Số lượng còn khá khiêm tốn
Theo những thông tin thu thập được gần đây, Việt Nam hiện đang có khoảng hơn 100 công trình đăng ký công trình xanh.
Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu so sánh nhận thức về sự cần thiết của việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh trong xây dựng thì Việt Nam hiện đang đứng trên một số nước trong khu vực như Philippines, Campuchia, Lào và Myanmar, nhưng vẫn đứng sau với khoảng cách khá xa so với các nước còn lại trong khu vực.
Nếu cộng tổng các công trình xanh tại 5 nước là Việt Nam, Phillipines, Campuchia, Myammar và Lào thì mới chỉ có khoảng hơn 300 công trình xanh. Và đương nhiên, con số này là rất khiêm tốn so với các nước phát triển trong khu vực, chẳng hạn Singapore hiện có khoảng 3.000 công trình xanh.
Ông Trần Khánh Trung, Giám đốc Công ty Kiến trúc TTT cho rằng, nguyên nhân dẫn tới hiện trạng trên một phần là do hiệu quả đầu tư cho công trình xanh rất khó đo đếm trong ngắn hạn.
Phân tích thêm về vấn đề này, ông Trung cho biết, nếu là dự án riêng của cá nhân thì rất dễ tính, vì chỉ cần đầu tư 1 lần vào các thiết bị xanh và nhận được lợi ích từ đó như giảm thiểu chi phí tiêu thụ năng lượng. Nhưng nếu đầu tư vào công trình xanh để bán như chung cư thì bài toán hiệu quả lại rất phức tạp. Bởi vì rất khó tính được việc thu hồi vốn trong vấn đề năng lượng mà các cư dân sống trong tòa nhà đó mới là người hưởng lợi.
“Vấn đề lúc này là marketing, các đơn vị đầu tư sẽ phải thuyết phục người mua rằng, nếu mua căn hộ ở đây thì sẽ tiết kiệm được chi phí điện nước… trong lâu dài. Tuy nhiên, ở Việt Nam điều này rất khó vì thị trường ở Việt Nam chưa có độ phân hóa mạnh”, vị chuyên gia này nhận định.
Cần gì để phát triển?
Câu hỏi được đặt ra lúc này là làm gì, làm như thế nào để phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Tại buổi hội thảo “Kiến trúc xanh Việt Nam - Biến ý tưởng thành hành động”, nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện triển lãm BEX Asia 2017, ông Mark Ng, Giám đốc kinh doanh EBM-Papst Đông Nam Á cho biết, vấn đề lớn nhất hiện tại vẫn là ý thức của khách hàng. Và để nâng cao nhận thức của khách hàng thì cần có sự phối hợp của nhiều bên.
Đơn cử, về phía Chính phủ cần có các chính sách, hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng công trình xanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân phải có xu hướng cầu thị, quyết liệt và dám làm dám chịu.
“Ngoài ra, chúng ta cũng phải xác định là việc thay đổi nhận thức sẽ cần rất nhiều thời gian. Ở Singapore, công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức đã được thực hiện từ cả chục năm nay và mới chỉ đầu năm nay là chúng tôi thấy có những kết quả rõ rệt. Chính vì vậy, Việt Nam càng sớm bắt tay vào việc tuyên truyền nhận thức lúc nào thì sẽ sớm nhận được thành quả tốt đẹp tương ứng”, ông Mark Ng chia sẻ.
Trong khi đó, với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, bà Low Yong Lee, Tổng Giám đốc G-Energy Global (Singapore) cho biết, trong trường hợp sự hỗ trợ từ Chính phủ vẫn còn khiêm tốn thì chúng ta nên bắt đầu từ việc ứng dụng các chứng nhận quốc tế về công trình xanh như LEED hoặc Green Mark.
“Những chứng nhận này đi kèm với những bộ tiêu chuẩn, tiêu chí về công trình xanh cụ thể mà chúng ta có thể áp dụng. Nó sẽ giúp chúng ta tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức, so với việc bắt đầu xây dựng một bộ tiêu chuẩn dành riêng cho Việt Nam. Ngoài ra, các chứng nhận quốc tế cũng dễ được các doanh nghiệp và khách hàng đón nhận hơn”, bà Low Yong Lee nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho biết, ngoài việc ứng dụng các chứng nhận quốc tế về công trình xanh thì việc thay đổi để phù hợp với các điều kiện Việt Nam cũng rất quan trọng. “Ví dụ như về mặt khí hậu, Việt Nam là một nước nhiệt đới, trong khi các chứng chỉ xanh quốc tế như bộ tiêu chuẩn LEED hoặc Green Mark được thiết kế dựa trên các yếu tố khí hậu của châu Âu và Mỹ. Vì vậy, chúng ta nên cân nhắc điều này khi điều chỉnh các tiêu chí về công trình xanh, vì thực chất mọi thiết kế và công trình xây dựng đều cần đặt yếu tố con người lên trước tiên”.
Đứng về phía doanh nghiệp trong nước đang triển khai công trình xanh, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty Phúc Khang kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải sớm ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư công trình “xanh”, xây dựng chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư về thuế, thủ tục hành chính, hệ số quy hoạch…
Thêm nữa, cần sự thấu hiểu và đồng hành của các đơn vị truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công trình xanh, bảo vệ môi trường và chú trọng phát triển bền vững cho thế hệ tương lai.
Theo Việt Dũng/ Báo Đầu tư Bất động sản