Nhắc đến số liệu thống kê về tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, Armelle Le Bihan có thể đọc vanh vách như chúng ta vẫn đọc thuộc lòng bảng chữ cái.
Mang niềm đam mê mãnh liệt với các Công trình Xanh đi diễn thuyết khắp châu Á, Armelle khẳng định: “Công trình Xanh không phải là xu hướng ‘ôm lấy cây xanh’, khư khư bảo vệ cây xanh hay trồng cây xanh vô tổ chức, vô tội vạ. Xây dựng Công trình Xanh cũng không chỉ nói về việc có những hành động tích cực với môi trường mà còn phải bao hàm cả yếu tố kinh tế, câu chuyện kinh doanh”.
Chỉ trong vòng 2,5 năm từ khi bắt đầu công ty Tư vấn và Kỹ thuật Xanh, Armelle đã tạo nên một thương hiệu, một cái tên uy tín vang danh khắp khu vực. Bằng chuyên môn của mình, Armelle đã hiện thực hóa nhiều dự án Công trình Xanh tại nhiều quốc gia và nhận được các giải thưởng uy tín.
Dự án mới nhất của Armelle cũng là một trong những kỳ vọng lớn nhất của cô: xây dựng một sân vận động hiện đại ở Ulaanbaatar, thủ đô đang ngày càng ô nhiễm nặng nề của Mông Cổ.
Trong một chuyến du lịch vòng quanh châu Á kết hợp với các buổi thuyết giảng về kỹ thuật xanh ở những nơi mình đi qua, Armelle khẳng định: “Tất cả là vì cộng đồng!”.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Armelle Le Bihan về những dự định và ấp ủ của cô với những dự án xanh.
PV: Là người có gần như cả sự nghiệp gắn liền với các Công trình Xanh, theo bà, cần phải hiểu thế nào cho đúng về một Công trình Xanh?
Armelle Le Bihan: Nói một cách đơn giản, các Công trình Xanh sử dụng ít tài nguyên hơn. Chúng cũng được thiết kế để thúc đẩy các tác động tích cực đối với môi trường và làm gia tăng sự thoải mái, tốt cho sức khỏe. Điều này là cực kỳ quan trọng, bởi giữa cuộc sống hiện đại, hầu hết chúng ta đều dành khoảng 90% thời gian ở trong các tòa nhà, hoặc là nhà ở hoặc là công sở, đôi khi là cả hai.
Các Công trình Xanh nói chung có chi phí hoạt động thấp hơn khoảng 14%, và lại khiến cư dân hài lòng nhiều hơn 30% so với các tòa nhà bình thường. Bên cạnh đó, giá trị tài sản của Công trình Xanh cao hơn khoảng 7% so với các công trình không xanh. Đặt với tương quan chi phí xây dựng chỉ nhiều hơn 1 - 2%, bạn sẽ thấy những con số này thật sự tuyệt vời.
PV: Tại sao Công trình Xanh lại quan trọng với các nhà phát triển bất động sản, thưa bà?
Armelle Le Bihan: Các tòa nhà hiện nay tiêu tốn khoảng 40% năng lượng mà chúng ta sử dụng và chiếm 30% lượng khí thải nhà kính. Đó đều không phải là nguồn tài nguyên tái tạo vì vậy có tác động trực tiếp đến tình trạng biến đổi khí hậu.
Ở các khu vực đông đúc như Bangkok, nơi nhiệt độ vốn đã cao, các tòa nhà còn tạo ra hiệu ứng “hòn đảo nhiệt đô thị” và khiến nhiệt độ tăng hơn nữa. Điều này chủ yếu là do các tác động nhiệt của bê tông giữ nhiệt. Nếu chúng ta xây dựng cây xanh, chúng ta có một giải pháp trực tiếp để giảm nhẹ sự biến đổi khí hậu. Nếu không thì tình trạng sẽ ngày càng tệ. Và bạn cũng biết rằng, đối tượng phải trả giá cao nhất cho sự biến đổi khí hậu lại thường là những người đóng vai trò ít nhất trong việc sự dụng nhiên liệu hóa thạch.
PV: Cần phải làm gì để khuyến khích các nhà phát triển dự án hành động ngay bây giờ?
Armelle Le Bihan: Quyết tâm làm thật nghiêm túc vì hành tinh là một điều tốt, nhưng khi tăng thêm động cơ tài chính sẽ khiến những người liên quan sẵn lòng hơn. Nếu một nhà phát triển bất động sản đang xây dựng một khu dân cư xanh, những khách mua nhà và thuê nhà tại dự án này chắc chắn sẽ được hưởng lợi đáng kể.
Bạn không bao giờ nên đánh giá thấp khả năng bán hàng marketing ở các Công trình Xanh, bởi chủ đầu tư hoàn toàn có thể tự tin khẳng định với các nhà đầu tư cũng như khách ở rằng họ có thể tiết kiệm đến 14% chi phí hoạt động, 50% năng lượng và 40% lượng nước sử dụng tại các Công trình Xanh. Các căn hộ trong một Công trình Xanh thường được bán và cho thuê giá cao hơn khoảng 30% so với các tòa nhà thông thường, đây chính là miếng bánh lợi nhuận hấp dẫn đối với giới đầu tư.
Một nghiên cứu do Jones Lang LaSalle thực hiện cho thấy, 60% người mua bất động sản thương mại sẵn sàng trả nhiều tiền cho các dự án xanh vì họ hiểu rằng Công trình Xanh liên quan trực tiếp đến túi tiền và sức khỏe của họ. Báo cáo này đồng thời cho thấy các chỉ số từ trường học cũng tốt hơn và bệnh nhân thì có khả năng phục hồi nhanh hơn tại các Công trình Xanh.
Tất cả những lợi ích này có được là bởi vì chúng ta đang tạo ra một môi trường lành mạnh hơn, không khí sạch hơn, ít ô nhiễm, các loại sơn tường cũng được lựa chọn một cách cẩn thận, chất trám kín và các bộ lọc được sử dụng… Chúng ta cũng có được ánh sáng tự nhiên tốt hơn…
PV: Bà có nghĩ rằng mỗi quốc gia ở châu Á đang có cách ứng xử khác nhau với Công trình Xanh?
Armelle Le Bihan: Các quốc gia châu Á đang có những nỗ lực rất lớn trong mảng Công trình Xanh và tính bền vững chung của các tòa nhà, nhưng đúng là có nhiều sự khác biệt ở mỗi quốc gia.
Singapore được coi là một mô hình xanh nói chung nhưng nó cũng đang lãng phí một phần năng lượng đáng kinh ngạc. Trung Quốc hiện sở hữu số Công trình Xanh nhiều thứ 2 thế giới sau Mỹ vì ô nhiễm là một vấn đề rất lớn của quốc gia này. Tại Thái Lan, số lượng Công trình Xanh được chứng nhận đang gia tăng gấp đôi hàng năm kể từ năm 2007, hứa hẹn một tương lai nhiều tích cực. Dù vậy, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc làm.
Dự án sân vận đông ở Mông Cổ mà chúng tôi đang thực hiện lại rất thú vị vì nơi đây chưa từng có các khái niệm, quy tắc về xây dựng xanh, tuy nhiên mọi người lại vô cùng hào hứng dù thời tiết khắc nghiệt. Họ hiểu được tầm quan trọng của việc cố gắng vì môi trường và điều chỉnh khí hậu.
PV: Bà có thể chia sẻ nhiều hơn về công trình sân vận động ở Ulaanbaatar?
Armelle Le Bihan: Tôi đã làm việc cùng với Archetype Mongolia, chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên, xác định được cách mà chúng tôi sẽ triển khai với công trình này và các tính năng xanh của nó. Mông Cổ có bầu trời xanh đặc biệt quanh năm, vì vậy tiềm năng năng lượng mặt trời của vùng đất này cũng rất lớn, đặc biệt là để sưởi ấm và phát điện.
Chúng tôi đã định hướng tòa nhà và hình dáng của nó để có thể tận dụng hầu hết nhiệt thụ động vào mùa đông. Bằng cách sử dụng các cửa sổ lớn hướng về phía nam, bạn có thể dễ dàng làm ấm không gian bên trong nhà và chúng tôi cũng sẽ sử dụng kính ba lớp để giữ ấm, cũng không lãng phí nhiệt. Hướng của tòa nhà cũng được xác định để tránh những cơn gió lạnh - chính vì vậy công trình này sẽ nằm ngoài đường hành lang gió lạnh.
Xây dựng một công trình ở Mông Cổ rất phức tạp bởi vì trong mùa đông mọi thứ đều vô cùng khắc nghiệt, nhiệt độ có thể giảm xuống dưới -30 độ C, vì vậy chúng tôi chỉ có thể thực hiện trong 6 tháng trong năm. Điều này có nghĩa là trước khi bắt đầu, mọi thứ đều phải được lên kế hoạch một cách cẩn thận.
Và khi công trình này hoàn thiện, nó sẽ trở thành một trong những sân vận động Olympic xanh đầu tiên trên thế giới, điều này thực sự vô cùng thú vị, kể cả đối với cá nhân tôi.
PV: Trong tương lai gần, sự phát triển của Công trình Xanh tại các quốc gia châu Á sẽ như thế nào?
Armelle Le Bihan: Các quốc gia đang phát triển ở châu Á có một cơ hội cực tốt để bắt đầu xây dựng các khu nghỉ dưỡng xanh, trong khi các đô thị đông đúc vẫn đang phát triển như vũ bão và gia tăng dân số chóng mặt. Nếu họ làm được điều nay ngay bây giờ, những nơi này chắc chắn sẽ trở thành những thành phố của tương lai.
Hiện tại châu Âu đang đi trước châu Á một bước dài về phát triển xanh. Điều này một phần là bởi các quy tắc và luật xây dựng ở các quốc gia châu Âu vốn đã phù hợp với tiêu chuẩn xanh, nhưng ngoài ra cũng bởi vì họ đã sớm nhận ra đây là cách tốt hơn để xây dựng.
Cách ứng xử của các quốc gia châu Á đang thay đổi nhanh chóng và tôi tin rằng các nhà phát triển sẽ ngày càng quan tâm hơn đến các Công trình Xanh.
Yên Trung (Nguồn: Tạp chí PropertyGuru Property Report