Ngày 26/5 tới đây, Hiệp hội BĐS Việt Nam dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học – Công nghệ, Ủy ban Khoa học – Công nghệ Quốc hội sẽ tổ chức Hội thảo khởi động "Chương trình phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam". Trước thềm Hội thảo, để cung cấp cho độc giả những góc nhìn khách quan, cụ thể hơn về tình hình Phát triển Công trình Xanh ở Việt Nam hiện nay, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam.
PV: Ông có thể đánh giá về số lượng, chất lượng và triển vọng Công trình Xanh ở Việt Nam trong thời điểm hiện nay?
TS. Trần Ngọc Quang: Việc phát triển Công trình Xanh là xu hướng của thế giới, đã phát triển cách đây từ rất nhiều năm. Hiện nay, chất lượng Công trình Xanh đã được nâng lên một bậc, tiến tới các Công trình Xanh có chỉ tiêu về tiết kiệm năng lượng hiệu quả, hướng tới mục tiêu đạt được mức cân bằng về năng lượng Net Zero Energy Buildings – nghĩa là công trình sử dụng năng lượng hiệu quả và tạo ra năng lượng tại chỗ đủ để cân bằng với nhu cầu năng lượng tiêu thụ hàng năm.
Ở Việt Nam hiện nay mới đang thúc đẩy phát triển Công trình Xanh nhưng tốc độ còn chậm, thể hiện ở số lượng Công trình Xanh hiện chỉ khoảng trên dưới 100 công trình được chứng nhận của các tổ chức quốc tế, con số này quá ít ỏi so với hàng vạn công trình ở Việt Nam, đặc biệt là so với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao ở nước ta hiện nay.
Hệ thống chính sách hỗ trợ việc phát triển Công trình Xanh mặc dù đã có nhưng quá trình chuyển tải hệ thống chính sách về phát triển Công trình Xanh đến các chủ đầu tư, người dân chưa mang lại hiệu quả. Do đó, nhận thức của xã hội đối với vấn đề này chưa cao. Trong khi đó, phát triển Công trình Xanh không chỉ là quy luật tất yếu khách quan mà còn là đòi hỏi mang tính cấp bách của xã hội đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
PV: Theo ông, trách nhiệm của người dân và chủ đầu tư với môi trường, với sự phát triển bền vững hướng tới thụ hưởng cuộc sống xanh là gì?
TS. Trần Ngọc Quang: Để phát triển Công trình Xanh mà tiết kiệm năng lượng hiệu quả, thì đối tượng quan trọng cần hiểu và nâng cao nhận thức trước hết chính là người dân và chủ đầu tư.
Đối với chủ đầu tư, nếu việc quan tâm phát triển Công trình Xanh tiết kiệm năng lượng hiệu quả không được quan tâm ngay từ đầu một cách bài bản thì chi phí sẽ bị tăng lên rất nhiều. Như vậy khả năng để đầu tư Công trình Xanh là không có hoặc đầu tư theo kiểu nửa chừng. Cho nên, phải làm sao để tăng nhận thức của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, có một động lực rất quan trọng, vừa là sức ép buộc chủ đầu tư phải tăng cường phát triển Công trình Xanh đó là người tiêu dùng.
Hiện nay, người tiêu dùng chưa để ý đến việc liệu nên ở trong một căn nhà xanh mà tiết kiệm năng lượng hay nên ở trong một căn nhà bình thường với mức giá hợp lý. Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao để người dân hiểu được, chi phí thường xuyên mà họ bỏ ra để duy trì năng lượng cho một ngôi nhà bình thường là rất lớn và kéo dài nhiều năm. Trong khi nếu ở trong một ngôi nhà tiết kiệm năng lượng thì người dân sẽ tiết kiệm được một nguồn chi phí khá lớn.
Chính bởi nhận thức của người dân về Công trình Xanh còn chưa cao, nên chưa trở thành nhu cầu của người mua và của xã hội. Khi nào việc phát triển Công trình Xanh trở thành nhu cầu thực sự và là đòi hỏi của người dân, được biến thành tiêu chí cụ thể khi mua hàng, lúc đó sẽ trở thành sức ép buộc chủ đầu tư phải quan tâm đến việc phát triển Công trình Xanh.
Nhận thức của người dân là vô cùng quan trọng, thúc đẩy các chủ đầu tư buộc phải nghĩ ra sản phẩm đáp ứng được đòi hỏi của người tiêu dùng.
PV: Hiện các Công trình Xanh ở Việt Nam chiếm số lượng không nhiều. Vậy đâu là khó khăn gây trở ngại cho việc phát triển Công trình Xanh, thưa ông?
TS. Trần Ngọc Quang: Theo tôi, Nhà nước phải đưa ra khái niệm, tiêu chí cụ thể về Công trình Xanh, và tuyên truyền rộng rãi đến người dân. Khi các tiêu chí được chuẩn hóa, khách hàng mới có cơ sở để đòi hỏi chủ đầu tư phải đáp ứng đúng yêu cầu về Công trình Xanh.
Hiện nay, Việt Nam chưa có chính sách để thúc đẩy phát triển Công trình Xanh. Nếu các chủ đầu tư biết quan tâm phát triển Công trình Xanh ngay từ đầu thì chủ đầu tư chỉ tốn chi phí rất ít từ 1 – 2%, tối đa là 5%. Song nếu chủ đầu tư quan tâm giữa chừng thì chi phí đó có thể lớn hơn con số đó gấp nhiều lần. Cho nên, một khi Nhà nước không có chính sách mang tính khuyến khích và bắt buộc các chủ đầu tư phát triển Công trình Xanh thì tốc độ phát triển Công trình Xanh sẽ chậm lại.
Bên cạnh đó, trước đây, sự vào cuộc của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng đối với vấn đề phát triển Công trình Xanh chưa cao, nên chưa tạo thành phong trào. Chính vì nhận thức được vấn đề này, Hiệp hội BĐS Việt Nam dưới sự cho phép của Bộ Xây dựng, đã chủ trì Chương trình phát triển Công trình Xanh ở Việt Nam, với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng, cung cấp kiến thức cho các chủ đầu tư, tham mưu cho Nhà nước về cơ chế chính sách để phát triển Công trình Xanh; vinh danh đơn vị, tổ chức, cá nhân có đóng góp công sức, có các sản phẩm Công trình Xanh ở Việt Nam. Thông qua những hoạt động đó, góp phần thúc đầy tốc độ phát triển Công trình Xanh ở Việt Nam sẽ nhanh hơn, rộng rãi hơn và mang tính chủ động hơn.
PV: Có ý kiến cho rằng, các chủ đầu tư đang "đơn phương độc mã" trong việc xây dựng, phát triển Công trình Xanh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. Trần Ngọc Quang: Trước đây, đúng là các chủ đầu tư có phần “cô đơn” trong việc phát triển Công trình Xanh, dù Nhà nước đã có chủ trương nhưng chủ trương đó bị bỏ lửng, không tuyên tuyền rộng rãi cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay, các chủ đầu tư không hề “đơn phương độc mã”, bởi đã có sự tham gia của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, của cộng đồng, và có sự quan tâm của Nhà nước. Thời gian tới, Hiệp hội BĐS Việt Nam mong rằng, Nhà nước sẽ có sự ủng hộ một cách cụ thể và hữu ích hơn nữa, bằng những quy định rõ ràng, tạo nên sức ép về mặt pháp luật đồng thời phải có cơ chế khuyến khích động viên, ví dụ như Công trình Xanh đạt tiêu chuẩn ở mức nào thì được giảm thuế hoặc được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng theo cơ chế nào đó để khuyến khíc các chủ đầu tư đẩy mạnh việc phát triển Công trình Xanh một cách hiệu quả, rộng rãi.
