Thừa uỷ quyền của Chủ tịch Nguyễn Trần Nam, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thay mặt VNREA cập nhật những thông tin liên quan đến dịch Covid-19 và tình hình phát triển kinh tế nói chung, lĩnh vực bất động sản nói riêng ở Việt Nam. Qua đó, khẳng định với các bạn quốc tế rằng Việt Nam đã chống dịch tốt, hiện tại kinh tế đã mở cửa trở lại và là điểm đến an toàn. GDP cả năm dự kiến đạt 5% và bất động sản có tương lai phát triển, với các xu hướng mới.

Cụ thể, ông Bình cho biết, trong công tác phòng chống dịch, Việt Nam đã có những phản ứng kịp thời. Ngay trong tháng 1, khi xuất hiện những ca bệnh tại Vũ Hán (Trung Quốc), Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống và kiểm soát Covid-19 để đối phó với đại dịch. Ngoài ra, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong phòng chồng dịch SARS trước đó. Công tác phòng chống dịch có sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, thực hiện nghiêm túc theo chỉ dẫn của Chính phủ; hệ thống chăm sóc sức khỏe được trang bị đầy đủ; quân đội và công an cũng tích cực vào cuộc hỗ trợ kiểm dịch; truyền thông truyền tải các thông điệp từ Chính phủ đến cộng đồng.

Người dân Việt Nam hoàn toàn ủng hộ các chính sách và nghiêm túc làm theo các hướng dẫn của Chính phủ: Đeo khẩu trang, ở/làm việc tại nhà. Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã được Chính phủ hỗ trợ về nước vì lý do an toàn.

"Có thể nói, toàn bộ hệ thống chính trị, phương tiện thông tin đại chúng và người dân có ý thức chung về cuộc chiến chống Covid-19", Phó Chủ tịch VNREA khẳng định.

Ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA)

Phân tích về tác động tiêu cực của Covid-19 đối với nền kinh tế, ông Đoàn Văn Bình điểm lại một số thông tin như: GDP quý I/2020 chỉ vào khoảng 3,82%, cùng với đó, du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu, hàng không, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, quán bar, cửa hàng... bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng chú ý, các phân khúc bất động sản cũng bị ảnh hưởng cả nguồn cung và cầu như lượng giao dịch nhà ở sụt giảm...

Tuy nhiên, bước sang tháng 5/2020, khi giãn cách xã hội được nới lỏng, các hoạt động kinh tế đã khởi động trở lại. Hầu hết các doanh nghiệp mở cửa hoạt động, tiêu dùng trong nước tăng trưởng trở lại. Tình hình xuất khẩu tốt hơn. Công nhân trở lại làm việc. Trường học mở cửa... Ước tính GDP quý II/2020 tăng trưởng 2 - 3% và ước tính GDP năm 2020 tăng trưởng 5%.

Trong bối cảnh này, VNREA cũng đã có nhiều hoạt động rất tích cực như khuyến khích 300 thành viên trực tiếp và 7.000 thành viên gián tiếp tuân thủ theo hướng dẫn của Chính phủ về phòng chống và kiểm soát đại dịch; tổ chức các hoạt động từ thiện hỗ trợ cộng đồng như quyên góp gạo, phát khẩu trang miễn phí, trang phục bảo hộ y tế, bộ dụng cụ thử nghiệm, máy xét nghiệm nhanh, hiến máu...

Cùng với đó, Hiệp hội cũng có nhiều cuộc họp với các bộ ngành để đánh giá các tác động xấu của Covid-19 đối với các doanh nghiệp thành viên và đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị Chính phủ cải thiện hệ thống chính sách, pháp lý để tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong Covid-19.

Đánh giá về tương lai của thị trường bất động sản Việt Nam, ông Phó Chủ tịch VNREA Đoàn Văn Bình nhận định, thị trường có nhiều tín hiệu tươi sáng.

Ông Vince Malta, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Hoa Kỳ (NAR) phát biểu tại cuộc họp.
Hình ảnh phiên họp trực tuyến.

Thứ nhất, Việt Nam trở thành điểm đến an toàn cho người Việt Nam và người nước ngoài sinh sống, đi du lịch, làm việc và kinh doanh tại Việt Nam nhờ việc sớm kiểm soát tốt dịch Covid-19.

Thứ hai, Chính phủ đã ban hành các chính sách tài khóa, tiền tệ và đầu tư công trị giá khoảng 50 tỷ USD để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.

Thứ ba, Việt Nam có thế mạnh về cơ cấu dân số vàng, với gần 100 triệu dân, đồng thời là quốc gia đô thị hóa hàng đầu. Người dân Việt Nam có thói quen tiết kiệm tiền để mua tài sản, thu nhập của tầng lớp trung lưu tăng và nhu cầu về nhà ở cao.

Thứ tư là lượng kiều hối từ 5 triệu người nước ngoài luôn hướng về Việt Nam, chỉ riêng trong năm 2019 hơn 17 tỷ USD đã được đầu tư về Việt Nam.

Thứ năm, Việt Nam tham gia 16 hiệp định thương mại tự do, là cơ hội để tiếp cận thị trường toàn cầu. Riêng EVFTA đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường đầy tiềm năng, với hơn 500 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18 ngàn tỷ USD của EU. Điều này đặc biệt quan trọng khi EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, với kim ngạch năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD.

Cuối cùng, Việt Nam vẫn còn không ít yếu tố hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam từ đầu năm tính đến ngày 20/3/2020 - bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài - đạt gần 8,6 tỷ USD. Trong đó, 758 dự án FDI được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5,5 tỷ USD; tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Đại diện NAR đánh giá cao những hành động kịp thời và kết quả đạt được của VNREA trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và duy trì sự phát triển của thị trường bất động sản trong bối cảnh khó khăn.

Trước đó, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã đại diện VNREA tham dự nhiều cuộc họp với các tổ chức quốc tế để chia sẻ, nhận định và dự báo về tương lai của thị trường bất động sản Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19.

Cụ thể, vào 13/4, tại Hội nghị Quốc tế Online (Webinar) do FIABCI Asia Pacific tổ chức tại Malaysia với chủ đề: "Tương lai của thị trường Bất động sản sau Covid-19 tại các nước ASEAN". Ông Đoàn Văn Bình, đại diện cho cho VNREA đã trình bày bài phát biểu về “Tương lai của Thị trường bất động sản Việt Nam sau Covid-19”.

Tiếp đó, vào sáng 25/4, ông Đoàn Văn Bình cũng đã tham dự cuộc họp ARENA COP online với những chia sẻ về thị trường bất động sản Việt Nam và đóng góp sáng kiến của VNREA cho hoạt động của ARENA.


Reatimes

Bạn đang đọc bài viết Lãnh đạo VNREA họp với NAR và Hiệp hội Bất động sản các nước châu Á tại chuyên mục Tin tức của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn