Tham dự chương trình có ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật; Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bà Trương Thị Thu Hà, Phó Giám đốc, kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Tư pháp; LS.TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch tập đoàn CEO, đồng thời là diễn giả giới thiệu tác phẩm tới thầy cô và các em sinh viên; Bà Đặng Thị Hiền, đại diện Nhà sách Dân Hiền; Bà Nguyễn Thị Hiến, Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng Công ty Cổ phần truyền thông Luật Việt Nam.
Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có TS. Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Thường trực; PGS.TS. Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng. Đặc biệt, tham dự buổi khai mạc ngày hôm nay, ngoài tác giả Đoàn Văn Bình còn có sự góp mặt của 2 giảng viên tham gia giới thiệu tác phẩm là TS. Nguyễn Thị Dung, Phó Trưởng khoa Pháp luật kinh tế; PGS.TS. Đỗ Thị Phượng, Giảng viên cao cấp, Trưởng Bộ môn Khoa học điều tra tội phạm và Giám định tư pháp. Ngoài ra, chương trình còn có mặt của đại diện lãnh đạo các đơn vị, giảng viên, cán bộ, người học trong trường.
Tại chương trình, LS.TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO đã giới thiệu tác phẩm: “Pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch” do NXB Tư pháp phát hành và tác phẩm “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành với mong muốn các bạn sinh viên, các luật sư, những cán bộ công tác trong lĩnh vực pháp luật tương lai hiểu hơn về ngành kinh tế mũi nhọn du lịch và vai trò ngày càng lớn của ngành bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam.
Với vai trò là diễn giả giới thiệu sách tới thầy cô và các em sinh viên, LS.TS. Đoàn Văn Bình chia sẻ: “Theo World Culture Score và thông tin báo chí, có vài thống kê như sau: Ấn Độ đứng đầu thế giới về “chỉ số đọc”, với trung bình 10h42 phút/tuần, tức 1h49 phút/ngày; để học, người Israel đọc 01 cuốn sách mỗi tuần và là quốc gia “phượt” hàng đầu thế giới, phượt để học hỏi cái mới. Giáo dục Israel đang tập trung vào 3 mục tiêu: (i) mọi người đều phải biết làm nông nghiệp để sinh tồn cho dù trong hoàn cảnh nào và ở đâu; (ii) mọi người đều biết lập trình để thích ứng với xu hướng công nghệ CM 4.0; (iii) tạo ra các vườn ươm giới trẻ để tương lai lãnh đạo đất nước.
Trong danh sách 61 nước đọc sách nhiều nhất, khu vực ASEAN có Thái Lan, Indonesia, Singapore nhưng không có Việt Nam. Các nước G7 đọc trung bình 15 cuốn/người/năm, chi hơn 200 USD/năm/người cho sách và người Pháp, Canada đọc trung bình 17 cuốn/người/năm.
Tại Việt Nam, người dân đọc 1,2 cuốn/người/năm và chỉ chi dưới 2 USD/người/năm cho sách. Trung Quốc chi 10 USD/người/năm và chỉ 30% dân số thường xuyên đọc sách, 44% thỉnh thoảng đọc, 26% không bao giờ đọc sách”.
LS.TS. Đoàn Văn Bình nhấn mạnh: “Khi giao lưu sách cùng các bạn trẻ Trường Đại học Luật Hà Nội, tôi hy vọng các bạn học tập cả đời, đọc nhiều sách hơn, có mối liên hệ với những người hiểu biết hơn mình và thường xuyên đi du lịch”. Kết thúc phần giới thiệu tác phẩm và giao lưu, LS.TS. Đoàn Văn Bình đã tặng sách cho các độc giả./.
Một số hình ảnh tại sự kiện “Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2023”:
Minh Hằng