Tận dụng xỉ thép
Theo TS. Nguyễn Quốc Hiển, Trường Đại học Giao thông vận tải TP. HCM, hiện nước ta có hơn 30 nhà máy luyện thép đang hoạt động và nhiều nhà máy khác đang trong giai đoạn xây dựng hoặc lập dự án. Sản lượng thép ở Việt Nam năm 2007 khoảng 12 triệu tấn/năm và dự kiến sẽ đạt khoảng 18 triệu tấn/năm vào năm 2025.
Lượng xỉ thải ra từ các nhà máy thông thường chiếm từ 11% - 12% khối lượng phôi đầu vào. Như vậy, mỗi năm, lượng xỉ thải ra từ các nhà máy luyện thép trên cả nước sẽ lên đến 1 - 1,5 triệu tấn. Lượng xỉ này tương ứng với thể tích khoảng 300.000 - 500.000m3. Nếu tính toán sơ bộ, lượng xỉ này đủ để thi công một lớp móng đường có chiều dày 30cm, rộng 7,0m và dài khoảng 200km.
Xỉ thép được xem là chất thải rắn công nghiệp thông thường từ ngành công nghiệp luyện thép, nếu sử dụng công nghệ tái chế thích hợp để tạo ra các sản phẩm thay thế cho vật liệu tự nhiên thì xỉ thép chính là loại “vật liệu thân thiện với môi trường”.
Đối với những nước phát triển tại EU, Mỹ, Nhật Bản,…việc tận dụng chất thải rắn của các ngành công nghiệp đã được ứng dụng trong nhiều năm qua. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã có chủ trương ưu tiên cho việc tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải rắn, nhằm giảm thiểu khối lượng chất thải được chôn lấp, tiết kiệm kinh phí và tài nguyên đất đai.
Ứng dụng của xỉ thép
Một trong những đặc điểm vượt trội của xỉ thép so với đá là khả năng hút nước 2,5%, cao gấp 3 lần đá (0,75%); có cấu trúc tổ ong và độ rỗng cao hơn đá. Vì thế sử dụng xỉ thép làm đá sinh thái thấm nước tránh ngập lụt đô thị là rất khả thi. Các thành phần độc hại trong xỉ thép đều nhỏ và nằm trong ngưỡng cho phép vì thế có thể sử dụng xỉ thép lâu dài.
Những ứng dụng to lớn của xỉ thép vào các mục đích xây dựng, giao thông, bảo vệ môi trường đã chứng minh xỉ thép là một sản phẩm có ích, thân thiện với môi trường.
Ngày nay xỉ thép được ứng dụng trong cuộc sống rất nhiều như dùng để làm cốt liệu đổ bê tông, làm vất liệu rải đường, làm gạch block, bê tông nhẹ chưng áp, làm vật liệu xử lý nước thải…
Nếu sử dụng 1 tấn xỉ thép sẽ góp phần hạn chế khai thác 1 tấn đá, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính CO2 khoảng 281 kg. Giá thành 1 tấn cốt liệu xỉ thép chỉ bằng 2/3 so với 1 tấn đá tự nhiên, nhưng chất lượng công trình tương đương hoặc tốt hơn.
Hiện ở nước ta đã có một số đơn vụ sản xuất vật liệu xanh từ xỉ thép. Xỉ thép của vật liệu xanh có những ưu điểm vượt trội như: Giá thành thấp; Chất lượng cao, thân thiện môi trường; Cung cấp thuận tiện, nhanh chóng giúp Chủ đầu tư rút ngắn thời gian thi công; Giúp chủ đầu tư tiết kiệm chi phí; Góp phần bảo vệ môi trường.
Theo TS.Phạm Hồng Nhật, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, chúng ta không nên coi xỉ thép là chất thải mà nên xem xỉ thép là một loại nguyên liệu từ đó định hướng cho người sử dụng có cái nhìn đúng hơn về xỉ thép.
Trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, chất lượng môi trường đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tốc độ phát triển của các ngành công nghiệp và đô thị hóa, thì tái sử dụng chất thải vào sản xuất là việc cần phải thực hiện.
Lam Anh (tổng hợp)