"Vai trò của VNREA là không thể phủ nhận"

Ngày 15/11, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ lần thứ 5 nhiệm kỳ V (2022 - 2027) nhằm tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, kế hoạch hoạt động cho năm 2025.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển nhà Constrexim đánh giá cao vai trò của Hiệp hội trong việc đồng hành và đóng góp tích cực vào sự phát triển của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung. 

Ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển nhà Constrexim. Ảnh: Tùng Dương.

Ông Nguyễn Đức Cây đánh giá, Hiệp hội đã có một năm hoạt động "đều tay" và gặt hái được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là công tác thông tin tuyên truyền. Năm qua, Hiệp hội cũng đã mở rộng sức ảnh hưởng thông qua phối hợp hoạt động với các hiệp hội địa phương và hợp tác với các hiệp hội quốc tế trong lĩnh vực bất động sản. Đây là hoạt động tốt để VNREA có thể học hỏi kinh nghiệm và nâng cao vị thế, lan tỏa sức ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển nhà Constrexim nhấn mạnh về những kết quả đạt được của Hiệp hội trong công tác góp ý phản biện chính sách: "Tôi rất vui mừng khi tiếng nói của chúng ta đã đến được với các cơ quan lập pháp. Trong các văn bản pháp luật mới được thông qua, có sự xuất hiện rõ nét của ý kiến và vai trò từ phía Hiệp hội. Những đóng góp này đã giúp khắc phục phần nào tình trạng các dự án luật thiếu tính thực tiễn và phải sửa đổi liên tục".

Tại Hội nghị, TS. Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân cũng đánh giá cao vai trò của Hiệp hội trong việc đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản khi dành sự quan tâm đến lĩnh vực nhà ở xã hội, đồng thời tích cực tham gia góp ý, kiến nghị để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.

TS. Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản khóa V, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân. Ảnh: Tùng Dương.

"Thời gian vừa qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình sửa đổi các bộ luật quan trọng liên quan đến thị trường bất động sản, bao gồm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở. Các sửa đổi này đặc biệt nhấn mạnh đến những quy định mới liên quan đến nhà ở xã hội, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn để phát triển loại hình nhà ở này. Hiệp hội cũng đã và đang đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội", Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân nói.

Trong khi đó, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, vai trò của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là không thể phủ nhận trong sự phát triển của thị trường và xã hội, đặc biệt là trong việc kết nối và hỗ trợ các hội viên, thành viên. Sự hợp tác giữa các thành viên chính là yếu tố cốt lõi tạo nên sự lớn mạnh của một hiệp hội.

"Tôi mong rằng các doanh nghiệp và các chủ thể liên quan trong ngành bất động sản hãy hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển bền vững. Sự đoàn kết và tinh thần chia sẻ, hỗ trợ sẽ là nền tảng vững chắc giúp chúng ta tiến xa hơn, xây dựng một cộng đồng bất động sản ngày càng mạnh mẽ, gắn kết và phát triển bền vững", ông Thanh bày tỏ.

Cần thêm "tiếng nói" để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội

ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex. Ảnh: Tùng Dương.

Trao đổi thêm về một số vấn đề bất cập trong phát triển nhà ở xã hội hiện nay, ông Đào Ngọc Thanh cho biết, để phát triển được loại hình nhà ở này đòi hỏi cần có các chính sách ưu đãi một cách hợp lý. Tuy nhiên, trong thực tế, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hiện nay không đủ để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Nguồn tiền này khó được sử dụng để cho vay đầu tư bất động sản bởi có quá nhiều điều kiện ràng buộc.

"Đặc thù của nhà ở xã hội là được xây dựng trên đất do Nhà nước cấp, nên người dân không thể sử dụng nhà ở xã hội để thế chấp vay vốn từ ngân hàng. Do đó, người mua không có đủ tài chính để sở hữu nhà ở xã hội, còn chủ đầu tư cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, buộc phải sử dụng vốn từ các nguồn khác với lãi suất cao. Điều này khiến việc xây dựng và bán nhà ở xã hội với giá rẻ trở thành một thách thức lớn. Như vậy, thực tế đang phản ánh rằng chính sách hiện hành chưa thực sự hỗ trợ đủ để biến ước mơ này thành hiện thực", ông Đào Ngọc Thanh nói.

Còn theo TS. Trương Anh Tuấn, đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030 là một sáng kiến quan trọng, nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đồng lòng triển khai. Hiện nay, việc khởi công xây dựng các dự án nhà ở xã hội trên toàn quốc đang diễn ra sôi động.

  • TS. Nguyễn Văn Khôi: Hiệp hội Bất động sản Việt Nam xác định công tác góp ý hoàn thiện chính sách là nhiệm vụ trọng tâm nhất

  • Hội nghị Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (mở rộng) lần thứ 5 - nhiệm kỳ V (2022 - 2027)

Thời gian qua, Tập đoàn Hoàng Quân đã gửi nhiều văn bản đến Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền TP.HCM để tham vấn về chính sách phát triển nhà ở xã hội. 

Theo đó, lãnh đạo Tập đoàn cho rằng phát triển nhà ở xã hội cần phải bước sang giai đoạn 2.0, với những thay đổi mạnh mẽ về công nghệ và phương thức thi công. Hiện tại, Tập đoàn Hoàng Quân đã đăng ký với Chính phủ kế hoạch xây dựng 50.000 căn nhà ở xã hội, tương đương 50 dự án và chỉ còn khoảng 6 năm để thực hiện. Điều này đòi hỏi phải có một chiến lược phát triển nhanh chóng, với giải pháp công nghệ hiện đại để rút ngắn thời gian thi công, giúp các dự án được hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng tốt với giá rẻ hơn. Các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đã áp dụng thành công các công nghệ xây dựng tiên tiến, do đó ông Trương Anh Tuấn kỳ vọng Bộ Xây dựng, Hiệp hội và các doanh nghiệp sẽ hợp tác để tìm hiểu và áp dụng các công nghệ mới tại Việt Nam.

Về nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội, ông Tuấn nhấn mạnh rằng không thể chỉ dựa vào vay ngân hàng mà cần có các giải pháp huy động vốn từ quỹ đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng quốc tế và các quỹ từ thiện phục vụ an sinh xã hội. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn vốn rẻ và bền vững, từ đó giảm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.

Trên cơ sở đó, TS. Trương Anh Tuấn bày tỏ kỳ vọng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ đề ra phương hướng để tiếp tục hỗ trợ người dân và đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.

"Tôi nhận thấy vẫn còn những vấn đề cần được Hiệp hội quan tâm, đặc biệt là trong việc đóng góp ý kiến và đề xuất giải pháp để hoàn thiện các chính sách về vốn, cơ chế, đối tượng được mua nhà và áp dụng công nghệ trong xây dựng. Bên cạnh đó, tôi rất mong Hiệp hội tổ chức các hội thảo chuyên sâu để tạo ra diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, từ đó giải quyết vướng mắc và khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo chính sách được triển khai hiệu quả và phù hợp với thực tiễn", lãnh đạo Tập đoàn Hoàng Quân nói./.

Tùng Dương

Bạn đang đọc bài viết VNREA: Một năm hoạt động "đều tay" với nhiều kết quả tích cực tại chuyên mục VN Rea của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn