Dự Hội nghị, về phía lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) có TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chủ trì. Cùng dự có TS. Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Hoàng Quân; ông Trần Quốc Dũng, Phó Chủ tịch VNREA, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cùng đại diện các doanh nghiệp bất động sản phía Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, TS Nguyễn Văn Khôi khẳng định, trong nhiều năm qua, đặc biệt thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến nhà ở cho những người thu nhập thấp, gia đình chính sách, người lao động. Nhiều Nghị quyết, Nghị định Chính phủ, Thông tư của các bộ ngành hướng dẫn thực hiện các vấn đề liên quan đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp thể hiện tính quyết liệt, trách nhiệm, khẩn trương của Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ ngành Trung ương.
Chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đã và đang vào cuộc khẩn trương, chủ động, đồng hành cùng Chính phủ.
Về lâu dài, vấn đề về xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… cũng được sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản.
Vì vậy, hội nghị hôm nay, chúng ta tập trung bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Hội nghị đã được các doanh nghiệp tập trung bàn:
Thứ nhất là những bất cập, khó khăn trong triển khai thực hiện đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Thứ hai là những giải pháp và tiến độ dự kiến thực hiện đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Nhìn chung, các doanh nghiệp đã và đang cùng các ngành, chính quyền địa phương chủ động triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ. Một số địa phương, doanh nghiệp đã triển khai một số dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…
Nhiều ý kiến tập trung kiến nghị một số nhóm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ theo chỉ tiêu Chính phủ giao về xây dựng nhà ở xã hội như sau:
Một là nhóm giải pháp về quy hoạch. Chương trình phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội phải gắn với kế hoạch sử dụng đất. Nói cách khác là quỹ đất cụ thể phải đặt ra cho nhà ở xã hội.
Hai là nhóm giải pháp về quy trình thủ tục hành chính đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần mang tính đặc thù, rút ngắn khâu và thời gian giải quyết.
Ba là nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách như lợi nhuận, giải ngân gói 120.000 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng, liên quan vấn đề giá đền bù, chi phí giá đất của doanh nghiệp bỏ ra đầu tư. Chính quyền cần tạo ra quỹ đất sạch, nhà đầu tư có thể ứng tiền, nhưng đơn vị chịu trách nhiệm chính vẫn là cơ quan Nhà nước.
Thứ tư là nhóm giải pháp về tiêu chí người mua, thuê hoặc thuê mua và thủ tục xét duyệt với thời gian nhanh gọn, thẩm định rõ ràng. Giải ngân trong ngân hàng chính sách xã hội ở địa phương cần thực hiện theo mục tiêu của Đề án Chính phủ đặt ra, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn vốn.
Năm là chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ, có giải pháp cho từng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… Hiệp hội và doanh nghiệp đăng ký lịch làm việc với các địa phương để giải quyết khó khăn trong quá trình thực hiện.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tổng hợp các nhóm giải pháp, kiến nghị cụ thể để báo cáo các Bộ ngành liên quan.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, chính quyền địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp để tăng cường nghiên cứu, đề xuất cơ chế, giải pháp chính sách phát triển nhà ở xã hội bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và định hướng của Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Đồng thời, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp để tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, khảo sát dự án tại các địa phương. Do đó, hy vọng các địa phương tiếp tục công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai có cơ sở khoa học, có tính thực tiễn trong việc nắm bắt và thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản và đề xuất các kiến nghị, giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản Việt Nam./.
Diệu Phan - Khánh Hòa