Theo một nghiên cứu năm 2014 của Liên Hiệp Quốc (LHQ), nông thôn có nhiều diện tích không gian xanh và có sự tiết kiệm các nguồn năng lượng hơn so với khu vực đô thị. Tuy nhiên, diện tích nông thôn đang dần bị thu hẹp phạm vi trên toàn cầu do quá trình đô thị hóa.
Năm 1950, tỉ lệ đô thị trên thế giới chỉ chiếm 30% nhưng đến nay con số này đã là 54%. LHQ cũng đưa ra dự báo vào năm 2050, các vùng nông thôn chỉ chiếm 30% diện tích trên toàn thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc không gian xanh và sự tiết kiệm sẽ nhanh chóng “tuyệt chủng” theo nông thôn.
Tuy nhiên, ở quốc đảo nhỏ bé Singapore, người ta không chỉ quan tâm đến sự tăng trưởng của nền kinh tế mà điều được các nhà cầm quyền chú ý đó là đưa đất nước phát triển bền vững, đô thị hóa nhưng không bê tông và lãng phí hóa.
Với dân số trên 5,5 triệu người, Singapore đã thực hiện nhiều giải pháp đô thị xanh và đứng thứ hạng đầu tiên trong danh sách 10 thành phố phát triển bền vững và xanh nhất thế giới theo chỉ số đầu tư hạ tầng toàn cầu của tổ chức Arcadis (Arcadis Global Infrastructure Investment Index).
Dưới đây là bí quyết để giúp Singapore đạt được thành công như vậy trong lĩnh vực kiến trúc xanh.
Quản lý tốt việc phân phát nước
Vị trí địa lý của Singapore khiến đất nước này gặp nhiều khó khăn vì nguồn tài nguyên thiên nhiên bị hạn chế, đặc biệt là nước sạch rất khan hiếm ở quốc đảo này. Để giải quyết vấn đề này, Singapore sử dụng kết hợp 3 giải pháp: tái chế nước đã qua sử dụng, tích trực tối đa nước mưa và sử dụng nước mặn khử muối. Với việc tiết kiệm nước sử dụng không cần thiết, mỗi năm quốc đảo này cắt giảm được 50% lượng nước tiêu thụ.
Giao thông thân thiện với môi trường
Singapore đề nghị công dân của mình chỉ sử dụng các phương tiện cơ giới cá nhân khi thực sự cần thiết. Đặc biệt, quốc đảo này còn ban hành quy định giới hạn quyền sở hữu xe hơi để giảm thiểu ô nhiễm và khắc phục tắc nghẽn giao thông.
Đồng thời, chính phủ Singapore cũng khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Do đó, hầu hết người Singapore đều đi bộ, xe đạp hoặc sử dụng giao thông công cộng để di chuyển trong thành phố.
Bên cạnh đó, các phương tiện di chuyển sử dụng điện năng cũng được liên tục phát minh, thử nghiệm và áp dụng vào thực tiễn ở Singapore. Điển hình là Eva Taxi, xe điện có chức năng như taxi do Đại học Công nghệ Nanyang Singapore kết hợp với Đại học Công nghệ Munchen sáng chế. Sau 2 năm đưa vào sử dụng, phương tiện mới này vẫn chưa xuất hiện bất cứ một hạn chế nào.
Mái nhà xanh
Singapore thực hiện chính sách che phủ toàn bộ bề mặt bê tông của các mái nhà bằng hệ thống mái thảm thực vật xanh vừa tạo ra cái cảm giác nhẹ nhõm và tự nhiên vừa làm giảm nhiệt độ bên trong tòa nhà. Từ đó, giúp tiết kiệm năng lượng tiêu thụ cho hệ thống điều hòa.
Tiết kiệm năng lượng
Các nguồn năng lượng không tái tạo được từ than đá, dầu mỏ và nhiên liệu hóa thạch khác được thay thế bằng năng lượng tái tạo do pin năng lượng mặt trời, tua-bin gió, tua-bin nước thủy triều, năng lượng hạt nhân,... Singapore cũng hạn chế sử dụng năng lượng một cách hợp lý nhất bằng cách sử dụng đèn led tiết kiệm điện, tối đa hóa ánh sáng mặt trời trong việc chiếu sáng vào trong tòa nhà và sử dụng năng lượng tái tạo, ước tính mỗi năm đất nước này cắt giảm được 30% năng lượng tiêu thụ.
Nhờ vậy, Singapore đã trở thành đất nước đi đầu trong công cuộc kiến trúc xanh của Châu Á và là đất nước xanh kiểu mẫu cho nhiều quốc gia học hỏi.
Phan Minh