Vật liệu xanh - “trăm ngàn cái lợi”
Vật liệu xanh hay vật liệu xây dựng xanh là loại vật liệu thân thiện với môi trường trong suốt vòng đời của nó, từ khi loại vật liệu này được khai thác, sản xuất, tiêu thụ, sử dụng và tiêu hủy. Ngoài ra, hoạt động chuyển trở giữa các bước trong vòng đời của nó phải đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường, chuyên gia công trình xanh Đỗ Ngọc Diệp (Tổ chức IFC - thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới) cho biết.
Như vậy, vật liệu xanh có ưu điểm vượt trội so với vật liệu xây dựng thông thường là nó ít gây hại tới môi trường. Cụ thể, trong quá trình sản xuất và sử dụng, vật liệu xanh giúp hạn chế việc phát thải khí nhà kính (CO2).
Thêm vào đó, một số loại vật liệu xanh như xi-măng có trộn tro bay, tường thạch cao… được tạo ra từ các phụ phẩm trong lò nhiệt điện. Do đó, thay vì việc xả thải ra môi trường, các phụ phẩm tưởng như không cần thiết này lại có một “cuộc đời thứ hai” vô cùng có ích.
Điển hình trong số đó là gạch xi-măng cốt liệu. Là một trong những người tiên phong trong việc đầu tư sản xuất gạch xi-măng cốt liệu (một loại gạch không nung), ông Đặng Việt Lê - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Gạch Khang Minh nhấn mạnh:
"Gạch đất sét nung truyền thống sử dụng nguyên liệu chính là đất sét ở đồi, ở ven sông, ở đất canh tác. Do đó, sau khi khai thác hết đất sét những vùng này trở nên lồi lõm và không thể canh tác được nữa. Đồng thời, gạch đất sét nung cần được cung cấp nhiệt trong quá trình sản xuất, từ đó thải ra khí CO2 vào không khí gây ô nhiễm".
Trong khi đó, gạch xi-măng cốt liệu tận thu những phụ phẩm như mạt đá, xỉ nhiệt điện - những nguồn nguyên liệu vô tận để tạo thành. Mặt khác, việc sản xuất gạch xi-măng cốt liệu gần như không phát thải ra chất gây hại nào cho môi trường.
Ngoài ra, một số vật liệu xanh cần rất ít nguyên liệu cho quá trình sản xuất giúp tiết kiệm tài nguyên. Một số khác có thể được sử dụng dễ dàng làm rút ngắn được thời gian thi công và tiết kiệm chi phí. Hoặc các loại vật liệu nhẹ, điển hình là gạch không nung sẽ là phương án tối ưu để giảm tải trọng lượng đè nặng lên phần móng công trình…
Bên cạnh đó, có những loại vật liệu xanh được khai thác trực tiếp trong tự nhiên, điển hình là cây tre. Đây là loại vật liệu xanh mang đậm chất truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt. Vì vậy, nhiều kiến trúc sư như Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào… đã sử dụng tre trong các công trình để tạo nên những kiệt tác.
"Khi sản xuất gạch xi-măng cốt liệu, để sản xuất 200 triệu viên qui tiêu chuẩn một năm, ta cần sử dụng 4ha cho việc xây dựng công xưởng. Nhưng nếu để làm ra gạch đất sét nung với số lượng tương tự, diện tích đất cần sử dụng phải tăng lên gấp 4 lần làm tăng chi phí sản xuất", ông Lê nhận định theo quan điểm của nhà sản xuất.
Về phía người tiêu dùng, bà Diệp phân tích những lợi ích của vật liệu xanh mà cụ thể là gạch không nung mang lại: Tổng chi phí mua gạch không nung luôn rẻ hơn so với mua gạch đất sét nung. Tuy giá thành của gạch không nung có thể cao hơn so với gạch đất sét nung nhưng số lượng gạch không nung để xây dựng lại tiết kiệm hơn rất nhiều so với gạch đất sét nung.
Cụ thể, chủ đầu tư phải sử dụng tới 650 viên gạch đất sét nung với giá 1000 đồng/viên, tổng chi phí vật liệu lên tới 650.000 đồng/1m3 tường. Nhưng khi sử dụng gạch xi-măng cốt liệu, chủ đầu tư chỉ cần sử dụng 60 viện gạch với mức giá 10.500 đồng/viên, do đó, tổng chi phí nguyên vật liệu chỉ là 630.000 đồng.
Nếu xem xét một cách tổng thể về chi phí mua gạch, sử dụng vữa, các vật liệu khác và thuê nhân công, bà Diệp cho biết sử dụng gạch xi-măng cốt liệu có thể tiết kiệm tới 18% chi phí so với sử dụng gạch đất sét nung.
“Mỏ vàng” vắng người khai thác…
Mặc dù, vật liệu xanh có giá trị về nhiều mặt như bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên và mang lại nhiều lợi thế về kinh tế trong cả quá trình sản xuất và sử dụng nhưng hiện nay ở Việt Nam đây vẫn còn là một “mỏ vàng” bị bỏ ngỏ.
Chuyên gia công trình xanh Đỗ Ngọc Diệp cho biết: “Chương trình phát triển vật liệu xây dựng xây dựng không nung (VLXDKN) đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 28/4/2010 tại quyết định 567/QĐ-TTG. Thêm vào đó, Thông tư số 09/2012/TT của Bộ Xây dựng về quy định sử dụng VLXDKN cũng đã có hiệu lực từ tháng 1/2013”. Nội dung này cũng đã được nhắc lại trong Chỉ thị số 04/2013/CT-UBND ngày 28/1/2013 về tăng cường VLXDKN trên địa bàn TPHCM.
Tuy nhiên, trên thực tế, các thông tư, quyết định này chỉ thực sự đi vào đời sống kể từ năm 2015 với quy định 100% công trình xây dựng bằng vốn nhà nước phải thay thế hoàn toàn bằng gạch không nung.
Mặc dù nhận được nhiều sự quan tâm nhưng việc sử dụng vật liệu xanh vẫn gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế. Đơn cử như vật liệu không nung vốn đã được nhà nước ta thông qua và có lộ trình áp dụng, tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư tỏ ra quan ngại trong việc đề áp dụng do nghi ngờ về chất lượng vật liệu, bao gồm vấn đề về thấm, nứt khi sử dụng gạch không nung trong một số công trình chung cư.
Giải thích cho điều này, bà Diệp cho biết: "Có thể sự quan ngại của nhà đầu tư đến từ thông tin của UBND tỉnh Bến Tre đưa ra vào năm 2014 về việc gạch không nung trong quá trình xây dựng đã bị nứt và thấm. Việc gạch bị thấm, nứt đến từ nhiều nguyên nhân như chất lượng thi công và quản lý thi công, đồng bộ sản phẩm/phụ kiện đi kèm".
Cũng đề cập đến vấn đề này, ông Lê cho biết: "Thông tin của UBND tỉnh Bến Tre đưa ra có một phần thực tế nhưng hơi phiến diện. Gạch không nung có rất nhiều loại, tại Bến Tre thời điểm đó sử dụng gạch bê tông nhẹ (cụ thể là bê tông bọt) và hoàn toàn khác so với gạch xi măng cốt liệu. Do đó, chúng ta không thể đánh đồng toàn bộ chất lượng của gạch không nung".
Vấn đề nổi cộm ở đây là trình độ xây dựng kém, đội ngũ thợ không chuyên nghiệp và thiếu đào tạo. Chính vì vậy, khi phải tiếp xúc với một loại gạch mới cần kĩ năng trát, xây lắp chuyên biệt cùng loại vữa phù hợp thì đội ngũ thợ thi công trở nên lúng túng, khó khăn. Tuy nhiên, chuyên gia công trình xanh Đỗ Ngọc Diệp cũng nhận định: Trong tương lai, việc sử dụng vật liệu xanh, đặc biệt là VLXDKN sẽ là xu thế tất yếu ở Việt Nam.
Ông Đặng Việt Lê cũng cho biết thêm: "Mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam sử dụng 100% gạch không nung là hoàn toàn khả thi do quỹ đất tại nước ta đang ngày một hạn hẹp, không thể "hy sinh" đất để sản xuất gạch đất sét nung. Những nhà đầu tư sản xuất và kinh doanh gạch không nung chính là những người đang chứng minh mục tiêu này là khả thi".
Đi đầu trong số đó là các công trình đã nhận được chứng nhận của hệ thống chứng chỉ xanh (dành cho các thị trường mới nổi của IFC) EDGE như khu dân cư Green House (Hà Nội), chung cư The Ascent (TP. Hồ Chí Minh), Tổ hợp công trình FPT (Đà Nẵng)… và hệ thống đánh giá và chứng nhận công trình xanh theo tiêu chuẩn của Việt Nam LOTUS: Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (Hà Nội), Trường Quốc tế Anh Việt, Trung tâm thương mại BigC Nha Trang…
Ông Đặng Việt Lê nói về việc sản xuất, sử dụng gạch không nung trong xây dựng.
Phan Minh - Hồng Vân - Đỗ Đức