Xu hướng khách quan
Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đô thị chỉ trong vòng 4 năm từ 2011-2015, diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội giảm trung bình 5.500-6.000ha/năm, bình quân mỗi năm giảm trên 1000ha. Nguyên nhân chính của việc giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp là chuyển sang đất phi nông nghiệp, chủ yếu là đất ở, đất khu công nghiệp và đất giao thông...
GS.TS.KTS Đỗ Hậu – Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy Hoạch và Phát triển Đô thị khẳng định: ”Quá trình đô thị hóa là một xu hướng khách quan, phản ánh sự phát triển của kinh tế - xã hội ở các quốc gia trên thế giới, nhất là đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, làm cảnh quan thiên nhiên bị suy thoái; đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do thiếu sự kiểm soát trong mở rộng đô thị… cộng với những tác động của biến đổi khí hậu đã khiến bất cập tại các đô thị bị đẩy lên đến đỉnh điểm.”
”Do vậy, các nhà quy hoạch đô thị đã hướng quy hoạch về với nông nghiệp trong thiết kế những vành đai xanh cho các khu đô thị - nông nghiệp ven đô như một giải pháp tối ưu để hạn chế những tiêu cực của quá trình đô thị hóa, nhằm xây dựng các đô thị phát triển xanh và bền vững.” – GS. Đỗ Hậu chia sẻ.
Nông nghiệp đô thị sinh thái là một nền nông nghiệp sinh thái trong thành phố, thị trấn hoặc các khu đô thị. Đây là nền nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, phát triển dịch vụ nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của con người cả về vật chất lẫn tinh thần trên cơ sở áp dụng các phương pháp sản xuất khoa học, các mô hình sử dụng và tái tạo nguồn lực nhằm đạt tới sự phát triển bền vững môi trường sinh thái trong các khu đô thị.
Những năm gần đây, nước ta đã có những nghiên cứu về phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị sinh thái, tuy nhiên nền nông nghiệp đô thị sinh thái vẫn chưa được định hình rõ nét và chưa có kế hoạch đầu tư cho phát triển.
Những lợi ích không thể phủ nhận
Nông nghiệp đô thị và ven đô có những lợi ích không thể phủ nhận. Nói về vai trò của nông nghiệp đô thị, TS. Trần Trọng Phương, Phó Trưởng Khoa Quản lý Đất đai, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, nông nghiệp đô thị ven đô là nền nông nghiệp không chỉ cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông sản thông thường, mà còn cả những nông sản cao cấp và những sản phẩm đáp ứng nhu cầu về tinh thần của người dân đô thị như: Cải thiện môi trường sống, điều hòa khí hậu, làm đẹp cảnh quan…Những sản phẩm này ngày càng được coi trọng hơn trong quá trình đô thị hóa khi mà dân trí và điều kiện vật chất của người dân ngày càng được nâng cao.
Nông nghiệp ven đô, ngoài việc cung cấp lương thực, thực phẩm còn có cả tác động làm giảm tiêu cực của quá trình đô thị hóa cho khu vực vùng ven đô hữu ích đến môi trường nhờ tác động cải thiện vi khí hậu, bảo tồn và làm giàu tính đa dạng sinh học, giá trị cảnh quan, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên…
Ngoài ra, nông nghiệp đô thị còn tạo ra một môi trường cảnh quan đẹp, tạo cảm giác cho dân thành phố, các khoảng không gian xanh, giúp giảm chi phí cho các công viên trong thành phố, tránh lãng phí đất.
Đánh giá về tình hình của Hà Nội, GS. Đỗ Hậu khẳng định: “Nông nghiệp ven đô Hà Nội không những có vai trò vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của thành phố mà nó còn là hình mẫu cho phát triển nông nghiệp ven đô trong cả nước. Vì vậy đầu tư phát triển nông nghiệp ven đô theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái trong quá trình đô thị hóa trong giai đoạn tới là một trong những trọng tâm, chiến lược phát triển nông nghiệp của thành phố đóng góp phần xây dựng vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội.”
Do đó phát triển nông nghiệp đô thị ven đô bền vững là xu hựớng tất yếu của nông nghiệp tương lai. Vì vậy phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái ven đô Hà Nội là góp phần tích cực vào quá trình phát triển thành phố văn minh, hiện đại và bền vững.
Các quy hoạch và kế hoạch phát triển ở Hà Nội thời gian vừa qua như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội các huyện, quy hoạch phát triển nông nghiệp Hà Nội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở các huyện vùng ven đô đến năm 2020 đã những nội dung và tiêu chí cơ bản của phát triển nông nghiệp Hà Nội theo hướng nông nghiệp đô thị, giá trị cao, kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, các nội dung đó về cơ bản mới chỉ có tính chất thí điểm ở những vùng nông nghiệp chuyên canh đặc thù, chưa được phát triển trên diện rộng. Vì vậy, nông nghiệp ven đô chưa được rõ nét, làm giảm vai trò của những vành đai xanh.
Lam Anh