PV: Vào ngày 26/5 tới, Hiệp hội BĐS Việt Nam dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội, cùng với sự tham gia tiên phong của Capital House sẽ tổ chức Hội thảo khởi động "Chương trình phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam". Xin ông cho biết, những nội dung trọng tâm của Hội thảo này là gì? Tiếp sau Hội thảo, Hiệp hội BĐS Việt Nam sẽ có những hoạt động gì để đẩy mạnh kế hoạch hoạt động 5 năm (2017 - 2022) cho Chương trình Phát triển Xanh và Bền vững?
TS. Trần Ngọc Quang: Hội thảo này sẽ tạo động lực ban đầu để thúc đẩy chương trình phát triển Công trình Xanh ở Việt Nam theo hướng tăng cường nhận thức cho cộng đồng, qua đó thúc đẩy các đối tượng tham gia mạnh mẽ hơn. Đồng thời tham mưu cho cơ quan quản lý Nhà nước có chính sách khuyến khích các chủ đầu tư quan tâm một cách tích cực hơn đến việc phát triển Công trình Xanh trong bối cảnh hiện nay.
Thực hiện công tác đào tạo cho cộng đồng đặc biệt là những người trong lĩnh vực xây dựng để đẩy mạnh phát triển Công trình Xanh cho doanh nghiệp, tổ chức của họ. Vinh danh tổ chức, cá nhân có đóng góp, vinh danh doanh nghiệp có sản phẩm đạt Công trình Xanh.
Thông qua Hội thảo và các sự kiện trong khuôn khổ Chương trình Phát triển Xanh và Bền vững, Hiệp hội BĐS Việt Nam có thể là đầu mối tư vấn cho các doanh nghiệp trong việc định hướng phát triển Công trình Xanh như thế nào là hợp lý và hiệu quả. Chỉ ra cho doanh nghiệp, tổ chức hệ thống chứng chỉ Công trình Xanh phù hợp với xu hướng cũng như dòng sản phẩm mà doanh nghiệp, tổ chức đó theo đuổi, giới thiệu chuyên gia đào tạo, hướng dẫn.
Hiệp hội BĐS Việt Nam kỳ vọng, với sự chủ trì của Hiệp hôi và được sự ủng hộ của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như sự đồng lòng của các doanh nghiệp hội viên, chắc chắn trong thời gian tới việc phát triển Công trình Xanh đặc biệt trong lĩnh vực BĐS sẽ có bước cải thiện mạnh mẽ, mang lại lợi ích cho người dân không chỉ trong việc tiết kiệm sử dụng năng lượng mà còn là lợi ích lâu dài, hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước
Sau hội thảo này, Hiệp hội BĐS Việt Nam sẽncùng cộng đồng các doanh nghiệp BĐS triển khai một loạt khóa đào tạo miễn phí cho các hội viên, các đối tượng quan tâm về phát triển Công trình Xanh, đây là những khóa đào tạo rất giá trị, do Tổ chức tài chính quốc tế IFC phối hợp tổ chức.
Bằng những hoạt động truyền thông, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa những thông điệp để tăng cường nhận thức cho cộng đồng, đồng thời thu hút doanh nghiệp hội viên có những công trình để tham gia vào chương trình phát triển Công trình Xanh của Hiệp hội.
Đồng thời, Hiệp hội BĐS Việt Nam sẽ cùng với đội ngũ chuyên gia, doanh nghiệp phát triển Công trình Xanh xem xét những tồn tại trong hệ thống chính sách về phát triển Công trình Xanh hiện nay, nếu có điểm nào chưa phù hợp, Hiệp hội sẽ kiến nghị với cơ quan nhà nước, làm sao thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào phát triển Công trình Xanh.
Hàng năm, sẽ có chương trình vinh danh các doanh nghiệp có Công trình Xanh để ghi nhận những đóng góp của các doanh nghiệp đó cho sự phát triển bền vững Công trình Xanh của đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nhật Bình (thực hiện)