Cách đây 4 năm, thảm họa sập tòa nhà Rana Plaza cao 8 tầng, nơi chứa 5 xưởng dệt may ở thị trấn Savar nằm cạnh vùng ngoại ô thủ đô Dhaka của Bangladesh khiến cả ngàn người thiệt mạng đã trở thành nỗi ám ảnh của thế giới.

5 xưởng may này chính là nơi cung cấp quần áo cho các nhà bán lẻ nổi tiếng ở phương Tây. Tuy nhiên, vì chủ sở hữu và chủ thầu tòa nhà sử dụng nguyên vật liệu rẻ tiền, vi phạm thiết kế xây dựng đã dẫn tới hậu quả này. Sau thảm họa, chủ nhà máy đã trở thành nhân vật bị cả nước ghét bỏ.

Thảm họa đau lòng này là một hồi chuông cảnh tỉnh ngành công nghiệp về việc xây dựng những nhà máy, môi trường làm việc bền vững cho công nhân. Chính vì vậy, nhiều thương hiệu lớn của thế giới khi đặt nhà máy ở Việt Nam cũng đã chú trọng xây dựng nhà máy xanh.

Tại Hội thảo “Công trình Công nghiệp Xanh – Kinh nghiệm thực tiễn, khó khăn và cơ hội” tổ chức ngày 08/12/2017, ThS.KTS. Vũ Hồng Phong – chuyên gia Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam khẳng định: Các doanh nghiệp Việt Nam cần làm Công trình Xanh để hội nhập và cạnh tranh. Các hãng lớn trên thế giới luôn yêu cầu sự bền vững trong những đơn hàng với Việt Nam. Chúng ta muốn có hợp đồng thì không thể bỏ qua tiêu chí phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, từ năm 2007, khái niệm Công trình Xanh vào thị trường nước ta khi một số nhà máy của Mỹ đầu tư sử dụng tiêu chuẩn hệ thống LEED. Những động lực chính để các công trình đi theo xu hướng xây dựng Xanh và Bền vững đến từ các “Chương trình Trách nhiệm Xã Hội” của các tập đoàn lớn, hoặc nằm trong các chiến lược quảng bá hình ảnh sản phẩm và thương hiệu, cũng như mục đích để giảm thiểu chi phí vận hành như: Tập đoàn Big C Việt Nam, Công ty Taekwang Vina, Tập đoàn Intel, Coca-Cola Việt Nam, Tập đoàn Pou Chen.

Phần lớn những chủ đầu tư/sở hữu Công trình Xanh đều là các tập đoàn/công ty quốc tế hoặc đa quốc gia, với sự nhìn nhận đúng đắn và rõ ràng về lợi ích của Công trình Xanh.

Nhà máy sản xuất Cocacola tại Thủ Đức, TP.HCM.

Nhà máy sản xuất Cocacola tại Thủ Đức, TP.HCM.

Gần đây xu hướng về xây dựng Công trình Xanh đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, đặc biệt trong xây dựng công nghiệp. Nhận thức được những lợi thế về phát triển bền vững từ việc xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn xanh, rất nhiều nhà đầu tư đã muốn xây dựng ý tưởng này từ khi bắt đầu có kế hoạch đầu tư nhà máy.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp xây dựng Việt Nam (bao gồm đơn vị tư vấn thiết kế, các nhà thầu, các đơn vị cung ứng vật tư) đã đáp ứng được yêu cầu về xây dựng Công trình Xanh? Những doanh nghiệp này đang gặp những khó khăn gì khi tiếp cận và thực hiện những dự án hướng tới tiêu chuẩn xanh?

Cũng tại hội thảo, ThS.KTS. Tim Middleton – Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Đất Việt (Vilandco) đồng tình với quan điểm, để thúc đẩy việc xanh hóa các công trình công nghiệp tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành xây dựng không chỉ cần nâng cao nhận thức về những lợi ích mà Công trình Xanh mang lại, mà còn cần chủ động hơn trong việc tiếp cận trực tiếp với các nhà đầu tư ngay từ giai đoạn nhà đầu tư lập kế hoạch đầu tư. Đặc biệt là các đơn vị tư vấn và các nhà thầu cần tìm cách tăng cường khả năng tư vấn và thuyết phục chủ đầu tư áp dụng giải pháp xanh ngay từ khâu thiết kế.

Ông nguyễn Thành Long trả lời phỏng vấn bên lề hội thảo.

Tổng giám đốc Houselink Nguyễn Thành Long trả lời phỏng vấn bên lề hội thảo.

Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Houselink, đơn vị tư vấn về thị trường xây dựng chuyên nghiệp ở Việt Nam cho biết, các chủ đầu tư nên tiếp cận và kết nối với các nhà đầu tư để có các giải pháp làm Công trình Xanh hợp lý nhất. Đây là một lựa chọn thông minh trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu đúng, đủ, còn loay hoay với Công trình Xanh.

Lam Anh

Bạn đang đọc bài viết Từ thảm họa sập tòa nhà Rana đến nhu cầu bức thiết xanh hóa công trình công nghiệp tại chuyên mục Nghiên cứu - Tham khảo của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn