Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) là đơn vị thực hiện, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) là đơn vị bảo trợ truyền thông. Tập đoàn CEO là nhà tài trợ của Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức tại Trụ sở Trường Đại học Luật Hà Nội dưới hình thức trực tiếp (100 đại biểu) và trực tuyến (200 - 300) đại biểu.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các đại biểu quốc hội; các đối tác quốc tế: Hiệp Hội Bất động sản Hoa Kỳ (NAR); Hội định giá Bất động sản Thái Lan, Liên đoàn Bất động sản Thái Lan; Hội Công nghệ Bất động sản Indonesia, Hiệp hội Bất động sản Indonesia; Viện các Đại lý BĐS Singapore (IEA); cùng hơn 50 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, kinh tế, tài chính, pháp lý… trong nước và quốc tế.

Chia sẻ về công tác tổ chức Hội thảo, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO, đồng Trưởng ban Tổ chức Hội thảo cho biết, Ban Tổ chức mong muốn tạo lập diễn đàn khoa học để lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, hiệp hội, tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, giới chuyên gia, học giả trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách, giới báo chí - truyền thông, các nhà tư vấn quốc tế, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch…, trao đổi, phân tích, bình luận, đánh giá về cơ hội, tiềm năng và khung chính sách, pháp luật của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách; đưa ra sáng kiến lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam trước thềm sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật có liên quan, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19.

Ông Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Tập đoàn CEO, đồng Trưởng ban Tổ chức Hội thảo.

"Điểm nhấn quan trọng của Hội thảo là các diễn giả sẽ tập trung chia sẻ và cùng bàn thảo về kinh nghiệm quốc tế cho việc phát triển thị trường bất động sản du lịch, với thảo luận mở trọng tâm như: Tầm quan trọng của việc phát triển thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế nói chung và chiến lược phát triển ngành du lịch tầm nhìn đến năm 2030; Kinh nghiệm xây dựng chính sách, pháp luật của một số nước có thị trường bất động sản du lịch phát triển trên thế giới và một số nước có điều kiện, trình độ phát triển tương đồng như Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề mới, phát sinh, các xu hướng mới trên thị trường bất động sản du lịch; Mức độ tác động, điều chỉnh thị trường bất động sản du lịch thông qua các công cụ pháp luật của các nước trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam.

Hội thảo sẽ nhận diện những xu hướng phát triển và nút thắt pháp lý của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam; Vai trò quản lý và điều tiết thị trường bất động sản du lịch của Nhà nước; sự tham gia, vận động và phát triển thị trường của các chủ thể quốc tế và trong nước; Những cơ hội và thách thức về chính sách, pháp luật đối với các chủ thể tham gia vào thị trường bất động sản du lịch ở Việt Nam và cùng các chuyên gia đề xuất những giải pháp phù hợp để hoàn thiện chính sách, pháp luật cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm của các nước trên thế giới", ông Bình chia sẻ.

Còn theo PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội; thành viên thường trực Ban Tổ chức Hội thảo, Hội thảo sẽ tập trung chia sẻ và cùng bàn thảo về kinh nghiệm của các nước có thị trường bất động sản du lịch phát triển như Thái Lan, Úc, Singapore, Mỹ... Bên cạnh đó, Hội thảo cũng sẽ phân tích các bài tham luận của các đại biểu trong và ngoài nước, cùng với các tham luận trực tiếp của một số đại biểu tại Hội thảo. Kết quả phân tích sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp lại, trình lên các cơ quan hoạch định chính sách để có những phương án điều chỉnh, bổ sung về mặt chính sách, pháp lý giúp cho thị trường bất động sản du lịch phát triển một cách thuận lợi và mạnh mẽ.

PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Việc tổ chức hội thảo mang tính chất quốc tế sẽ đem lại một cái nhìn khách quan, toàn diện hơn về thị trường bất động sản du lịch; đem đến cơ hội giao lưu, học hỏi từ các cường quốc. Qua đó có thể dễ dàng đưa ra những giải pháp phù hợp để hoàn thiện chính sách, pháp luật cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, những thông tin bổ ích thu được từ Hội thảo cũng sẽ được bổ sung vào kế hoạch giảng dạy của các trường đại học luật trên toàn quốc.

Khẳng định tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế "Chính sách, pháp luật về BĐS du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam" trong thời điểm này, giới chuyên gia đã chia sẻ nhiều kỳ vọng.

Theo Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thị trường bất động sản du lịch Việt Nam đã từng có giai đoạn phát triển mạnh mẽ, có thời điểm lên đến cao trào với nhiều sản phẩm mới và trở thành một phân khúc nóng thu hút sự quan tâm bậc nhất của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến 2019, trên thị trường đã xuất hiện những sự đổ vỡ nhất định, đặc biệt là về vấn đề sở hữu và cam kết lợi nhuận của Condotel. Nguyên nhân là do sản phẩm này đã phát triển một cách ồ ạt trên thị trường nhưng pháp lý vẫn đi sau, chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về các tiêu chí để quản lý và vận hành.

"Để thị trường có động lực phục hồi và phát triển một cách minh bạch, bền vững, tương xứng với các tiềm năng thì không thể không hoàn thiện khung pháp lý cho bất động sản du lịch. Theo đó, phân khúc này cần có sự định danh một cách rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Chính vì thế, tôi cho rằng, Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Chính sách, pháp luật cho thị trường bất động sản du lịch: Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” được tổ chức trong thời điểm này là rất cần thiết.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh.

Thành công của Hội thảo sẽ góp phần quan trọng trong việc đưa ra những kiến giải, đề xuất nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn lớn của thị trường bất động sẩn du lịch. Đặc biệt, với những góc nhìn từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, sẽ có nhiều bài học cho Việt Nam trong việc làm sao để thị trường bất động sản du lịch có thể phát triển mạnh nhưng bền vững, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia một cách minh bạch, hạn chế các rủi ro. Từ đó, bất động sản du lịch ngàỳ càng có đóng góp lớn cho sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch, một trong những mũi nhọn đột phá của nền kinh tế Việt Nam.

Kỳ vọng, các chuyên gia tại hội thảo sẽ cùng bàn luận để kiến nghị những chính sách cởi mở, thông thoáng hơn trong việc xác định quyền sở hữu các sản phẩm bất động sản du lịch cho nhà đầu tư nước ngoài", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Còn theo Luật sư Nguyễn Đức Tĩnh, Công ty Luật TNHH TTP Bengoshi, trải qua hai năm đương đầu với Covid 19, kinh tế của đất nước nói chung, thị trường bất động sản du lịch nói riêng đang “lao đao” tìm hướng đi để phục hồi và phát triển. Bên cạnh đó, trước bối cảnh đại dịch đang dần được kiểm soát, bối cảnh và nhu cầu của khách du lịch đang dần thay đổi đặt ra “bài toán” cho nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản phải chuyển đổi và thích nghi.

Tuy nhiên, rất khó để doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm để điều chỉnh, làm mới mình nếu chưa có một quy chế pháp lý cụ thể bảo đảm cho hoạt động của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Không quá khi nói rằng hệ thống pháp luật hiện nay của nước nhà chưa phát triển đủ nhanh và kịp thời để đáp ứng với sự thay đổi của thị trường.

Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng đang gặp phải nhiều rào cản về chính sách, pháp luật

 Chính vì vậy, hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” là cơ hội tốt để Nhà nước cùng với giới chuyên môn trong và ngoài nước, nhà tư vấn, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch…thảo luận, chia sẻ, đánh giá các vấn đề của pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản du lịch, từ đó góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam.

"Tôi kỳ vọng hội thảo sẽ là cầu nối tích cực giữa nhà lập pháp, chuyên gia và nhà đầu tư trong vấn đề pháp lý liên quan đến bất động sản du lịch. Tại hội thảo, các chuyên gia có thể chia sẻ những quan điểm của mình, những hiểu biết của bản thân về quy định của các quốc gia khác trên thế giới đối với vấn đề này.

Bên cạnh đó, hy vọng tại hội thảo lần này, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội trình bày những khó khăn, thách thức trong thực tiễn thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản du lịch tại Việt Nam hiện nay. Để từ đó, các nhà lập pháp có thể tham khảo được những ý kiến, quan điểm khác nhau từ các bên để xây dựng và hoàn thiện quy định liên quan đến vấn đề này, đồng thời nắm được những tồn đọng hiện có về mặt chính sách, pháp luật để đưa ra phương hướng giải quyết cho phù hợp", luật sư Nguyễn Đức Tĩnh khẳng định.

Mặt khác, hy vọng hội thảo sẽ giúp các nhà đầu tư, chuyên gia thấy được những khó khăn trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật hiện nay của Nhà nước. Cùng với đó, giúp họ thấy được tinh thần làm luật của nhà lập pháp trong thời gian tới, sự cởi mở và khuyến khích của nhà nước đối với hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này./.

PV

Bạn đang đọc bài viết Ngày mai diễn ra Hội thảo Khoa học quốc tế: “Chính sách, pháp luật về BĐS du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam“ tại chuyên mục Tin tức của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn