Một phần không thể thiếu trong kiến trúc truyền thống
 

Dọc từ Bắc vào Nam, trong mỗi phần kiến trúc truyền thống của làng quê Việt Nam, chất liệu thân thiện được ứng dụng nhiều nhất có thể kể đến những mái đình cổ kính, nếp ngói đỏ tươi, nhà tranh, nhà gỗ. Ngoài ra, còn những công trình vẫn đang tồn tại với thời gian phải kể đến các chất liệu đá, gạch… đều là những vật liệu bản địa dễ kiếm tìm trong đời sống hàng ngày.

Để có những công trình kiến trúc xưa, làng xóm láng giềng đều cùng nhau làm, cùng nhay xây dựng từ việc đào đất đắp nền, cưa những cây gỗ xoan, gỗ mít trong vườn để làm nhà, đan niếp, đan rạ để làm mái, những chất liệu này đều ấm về mùa đông, mát mùa hè mát, chống nồm ẩm.… Đối với những nhà có điều kiện hơn thì tường xây gạch, lợp mái đỏ tươi nên mát mẻ quanh năm.

Ở làng cổ đường lâm, cổng nhà được xây dựng theo lối xưa bằng đất đá, bã trấu, bùn để tạo chất kết dính.

Ở làng cổ đường lâm, cổng nhà được xây dựng theo lối xưa bằng đất đá, bã trấu, bùn để tạo chất kết dính.

Từ xưa, vật liệu xây cho mỗi mái nhà của người Việt Nam đều là vật liệu xanh, tạo không gian sống lành mạnh, có những nét cổ kính, đặc trưng mỗi vùng miền, theo năm tháng đã làm nên nét văn hóa của làng xóm. Minh chứng rõ nét nhất còn tồn tại đến nay là kiến trúc làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) với nhiều ngôi nhà, được xây bằng vật liệu thân thiện đá ong. Tương tự, những kiến trúc xây dựng bằng đá xưa kia giờ là những di tích lịch sử, địa điểm tham quan nổi tiếng như nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), thành cổ Quảng Trị…
 

Kiến trúc hiện đại ứng dụng nhiều vật liệu thân thiện mới

Trong bối cảnh ngành xây dựng phát triển nhanh như hiện nay cùng với xu thế toàn cầu hóa thì việc các vật liệu xây dựng mới được chế tạo, được nhập khẩu về ngày càng nhiều. Các loại vật liệu thân thiện được mở rộng, xuất hiện mới ngày càng nhiều để tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, gìn giữ môi trường. Theo đó, có thể nói vật liệu thân thiện đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển Công trình Xanh.

Gạch không nung, hay còn gọi là gạch sống là một trong những loại vật liệu xây dựng lâu đời nhất

Gạch không nung là một trong những loại vật liệu xây dựng lâu đời nhất

Theo ý kiến của các chuyên gia, nhóm vật liệu thân thiện đúng nghĩa được phân loại nguồn gốc và sử dụng theo những nhóm riêng. Cụ thể, những vật liệu có khả năng tái chế trong tự nhiên và phát triển nhanh gắn với khai thác và tái đầu tư như tre, gỗ… Nhóm vật liệu bản địa dễ chế tác, giúp tiết kiệm năng lượng và chi phí vận chuyển gồm: đất, đá, một số loại cây xanh. Nhóm các loại vật liệu giúp giảm tác hại tới môi trường, không ảnh hưởng đến việc khai thác thiên nhiên như gạch không nung, bê tông nhẹ… Bên cạnh đó, một nhóm các loại vật liệu tái chế khác như kim loại, thủy tinh,… là các loại vật liệu xanh được tận dụng từ rác thải nên chỉ hợp ứng dụng xây các công trình tạm không có yêu cầu cao về tính bền vững.

Hiện nay, để xây dựng công trình tòa nhà, biệt thự, khu nghỉ dưỡng… thì vật liệu xây dựng có thể chiếm phần lớn tổng giá thành của công trình. Như vậy, việc chọn lựa vật liệu xây dựng hợp lý trong bối cảnh nguồn vật liệu xây dựng tự nhiên, đang có nguy cơ cạn kiệt bởi khai thác quá mức là điều nhà đầu tư đang hướng tới. Cũng theo đó, giải pháp thay thế các vật liệu xây dựng cũ đó là hình thành các vật liệu mới góp phần giảm tác động đến tài nguyên và môi trường sống, có giá thành phù hợp nhưng tính năng và chất lượng không đổi, thậm chí nhiều sản phẩm còn mang nhiều tính ưu việt hơn sản phẩm truyền thống.

tre làm vật liệu trang trí từ lâu đã rất được ưa chuộng, và hiện nay, xu hướng sử dụng sàn nhà làm từ tre

Tre được ứng dụng làm vật liệu trang trí trong các công trình

Điển hình một số vật liệu thân thiện mới như: gạch nhẹ, gạch không nung từ phế thải công nghiệp (tro bay nhiệt điện, xỉ than…) thay thế cho gạch nung truyền thống. Bên cạnh đó còn có các loại gỗ nhân tạo được ép từ rơm rạ, trấu, vụn gỗ thay thế gỗ truyền thống có đặc điểm và tính năng không kém sản phẩm gỗ tự nhiên như chịu được nước, ít cong vênh… Ngoài ra, một loại vật liệu mới là thép lại có thể coi là thân thiện vì khả năng tái sử dụng, tái chế của nó.

Hiện nay, các chuyên gia kiến trúc khuyến khích việc áp dụng một số vật liệu xây dựng thân thiện vào các Công trình Xanh, trong đó có các vật liệu bản địa. như tre, nứa có thể trồng khai thác cũng như tái sinh. Những vật liệu này mang nét văn hóa vùng miền, thân thiện môi trường và giá thành không cao. Đặc biệt, nếu được xử lý qua công nghệ mới, vật liệu có thể kéo dài tuổi thọ tới 20 năm. Hiện nay, tre được ứng dụng nhiều trong các kiến trúc hiện đại với chức năng là vật liệu ốp tường, lát sàn, trang trí.

Hồng Vũ

Bạn đang đọc bài viết Vật liệu thân thiện nhìn từ quá khứ tới tương lai tại chuyên mục Nghiên cứu - Tham khảo của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn