Hướng đi tất yếu đến tương lai

Khi các đô thị đồng loạt phát triển đúng lúc vấn đề biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên xảy ra, đó là lúc môi trường sống bị đe dọa nghiêm trọng. Toàn cầu đang phải đối diện với mật độ xây dựng cao, với kính, máy lạnh, ô nhiễm, nóng bức, kẹt xe, ngập lụt… Kiến trúc xanh trở thành chuyện thời sự hơn bao giờ hết.

Nhắc đến kiến trúc xanh là nhắc đến những công trình xanh được xây dựng bởi vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm sự phát thải CO2 và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên… Theo nhiều chuyên gia, càng có thêm công trình xanh dựng lên, môi trường càng được bảo vệ bền vững. “Không còn bàn cãi công trình xanh cần hay không, điều quan trọng hơn cả là làm sao vượt qua các rào cản để Việt Nam có được số lượng công trình xanh nhiều hơn, tổng sàn tiết kiệm năng lượng nâng lên” - đó là ý kiến của PGS.TS Phạm Thúy Loan – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng.

Nhiều quốc gia tại Châu Á như Malaysia đã chú trọng đến yếu tố

Nhiều quốc gia tại Châu Á như Malaysia đã chú trọng đến yếu tố "xanh" trong các công trình xây dựng

Theo những con số mà Viện Quy hoạch Kiến trúc Quốc gia đưa ra, châu Á sẽ tiêu thụ hơn 51% tổng lượng tiêu thụ năng lượng trên thế giới vào năm 2035. Nhưng châu Á lại là khu vực tạo ra rất ít năng lượng có khả năng tái tạo nhất. Năng lượng gió có thể tạo ra ở châu Á chỉ ở mức 36%, năng lượng có khả năng tái tạo ở châu Á cũng rất thấp, chỉ 19%. Về mặt năng lượng, trên thực tế, châu Á dùng rất nhiều nhưng tạo ra rất ít so với các châu lục khác.

Nói riêng về rác thải, ô nhiễm, Trung Quốc thải ra khí CO2, mức độ ô nhiễm lớn nhất thế giới, Nhật Bản, Hàn Quốc có mức độ thải CO2 ít hơn nhưng vẫn là những quốc gia có lượng thải CO2 nhiều trên thế giới.  

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Trung Quốc là một trong những

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Trung Quốc là một trong những "hồi chuông" để các nước phát triển công trình xanh

“Khi Việt Nam tham gia phong trào mạnh mẽ của thế giới là thúc đẩy phát triển công trình xanh, tôi nghĩ đây là một vấn đề không phải bàn cãi. Nhưng số lượng công trình xanh ở nước ta quá ít so với thế giới. Chỉ trong vòng 10 năm, số lượng công trình xanh ở Singapore đã tăng vượt bậc. Năm 2010, Singapore chỉ có 12% công trình được xác nhận là công trình xanh, nhưng họ đã có kế hoạch rất bài bản, đặt tham vọng đến năm 2030, số công trình xanh đạt 80%.

Các nước tương tự cũng có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng cũng như tổng lượng sàn tiết kiệm năng lượng. Nhưng kiến trúc xanh ở Việt Nam đã khởi động được khoảng chục năm vẫn chỉ có khoảng 40 công trình xanh, còn 10 công trình đang xem xét, đánh giá. Con số vô cùng khiêm tốn” – bà Phạm Thúy Loan nói.

Việc phát triển các công trình kiến trúc xanh là xu hướng tất yếu và cần thiết phải thực hiện ngay, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Biến đổi khí hậu trái đất đang diễn biến ngày một trầm trọng, hàng trăm quốc gia trên thế giới đang nỗ lực thực hiện cuộc “cách mạng xanh” trong lĩnh vực xây dựng để cứu trái đất. 

Kiến trúc xanh Việt Nam đã có những “viên gạch” đầu tiên

Sự cần thiết của kiến trúc xanh là điều không còn gì bàn cãi. Nhưng làm thế nào để Việt Nam có nền kiến trúc xanh phát triển lại là cả một quá trình. Theo nhiều chuyên gia xây dựng, xanh hóa các công trình xây dựng là điều không dễ, nhưng Việt Nam không thể cứ mãi chậm trễ sau các nước. Hầu hết các nước phát triển tiên tiến như Nhật Bản, Singapore, Đức… Chính phủ đều đã yêu cầu áp dụng các quy định kỹ thuật xây dựng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng khi đầu tư xây dựng công trình.

15 năm làm việc ở Malaysia, sau đó làm việc ở Việt Nam, ông Poul Erik Kristensen – một trong những chuyên gia hàng đầu về công trình xanh của tổ chức IFC (thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới, một tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ tư nhân) cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng trực tiếp những kinh nghiệm của Malaysia trong xây dựng công trình xanh.

Ông đánh giá thực tế từ những công trình xanh tiêu biểu ở Malaysia như Diamond Building, Setia City Mall… thì chi phí tăng thêm cho các công trình xanh chỉ chiếm 2-5% tổng chi phí xây dựng, khả năng tiết kiệm năng lượng khoảng 30-60%, thời gian hoàn vốn không quá lâu, từ 3-6 năm. Việt Nam hoàn toàn có thể học tập Malaysia các công nghệ xây dựng công trình xanh.

Ông Poul Erik Kristensen – chuyên gia về công trình xanh của tổ chức IFC

Ông Poul Erik Kristensen – chuyên gia về công trình xanh của Tổ chức IFC

Theo ông Poul Erik Kristensen, tại Việt Nam, một số công trình xây dựng đã được nhận chứng chỉ “xanh” đạt chuẩn của Edge - một sản phẩm của IFC như: chung cư Ehomes 5 – chủ đầu tư Nam Long, tòa nhà FPT Đà Nẵng, dự án EcoLife Capitol của Capital House… Quá trình xanh hóa các công trình xanh ở Việt Nam không quá khó!

Tòa nhà FPT Đà Nẵng là một trong những công trình Việt Nam vinh dự nhận chứng chỉ xanh của Edge

Tòa nhà FPT Đà Nẵng là một trong những công trình Việt Nam vinh dự nhận chứng chỉ xanh của Edge

Dự án Ehomes 5 của chủ đầu tư Nam Long không phải là sản phẩm cao cấp, đắt tiền nhưng vẫn bắt kịp xu hướng công trình xanh với những tiêu chí “xanh” thuyết phục: sử dụng kính tản nhiệt, chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, vòi sen tiết kiệm nước, gạch bê tông bọt AAC, cách nhiệt tường… Theo chủ đầu tư Nam Long, chi phí sử dụng các vật liệu “xanh” chỉ làm tăng 1,2% tổng vốn đầu tư.

Tương tự, tòa nhà FPT Đà Nẵng với thiết kế hiện đại, là nơi làm việc của hàng nghìn nhân viên được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn “xanh”: sử dụng pin năng lượng mặt trời, tái sử dụng nước thải và có hệ thống thu nước mưa, sàn bê tông… Dự án EcoLife Capitol lại đặc biệt chú trọng đến việc giảm tỉ lệ kính. Đây là những viên gạch đầu tiên xây dựng nên kiến trúc xanh Việt Nam.

Lê Bích Ngọc

Bạn đang đọc bài viết Kiến trúc xanh: Thế giới đã tăng tốc, Việt Nam không thể chậm trễ tại chuyên mục Nghiên cứu - Tham khảo của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn