PV: Thưa ông, ông đánh giá việc dùng vật liệu thân thiện ở trên thế giới như thế nào và ứng dụng VLXDTT ở Việt Nam ra sao?

Ông Lê Văn Tới: Hiện nay, việc sử dụng VLXDTT ở mỗi nhóm nước có khác nhau, phân theo mức độ phát triển thì có nhóm các nước chậm phát triển, nhóm các nước đang phát triển và nhóm các nước công nghiệp phát triển. Các nước công nghiệp phát triển đã sử dụng hầu hết VLXDTT trong xây dựng công trình.Vật liệu được sử dụng phần lớn có tính năng cách âm, cách nhiệt tốt, giúp tiết kiệm năng lượng cho ngôi nhà hoặc được sản xuất từ nguyên liệu tái chế thay thế cho khoáng sản hoặc cũng được sản xuất sạch bởi công nghệ phát thải ít gây ô nhiễm môi trường.

Việt Nam nằm trong nhóm các nước đang phát triển đã sử dụng VLXDTT nhưng nhiều chủng loại vẫn là vật liệu xây dựng truyền thống được sản xuất từ khoáng sản với công nghệ cũ, đặc biệt là gạch đất sét nung vẫn đang chiếm phần lớn.

PV: Xin ông cho biết, hiện nay những loại VLXDTT nào được ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam? Các Công trình Xanh của Việt Nam đã ứng dụng được khoảng bao nhiêu % VLXDTT?

Ông Lê Văn Tới: Một Công trình Xanh quan trọng nhất là bao che, trong đó phần tường được sử dụng vật liệu xây hoặc vách kính và phần cửa sổ. Trong kiến trúc hiện đại, cửa sổ phần lớn cũng là kính. Riêng mái được sử dụng các kết cấu và vật liệu lợp có tính năng cách nhiệt tốt.

VLXKN loại nhẹ, ngoài tính năng như nhẹ, dễ xây, tạo tính công nghiệp hóa cao trong sản xuất và sử dụng còn có độ cách âm lớn, độ truyền nhiệt rất thấp

VLXKN loại nhẹ, ngoài tính năng như nhẹ, dễ xây, tạo tính công nghiệp hóa cao trong sản xuất và sử dụng còn có độ cách âm lớn, độ truyền nhiệt rất thấp

Cùng với tốc độ phát triển của các công trình xây dựng trong đô thị thì ngày càng có nhiều khối nhà cao tầng sử dụng kính tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên vẫn chưa phải tất cả các chủ đầu tư, tại mọi dự án nhà cao tầng đều sử dụng vật liệu này. Việc sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) cũng nằm trong tình trạng như vậy.

Cụ thể, trong năm 2015 cả nước đã tiêu thụ khoảng 4,98 tỷ viên quy tiêu chuẩn là VLXKN, bình quân chiếm 21% trong tổng số vật liệu xây được sử dụng. Ngược lại, tỷ lệ gạch nhẹ đang ở tỷ lệ thấp, chỉ mới khoảng gần 10% trên tổng số VLXKN, mà mục tiêu đề ra là trên 20%. Đây là chỉ tiêu quan trọng thứ hai trong Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 của thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định 567. Nhưng đây lại là tiêu chí quan trọng, nhằm khuyến khích tạo ra Công trình Xanh.

Tiếp sang năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 lượng VLXKN được đưa vào sử dụng cũng đã được tăng hơn so với năm 2015, mặc dù tỷ lệ sử dụng VLXKN loại nhẹ vẫn còn thấp so với chỉ tiêu đề ra.

Đó là đánh giá chung. Còn với các Công trình Xanh, chủ đầu tư và nhà thầu đã phải sử dụng hầu hết là VLTTMT, riêng vật liệu xây đã sử dụng hoàn toàn gạch bê tông khí chưng áp là loại VLXKN loại nhẹ.

PV: Theo ông, liệu có phải là đắt nếu chủ đầu tư sử dụng VLXDTT mà thời gian thi công được rút ngắn đáng kể, tốn kém ít xi măng sắt thép hơn, khi đi vào vận hành sử dụng lại tiết kiệm năng lượng hơn, môi trường sống tốt hơn nhờ ngăn chặn được tối đa tình trạng bức xạ nhiệt, hiệu ứng nhà kính…?

Ông Lê Văn Tới: Vật liệu xây dựng thân thiện là chủng loại VLXD tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, hoặc chủng loại VLXD được sản xuất từ việc sử dụng chất thải (tất nhiên là sau khi xử lý đảm bảo tiêu chuẩn) để làm nguyên liệu hoặc nhiên liệu. Như vậy VLXDTT đã mang lại một hiệu quả xã hội rất lớn, nếu có chính sách phù hợp, nó có thể giải quyết được những vấn đề bức xúc lớn về môi trường và phát thải của nhiều ngành công nghiệp cũng như của xã hội. 

