Để làm được điều đó, chính phủ của quốc đảo này luôn chú trọng đến việc phát triển Công trình Xanh (CTX) và cắt giảm năng lượng, nước cùng một số biện pháp khác.

Nhấn mạnh vai trò của Nhà nước

Ngay từ năm 2006, Chương trình tổng thể CTX lần thứ nhất của Singapore đã được công bố với 4 nội dung:

  • Thúc đẩy lĩnh vực tư nhân thực hiện CTX, cung cấp gói 20 triệu SGD (đô la Singapore) để khuyến khích các chủ đầu tư tư nhân cải tạo xanh các công trình;
  • Luật hóa tính bền vững môi trường cho các công trình;
  • Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển trong bền vững môi trường;
  • Nâng cao nhận thức: đào tạo và cấp chứng chỉ tư vấn CTX cho các chuyên gia.
Singapore đi đầu trong lĩnh vực công trình xanh của Châu Á

Singapore đi đầu trong lĩnh vực công trình xanh của Châu Á

Sau đó, năm 2009, Chương trình tổng thể CTX lần thứ hai cũng ra đời nhằm đạt được môi trường xây dựng bền vững trong 20 năm tới (đến năm 2030) với các nội dung chính có sự phát triển hơn so với chương trình của 3 năm trước.

  • Lĩnh vực nhà nước phải đảm nhận vai trò dẫn đầu: Các công trình công cộng mới đạt chứng chỉ GM Bạch kim, Các công trình công cộng hiện hữu đạt GM Goldplus;
  • Thúc đẩy lĩnh vực tư nhân: chi 100 triệu SGD cho chủ đầu tư cải tạo xanh;
  • Thúc đẩy phát triển công nghệ xanh;
  • Đào tạo chuyên gia: Chương trình cho người thực hiện (CEO, lãnh đạo, Giảng viên) ở cấc cấp độ. Cấp độ bán chuyên nghiệp và Cấp độ giám sát với các chứng chỉ khác nhau. 
  • Tổ chức khóa đào tạo cán bộ cao cấp châu Á Thái Bình Dương.
  • Chỉ dẫn xây dựng bền vững ở Singapore;
  • Nâng cao tính nghề nghiệp và kiến thức trong Phát triển bền vững
Khu vườn

Khu vườn "Garden by the Bay" - công trình xanh nổi tiếng của Singapore

Mới đây nhất, đầu năm 2014, Chương trình tổng thể CTX lần thứ ba của Singapore cũng đã được công bố. Chương trình mới này đa phần vẫn giữ vững mục tiêu của chương trình trước và tăng thêm nguồn vốn hỗ trợ đầu tư vào CTX. Đồng thời, vai trò đi đầu của các CTX trong lĩnh vực nhà nước được nhấn mạnh và làm rõ hơn.

Hỗ trợ dự án tư nhân

Đặc biệt, để phát triển nền công nghiệp thân thiện môi trường để phát triển kinh tế và giữ mãi hình hành đẹp của một "thành phố xanh” như mục tiêu đã định ở trên, 35 quỹ tài trợ và các chương trình khuyến khích đối với các dự án xây dựng CTX và công nghệ hiện đại để phục vụ CTX, phương tiện giao thông “xanh” liên tiếp ra đời.

Cụ thể, có tới 10 quỹ và chương trình khuyến khích kiến trúc xanh và CTX và 21 quỹ, chương trình hỗ trợ cho việc phát triển và cung cấp năng lượng sạch, tái tạo; cắt giảm nước, năng lượng tiêu thụ; xử lý nước thải... được thành lập. Các quỹ, chương trình này phục vụ cho tất cả các dự án CTX, không phân biệt thuộc lĩnh vực tư nhân hay công cộng. Trong đó, có thể kể đến một số chương trình và quỹ nổi bật với số vốn hỗ trợ “khủng” như:

Chương trình tài trợ cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong các công trình xanh (BREEF) được thành lập bởi BCA (Building & Construction Authority – tổ chức chính phủ có trách nhiệm điều hành chương trình CTX và cấp chứng chỉ CTX ở Singapore) và Tổ chức Tài chính (Fis).

Quỹ này cung cấp một khoản vay tín dụng cho những dự án “lột xác” các công trình có sẵn để biến chúng thành CTX với số tiền vay tối đa lên tới 5 triệu SGD (đô la Singapore). Lãi suất khoản vay sẽ do Fis quyết định, thời hạn vay có thể kéo dài đến 8 năm.

Một dự án công trình xanh được hỗ trợ vốn ở Singapore

Một dự án công trình xanh được hỗ trợ vốn ở Singapore

Chương trình khuyến khích đạt xanh cho công trình có sẵn (GMIS-EB) có giá trị lên đến 100 triệu USD được thành lập bởi BCA để khuyến khích những nhà đầu tư và người sở hữu công trình đã được xây dựng “nâng cấp” khả năng sử dụng năng lượng hiệu quả của công trình. Theo đó, nhà đầu tư và người sở hữu công trình sẽ được BCA cung cấp một chương trình “khám sức khỏe” cho công trình miễn phí. Đồng thời, tổ chức này cũng sẽ hỗ trợ không hoàn lại 50% chi phí xây dựng và bảo trì công trình.

Quỹ Nghiên cứu Công trình thân thiện môi trường của Bộ Phát triển Quốc gia có nguồn vốn 50 triệu USD được tài trợ từ bộ và chịu sự quản lý của BCA. Quỹ này sẽ chi trả khoảng 30 – 75% chi phí xây dựng đối với các dự án được BCA kiểm tra là đủ điều kiện hỗ trợ, số tiền trên có thể lên tới 2 triệu USD.

Nhờ đó, các nhà đầu tư và người sở hữu công trình có sẵn giảm bớt được gánh nặng về chi phí chuyển đổi công trình thường thành CTX. Vì vậy, tiến trình phát triển CTX, kiến trúc xanh của Singapore diễn ra ngày càng nhanh và mạnh.

Phan Minh (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Singapore trở thành "đầu tàu" kiến trúc xanh của Châu Á như thế nào? tại chuyên mục Nghiên cứu - Tham khảo của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn