Tham dự buổi tổng kết có các lãnh đạo Hiệp hội: ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch VNREA; ông Nguyễn Văn Khôi, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực VNREA; ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam; ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Phó Chủ tịch VNREA; ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng; ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn CEO, Phó Chủ tịch VNREA; ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Tổng Thư ký VNREA và các thành viên Ban thường vụ Hiệp hội.

Thị trường bất động sản 2020 đương đầu với nhiều khó khăn

Báo cáo của VNREA về hoạt động năm 2020 có những đánh giá chung về thị trường bất động sản 2020. Theo đó, báo cáo ghi nhận trong năm 2020, những thách thức lớn từ đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng: Làm gián đoạn chuỗi cung cầu, đảo lộn các hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, nhất là công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng.

Dòng tiền bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mọi hoạt động bán hàng và mua hàng bị ngừng trệ do thực hiện các biện pháp của Chính phủ về hạn chế di chuyển, cách ly toàn xã hội, và tâm lý phòng thủ của người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Làm tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu; Làm tăng chi phí quản lý doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhiều lao động; Làm tăng khả năng doanh nghiệp bị nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động.

Mặt khác, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, Nhà nước đã xiết chặt nguồn vốn tín dụng cho vay vào lĩnh vực bất động sản. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng, quy hoạch, cấp phép… đã làm cho các dự án đầu tư xây dựng mở mới bị chững lại, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung trên thị trường, nhất là phân khúc nhà ở. Trong bối cảnh những tồn tại bất cập của văn bản quy phạm pháp luật về chính sách đất đai và thủ tục hành chính chưa được tháo gỡ kịp thời đã làm cho bức tranh toàn cảnh về thị trường bất động sản có phần chững lại.

Năm 2020 thị trường bất động sản chịu tác động kép do phải đương đầu với nhiều khó khăn trong thời gian qua và đại dịch Covid 19, nên các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đã phải nỗ lực để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.

Cung khan hiếm, cầu tăng đó là nguyên nhân chính khiến giá bất động sản tăng mạnh. Giá tăng cỡ nào là phụ thuộc sức mạnh của lực cầu tiềm ẩn trong những cơn sóng đầu tư ở từng khu vực. Tăng giá mạnh nhất và nóng nhất phải kể đến TP.HCM và các tỉnh Miền Đông Nam Bộ, khi mà ở đây đang hình thành TP. Thủ Đức và sân bay Long Thành.

Hiện tượng dự án “ma” sốt ảo trên thị trường năm qua vẫn còn xuất hiện nhưng không có dấu hiệu hình thành bong bóng bất động sản.

Sau khi dịch Covid19 cơ bản được kiểm soát, bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm. Giới phân tích cho rằng, bất động sản vẫn là một trong những kênh cất giữ tài sản tương đối an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, nhất là phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thực, vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và phát triển bền vững, thực tiễn đã chứng minh qua khủng hoảng của thị trường bất động sản các năm 2009 - 2013.

Nhìn chung, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế về lĩnh vực bất động sản, năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh nhưng chính phủ và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nhanh chóng với mục tiêu kép: vừa ổn định - phát triển kinh tế vừa khống chế thành công dịch bệnh và khắc phục bão lũ thiên tai. Năm 2020, đất nước vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô GDP tăng trưởng 2,91% là 1 trong 10 quốc gia tăng trưởng dương cao nhất thế giới. Kiềm chế được lạm phát < 4% thu, chi ổn định, cân đối. FDI vẫn chiếm tỷ lệ cao, mặc dù đã giảm 1 bậc từ thứ 2 xuống thứ 3. Xuất hiện nhiều cơ hội mới sau khi hiệp định thương mại tự do CPTPP và EVFTA có hiệu lực,...

Phản biện xã hội là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và sự trầm lắng của thị trường bất động sản 2020, Ban Thường trực và Ban Thường vụ Hiệp hội đã chỉ đạo sát sao kế hoạch hoạt động của Hiệp hội, cơ bản bám sát Nghị quyết Ban chấp hành Hiệp hội khóa IV và Nghị quyết Ban Thường vụ Hiệp hội thông qua các kỳ họp; triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch được Hội nghị Ban Thường vụ kỳ họp lần thứ IV thông qua. Ngày càng khẳng định được uy tín, vai trò, vị trí và tiếng nói của Hiệp hội trên các diễn đàn bất động sản trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, trong năm 2020, VNREA đã coi nhiệm vụ tư vấn, giám định và phản biện xã hội là nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở công văn yêu cầu đóng góp ý kiến từ các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, Hiệp hội đã tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp hội viên và có văn vản trả lời, đóng góp ý kiến kịp thời đúng thời gian.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký VNREA nhấn mạnh: "Năm 2020, VNREA đã có 22 văn bản chính thức gửi tới các Bộ ngành TW, địa phương và Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội để kiến nghị về các vấn đề bất cập trong thực thi văn bản quy phạm pháp luật, sự đan xen chồng chéo giữa các văn bản pháp luật đã ban hành và đặc biệt là kiến nghị cấp thẩm quyền tháo gỡ những vấn đề mới thực tế đã nảy sinh nhưng chưa được pháp luật điều tiết. Đặc biệt là văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ với 36 kiến nghị thuộc các lĩnh vực liên quan đến hoạt động thị trường bất động sản Việt Nam như: quy hoạch, đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, tài chính, thủ tục hành chính, quản lý phát triển đầu tư…"

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký VNREA.

Cụ thể, ngày 7/1/2020, VNREA có công văn số 06/CV-HHBĐSVN gửi VCCI về việc “Góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP”.

Ngày 16/1/2020, VNREA có công văn số 10/2020/VNREA gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc "Kiến nghị ban hành văn bản hướng dẫn chế độ sử dụng đất đối với một số loại hình bất động sản mới theo Chỉ thị 11/CT-TTg”.

Ngày 25/2/2020, VNREA đã gửi công văn phúc đáp số 13/CV-HHBĐSVN tới Bộ Xây dựng về việc cung cấp thông tin phục vụ Hội nghị trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ chủ trì nhằm “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh”.

Ngày 18/2/2020, VNREA tổ chức Hội nghị “Trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư về các chính sách của nhà nước đối với thị trường BĐS Việt Nam nhằm kiến nghị tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho thị trường BĐS Việt Nam phát triển ổn định, bền vững”.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp trực tiếp từ các doanh nghiệp và chuyên gia, kết quả khảo sát thực tiễn thị trường VNREA đã tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản thành văn bản gửi tới các Bộ, ban, ngành có liên quan. Ngày 25/2/2020 Hiệp hội đã gửi Công văn số 14/2020/VNREA.VP tới Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Bộ Xây dựng về việc đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với 36 kiến nghị cụ thể về các lĩnh vực như đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, tài chính, thuế… liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Ngày 16/3/2020, VNREA tiếp tục gửi Công văn số 21/2020/HHBĐSVN tới Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị quy định hiệu lực hồi tố đối với Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP về khống chế mức lãi vay đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Để đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua thời kỳ Covid khó khăn, ngày 24/3/2020 VNREA đã gửi Công văn số 22/2020/HHBĐVN tới Thủ tướng Chính phủ, Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính về việc Xin gia hạn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp BĐS ứng phó và vượt qua khó khăn trước đại dịch.

Và còn rất nhiều những công văn góp ý liên quan đến dự thảo của các Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư PPP, Luật Quy hoạch… Trọng điểm là ngày 2/6/2020, VNREA đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai: Những vấn đề bất cập và kiến nghị chính sách” để phân tích và kiến nghị về việc điều chỉnh chính sách liên quan đến quy định phân lô, bán nền. 

Sau hội thảo, VNREA đã tổng hợp gửi công văn số 35/2020/CV-VNREA ngày 3/6/2020 tới Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp về kiến nghị dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Kết quả Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu ý kiến của Hiệp hội, giữ nguyên hình thức phân lô bán nền như Nghị định 43/CP…

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch VNREA.

Bên cạnh việc góp ý bằng văn bản gửi tới các bộ ban ngành TW, lãnh đạo Hiệp hội cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến tại nhiều buổi Hội thảo, Diễn đàn, Hội nghị do các đơn vị khác tổ chức như: Diễn đàn Giao lưu Bất động sản Đồng bằng Sông Cửu Long lần thứ 1 năm 2020 do Hiệp hội Bất động sản TP. Cần thơ tổ chức; họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi Khoản 3, Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ - CP ngày 24/2/2017 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 6/2/2020; Diễn đàn VINA - M&A do Hội Bất động sản du lịch tổ chức ngày 24/3/2020; Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 9/5/2020;…

Ngoài ra, VNREA đã giao cho Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam - cơ quan ngôn luận của Hiệp hội - tổ chức các buổi Tọa đàm: Không gian sống trong đô thị hiện đại – Những yếu tố để an cư thời hiện đại (ngày 26/5/2020); Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid (ngày 9/6/2020); Không gian sống trong đô thị hiện đại - Bất động sản hạng sang và không gian sống thượng lưu trong đô thị (29/7/2020); Kiến tạo khu đô thị thông minh và đáng sống - Mô hình cho Việt Nam (13/11/2020). Đây là những hoạt động chính của Hiệp hội mang tính sáng tạo trong giai đoạn cách ly xã hội và kiểm soát dịch bệnh do dịch bệnh Covid-19 không thể tập trung đông người nhưng chia thành các chủ đề cụ thể, quy mô vừa, nhỏ tập trung vào các vấn đề bức xúc của thị trường bất động sản mà dư luận xã hội quan tâm.

Về công tác nghiên cứu khoa học, Hiệp hội đã chủ động chỉ đạo và bảo trợ, giao nhiệm vụ cho Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam nghiên cứu đề tài “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách” đã tập hợp được đông đảo đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế và phát triển bất động sản Việt Nam. Kết quả đề tài đã được đánh giá cao, Hiệp hội đang tổng hợp các kiến nghị chính sách gửi tới các Bộ ngành liên quan để sớm ban hành cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực bất động sản Việt Nam hướng tới phát triển bền vững.

Về quan hệ hợp tác quốc tế, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên các Hội nghị từ các Hiệp hội bạn trong khu vực và trên thế giới mà VNREA là thành viên chính thức như: Liên đoàn Bất động sản Thế giới (FIABCI), Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Hoa Kỳ (NAR), Hiệp hội Bất động sản Đông Nam Á (ARENA)… đều diễn ra qua internet bằng hình thức online Seminar (Webinar) và Hiệp hội đều cử đại diện tham dự.

Phương hướng hoạt động của năm 2021

Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch thường trực VNREA chia sẻ: "Hoan nghênh các kết quả chúng ta đạt được trong năm 2020 và hy vọng trong năm 2021 khi dịch bệnh qua đi, các thành viên Hiệp hội sẽ có những hoạt động sôi nổi trở lại".

Ông Nguyễn Văn Khôi, nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực VNREA

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch VNREA cũng chia sẻ, trong năm 2021, mong rằng các thành viên Hiệp hội sẽ có những hoạt động trong bối cảnh mới, đạt được nhiều kết quả và thành tựu to lớn hơn. Với những kết quả đạt được trong năm vừa qua có thể thấy Hiệp hội đã rất nỗ lực đồng hành cùng hội viên vượt qua khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch VNREA

Trong năm 2021, Hiệp hội tiếp tục công tác tuyên truyền phát triển hội viên theo nguyên tắc lấy chất lượng lên hàng đầu. Song song với việc phát triển hội viên, cũng đã tăng cường tính thống nhất, nâng cao chất lượng hội viên và hiệu quả hoạt động của toàn Hiệp hội. Hiệp hội cần kết nạp thêm 30 hội viên trực tiếp trong năm 2021… Kiện toàn và tổ chức Đại hội theo nhiệm kỳ của các đơn vị trực thuộc; tiến tới Đại hội nhiệm kỳ V (2021 - 2026) của VNREA dự kiến vào cuối năm 2021.

Cùng với đó, VNREA khuyến khích động viên và giao việc nhiều hơn để đội ngũ chuyên gia tư vấn, các thành viên của Hiệp hội tham gia sâu - rộng hơn vào các hoạt động của Hiệp hội, mà cụ thể là những kiến nghị về cơ chế chính sách với các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Nghiên cứu, kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ về các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động của thị trường bất động sản Việt Nam theo hướng linh hoạt, ổn định và phát triển bền vững.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện xã hội trong lĩnh vực hoạt động bất động sản, những vấn đề thực tế đã nảy sinh mà pháp luật chưa điều tiết.

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung.

Trong mối quan hệ quốc tế, VNREA sẽ thúc đẩy triển khai chương trình hợp tác với các Hiệp hội đã có mối quan hệ như: Hiệp hội Bất động sản và Môi giới Hoa Kỳ, một số Hiệp hội liên quan đến bất động sản của các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… về trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu chính sách, các quy định về các lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, huy động tài chính cho phát triển nhà ở, chính sách phát triển nhà cho thuê, nhà ở thu nhập thấp, cải tạo các chung cư cũ, mô hình phát triển nhà ở sinh thái, công tác đào tạo các kỹ năng về quản lý và kinh doanh bất động sản…

Chuẩn bị nội dung và tham gia chương trình Hợp tác quốc tế với Liên đoàn Bất động sản Quốc tế (FIABCI); tham gia các hoạt động của Liên minh Bất động sản của một số nước ASEAN (ARENA); các chương trình xúc tiến và kêu gọi đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản như các đối tác tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia…

Trong năm 2021, VNREA sẽ phối hợp tổ chức một số cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề về những vấn đề được xã hội và doanh nghiệp quan tâm. Tiếp tục vận động doanh nghiệp tham gia ủng hộ Quỹ vì người nghèo và Quỹ an sinh xã hội năm 2021. Tiếp tục rà soát cơ chế và quy chế hoạt động của Hiệp hội thành viên và Đơn vị trực thuộc phù hợp quy định pháp luật và điều lệ Hiệp hội để có phương án hoạt động tốt hơn trong các năm tới. Tổ chức đi thực tế một số địa phương để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp tại địa phương khi điều kiện cho phép.

Tổng kết lại, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh: "Năm 2020 thực sự là một năm khó khăn đối với thị trường bất động sản và các hội viên. Song VNREA vẫn đạt được những kết quả đáng chú ý về công tác hỗ trợ doanh nghiệp, kiến nghị sửa đổi các vấn đề pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản. Đặc biệt là thành lập Viện Nghiên cứu Bất động sản với 2 đề tài khoa học sẽ được công bố trong năm nay".

Cũng tại buổi tổng kết, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam đã bổ nhiệm PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội với vai trò là Phó trưởng Ban Pháp chế VNREA.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch thường trực VNREA trao quyết định bổ nhiệm cho PGS.TS. Doãn Hồng Nhung.


P.V

Bạn đang đọc bài viết VNREA tổng kết hoạt động năm 2020 và phương hướng hoạt động năm 2021 tại chuyên mục Tin tức của Công trình Xanh Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư vnrea@vnrea.vn