Vật liệu xanh là gì?

Thời gian gần đây, cụm từ "vật liệu xanh" đang trở nên quen thuộc với người sử dụng. Vậy vật liệu xanh là gì? Hiểu đơn giản đó là loại vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường. Phương pháp xây dựng, hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên suốt “vòng đời” của công trình cũng vẫn phải đảm bảo tính thân thiện này.

Để đạt được mục tiêu đó, các sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD) phải đáp ứng được hai yêu cầu: Tiêu tốn ít năng lượng hơn cho việc tạo ra nó và giúp tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ khi đưa vào sử dụng. Việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh là cách để hướng tới các giải pháp xây dựng bền vững, cũng là việc cốt tử tạo nên một Công trình Xanh (CTX).

Vật liệu xanh cho CTX đòi hỏi đồng bộ từ vật liệu làm móng cho đến mái của công trình. Nhà cao tầng thường có một số tầng hầm, phải đảm bảo móng công trình không bị lún, có khả năng chống thấm cao, thông thường phải sử dụng bê tông mác cao, chất chống thấm đặc biệt.

Toàn bộ mặt dựng kính hoặc cửa sổ đều phải là vật liệu có khả năng cách âm, cách nhiệt tốt, chống mưa chống nắng, ví dụ, dùng các vật liệu co giãn đề chèn kín các cửa sổ, mặt dựng, dùng kính hộp, kính lowE, kính phản quang để cách nhiệt, chống tác dụng của ánh nắng mặt trời.

Tường được xây dựng bằng vật liệu không nung, vật liệu nhẹ thân thiện môi trường trong quá trình sản xuất, gạch xây cũng như khả năng cách nhiệt trong quá trình sử dụng để giảm chi phí năng lượng...

Vậy phải đầu tư thế nào để có được một công trình sử dụng những loại vật liệu xanh? 

Hiệu quả kinh tế bất ngờ 

Loại vật liệu xây dựng điển hình và thông dụng nhất của nhóm vật liệu xây dựng xanh chính là gạch không nung. Không nói quá khi cho rằng, đây chính là phần chính tạo nên một CTX. Bởi lẽ từ những viên gạch chồng xếp, kết dính lại với nhau mới có một toà nhà, một công trình vững chãi. Bên cạnh những ưu điểm dường như ai cũng biết là gạch không nung Xanh từ nguyên liệu, quá trình sản xuất đến sử dụng, thì một trong những điểm cộng đặc biệt của nó là giá trị kinh tế.

Ông Lê Hoài An - Giám đốc điều hành Công ty CP gạch Khang Minh cho biết - giá thành sản phẩm của gạch không nung có hiệu quả kinh tế tốt hơn rất nhiều so với gạch đất sét nung. Ví dụ, 1 viên gạch xi măng cốt liệu (loại gạch thông dụng trong nhóm gạch không nung) trên thị trường có giá xấp xỉ 1.000 VND /viên, trong khi gạch đất sét nung giá khoảng 1.200 – 1.300 VND /viên. 

Chính vì những lợi ích vượt trội mà gạch xi măng cốt liệu đang có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường.  

Ông Lê Hoài An - Giám đốc điều hành Công ty CP gạch Khang Minh

Ông Lê Hoài An - Giám đốc điều hành Công ty CP gạch Khang Minh

"Về cơ bản gạch không nung đang là sản phẩm có xu hướng lên ngôi trong thị trường vật liệu xây dựng. Năm 2017 là năm gạch không nung "vươn mình" thể hiện sự ổn định vững chắc trên thị trường. Hết quý I/ 2017 - nay, hầu hết các nhà máy sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu đều chạy hết công suất mà vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Đây là một minh chứng rõ nét của sự phát triển của gạch không nung nói chung và gạch xi măng cốt liệu nói riêng" - ông An cho biết.

Cũng theo Giám đốc điều hành Công ty CP gạch Khang Minh, hiện nay hầu hết các chủ đầu tư đều có nhận thức và xu hướng ứng dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng. 

Thực tế cho thấy, nhiều công trình, kể cả những công trình nhà ở xã hội như dự án Ecohome cũng sử dụng loại gạch này. 

Một loại vật liệu xanh nữa bắt đầu được sử dụng trong các công trình là tấm tường bê tông.

Ông Trịnh Tùng Bách, cán bộ phụ trách Nghiên cứu & phát triển Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô (CapitalHouse) cho biết: "Thay vì chúng ta phải ốp từng viên gạch thì có thể dùng những tấm tường bê tông ghép với nhau, cái hay là không mất thời gian ghép từng viên gạch rồi phải trộn vữa để tạo độ kết dính. Thời gian thi công sẽ được rút ngắn".

Nói về hiệu quả kinh tế của loài vật liệu này, theo ông Bách, chính là việc giảm được thời gian thi công, giảm thời gian vệ sinh ở công trường vì không phải chát, bả sơn trực tiếp, hạn chế được vữa xây. Như vậy, vừa tiết được chi phí xây dựng, tiết kiệm được chi phí vệ sinh. 

Một loại vật liệu được coi là giải pháp xanh trong xây dựng và rất được lòng các kiến trúc sư là sàn bê tông hay còn gọi là sàn nhẹ không dầm.

Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Phong phân tích, loại sàn này giúp giảm đáng kể tải trọng bản thân bằng cách giảm tới 30% khối lượng bê tông sàn và giảm ít nhất 15% lượng thép sàn sử dụng.

