Công tác góp ý, phản biện chính sách tích cực và hiệu quả
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch TP. Hà Nội nhìn nhận, giai đoạn từ nửa cuối năm 2022 đến năm 2024, tình hình thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng. Sự chững lại của thị trường cùng những vướng mắc về pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, quy trình thủ tục triển khai dự án… trong thời gian qua khiến các doanh nghiệp đối mặt với không ít khó khăn.
TS. Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh, thị trường bất động sản luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Sự hồi phục và phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường trên cơ sở tăng trưởng nguồn cung và cân đối về cơ cấu sản phẩm là có tác động lớn tới sự hồi phục và tăng trưởng kinh tế. Do vậy, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo việc hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý thị trường bất động sản; khơi thông điểm nghẽn để gỡ vướng cho các dự án, tăng nguồn cung cho thị trường; phát triển nhà ở đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng chính sách, người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp...
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Hiệp hội đã tích cực tham gia vào quá trình sửa đổi 4 luật là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng, được các ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành đánh giá cao.
"Các luật sửa đổi liên quan đến thị trường bất động sản đã được thông qua và có hiệu lực sớm. Kết quả này có ghi nhận nỗ lực, đóng góp của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong đó, các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội, thành viên Ban Pháp chế đã tích cực tham gia góp ý, phản biện chính sách một cách hiệu quả. Hiệp hội đã tổ chức nhiều cuộc họp để rà soát các điều khoản của luật, tìm ra những điểm còn bất hợp lý, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và thị trường để có kiến nghị, đề xuất sửa đổi, tháo gỡ phù hợp", TS. Nguyễn Văn Khôi đánh giá.
Chủ tịch VNREA cho rằng, sự đồng sức, đồng lòng, kiên trì rà soát và góp ý cho ba luật quan trọng này của Hiệp hội càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh từ nền kinh tế thế giới đã chao đảo trong đại dịch Covid-19 và đến nay, vẫn có những gam màu chưa thực sự tươi sáng, cùng với đó, là những biến động nhanh, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro trên nhiều mặt và thị trường bất động sản Việt Nam cũng khó tránh khỏi sóng gió.
"Tham gia công tác hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản là nhiệm vụ trọng tâm nhất của Hiệp hội trong 3 năm qua, đặc biệt là năm 2023 và 2024. Xin cảm ơn sự tâm huyết, trách nhiệm và sự tham gia hiệu quả của các đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội trong thời gian qua đối với công tác góp ý xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật", TS. Nguyễn Văn Khôi chia sẻ.
TS. Nguyễn Văn Khôi cho biết thêm, trong năm 2024, Hiệp hội đã tiếp tục phát huy sức mạnh của trí tuệ tập thể, tham gia vào công tác hoàn thiện hệ thống các nghị định, văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; thường xuyên họp với các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan soạn thảo.
Hiện tại, Hiệp hội cũng đang tổ chức tham gia đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu… Đây là những luật quan trọng, có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản Việt Nam.
Bám sát, song hành với sự phục hồi và phát triển của thị trường
TS. Nguyễn Văn Khôi nhín nhận, từ giữa năm 2024, cùng với những tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế thế giới và trong nước, thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực mới, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội cũng đã từng bước nỗ lực vượt qua khó khăn.
"Điều đáng mừng là thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở và bất động sản công nghiệp. Đây là bước tiến đáng ghi nhận, mở ra những triển vọng mới cho ngành trong thời gian tới", TS. Nguyễn Văn Khôi nhận định.
Liên quan đến vấn đề thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, thời gian qua Thường trực Hiệp hội đã cùng với các chuyên gia thường xuyên họp bàn với Chính phủ để tìm cách tháo gỡ; trực tiếp báo cáo với Bộ Xây dựng về giải pháp, cơ chế thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Theo TS. Nguyễn Văn Khôi, Luật Nhà ở đã có những điểm mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai nhà ở xã hội trên thực tế. Đặc biệt, kiến nghị trao quyền cho các địa phương chủ động trong việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội đã được tiếp thu trong luật mới. Trước mắt, các địa phương phải bám sát quy định, xây dựng cơ chế chính sách để thực hiện phát triển tốt phân khúc rất ý nghĩa này.
Tuy các luật đã ra đời, các thông tư hướng dẫn đã được các Bộ ban hành tương đối đầy đủ nhưng vẫn còn những khó khăn trong thời gian đầu thực thi, áp dụng luật, đặc biệt là ở các địa phương. Vì vậy, Hiệp hội cần tập hợp, ghi nhận thêm những ý kiến đóng góp để các doanh nghiệp, chủ đầu tư, môi giới được hoạt động hiệu quả trong môi trường pháp lý mới.
"Chính những ý kiến đóng góp, trí tuệ của các doanh nghiệp thành viên là nền tảng quan trọng để Hiệp hội có căn cứ tổng hợp, báo cáo kiến nghị gửi đến các cơ quan Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trong thời gian tới", TS. Nguyễn Văn Khôi khẳng định.
Bên cạnh công tác góp ý chính sách, TS. Nguyễn Văn Khôi cho biết, công tác đối ngoại của Hiệp hội đã và đang được mở rộng, tăng cường và chuyên sâu hơn. Nhờ đó, vị thế, vai trò của Hiệp hội trên thương trường quốc tế được nâng cao. Các tổ chức, đối tác mà Hiệp hội là thành viên đã ghi nhận, đánh giá hoạt động của Hiệp hội rất tốt và hiệu quả, không những đối với thị trường bất động sản Việt Nam, mà còn đóng góp nhiều kinh nghiệm cho thị trường quốc tế.
Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục thể hiện vai trò vững chắc, là một điểm tựa đáng tin cậy cho cộng đồng doanh nghiệp, nỗ lực tìm kiếm giải pháp, kiến nghị tháo gỡ những nút thắt, góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững./.
Tùng Dương