Hiện nay, chưa có một tính toán cụ thể và thật sự sâu sắc nào để chỉ rõ câu chuyện đắt - rẻ khi sử dụng VLTT. Tuy nhiên, loại vật liệu này rõ ràng có tính năng vượt trội và ưu điểm lâu dài khi ứng dụng vào xây dựng Công trình Xanh. Cụ thể, VLXKN loại nhẹ, ngoài tính năng như nhẹ, dễ xây, tạo tính công nghiệp hóa cao trong sản xuất và sử dụng còn có độ cách âm lớn, độ truyền nhiệt rất thấp. Gạch bê tông khí chưng áp (AAC) hiện nay giá thành cao hơn so với gạch thông thường và cũng cao hơn so với các loại gạch VLXKN loại nặng. Nhưng khi ứng dụng loại gạch này vào xây dựng các tòa nhà cao tầng thì thứ nhất là làm giảm được kết cấu, tải trọng nền móng, cũng như tải trọng chung của công trình. Đặc biệt, đưa vào từ khâu thiết kế thì có lợi khi tiết kiệm được sắt thép móng, dầm, cột. Gạch nhẹ có viên lớn, kích thước đồng đều nên khi thi công nhanh hơn, năng suất cao, tiết kiệm được chi phí và nhân công khi xây dựng công trình.

Ông Lê Văn Tới, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam

Ông Lê Văn Tới, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam

Ngôi nhà được xây dựng gạch này với khả năng cách nhiệt tốt nên ấm mùa đông, mát mùa hè. Có tính toán chỉ ra, gạch bê tông khí chưng áp có thể tiết kiệm được trên 30% năng lượng làm mát cũng như sưởi ấm so với vật liệu xây thông thường. Ngoài ra, tính năng cách âm tốt còn tạo ra không gian sống thoải mái, góp phần đảm bảo sức khỏe cho mỗi gia đình.

PV: Thưa ông, lý do nào khiến VLTTMT lại ít đất phát triển? Liệu có vì yếu tố giá mà nhiều chủ đầu tư "phải đầu hàng" và có thật là không thể có mức giá hợp lý cho dòng VLTTMT hay không?

Ông Lê Văn Tới: Thực chất của vấn đề là thói quen. Việc thay thế cái cũ bằng cái mới thì bao giờ cũng khó khăn.Ví dụ khi sử dụng kính tiết kiệm năng lượng, kết cấu của khung nhôm phải khác thì hệ cửa sổ, hệ vách mới đảm bảo hiệu quả cản nhiệt, đòi hỏi chi phí phải tăng lên…Tương tự, trong lĩnh vực vật liệu xây, nếu sử dụng gạch đất sét nung thì không có gì khó khăn từ khâu sản xuất gạch, người thiết kế, thợ xây, tâm lý người sử dụng công trình… Nhưng khi chúng ta phải chuyển đổi sang VLXKN, đặc biệt là loại nhẹ thì có nghĩa là chúng ta phải có một sự đồng bộ mới. Trong khi sự đồng bộ mới đang cần tích cực để hoàn thiện, thì sự đồng bộ cũ vẫn níu kéo mọi lực lượng quay trở về với gạch đất sét nung.

Bên cạnh đó, tính tùy tiện vẫn còn trong thiết kế và thi công công trình. Cụ thể, các vết nứt, khuyết tật tại những mảng tường khi sử dụng VLXKN trong thời gian vừa qua cho thấy người thi công đã không thực hiện đúng kỹ thuật trong sử dụng VLXKN. Nhiều công trình thiết kế sử dụng gạch bê tông khí chưng áp, nhưng người thiết kế không chỉ rõ cần phải gia cường những điểm xung yếu, hoặc sử dụng lưới sợi tại những điểm cần thiết, trong khi kỹ thuật thi công cũng chưa có am hiểu thấu đáo về loại vật liệu này. Tại công trường sử dụng gạch bê tông khí chưng áp, người thợ xây vẫn sử dụng các dụng cụ như xây gạch đất sét nung hay gạch xi măng cốt liệu…

Ngoài ra, còn khó khăn còn bởi lợi ích của việc sản xuất, sử dụng vật liệu cũ sẽ bị động chạm khi bị vật liệu mới thay thế. Sự thờ ơ đối với mục tiêu chung như tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường không mang lại lợi ích ngay cho cá nhân hoặc tổ chức cụ thể, trong đó có các chủ thể xây dựng.

Mặc dù trong thời gian qua, những Công trình Xanh đã thu hút được khách hàng, cho chủ đầu tư giá bán tốt hơn nhiều những dự án thông thường cùng vị trí nhưng phát triển Công trình Xanh vẫn chưa được chú trọng đúng mức, kể cả góc độ quản lý nhà nước và góc độ hoạt động doanh nhiệp. Cũng bởi các Công trình Xanh còn chưa được phát triển nên VLXDTT cũng chưa được quan tâm.

Hành lang pháp lý hiện nay đã tương đối đầy đủ cho việc khuyến khích sử dụng VLTT. Nhưng thực tế tại nhiều địa phương chưa thuận lợi cho VLTT xác lập chỗ đứng. Cũng còn nhiều ý kiến cho rằng VLTT chỉ cần phát triển theo cơ chế thị trường. Tôi cho rằng, nếu đã đặt mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên khoáng sản không thể tái tạo được, bảo vệ đất nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực v.v… thì những biện pháp hành chính buộc sử dụng VLTT trong xây dựng là rất cần thiết. Các nước công nghiệp phát triển đã làm như vậy. Các nước đang phát triển cũng đang áp dụng các biện pháp hành chính nhằm tăng cường sản xuất và sử dụng VLXDTT.

Trân trọng cảm ơn ông.

Hồng Vũ (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết Nguyên nhân các chủ đầu tư chưa mặn mà với vật liệu thân thiện tại chuyên mục Nghiên cứu - Tham khảo của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn