Xu hướng phát triển tất yếu

CTX đã bắt đầu vào thị trường xây dựng Việt Nam từ năm 2007 và nhận được sự ủng hộ của cả Chính phủ và khu vực tư nhân. Tại Việt Nam, một trong những lý do CTX được quan tâm bởi Việt Nam là một trong những nước nằm trong danh sách đứng đầu về mức độ chịu rủi ro lớn nhất của biến đổi khí hậu trong 30 năm tới. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), nếu mực nước biển dâng lên 1m thì Việt Nam sẽ mất 12% diện tích đất sử dụng - nơi cư trú của 23% dân số.

Bên cạnh đó, trong 10 năm trở lại đây, tăng trưởng xây dựng bình quân của Việt Nam đạt 12% và tốc độ đô thị hóa là 3,4%/năm, dự kiến đạt ngưỡng 50% vào năm 2025. Cũng trong thời gian này, mức năng lượng tiêu thụ đã tăng với tốc độ nhanh hơn tăng GDP, bình quân 13%/năm. Các công trình xây dựng tại Việt Nam đang sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trung bình 33% điện và góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính, chiếm 1/3 tổng lượng phát thải CO2, tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Dự án Flora Fuji (quận 9) thiết kế tiết kiệm năng lượng, nước Ảnh: Huy Anh

Dự án Flora Fuji (quận 9) thiết kế tiết kiệm năng lượng, nước Ảnh: Huy Anh

Ông Mogens Bjorn Nielsen, Giám đốc Kỹ thuật và môi trường thành phố Aarhus (Đan Mạch), cho rằng trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, trào lưu CTX tại các nước phát triển lan sang các nước đang phát triển như Việt Nam được xem như mô hình lý tưởng. Những mấu chốt của việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh, thành phố bền vững là vấn đề quy hoạch.

Quy hoạch phải đảm bảo tính bền vững về mặt sinh thái, xã hội và kinh tế. Các vấn đề cần được đặc biệt xem trọng là việc khai thác và sử dụng nguồn nước, phát triển nguồn năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng, cũng như các quy hoạch giao thông phải đồng bộ.

Trong đó, việc phát triển các CTX là xu hướng tất yếu vì không chỉ tiết kiệm được năng lượng mà còn tiết kiệm tài nguyên nước, sử dụng vật liệu bền vững, giảm xả khí thải và ô nhiễm, cải thiện tiện nghi người sử dụng. Cũng theo ông Mogens Bjorn Nielsen, để phát triển CTX, chúng ta cần xây dựng chiến lược tổng thể để các sản phẩm xanh được triển khai bao trùm trên cả đô thị, công trình kiến trúc, vật liệu và các sản phẩm xây dựng. Những sản phẩm của CTX là một quá trình khép kín. Giảm thiểu những đầu vào của đô thị và kiến trúc (những vật liệu thô), giảm thiểu đầu ra của đô thị và kiến trúc (ô nhiễm, rác thải, nước thải.)

Còn nhiều rào cản

Theo nhiều chủ đầu tư, một trong những thách thức lớn nhất đối với việc phát triển CTX ở Việt Nam là chi phí, bởi giá xây dựng CTX cao hơn 10% - 30% so với công trình thông thường. Mặt khác, thời gian qua, hiện tượng các công trình tự gắn mác “xanh” nhằm mục đích quảng cáo ngày càng nhiều, nhưng lại không có những đóng góp thực chất cho môi trường và xã hội. Vì thế rất cần bộ công cụ đánh giá khoa học dựa trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm quốc tế có chọn lọc sẽ giúp chấm dứt tình trạng này và giúp các kiến trúc “xanh” sẽ có những đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển chung của kinh tế - xã hội Việt Nam. 

Cho đến thời điểm này vẫn chưa có chính sách khuyến khích đầu tư CTX một cách cụ thể. Các bộ, ngành chức năng cũng chưa hoàn thiện những tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng tương xứng với tiêu chí xanh. Phát triển CTX là hoạt động quan trọng nhằm thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh mà Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành.

Tuy nhiên, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm như thị trường vật liệu và công nghệ cho CTX còn hạn chế; công tác công nhận CTX còn rất khiêm tốn. Các công cụ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về CTX, tiết kiệm năng lượng vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu, chưa được triển khai trên diện rộng; các chính sách ưu tiên, ưu đãi chưa đa dạng để thu hút sự quan tâm của chủ đầu tư. 

Về việc này, ông Trần Khánh Trung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc xanh TP.HCM, cho biết khó khăn lớn nhất trong phát triển CTX đó là nhận thức của cộng đồng về môi trường còn rất thấp; chưa đẩy mạnh xây dựng các hệ thống hạ tầng để phục vụ cho sự phát triển CTX; chậm trong việc xây dựng quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QCXDVN-09); chưa đồng bộ trong thúc đẩy phát triển CTX.

Để phát triển CTX hướng đến một đô thị thông minh, bền vững, Chính phủ cần có những hỗ trợ, khuyến khích tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia. Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, cho rằng các quy định pháp luật cho việc phát triển CTX đã được ban hành và đang áp dụng để quản lý, kiểm soát. Tuy nhiên, các kết quả mang lại vẫn còn khiêm tốn do còn hạn chế về kinh nghiệm, ý tưởng và nhiều nguyên nhân khác.

Là một quốc gia tham gia Nghị định thư Kyoto 1997, cũng như thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng sống của đô thị, chính quyền TP.HCM luôn kiên trì theo đuổi các mục tiêu phát triển đô thị bền vững. Cụ thể, trong quy hoạch sử dụng đất, duy trì sự cân bằng giữa khu vực xây dựng và không gian mở; về xây dựng các tòa nhà trong đô thị và khu công nghiệp. Thành phố luôn khuyến khích và tạo các điều kiện thuận lợi cho các dự án sử dụng thiết kế thân thiện với môi trường đạt các tiêu chí về CTX.

Với vai trò là cơ quan quản lý về kiến trúc, quy hoạch trên địa bàn TP, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM luôn quan tâm đến việc phát triển CTX. TP cũng cam kết sẽ đồng hành với sự phát triển bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng sáng tạo, ý tưởng tâm huyết cho TP.HCM phát triển xanh, bền vững.

Theo Minh Hải/ Báo Sài Gòn Giải phóng

Bạn đang đọc bài viết Phát triển công trình xanh hướng đến đô thị bền vững tại chuyên mục Nghiên cứu - Tham khảo của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn