nơi bạn có thể mua cùng lúc nhiều loại thực phẩm của địa phương. Trong một siêu thị thông thường, bạn sẽ không có điều kiện được thư giãn mà không phải mất tiền. Ngược lại ở plaza xanh nằm chính giữa khu chợ, bạn có thể tận hưởng cuộc sống thành phố trên các băng ghế công cộng dưới tán cây xanh, bất kể vào ban ngày, chiều tối hay ban đêm.
- PV: Một số chợ ở Việt Nam sau khi được chuyển đổi thành trung tâm mua sắm đã mất đi tính hấp dẫn của nó. Người dân không còn thích đến đó nữa. Theo ông, lý do có thể là gì?
KTS Hans: Tôi tin rằng đó là vì người dân địa phương cảm thấy đã bị mất đi một nét quen thuộc hàng ngày trong cuộc sống. Khi các chợ thực phẩm truyền thống trở thành các trung tâm mua sắm, chúng không còn được xem là địa điểm công cộng để gặp gỡ. Chợ truyền thống ở các nơi trên thế giới thường mang đến một không gian xanh cho người dân địa phương và điều này theo tôi đặc biệt quan trọng. Chẳng hạn như các chợ nổi độc đáo ở Việt Nam cũng là một loại không gian xanh (chỉ có điều ở trên mặt nước) và chúng được xem là sự kết hợp thú vị giữa mục đích kinh doanh để bán các sản phẩm từ các địa phương, là nơi để người dân địa phương gặp mặt và là điểm thu hút khách du lịch. Chợ có mái che ở các thành phố cũng có chức năng kết hợp tương tự, và đó là những lý do rất xác đáng để bảo vệ mô hình chợ truyền thống của các bạn.
- PV: Dựa trên nghiên cứu của ông về chợ thực phẩm, theo ông những gì nên được giữ lại và những gì nên được cải thiện?
KTS Hans: Khi xây dựng các chợ thực phẩm mới hoặc nâng cấp các chợ hiện hữu, điều quan trọng là cần nâng cấp với các công nghệ xanh hiện đại. Điều này không chỉ đúng ở Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới, kể cả Đan Mạch. Bạn có thể sử dụng pin mặt trời để sản xuất điện và làm mát, tái sử dụng nước mưa, tái chế kim loại, bìa cứng, nhựa, rác thải hữu cơ. Đó cũng là cách để nâng cao an toàn, vệ sinh thực phẩm đồng thời giúp bạn tiết kiệm chi phí cho nền kinh tế. Trong Chợ thực phẩm Copenhagen, khách thuê của chúng tôi tiết kiệm khoảng 1 triệu krone Đan Mạch mỗi năm nhờ việc tái chế rác thải/ chất thải.
- PV: Ông đã bao giờ ghé thăm chợ thực phẩm ở Việt Nam? Ông nhận thấy điều gì? Có sự tương đồng/ khác biệt gì với chợ thực phẩm ở Đan Mạch?
KTS Hans: Bạn biết đấy, tôi rất yêu thích các chợ thực phẩm. Vì vậy, tôi đã ghé thăm rất nhiều chợ ở Việt Nam, chẳng hạn như ở Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ninh Bình, Hội An và nhiều nơi khác nữa. Dĩ nhiên là cả các chợ có mái che trong thành phố, và đừng quên các chợ nổi độc đáo của các bạn. Tôi thực sự yêu thích chúng!
- PV: Theo ông, những yếu tố chủ chốt nào giúp gìn giữ văn hóa chợ thực phẩm mà vẫn phù hợp với môi trường hiện đại?
KTS Hans: Thứ nhất, chúng ta cần nhận thức rằng chợ thực phẩm được dựa trên các nguyên tắc thương mại phổ biến áp dụng ở khắp nơi trên thế giới …và người dân địa phương cũng như khách du lịch đều yêu thích chúng. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận rằng chợ thực phẩm đem lại rất nhều cơ hội việc làm và là nguồn sinh kế của nhiều hộ gia đình, thương nhân. Các quan điểm này kết hợp với chiến lược du lịch của địa phương có thể mang lại những cơ hội phát triển kinh tế.
- PV: Trong tương lai, ông có cho rằng các siêu thị sẽ thay thế và các chợ thực phẩm sẽ biến mất? Có hay Không? Tại sao?
KTS Hans: KHÔNG. Tuyệt đối không. Người dân địa phương cũng như khách du lịch không thể thiếu các chợ thực phẩm truyền thống này. Chẳng hạn như ở Berlin, New York hay London, xu hướng là ngược lại, "các chợ nông dân mới" ở những thành phố lớn này đã trở nên cực kỳ phổ biến và hoạt động rất tốt. Tại Copenhagen chúng tôi đang trải nghiệm rõ ràng xu hướng này. Vì vậy tôi chắc chắn điều tương tự ở Việt Nam.
- PV: Ông có thể cho biết cách tiếp cận/triết lý của ông về Thiết kế kiến trúc bền vững? Trong bối cảnh của Việt Nam, khái niệm này không rõ ràng. Nhiều người cho rằng “kiến trúc bền vững” có nghĩa là sử dụng các vật liệu tự nhiên và hướng đến thiên nhiên, trong khi có vẻ như khái niệm này có chút khác biệt ở Châu Âu, nơi mọi người có xu hướng sử dụng vật liệu và công nghệ hiệu quả về năng lượng.
KTS Hans: Tôi tin vào sự kết hợp thông minh giữa công nghệ xanh và thiên nhiên.
- PV: Ông sẽ ưu tiên những gì nếu có cơ hội lựa chọn? Ông có thể cho ví dụ về một số dự án thể hiện quan điểm của mình?
KTS Hans: Tôi chọn các dự án xây dựng và cảnh quan có sự kết hợp giữa công nghệ xanh hiện đại, không gian công cộng xanh và sự tôn trọng đối với thiên nhiên. Chợ thực phẩm Copenhagen là một ví dụ.
- PV: Xin cảm ơn ông.
Kiến trúc sư Hans Peter Hagens (sinh năm 1963) được biết đến ở Việt Nam với vai trò là giám khảo đại diện cho Hội kiến trúc sư Đan Mạch tại cuộc thi Tài năng Kiến trúc 2013 dành cho các kiến trúc sư trẻ tuổi do quỹ CDEF và Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức. Anh tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Đan Mạch ngành kiến trúc vào năm 1990. Năm 1993, anh thành lập công ty kiến trúc của riêng mình hoạt động trong các lĩnh vực từ kiến trúc và xây dựng truyền thống cho đến kiến trúc cảnh quan. Anh là thành viên của Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Đan Mạch. |
Theo Ashui