Bằng các số liệu thu thập được từ 3 thành phố: Washington DC, Philadenphia và El Paso, hai học giả Greg Kats và Keith Glassbrook đến từ Công ty Tư vấn và Đầu cơ Năng lượng Sạch thủ đô Capital E đã kết luận rằng việc đầu tư công nghệ bề mặt thông minh (một giải pháp của kiến trúc xanh) có thể tiết kiệm nửa tỷ USD/năm cho ngân sách quốc gia.
Lấy Washington DC làm ví dụ. Thành phố này sẽ ngày càng trở nên nóng và ẩm hơn trong thập kỷ tới đây, thậm chí vượt qua tiêu chuẩn phát thải an toàn. Nếu sử dụng giải pháp của kiến trúc xanh, chẳng hạn như tăng diện tích thành phố được bóng cây che phủ, cư dân sẽ sử dụng ít năng lượng hơn cho hệ thống điều hòa.
Theo báo cáo, giải pháp đơn giản này có thể tiết kiệm năng lượng gián tiếp vô cùng lớn khoảng 1 – 3 USD/100m2 mái nhà/năm. Cũng bằng giải pháp này, những mái nhà được phủ bằng cây xanh sẽ trở nên xanh mát và phát thải ít khí nhà kính hơn, đồng thời mang lại lợi ích rõ rệt về tài chính cho khu vực dân cư, cho cả một vùng và toàn quốc gia.
Trong khi đó, ở Philadelphia, du lịch tạo ra khoảng 10.4 tỷ USD trong năm 2014. Nhưng thành phố này lại phải trải qua trung bình là 10 ngày vào tháng 7 và 6 ngày vào tháng 8 với nhiệt độ trên 32 độ C. Theo báo cáo, trong tương lai, số lượng những ngày nóng này có thể tăng lên gấp 4 lần so với thời điểm hiện tại, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của thành phố.
“Chúng tôi dự đoán rằng số lượng khách du lịch đến Philadelphia vào mùa hè có thể sụt giảm 10% nếu tình trạng này tiếp tục. Một giải pháp của kiến trúc xanh phù hợp (chiến dịch bề mặt thông minh phủ rộng thành phố) có thể giúp cho Philadelphia níu giữ lại được một nửa lượng khách du lịch bị mất”, báo cáo nhận định.
Các học giả cũng thu thập các số liệu quan trọng bao gồm: chi phí ban đầu, chi phí vận hành, duy trì của các công nghệ được sử dụng trong hệ thống mái nhà điều hòa và hệ thống để so sánh.
Theo đó, những giải pháp trong kiến trúc xanh mang lại rất nhiều lợi ích cho kinh tế đô thị trong một khoảng thời gian dài với lợi ích thu về không dưới 2 tỷ USD tài chính tiết kiệm được, tức cao gấp ít nhất 1.5 lần chi phí bỏ ra. Tuy nhiên, theo Next City, kiến trúc xanh lại đang bị “bỏ lơ” bởi chính phủ Hoa Kỳ. Sự thiếu hiểu biết về chi phí, lợi ích của công nghệ và các đề xuất chính sách đang ngăn cản nhu cầu kiến trúc xanh tất yếu của đô thị.
Phan Minh (Nguồn: Next city)