Ngoài ra nhờ giảm tải trọng bản thân sàn (sàn chiếm 60% trọng lượng toàn công trình) nên mang đến các những ưu thế vượt trội: Giảm ít nhất 5% chi phí xây dựng phần thô; Giúp vượt nhịp lớn (lên tới 20m), bỏ đi các cột và cọc không cần thiết, tiết kiệm vật liệu và nhân công làm thép, đổ bê tông và đào đất. Giảm tải trọng lên cột, móng giúp giảm bê tông và thép; Sàn phẳng không dầm tiết kiệm chiều cao so với công trình với hệ sàn dầm truyền thống, giảm chi phí xây tô và vỏ bao.

Sàn nhẹ không dầm được coi là giải pháp xanh của ngành xây dựng

Sàn nhẹ không dầm được coi là giải pháp xanh của ngành xây dựng

Việc tiết kiệm vật liệu, máy móc và nhân công này, ngoài giảm chi phí và thời gian trực tiếp còn giúp giảm lượng chất thải rắn, giảm việc tiêu thụ năng lượng và phát thải CO2 trong quá trình vận chuyển và thi công. Ngoài ra hộp rỗng NEVO® tạo thành các lớp đệm không khí giúp sàn này cách âm và cách nhiệt tốt hơn hẳn so với sàn truyền thống. Đây là một trong những tiện ích thiết thực mang lại cho người sử dụng.

Dưới góc độ từ phía chủ đầu tư, ông Trịnh Tùng Bách cũng cho biết, một số dự án CapitalHouse đã áp dụng thi công sàn bê tông và thấy được những hiệu quả vượt trội của nó. Theo tính toán, một công trình có thể giảm được 10% chi phí và khoảng 20% thi công cho hạng mục sàn. 

Xanh từ trong ý tưởng

Những điều trên cho thấy, giấc mơ xanh hoá đô thị không hề viển vông và đắt đỏ như nhiều người vẫn nghĩ. Thậm chí, việc sử dụng các vật liệu xây dựng xanh còn giúp chủ đầu tư tiết kiệm được chi phí so với vật liệu thông thường. Quan trọng nhất, việc xanh hoá này phải là xanh từ trong ý tưởng, xanh trong chính bản thiết kế.

Một dự án đạt chứng chỉ xanh quốc tế EDGE

Một dự án đạt chứng chỉ xanh quốc tế EDGE

Ông Trịnh Tùng Bách lấy dẫn chứng, nhiều người quan niệm nhà có nhiều cửa kính mới sang, nhưng thực tế, chính Trung tâm hành chính của Đà Nẵng đã nói lên những bất cập của việc lạm dụng kính trong thiết kế. 

"Một ngôi nhà có cửa sổ cao lên đến kịch trần có thực sự tốt không? Thực tế kính lấy ánh sáng nhưng cũng lấy theo cả nhiệt, vì thế người sử dụng sẽ phải tiêu tốn năng lượng khi chạy điều hoà. Để giảm thiểu điều này, bên mình đã sử dụng kính LowE, đặc điểm là lấy ánh sáng nhưng cản nhiệt, toàn bộ bức xạ mặt trời bị phản xạ lại hết hơn 70%, chỉ cho ánh sáng qua. Như vậy người sử dụng chắc chắn sẽ tiết kiệm được chi phí. 

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể xanh mà không hề tốn thêm bất cứ chi phí nào, đó là giảm tối đa tỷ lệ kính một cách hợp lý. Tầm nhìn của bạn lên đến đâu, kính chỉ cần cao đến đấy.

Thực tế, bên mình đã thử áp dụng theo công thức này, căn phòng vẫn hết sức thoáng đãng mà không ai ngờ, tính ra chỉ có 20% diện tích của ngôi nhà là kính. Chưa cần phải nói đến việc có sử dụng vật liệu xanh hay không, thì chính nhờ thiết kế này, chủ đầu tư có thể tiết kiệm được chi phí, và chính người sử dụng sẽ được thụ hưởng nó, khi không phải tiêu tốn nhiều tiền vào sử dụng năng lượng điện, mà căn nhà lại mát mẻ hơn. Như vậy, bạn đâu có phải tốn thêm chi phí nào, rẻ có xanh được không, hẳn bạn đã có câu trả lời" - ông Bách khẳng định. 

Vật liệu xanh không phải cái gì đó quá cao siêu, quá xa vời. Chỉ đơn giản, bạn sử dụng cửa gỗ công nghiệp đã là xanh hơn so với gỗ tự nhiên, sử dụng cửa tre là tối ưu hơn nữa so với cửa gỗ. Và thậm chí, sử dụng keo dán cửa đạt chuẩn đã là xanh hơn so với dùng loài keo dán thông thường. 

Vật liệu xây dựng xanh đang là xu thế tất yếu, tuy nhiên, để bước sang một "chân trời" mới nó cần giai đoạn chuyển tiếp, cần những người dám "mạo hiểm" để thử nghiệm và dấn thân cho cái mới. 

Ông Lê Hoài An - Giám đốc điều hành Công ty CP gạch Khang Minh cho rằng: "Xu thế về các CTX đã xuất hiện trên thế giới khoảng 20 năm trở lại đây, xuất phát điểm từ các kiến trúc sư đã đưa ra những ý tưởng, các dự án xanh, CTX và có ứng dụng sử dụng vật liệu xanh hướng tới yếu tố bảo vệ môi trường.

Trong lịch sử, nhân loại đã phải trả giá rất nhiều cho việc bảo vệ môi trường nên việc tái đầu tư để bảo vệ môi trường là việc hết sức cần thiết. Đương nhiên việc tái đầu tư cho môi trường cần phải mất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ cũng như chi phí. Quan trọng là mỗi chúng ta phải xác định ý thức trong việc bảo vệ môi trường để có sự đầu tư cần thiết, hợp lý và đúng đắn". 

Mai Dương

Bạn đang đọc bài viết "Mạo hiểm" với những loại vật liệu mới, "giấc mơ xanh" không viển vông tại chuyên mục Góc nhìn chuyên gia của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn