- Thưa ông, hiện tại Việt Nam vẫn chưa nhiều chung cư áp dụng kiến trúc xanh, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội lại càng “đếm trên đầu ngón tay”. Được biết Ecohome là một trong những dự án nhà ở xã hội hiếm hoi áp dụng kiến trúc xanh, từ ý tưởng nào Capital House lại quyết định áp dụng kiến trúc xanh với mô hình nhà ở giá rẻ này?
- Về mặt chủ quan, Tổng giám đốc của chúng tôi là ông Đỗ Đức Đạt theo nhà Phật nên rất muốn làm gì đó ý nghĩa. Mặt khác khi một công ty mới mà không có một điểm độc đáo thì rất khó xây dựng thương hiệu. Xuất phát từ hai điều này, chúng tôi chọn tiếp cận theo cách làm một việc tốt cho xã hội mà lại bán được hàng nên đã đưa công trình xanh vào nhà ở xã hội.
Thực sự, đưa tiêu chí xanh vào các dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp rất ý nghĩa vì tổng thu nhập của đối tượng này không cao, mình lại giúp giảm hóa đơn thanh toán cho họ hàng tháng. Nếu trong một ngôi nhà việc thông gió tự nhiên, ánh sáng và gió không được thiết kế khéo sẽ phải bật điện hoặc quạt, điều hòa cả ngày rất tốn kém.
Ví dụ với 2 dự án Ecohome dù chưa được cấp tiêu chí kiến trúc xanh nhưng tất cả hệ thống điện công cộng ở đây đều từ năng lượng mặt trời. Tính ra trung bình mỗi hộ có thể tiết kiệm khoảng 1,5 triệu đồng/năm.
Việc chi trả tiền điện, nước đối với nhóm khách hàng cao cấp không quá quan trọng nhưng hóa đơn lên xuống hàng tháng rất ảnh hưởng tới đối tượng thu nhập nhấp.
- Để có thể áp dụng các tiêu chí kiến trúc xanh vào công trình, chi phí đầu tư buộc phải phát sinh. Với mức giá của nhà xã hội dưới 1 tỷ đồng, việc áp dụng kiến trúc xanh có là một bài toán kinh doanh khó, làm đau đầu chủ đầu tư không thưa ông?
- Thực ra cũng không tới mức làm khó, qua 4 dự án, tôi rút ra kết luận là làm kiến trúc xanh cho nhà ở xã hội phụ thuộc vào cách tiếp cận của mình. Khác với mọi người hình dung, công trình xanh chỉ đội lên 2-4 %. Chi phí phụ trội này cũng không quá nhiều. Trong khi chi phí bán hàng có thể lên tới 5%. Công trình áp dụng kiến trúc xanh cũng dễ bán vì nhiều người thích.
Tôi cho rằng nếu có bản thiết kế tổng thể từ đầu và khoa học, không phải làm đi làm lại thì chủ đầu tư nào cũng có thể chấp nhận chi phí đội lên này.
- 2-4% có lẽ là chi phí tối thiểu đầu tư kiến trúc xanh cho một công trình vì theo tôi tham khảo thì trung bình rơi vào khoảng 15-20% vốn đầu tư?
- Đúng là Ecohome mới áp dụng những tiêu chí cơ bản nhất của kiến trúc xanh như gạch xây dựng, hệ thống chiếu sáng công cộng... Những công trình cao cấp khác thì bộ tiêu chí có thể cầu kì hơn tới cả hệ thống điều hòa, sưởi, nhiệt, vật liệu. Nếu sử dụng tiêu chí xanh của Mỹ còn vất vả nữa, chi phí sẽ không chỉ dừng ở 4%. Với các dự án nhà thương mại tổng mức đầu tư cao sẽ có nhiều cơ sở thi thố các biện pháp kiến trúc xanh. Ví dụ dự án chung cư cao cấp Ecolife Capitol chúng tôi vừa nhận chứng chỉ xanh quốc tế EDGE thì mức chi phí đầu tư lớn hơn.
Thực ra với các dự án xanh nói chung không riêng gì nhà xã hội là tổng mức đầu tư nhỏ, khoảng không áp dụng xanh ít. Trong phân tích dự án khả thi tài chính thì phụ thuộc vào dòng tiền. Còn trên thực tế với những dự án nhà ở xã hội luôn thiếu như hiện nay, người ta cũng chẳng cần phải mất công đầu tư vào kiến trúc xanh vẫn bán tốt. Những người có tâm thì mới làm kiến trúc xanh.
Ông Trần Như Trung nói về tiêu chí kiến trúc xanh cho các công trình.
- Người Việt Nam có thực sự quan tâm tới tiêu chí kiến trúc thân thiện môi trường này không thưa ông? Người mua nhà có hiểu nhiều về kiến trúc xanh?
Họ đánh giá cao nhưng thực ra nhiều người vẫn chưa hiểu về công trình xanh. Nhiều người vẫn nghĩ công trình xanh là màu xanh đơn thuần.
Tuy nhiên công trình xanh cũng không phải là gì quá đặc biệt trong lịch sử kiến trúc Việt Nam, chẳng qua khi xây dựng phải hợp với điều kiện khí hậu. Ngày xưa, chúng ta đã có nhiều bài học về cách cách thiết kế của nhà nông thôn Việt nam rất thân thiện với môi trường, không phải 100% nhưng có tình tiết nên áp dụng cho công trình xanh hiện đại.
Ví dụ mái cong truyền thống khi hắt nắng, nắng tán xạ nên nhà vẫn sáng mà ngăn ngừa được tia tử ngoại và không bị nóng. Nếu nhà nóng phải bật điều hòa sẽ kích điện và khí xả từ điều hòa nóng ra bên ngoài làm hại tầng ozone…
- Đưa kiến trúc xanh vào Việt Nam, Capital house có gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì không thưa ông?
- Khi thẩm định sẽ phải xét tất cả các vật liệu xây dựng, thậm chí giờ người ta còn thẩm định cả nguồn gốc xuất xứ vật liệu. Nếu vật liệu lấy từ nguồn sản xuất chưa làm tốt công tác bảo vệ môi trường cũng không được xét duyệt. Vật liệu mua rẻ bên ngoài thường bị loại.
Khi xây dựng, chúng tôi cứ nghĩ kiến trúc xanh là đưa các vật liệu xanh vào là được nhưng việc sử dụng các vật liệu mới không dễ, cần sự hỗ trợ của các chuyên gia.
- Để duy trì kiến trúc xanh thì vai trò con người rất quan trọng, ông có gửi gắm điều gì tới những cư dân sống trong các công trình của mình?
- Cư dân sống trong dự án Ecohome của chúng tôi khá hài lòng với môi trường sống. Tuy nhiên đúng là muốn phát triển bền vững phải có sự hợp tác của cư dân. Một số tiêu chí kiến trúc xanh như mặt sàn thì xây xong là xong nhưng còn nhiều hệ thống khác. Những dự án thương mại sắp tới của chúng tôi có hệ thống thông gió, lọc nước… quả thực cũng chưa biết họ ứng xử thế nào. Ví dụ chúng tôi lắp 1 vòi nước quy định giật xả bao nhiêu lít/lần nhưng không biết người mua nhà có đổi, sửa thay thế loại khác phù hợp, tiết kiệm không?
Cảm ơn ông đã chia sẻ với Reatimes!
Yên Thảo - Kim Thu - Huy Hoàng (thực hiện)