Trung Quốc có tốc độ đô thị hoá chóng mặt. Đất nước này sử dụng bê tông không thấm nước ở khắp mọi nơi đã gây nên hiện tượng tắc nghẽn dòng chảy tự nhiên của nước làm cho thành phố ngày càng dễ bị ngập lụt.
Các dự án phát triển không gian xanh ở Lingang đã phối hợp với các vùng đất ngập nước, vườn cây và các loại thực vật trồng trên mái nhà để thu được lượng mưa hiệu quả hơn. Ngoài không gian xanh, đường phố ở Lingang được lát vỉa hè có thể thấm thấu, cho phép lớp đất ở dưới có khả năng hấp thụ nước.
Nghiên cứu của Lingang về việc phòng chống lụt bão bằng cách xây dựng xanh được cho là một mô hình để các khu đô thị khác có thể học theo. Đây là phương pháp đối phó với những tác động khắc nghiệt của thời tiết và tốc độ phát triển.
Ông Wen Mei Dubbelaar, giám đốc quản lý vấn đề nước ở Trung Quốc chia sẻ trên the Guardian: “Trong môi trường tự nhiên, hầu hết lượng mưa thường ngấm vào mặt đất hoặc mặt nước, nhưng nó sẽ bị cản trở bởi những bề mặt cứng của vỉa hè trên quy mô lớn”. "Hiện nay, ở khu vực thành thị chỉ có khoảng 20-30% lượng nước mưa có thể thẩm thấu vào mặt đất, do đó phá vỡ việc lưu thông lượng nước tự nhiên và gây ngập úng, ô nhiễm mặt nước."
Lingang, hay còn được gọi là Nanhui New City, nằm trên mảnh đất được khai hoang từ biển, là sản phẩm chiến thắng trong một cuộc thi của công ty kiến trúc Đức GMP. Lingang được xây dựng dựa trên cảm hứng về các thành phố châu Âu truyền thống kết hợp với ý tưởng “cách mạng”: thay thế các trung tâm mật độ dân số cao bằng không gian mới.
Không gian mới có điểm nhấn là hồ “tâm điểm” có đường kính 2,5km và hồ lớn đường kính 8km bên cạnh bãi tắm A la Copa Cabana nằm giữa trung tâm thành phố.
Toàn bộ cấu trúc thành phố dựa trên phép ẩn dụ về hình ảnh của những gợn sóng đồng tâm, hình thành bởi những giọt nước tràn về. Có thể thấy, Lingang rất may mắn vì vẫn có thể duy trì số lượng không gian mở rất đáng kể để thực hiện những ý tưởng sáng tạo này.
Các khu vực cũ của Thượng Hải đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc trang bị thêm những thiết bị, công nghệ mới. Mái xanh dường như là giải pháp hiệu quả nhất cho các thành phố phát triển hơn của Thượng Hải, các khu công nghiệp cũ hơn ở phía bờ tây sông Bund, đã có những biện pháp chuyển đổi để giữ lại được lượng nước dư thừa.
Đến năm 2030, 80% diện tích bề mặt của mỗi thành phố sẽ phải tích hợp một số phương pháp xây dựng xanh nhằm phòng chống ngập lụt. Những thách thức, bao gồm việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu của chính phủ trung ương dẫn đến việc dường như không thể chắc chắn các thành phố này có thể đạt được mục tiêu đó.
Tuy nhiên, giải pháp của Lingang cho một vấn đề toàn cầu được đánh giá như một bước tiến đầy cảm hứng, hướng tới một môi trường đô thị tốt đẹp hơn. Dubbelaar nhận định: "Cơ sở hạ tầng của thành phố trở nên tốt hơn vì nó cũng đang thay đổi môi trường sống, giúp giảm ô nhiễm và tạo ra chất lượng cuộc sống cao hơn ở những khu vực này".
Cũng theo Dubbelaar, động lực ban đầu cho các thành phố xây dựng không gian xanh là do ảnh hưởng của lũ lụt lên những vùng đô thị. Tuy nhiên nhờ sự thay đổi trong quan niệm, sự phát triển đó nên có một cách tiếp cận mang tính bền vững và toàn diện hơn.”
Thu Hiền (Nguồn: inhabitat.com)